Bài 2: Có Nên Nuôi Dạy Con Theo Phong Cách Tự Do?

Gần đây, chúng ta thường nghe các triết lý giáo dục mang tính cách tân, đổi mới; cổ vũ cho tinh thần “giáo dục tự do”, mà các cha mẹ, vốn tự cho mình thuộc nhóm “tiến bộ”, thường nói rằng:

- Em hoàn toàn tôn trọng con, con thích học gì, hoặc không thích học gì, em đều tôn trọng.

- Em không thích ép con, con không thích học thì thôi. Đời của con mà.

- Em để con tự tìm hiểu, tự con quyết định.

Khi mình hỏi sâu hơn về triết lý “giáo dục tự do” này, thì mình mới hiểu, các phụ huynh thường nghĩ rằng “Áp lực học hành nặng nề, ép buộc học hành thô bạo sẽ triệt tiêu sự sáng tạo của con, làm con thụ động, biến con thành đứa nhỏ học hành khờ người, trở thành gà công nghiệp…; nên họ chọn giáo dục tự nhiên và tự do hoàn toàn”.

Đây là một tư duy “nhị nguyên”, khiến cho phụ huynh chỉ thấy được hai cực đối lập, mà không hiểu rằng, trẻ con không nên bị ép buộc, nhưng trẻ con rất cần được cha mẹ định hướng, hướng dẫn và đồng hành cùng con.

Có một người mẹ tìm đến tận nhà mình, tâm sự cả một buổi chiều. Chồng bạn ấy cũng từng là một hình mẫu tiêu biểu dạy con theo kiểu “tự do”. Con gái của bạn không thích học tiếng Anh, anh ấy không ép.

Lên đến đại học, con không thể đi du học, dù gia đình rất có điều kiện. Rồi con lại tự quyết định chọn học ngành Luật và đang bước vào năm 3. Nhưng, càng học, con càng thấy nhiều điều không phù hợp. Gia đình vẫn khuyến khích con hoàn thành đại học.

Song song đó, người mẹ tìm đến mình để nhờ mình tư vấn chọn một ngành học khác phù hợp hơn. Bốn năm đại học Luật là một bài học đắt giá cho chính cha mẹ; mà cuối cùng, người cha đã ngấm ngầm thừa nhận anh đã sai, để từ đó, vợ chồng anh chị sửa sai cho con trai nhỏ của mình.

Với cô con gái học Cử nhân ngành Luật trên, mình không chắc có bao nhiêu % xác suất sau khi tốt nghiệp cô sinh viên ấy lại tiếp tục theo đuổi con đường học tập; để vào học tiếp trong ít nhất 4 năm đại học nữa.

Mình cũng không chắc cô gái có đủ kiến thức cần có và tố chất phù hợp để theo đuổi ngành cô chọn kế tiếp hay không. Mình không chắc cơ hội học tập tại các trường đại học tốt có mở ra cho cô không, hay cô bé ấy lại “chọn đại, học đại” ở những trường đại học kém chất lượng, mở ra như nấm mọc sau mưa, nơi mà học sinh chưa tốt nghiệp trung học đã vội vã gởi thư “chúc mừng em trúng tuyển”, nơi mà chỉ cần đóng học phí là vào học và tốt nghiệp.

-------------------------------------------------------------

Theo “chẩn đoán” của Tiến sĩ Bác sĩ Leonard Sax (Mỹ) trong cuốn “Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ”: Trong ba thập kỷ qua đã có sự chuyển giao quyền lực mạnh mẽ từ phụ huynh sang con cái.

Cùng với sự chuyển giao quyền lực này là sự thay đổi trong việc đánh giá ý kiến và lựa chọn của con cái. Trong nhiều gia đình, những gì trẻ nghĩ, những gì trẻ thích và những gì trẻ muốn cũng “nặng ký” ngang bằng, hoặc hơn, những gì phụ huynh nghĩ, thích và muốn. “Để con cái tự quyết định” đã trở thành phương châm của việc làm cha mẹ tốt. Tôi sẽ cho thấy, những thay đổi với dụng ý tốt đẹp này thực sự đã làm hại con trẻ”.

