Bài 3: Dạy Dỗ Kiểu Nào Giúp Con Thành Công?

Theo công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học phát triển Diana Baumrind và các nhà nghiên cứu Eleanor Maccboy và John Martin, trường đại học Stanford; có bốn phương pháp nuôi dạy con: Dễ dãi (Permissive), Quyết đoán (Authoritative), Độc đoán (Authoritarian) và Thờ ơ (Uninvolved).

Trong đó, ta thấy mẫu phụ huynh dạy con theo quan điểm “tự do” thì có các đặc điểm gần nhất với phương pháp dạy con kiểu Dễ dãi.

PHONG CÁCH NUÔI DẠY CON KIỂU DỄ DÃI

  • Cha mẹ thường đáp ứng yêu cầu của con cái.
  • Cha mẹ đòi hỏi và yêu cầu con cái thấp.
  • Giao tiếp cởi mở với con và thường để con cái tự quyết định thay vì đưa ra định hướng
  • Hiếm khi đặt ra các quy tắc và kỳ vọng cho con. Đôi khi cũng có đưa yêu cầu, mà con không làm được thì cũng không sao.
  • Luôn nỗ lực về cả thời gian và chi phí để khiến con được vui vẻ.
  • Nghĩ rằng con mình có thể học tập tốt nếu cha mẹ không can thiệp vào việc của con.

Các cha mẹ dễ dãi thường “đóng vai hiền”, thích là một người bạn của con, hơn là “đóng vai ác”. Cha mẹ dễ dãi có xu hướng tránh xung đột với con và thường “thôi kệ” bỏ qua khi con có lỗi, mà không giúp con học được bài học đáng nhớ, hoặc không để con phải trả giá cho sai lầm. Họ cũng dễ dàng thoả hiệp khi con có ý muốn khác biệt. Các cha mẹ này thường cho phép con cái làm những điều trẻ muốn và ít khi định hướng cho con.

Theo các chuyên gia, phong cách nuôi dạy Dễ dãi thường cho kết quả là những đứa trẻ ít hạnh phúc, khó tự điều chỉnh bản thân và thường biểu hiện kém ở trường học. Có thể do lúc nhỏ con được tự do, thoải mái quá, nên khi ra đời, con sẽ gặp khó khăn, ít thấy hạnh phúc vì không ai theo ý mình.

Tuy vậy, việc giáo dục con tự do, với sự thả lỏng thoải mái có mặt tích cực là con sẽ luôn vui vẻ và hạnh phúc khi còn nhỏ. Nhưng sự phát triển của trẻ sẽ có yếu tố may rủi, phụ thuộc vào nhiều biến số từ môi trường chung quanh, mà cha mẹ không lường hết được.

Nếu bạn bè rủ rê chơi đùa mãi miết, mà cha mẹ cũng cho rằng “chơi cũng là học mà, chơi rất tốt cho trẻ nhỏ”. Rồi cứ thế mà chơi thả ga, thì việc đọc sách, học hành càng giảm.

Nếu con ở nhà với ông bà, được xem tivi cả ngày, rồi cho chơi game để “đỡ vướng tay vướng chân ông bà”, thì việc học hành nghiêm túc ngày càng khó.

Phong cách nuôi con kiểu Dễ dãi cũng có thể tuỳ theo hên xui, theo ảnh hưởng ngẫu nhiên của môi trường mà cho kết quả tốt. Con có thể vì vô tình ngồi chung bàn với một bạn học giỏi, chơi thân với bạn học giỏi; và cứ thế con học giỏi theo. Hoặc con trẻ có thời gian gần gũi với ông bà nhiều, được ông bà kể chuyện, đọc sách cho nghe nhiều; thì con có khuynh hướng trở nên yêu thích sách vở, học hành.

Nhưng, làm cha mẹ, chúng ta không nên đặt tương lai con vào may rủi. Nếu muốn con học giỏi, hoặc muốn con đi du học, hoặc muốn con trở thành công dân toàn cầu, hoặc mong muốn con trở thành một người có năng lực cao, bản lĩnh, có thể sống thành công ở bất cứ đâu; thì bạn nên chủ động định hướng và đồng hành cùng con. Hãy chọn phong cách dạy con kiểu Quyết đoán.

PHONG CÁCH NUÔI DẠY CON KIỂU QUYẾT ĐOÁN

Cha mẹ kiểu Quyết đoán đưa ra nguyên tắc và đường lối để con cái tuân theo. Nhưng các nguyên tắc này được thiết lập dựa trên nền tảng trao đổi, giải thích và đồng thuận giữa con cái và cha mẹ. Từ đó, cả bố mẹ và con cái đều phải tuân thủ.

Tuy cha mẹ Quyết đoán đưa ra yêu cầu, đòi hỏi khá nhiều ở con cái; nhưng họ cũng luôn lắng nghe, phản hồi kịp thời và hỗ trợ thỏa đáng cho con.

Mặc dù cha mẹ có kỳ vọng cao về con, nhưng khi trẻ không làm được, hoặc phạm lỗi; những bậc cha mẹ này sẽ dạy dỗ và tha thứ cho con; nhiều hơn là trừng phạt.

Nhà tâm lý học Diana Baumrind cho rằng các cha mẹ này “giám sát và truyền đạt một cách rõ ràng các tiêu chuẩn hành vi mà con cái cần tuân theo. Họ quyết đoán nhưng không xâm phạm và hạn chế trẻ. Họ hỗ trợ thay vì trừng phạt. Họ muốn con cái mình là người quyết đoán và có trách nhiệm với xã hội, biết tự chỉnh đốn bản thân và hợp tác với người khác”.

Sự kết hợp giữa kỳ vọng và hỗ trợ của cha mẹ sẽ giúp con cái phát triển các kỹ năng độc lập, tự chủ và tự điều chỉnh bản thân - một điều quan trọng giúp con hoà nhập tốt với môi trường xung quanh và bước vào xã hội thành công, ở từng giai đoạn khác nhau trong cuộc đời.

Cốt lõi của phong cách dạy con Quyết đoán là cha mẹ đưa ra kỳ vọng về con, nhưng đồng thời cha mẹ cũng rất hỗ trợ con, để giúp con đạt được các mục tiêu mà bố mẹ và con cùng kỳ vọng.

Đây được xem là một “công thức” hoàn hảo, không chỉ trong việc nuôi dạy con cái, mà còn được áp dụng trong việc huấn luyện và phát triển nhân viên ở các tổ chức, công ty.

Nếu bạn đã đi làm ở một môi trường chuyên nghiệp, bạn sẽ có trải nghiệm rất rõ về điều này. Thông thường, các sếp sẽ đặt ra mục tiêu năm, quý và tháng cho các nhân viên, các bộ phận (mục tiêu này cũng tương đương như kỳ vọng của cha mẹ với con cái).

Thông thường, mục tiêu năm nay luôn cao hơn năm trước, luôn có độ rướn và nhân viên cần phải nỗ lực mới đạt được.

Nhưng, tương ứng với các mục tiêu đó, các sếp luôn cung cấp nguồn lực hỗ trợ để nhân viên hoàn thành chỉ tiêu, bằng nhiều cách:

- Huấn luyện kỹ năng/ kiến thức: cần năng lực cao hơn để chinh phục mục tiêu cao hơn

- Cung cấp ngân sách để thực hiện: nếu ít tiền đầu tư thì đừng kỳ vọng quá cao

- Cung cấp công cụ cần thiết để triển khai: ra trận chiến thì cần có vũ khí, chớ làm sao tay không bắt giặc cho được

- Mời đơn vị tư vấn, chuyên gia để hỗ trợ: nhiều mặt trận quá mới mẻ, nhiều đối thủ quá lớn mạnh, nên cta cần phải có người tư vấn, hoặc mentor

- Đưa ra chính sách thưởng hấp dẫn, đủ để tạo động lực cho nhân viên: nếu không có đủ động lực, thì không ai có thể gặt hái được bất cứ thành tựu nào

Có nghĩa là, khi cta đưa ra bất kỳ mục tiêu nào, cta cần đồng thời hỗ trợ nhân viên để cả team hoàn thành được mục tiêu chung. Nếu sếp nào hỗ trợ tốt, thì có khi team vượt hơn mục tiêu đề ra.

Tương tự, khi cha mẹ giao mục tiêu cho con, mình cần hỗ trợ con nhiều thứ: tìm cho con bộ sách hay, chương trình học hay, giáo viên nào dạy hay, giúp con ôn bài, giúp con thảo luận, đề xuất ý tưởng cho dự án của con; theo dõi việc học hành của con, khuyến khích con, động viên con.

Nói chung, đó là cách thức mà xã hội đang thực hiện, để phấn đấu và phát triển, ở mỗi tổ chức và ở mỗi gia đình.

PHONG CÁCH NUÔI DẠY CON KIỂU ĐỘC ĐOÁN

Nghe đến hai từ “độc đoán” thì mình hiểu nó là độc hại rồi, và chúng ta cần tránh xa nó. Nhưng, trước hết, mình cần hiểu nó là gì, để lỡ như, mình có bị mắc dính vào lỗi nào của phong cách này, thì mình hãy sửa đổi bản thân.

- Cha mẹ dạy con kiểu Độc đoán, thì rất hay dùng mệnh lệnh cho con, mà không cần giải thích. Con cái cần phải biết nghe lời, chớ không được phép hỏi ngược lại. Nếu con cái dám mở miệng nói lại - mà theo ngôn ngữ hiện đại, gọi là phản biện - thì ngay lập tức bị xem là hỗn hào, vô lễ.

- Cha mẹ kiểu này thường rất thích sử dụng các câu ngạn ngữ “Cá không ăn muối cá ươn”, hoặc “Trứng mà đòi khôn hơn vịt”.

- Phong cách nuôi dạy con kiểu Độc đoán, nếu bị đẩy đi quá trớn, có thể trở thành cha mẹ độc hại (toxic).

- Cha mẹ độc hại thường thao túng tâm lý con, áp đặt con, ép buộc con làm theo ý họ. Từ việc bắt con chọn môn học, đến việc bắt con phải chia tay bạn gái mà họ không vừa ý, hoặc con phải kết hôn với người mà họ chọn.

- Nếu con cái không nghe lời, họ có thể sử dụng các hành vi bạo lực tinh thần, như: mắng mỏ, sỉ vả, cay nghiệt, mĩa mai; hoặc sử dụng đòn roi, đánh đập, bỏ đói, bỏ rơi về tinh thần. Việc sử dụng bạo lực thường được họ nguỵ biện và hợp thức hoá bằng câu “Thương cho roi cho vọt”.

- Khi con cái thành công, thì cha mẹ độc đoán cho rằng đó là công lao của họ. Mà khi con cái thất bại, thì tất nhiên là lỗi hoàn toàn của con mà thôi. Nói chung, cha mẹ độc đoán nói gì cũng đúng, cấm có cãi.

- Khi đứa con đủ trưởng thành, khi con đủ lớn, mà cha mẹ độc hại không thể dùng bạo lực tinh thần và vũ lực để rút vào con như thuở nhỏ được nữa, thì họ sẽ tìm cách thức khác, tinh vi hơn, độc hại hơn để tạo áp lực lên con. Thay vì mắng chưởi con, thì họ sẽ than phân trách phận, tự trách bản thân vô dụng, không biết dạy con, để con trở nên bất hiếu. Thay vì đánh con, thì họ tự huỷ hoại bản thân họ, bằng cách bỏ ăn, nhịn uống, doạ tự tử. Thay vì đánh đuổi con ra khỏi nhà, thì họ hăm doạ bỏ nhà đi, hoặc đi tu, hoặc từ con suốt đời.

Trong bài viết “Dùng đòn roi dạy con thành tiến sĩ” đăng trên báo VNExpress, ngày 5/12/2022, tác giả - là người có cha độc hại, dùng đòn roi bạo lực để giáo dục con - đã chia sẻ: “Bố tôi luôn tự hào vì nhờ đòn roi hà khắc mà hai con đều thành đạt, xã hội kính nể, nhưng chúng tôi chỉ thấy hai từ “bất hạnh”.

Tôi có bằng Thạc sĩ và ở lại Mỹ, đi làm nghề hot của xã hội, đạt được vị trí tốt, lương cao. Em trai tôi cũng lấy được ba, bốn bằng cấp, cao nhất là Tiến sĩ, cũng ở lại nước ngoài và có vị trí cao.

Nhưng thực tế trớ trêu, cuộc đời của cả hai chị em tôi đều gói gọn trong hai từ "bất hạnh". Giờ đây chúng tôi đều đang phải chống chọi với chứng bệnh trầm cảm lâu năm. Tôi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu. Em tôi bị nặng hơn, do bị lâu rồi nên chữa trị phức tạp và khó khăn hơn nhiều.

Căn bệnh này có lẽ người trong cuộc hay ai từng trải qua mới hiểu được, nhiều lúc cảm giác sống không bằng chết. Hai chị em chúng tôi đang cố dìu nhau qua tháng năm như hai đứa trẻ cố cứu nhau khỏi chết đuối. Nếu được làm lại và hỏi chúng tôi có ước muốn được sinh ra hay không thì có lẽ câu trả lời là "không". (Hết trích).

Có người cha người mẹ độc đoán đến mức độc hại như trên là một bất hạnh của bất cứ ai. Tuy kiểu dạy con này có thể tạo ra những đứa con ngoan ngoãn, thậm chí là có năng lực; nhưng những người này thường thiếu tự tin, có mức độ thấp về hạnh phúc và năng lực xã hội.

Một số trường hợp con cái của cha mẹ độc hại, họ khó mở lòng, sống thu mình, trầm cảm và xa lánh cả thế giới. Rất nhiều nạn nhân, như trên, bị tổn thương tâm lý trầm trọng, phải điều trị và thuốc uống an thần đến suốt đời.

PHONG CÁCH DẠY CON KIỂU THỜ Ơ

- Đây là những cha mẹ thờ ơ, vô trách nhiệm với con cái. Họ thường viện dẫn nhiều lý do để bỏ bê những nhu cầu của con cái.

- Đây là kiểu nuôi dạy con được các nhà Tâm lý học Eleanor Maccoby & John Martin đề xuất, gọi là phong cách “nuôi dạy con theo kiểu bỏ bê”, không để tâm gì đến con cái, kiểu như “Trời sinh voi, sinh cỏ”.

- Những cha mẹ này vẫn đáp ứng nhu cầu cơ bản của con như ăn uống, chổ ở, cũng cho con đi học. Như chỉ vậy mà thôi.

- Họ có cuộc sống riêng của họ, thú vui riêng của họ. Cha thì tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, đàn đúm với đam mê riêng. Mẹ thì lướt Facebook, coi hài nhảm, xem phim ngôn tình sướt mướt. Hoặc tệ nữa là tụ tập nhà hàng xóm hóng chuyện drama, hát karaoke, đánh bài; mà quên mất trong nhà mình còn có mấy đứa con bơ vơ, khổ sở và đáng thương hơn bất cứ nhân vật trong phim nào.

- Bậc cha mẹ này gần như không quan tâm đến con cái. Lâu lâu, khi con cần đóng tiền học phí, hoặc cần mua đồ dùng học tập; thì họ vừa đưa tiền, vừa cằn nhằn. Rồi thôi, họ nhanh chóng quay về với cuộc vui của họ.

Phong cách nuôi dạy con bỏ bê này cho kết quả thấp nhất. Kiểu nuôi dạy vô trách nhiệm này tạo ra những đứa trẻ có năng lực kém trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Trẻ thiếu tự chủ, thiếu tự trọng và kém năng lực hơn các bạn cùng lứa.

Trong bốn phong cách nuôi con này, thông thường chúng ta theo một phong cách chính, nhưng cũng có thể phối hợp cả hai.

Có những bậc cha mẹ nuôi con kiểu Quyết đoán, nhưng lại hành xử theo kiểu Độc đoán ở một số hành vi nhất định. Phần lớn cha mẹ kiểu này có con học hành rất giỏi, thường đậu vào trường chuyên lớp chọn; nhưng cha mẹ luôn bắt ép học hành nữa và nữa.

Dù cha mẹ định hướng rất tốt và sẵn sàng hỗ trợ con cái rất nhiều, thậm chí hy sinh tất cả cho con; và con cũng đạt được những kết quả học hành rất tốt; nhưng cha mẹ vốn đòi hỏi quá nhiều, không có điểm dừng, cho đến khi đứa trẻ bị áp lực quá lớn, khi trẻ không chịu nổi căng thẳng nữa, trẻ phản kháng lại bằng những hành động dại dột; mà chúng ta thường hay đọc những tin đau lòng trên báo đài về những em học sinh trường chuyên làm chuyện nông nổi.

Có những bậc cha mẹ vừa nuôi dạy con kiểu Dễ dãi, con muốn sao cũng được; mà lại kết hợp kiểu Thờ ơ, vô trách nhiệm con cái, chả buồn quan tâm con như thế nào, nhưng lại rất hay nguỵ biện bằng những tư tưởng “sống hạnh phúc trong phút giây hiện tại”.

Mình đã từng chứng kiến những phụ nữ giàu có, có công ty riêng, làm ăn phát đạt; một ngày đẹp trời, họ tham gia một khoá thiền, rồi họ bắt đầu hành thiền, rồi sau đó là sống theo kiểu “buông bỏ”, mà thứ họ bