Nuôi Dạy Một Em Bé Có Tư Duy Độc Lập

Nuôi dạy con cái vốn là 1 vấn đề khó khăn. Mà dạy dỗ 1 em bé có cá tính, có tư duy độc lập thì càng khó khăn hơn.

Lần trước, mình có đăng tâm sự 1 PH chia sẻ về đứa con đặc biệt của bạn (mình để link bài bên dưới).

Hôm nay, bác H xin phép phân tích 1 số ý về em bé này:

1. Con rất ngang, mọi vấn đề con quyết như thế nào sẽ là như vậy. Con là đứa luôn biết mình muốn gì, mục tiêu mình là gì trong mọi chuyện

- Em bé này không phải “rất ngang”, nhưng đây là em bé có tư duy độc lập cao.

- Mẹ không thể dùng những lý lẽ chung chung, kiểu “ai làm sao mình làm vậy”, “trẻ con thì phải đi học chớ” với bạn nhỏ này được.

- Đứa trẻ này cần được đối thoại 1 cách tôn trọng, dùng lý lẽ logic, với đầy đủ dữ liệu và ví dụ minh hoạ thực tiễn, thì mới thuyết phục được con.

- Với em bé này “con luôn biết mình muốn gì, mục tiêu gì”, nhưng vì con vẫn còn là trẻ nít, nên không phải cái gì con muốn cũng đúng, không phải mục tiêu gì của con cũng nên được chiều theo. Mẹ cần phân tích cho con thấy đa chiều về ý muốn của con, mục tiêu của con.

- Nhưng, không nên chê ý muốn con là sai, mục tiêu con là dở; mà nên phân tích cho con thấy, để làm được những gì con muốn, để đạt được mục tiêu, con cần nên làm những gì.

- Trong 1 vài trường hợp cụ thể, cứ để con làm thử nghiệm những gì con muốn – trong phạm vi nhỏ, đơn giản, xem con có đạt được mục tiêu không. Sau đó, cho con tự học bài học thực tế.

Thử nghiệm có thể là: Con thử kinh doanh 1 thứ gì đó để kiếm tiền. Từng bước giúp con thực hiện và phân tích hiệu quả kinh doanh:

- Bán cái gì?

- Vốn cần bỏ ra bao nhiêu?

- Bán cho ai?

- Lời lãi ra sao?

- Thời gian bỏ ra bao nhiêu?

- Tiền lời so với thời gian bỏ ra là bao nhiêu/ giờ/ ngày?

- Hàng có bị tồn không? Có bị hư không? Nếu trừ hàng tồn, hàng hư, hàng lỗi => còn lời bao nhiêu?

- Khách hàng đã mua có tái mua không? Bao lâu họ mua 1 lần?

- Tìm kiếm khách hàng mới ở đâu? Để tìm khách hàng mới, có phát sinh chi phí không?

Cuối cùng, tổng kết sau 1 thời gian bán hàng, con cần kết luận:

- Phi vụ kinh doanh này có bền vững không? Hay chỉ bán 1 đợt là xong?

- Kiểm tra lại vốn liếng: lúc đầu bỏ ra bao nhiêu tiền mặt, thu về được bao nhiêu tiền mặt?

- Nếu còn tồn hàng: xử lý ntn?

Lưu ý, hàng tồn không được xem là lợi nhuận. Kinh doanh thì chỉ tính đến dòng tiền mặt, thu hồi vốn và lợi nhuận. Hàng tồn được xem là lỗ vốn.

Nếu con bỏ ra 1 tr để mua kẹo bán. Cuối cùng con thu về 800K và còn 1 đống kẹo => con vẫn lỗ nhé. Con không thể ăn hết đống kẹo đó để bù vào phần lỗ đâu.

2. Con thích 1 số nhân vật, Hitler, với 1 vị tướng gì đó. Con thích các vị tướng giỏi trong lịch sử. Con xem nhiều phim về chiến  ranh, các trận đấu trực tiếp, các chiến thuật, chiến lược.

Con thích vũ khí bác ạ, điều rất buồn là như vậy. Con biết tất cả loại súng, xe tăng. Con thích đọc sách về chiến tranh, chiến thuật các trận đấu. Con thích tìm hiểu lịch sử, rồi kinh tế kiểu toàn cầu, chiến tranh Nga, Ukraina…

- Bản chất đàn ông là sức mạnh, là chinh phục. Nên, con trai thường thích các chủ đề về chiến tranh, về vũ khí. Điều này cũng không lạ.

- Nhưng em bé nhà mình vẫn “yêu động vật và luôn bảo vệ môi trường” là tốt rồi.

- Mẹ nên cho em bé xem 1 vài bộ phim về thảm hoạ diệt chủng Holocaust, hoặc các phim về chiến tranh, để cho con thấy được những hậu quả mà các tướng độc tài, chiến tranh và vũ khí mang tới: Oppenheimer (cha đẻ bom nguyên tử), Schindler's List, The Boy in the Striped Pajamas…

- Không cần phải giải thích những lời đạo lý dài dòng, chỉ cần ngồi xem chung với con là được. Tự con sẽ cảm nhận được hậu quả thảm khốc của chiến tranh là ntn.

3. Bé thích kiếm tiền, thích làm giàu:

- Không có gì sai. Trái lại, đây là mục tiêu chính đáng.

- Nhưng cần phân tích cho con 2 ý:

  • Làm giàu cho chính mình, từ năng lực của mình là điều tốt. Nhưng càng tốt hơn nếu mình giàu có nhờ vào việc kinh doanh những thứ có giá trị, giúp người khác tốt hơn.
  • Kinh doanh những thứ mang lại giá trị thực sự cho người khác thì không phải là điều dễ dàng, không phải không cần giỏi, không cần học hành mà làm được.

Thực tế, những việc kinh doanh đơn giản như mua đi bán lại những sp thông dụng là điều ai ai cũng có thể làm được. Nhưng vì ai cũng có thể làm, nên tính cạnh tranh rất cao. Và vì vậy, nếu như SP của mình không hay, không độc đáo, không có giá trị thực sự và khác biệt, thì mình không dễ gì bán cho ai.

Ngược lại, bán 1 thứ gì đó hay ho, có giá trị, mang lại lợi ích thật sự cho người khác, thì mới thành công bền vững. Mà muốn làm được điều này, 1 người bỏ học, ít học, khó có thể làm được.

Lấy ví dụ cụ thể, bác H sẽ hỏi con về “ước mơ mở 1 cửa hàng máy tính kiểu tự lắp ráp các máy tính theo yêu cầu khách hàng, nhập khẩu linh kiện về” của con:

- Những máy tính lắp ráp theo yêu cầu này, có thực sự khác biệt với những loại máy tính có sẵn trên thị trường? Nếu có, đó là khác biệt gì?

- Máy tính lắp ráp theo yêu cầu này, liệu có tạo ra giá trị đáng kể nào? Nếu có, là giá trị gì?

- Giá cả giữa máy tính lắp ráp với máy tính sẵn có: rẻ hơn hay đắt hơn? Nếu đắt hơn là đắt hơn bao nhiêu? Liệu người mua có sẵn lòng trả đắt hơn để mua lấy giá trị khác biệt đó?

- Giữa máy tính lắp ráp sẵn (của chính hãng) với máy tính tự lắp ráp (của mình) thì chất lượng có tương đồng không? Tỉ lệ phát sinh lỗi như thế nào?

- Trong trường hợp khách hàng mua máy tính lắp ráp sẵn (của chính hãng) với máy tính tự lắp ráp (của con), chế độ bảo hành ra sao?

Và còn vô cùng nhiều các câu hỏi khác nữa, về mặt kỹ thuật.

Dĩ nhiên, 1 em bé còn đang đi học thì không thể trả lời các câu hỏi khó này. Các con cần phải học nữa, học xong lớp 12, rồi vào ĐH, rồi học ngành Computer (phần cứng), rồi học thêm ngành Business nữa, (chưa kể phải đi làm vài năm để học hỏi thực tế) thì mới kinh doanh thành công “SP máy tính tự lắp ráp theo yêu cầu khách hàng”.

Tóm lại, muốn thành công ở công việc gì, thì con cũng phải học. Con học 1, rồi mới học đến 2, rồi học khó dần lên. Cứ thế, con cần phải học từ những thứ đơn giản (mà con gọi là vớ vẩn), rồi mới đến học những thứ khó hơn, chuyên sâu hơn. Khi chưa nắm bắt được những điều đơn giản, thì mình không thể làm tốt những thứ phức tạp được.

4. Có hôm con ngồi khóc trên lớp hoặc cuối giờ vì không thích đi học ạ. Con không tìm được động lực cho việc học trên lớp.

- Con không thích đi học, thì mình sẽ tìm các ý để thuyết phục con. Nhưng việc con khóc trên lớp vì phải đi học là 1 dấu hiệu không tốt => Cần đưa con đi chuyên gia tâm lý để tìm hiểu thêm các vấn đề ẩn bên dưới.

- Nếu con thật sự không thích đến lớp, mình có thể đưa cho con vài lựa chọn:

  • Chuyển trường: tìm 1 trường học nhẹ hơn, linh động hơn, không bắt con phải học những thứ con không thích.
  • Cho con homeschool ở nhà: con sẽ tự học những thứ con thích. Lúc này, con có thể học theo lộ trình cá nhân hoá, phù hợp với tố chất và thiên hướng của bản thân con.

Tuy nhiên, các option trên chỉ nên áp dụng sau cùng, khi mình không còn cách khác tốt hơn, hoặc sau khi tham khảo với chuyên gia tâm lý. Cần đánh giá đúng vấn đề: con đi học (nhưng con khóc vì 1 vài nguyên nhân nào đó) và con ở nhà tự học homeschool - giải pháp nào thực sự tốt cho con: cha mẹ phải thực sự cởi mở đầu óc để chọn cho em bé.

Nếu bé không thích đi học chỉ vì không có động lực, bác H đề nghị mẹ trò chuyện thêm với con:

- Con thích làm kinh doanh, thì có nghĩa là con sẽ bán hàng cho người khác. “Con đi trại hè ở Đức 1 tháng về, con tự kinh doanh bán kẹo socola cho các bạn trong trại để kiếm tiền. Và đi về hỏi thích gì nhất thì bảo thích kiếm được tiền”. Rõ ràng là nhờ vào việc con tiếp xúc với các bạn trong trại hè thì con mới bán được kẹo socola đó.

- Làm kinh doanh, tức là bán hàng. Mà đã bán thì phải có “người mua”. Càng có nhiều người mua thì bán hàng mới có doanh số. Khi bán hàng, con phải tiếp xúc với “người mua” chớ.

- Con càng tiếp xúc với nhiều người, thì con càng có nhiều mối quan hệ tốt để bán hàng. Con càng tiếp xúc với con người, con càng hiểu nhu cầu của họ.

- Nghề kinh doanh đặc biệt hơn những nghề khác ở chổ là cần phải có sự giao tiếp xã hội rất tốt. Bất cứ ai con gặp, con đều nên tạo mối quan hệ tốt. Số lượng những người con gặp, tiếp xúc và gieo thiện cảm, sẽ tạo ra 1 chuỗi tiềm năng trong tương lai cho việc kinh doanh của con.

- Nói tóm lại, muốn thành công trong kinh doanh, thì con không thể tránh né việc giao tiếp xã hội. Nếu, ngay từ nhỏ, con còn đi học, mà con không chịu đến lớp để giao tiếp với bạn bè, để kết thân. Thì lớn lên, khi làm kinh doanh, con giao tiếp với người lạ như thế nào?

5. Con xem rất nhiều youtube từ các chuyên gia về các lĩnh vực khoa học, lịch sử, máy tính, tâm lý. Mọi vấn đề con muốn biết con đều tự nghe từ các chuyên gia quốc tế, con có thể nghe cả ngày họ nói được, nhưng em hiểu con không thu được là bao như bác đã nêu, mỗi clip nghe chỉ thu được 30%.

- Con xem nhiều là điều tốt. Nhưng mẹ cần chọn lọc và định hướng những thứ con xem. Hiện nay, mxh cũng rất là nguy hiểm. Trẻ nhỏ có thể vô tình xem những clip, hoặc join vào những group cực đoan, có thể làm ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ.

- Để có thể định hướng cho con, mẹ cần biết 1 số sở thích của con. Rồi mẹ search ra những kênh chất lượng cho con.

- Quan trọng hơn, là mẹ cùng xem với con. Cùng thảo luận với con về những gì vừa xem.

- Vừa giúp con hiểu thấu đáo (vì hiện tại con chỉ hiểu 30%) và vừa giúp con hiểu đúng bản chất vấn đề, giúp con hình thành nhận thức và nhân sinh quan đúng đắn.

 


Nov 06, 2024

3 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email