Xuyên suốt trong cuốn sách, ông cho rằng, ngày nay, bố mẹ đã trao quyền cho trẻ con tự quyết quá nhiều, nhưng năng lực và đạo đức của học sinh lại tỉ lệ nghịch với sự tự do ngày càng lớn.

Đưa cho một đứa trẻ quyền tự quyết cho những việc quan trọng như học hành, sức khoẻ, an toàn bản thân… là một hành động dễ dãi, có thể tạo ra những mặt tích cực nhất thời, nhưng tiềm ẩn những nguy cơ lâu dài.

- Con thích ăn ngọt, con có tâm hồn ăn uống. Cha mẹ chiều con. Kết quả là thừa cân, béo phì.

- Con thích xem chơi game, thích tiktok, xem truyện ngôn tình; với lý do “con cũng cần giải trí”. Kết quả là con sa đà vào các thú vui vô bổ.

- Con không thích môn Toán, con ghét học môn Văn; hoặc con không thích học thầy này, con ghét làm bài tập dự án nọ. Kết quả là con tụt hậu trong học tập, vì mình không thể thay đổi giáo viên, không thể bỏ môn học đó, cũng không thể bỏ bê bài tập được giao và không cần thi cử.

Mình thường hay nói với con “Ở đời, có rất nhiều việc mình không thích làm. Đâu có ai thích đi làm cả ngày mệt mỏi, áp lực. Ai mà chẳng thích ở nhà xem tivi, ăn ngon, đi shopping, rong chơi du lịch. Nhưng, chúng ta không thể chỉ làm điều mình thích. Có những thứ mình không thích, nhưng vì nó cần thiết, nên vẫn phải làm. Và khi mình làm, mình nên làm cho đủ tốt.

Cuộc đời này, nếu con chỉ chạy theo những thứ mình thích; sẽ có lúc, con không có tiền để mua những thứ mình cần”.

----------------------------------------------------------

Cách đây 1 năm, có một trường hợp mình đã nhận tư vấn 1-1 mà mình nhớ hoài. Con là một cô gái học rất giỏi. Gia đình con có truyền thống làm ngành Y, cha mẹ đều là bác sĩ. Có lẽ, là người có tư duy cởi mở, họ cho con gái toàn quyền quyết định chọn ngành, chọn trường mà con muốn.

Cô con gái này học rất tốt tất cả các môn, từ Toán Hoá Sinh, đến các môn xã hội. Nhưng, vì thấy cha mẹ làm nghề Y cực quá, nên cô không theo đuổi ngành Khoa học Sức khoẻ. Nhìn qua nhìn lại, cô chọn vào học trường ĐH Ngoại Thương – là một ngôi trường nổi tiếng.

Khi cô học xong, ra trường, đi tìm việc làm. Lúc đó, cô mới hoang mang, không biết phải làm gì. Thế là, một phụ huynh trong gia đình (là cô ruột) mới giới thiệu mình, để mình làm việc trực tiếp với cô cháu gái.

Mình hỏi:

- Tại sao con chọn trường ĐH Ngoại Thương?

- Tại vì con thấy trường đó nổi tiếng. Nếu con không học Y, thì ngoài trường đó ra, con biết chọn trường nào nữa.

- 4 năm học ở trường đó, đã dạy cho con những kiến thức gì?

- Dạ con học ngành kinh tế ngoại thương, con được dạy thương mại và kinh tế đối ngoại, rồi tiếng Anh kinh doanh nữa ạ.

- Rồi tại sao con không chọn theo ngành đó?

- Dạ tại vì kiến thức kinh tế đối ngoại rất vĩ mô, mà thực tế không có công ty nào tuyển dụng các vị trí đó. Con xin mãi thì được nhận vào cty xuất nhập khẩu, nhưng cũng chỉ là 1 nhân viên xuất nhập khẩu thôi cô à.

- Vậy thì cũng có liên quan đến ngành con học đó, sao con không tiếp tục làm ở vị trí đó?

- Dạ vì làm xuất nhập khẩu, phải ra ngoài cảng, trời nắng nóng rất cực, con làm không nổi; mà lương cũng khá thấp cô ạ. Chưa kể, lúc vào cty con mới biết, nếu chỉ để làm công việc XNK này, thì chỉ cần được mấy anh chị trong cty hướng dẫn từ 2 tuần đến 2 tháng là đã đủ nắm bắt các quy trình, thủ tục XNK rồi ạ. Đâu có cần phải học 4 năm cô à. Con nghĩ lại con thấy tiếc thời gian quá.

2 cô cháu ngồi thở dài, nhìn nhau qua zoom. Mình lúc đó, cảm thấy vô cùng đáng tiếc cho 1 cô gái xinh đẹp, thông minh, học giỏi; nhưng đã bỏ lỡ mất 4 năm. Mình hỏi tiếp:

- Ngành học kinh tế thì kiến thức rất vĩ mô, mà ngành quản trị kinh doanh thì toàn lý thuyết. Nhưng nếu đã học rồi, sao con không chọn những vị trí trong mảng kinh doanh mà làm, đâu có nhất thiết phải vào cty XNK?

- Dạ con không thích làm kinh doanh, con không thích bán hàng. Con không thể làm NV Sales được ạ.

Đến đây, mình hiểu rồi. Rồi mình cho bé làm vài bài test. Sau khi phân tích kết quả bài test, 2 cô cháu đã hiểu rằng, con thuộc nhóm Nghiên cứu, có khả năng học thuật cao, học cái gì cũng giỏi. Ngược lại, con không thuộc nhóm Kinh doanh, con không “nói hay như hát”, con không thể “dùng 3 tấc lưỡi” để bán hàng. Con không thể suốt ngày tính toán việc lời lỗ. Con cũng không chịu nổi áp lực doanh số. Con mãi mãi không thể trụ được trong ngành kinh doanh.

Vậy, quay lại, con sẽ chọn con đường nào?

- Con chấp nhận học lại ĐH từ đầu.

- Tốt. Trong các môn, con thích môn nào nhất?

- Dạ con thích môn Sinh.

- Vậy sao con không chọn ngành Khoa học Sức khoẻ?

- Dạ tại con thấy bố mẹ làm bác sĩ cực quá, áp lực nữa, con không thích.

- Ngành Khoa học sức khoẻ rộng lắm, không phải chỉ có Bác sĩ. Con có thể du học ngành Y Tá. Ngành này cả thế giới đều cần. Bất kể con học ở Mỹ, Úc, Nhật hay Châu Âu, con đều có thể định cư sau khi học.

- Dạ con không thích làm Y Tá (cũng đúng, làm Bác sĩ con còn không thích mà)

- Vậy con có thể theo đuổi ngành Y Sinh, hoặc công nghệ Sinh học nha. Tuy nhiên, các ngành thiên về môn Sinh thường khó có cơ hội việc làm cho bậc Cử Nhân. Ngoài ngành Kỹ thuật Y Sinh với các cơ hội việc làm trong mảng thiết bị y tế, các ngành thuộc nhóm Sinh học thường phải học lên cao, học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ thì mới có cơ hội nghề nghiệp tốt.

- Con đã mất 4 năm học ĐH rồi. Con không thể học tiếp 8 – 10 năm nữa… Con sẽ suy nghĩ thêm.

Một thời gian sau, cô gái nhắn tin cho mình, báo:

- Con đã apply học bổng Nhật Bản, học ngành Sinh học.

- Ồ, chúc mừng con. Nhưng học ở Nhật thì con học bằng TA hay tiếng Nhật?

- Dạ con học bằng tiếng Nhật. Con cũng học tốt tiếng Nhật và có đủ chứng chỉ tiếng Nhật đạt yêu cầu để được học bổng cô ạ.

Mình thật lòng chúc mừng cô gái ấy. Trước mắt, con đã chọn được 1 ngành học yêu thích của con, phù hợp với tố chất của con; và con cũng may mắn để kịp thời nắm bắt 1 cơ hội học bổng ở đất nước mặt trời mọc. Hy vọng rằng, khi mà mọi thứ đã vào đường ray, đúng khớp, đúng nhịp; thì sự nghiệp học hành và cuộc đời của con sẽ bước qua chương mới, sáng sủa hơn, thành công hơn.

---

Đây là một trong những ca hiếm hoi, mà cô gái này, vẫn còn kịp chộp lấy cơ hội cho mình. Nhưng, ở nhiều trường hợp khác, mình thấy kết thúc là sự buồn nản, thất vọng và bỏ cuộc.

Để cho con cái tự do lựa chọn, mà không có sự tham gia của phụ huynh: tìm hiểu cặn kẽ, kiểm chứng thông tin, quan sát thực tế, phân tích thiệt hơn và thảo luận thấu đáo; thì làm sao đứa trẻ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn được?

Giáo dục “tự do” kiểu này đã khiến con cái mất đi bao nhiêu cơ hội, lãng phí bao nhiêu thời gian, và làm mất đi bao nhiêu nhiệt huyết của thời tuổi trẻ? Chưa kể, sự tự do quá trớn có khuynh hướng đưa con sa vào những lựa chọn dễ dãi, nông nổi, sai lầm, lạc lối; mà có khi phải trả giá rất đắt.

Có những sai lầm phải trả giá rất đắt.

Có những sai lầm không thể sửa chữa được.

Có những sai lầm phải trả giá suốt đời.

Mình đã từng đọc 1 nghiên cứu trên 1 tờ báo uy tín nước Anh, nghiên cứu nói rằng: giai đoạn 10 năm từ 18 – 28 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất đời người. Trong giai đoạn này:

- Nếu 1 người có những sự lựa chọn đúng, hướng đi đúng, quyết định đúng; thì cuộc đời còn lại của người đó sẽ rất thuận lợi và phát triển tốt đẹp.

- Ngược lại, nếu ai đã có những quyết định sai lầm, va vấp và thất bại mà không kịp khắc phục được trong giai đoạn này; thì cuộc đời họ về sau sẽ rất khó khăn và vất vả.

Dĩ nhiên, tuổi trẻ vốn bồng bột, nên việc chọn sai và thất bại là lẽ thường. Nhưng, trong vòng 10 năm quý giá đó, bạn trẻ cần nhận thức được sai lầm và sửa sai kịp thời.

Nếu lỡ sai lầm mất đi 4 năm, thì con vẫn còn 6 năm để khắc phục. Lúc đó, sự lựa chọn lần 2 sẽ là cơ hội cứu vớt cuối cùng. Nếu con lại tiếp tục học hành lỡ dỡ ở lần thứ 2, thì xem như tương lai phía trước của con sẽ trở nên mông lung, vô định.

Trong giai đoạn 10 năm quan trọng đó, con chỉ có 2 lần x 4 năm đại học. Lỡ chọn sai lần 1, thì xem như đã mất đi 50% cơ hội.

Nghiên cứu này đưa ra thống kê trên số đông, có nghĩa là vẫn có 1 tỉ lệ % hiếm hoi có thể vượt qua nghịch cảnh và thành công ở lứa tuổi muộn màng.

Nhưng, liệu con mình có rơi vào nhóm hiếm quý đó không?

Mà nói cho cùng, bạn có muốn con mình thành công muộn màng và vất vả như vậy không?

----------------------------------------------------------

Tự do là một món quà rất quý giá.

Khi trao tặng tự do cho con, hãy đồng thời hướng dẫn con “cách sử dụng” đúng đắn.

Cho con tự do, tự quyết hoàn toàn; có khi nào bạn nghĩ:

- Mình trao cho con món quà quý giá vậy đó, nhưng mà con xài nó vô cùng tuỳ tiện?

- Mình trao cho con món quà quý giá vậy đó, nhưng sau này, con trách ngược lại mình?

- Tại sao mình trao cho con món quà quý giá vậy đó, mà đổi lại, con chỉ nhận được toàn sai lầm, thất bại?

Mình e rằng, cho đến lúc bạn ngộ ra vấn đề, thì không còn kịp để giúp con nữa rồi.

FREEDOM IS NOT FREE

Cái giá của TỰ DO không hề rẻ.

TEXVN Tham Khảo Từ Nguồn Học Thật Thi Thật

 


Phạm Hương - Aug 06, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email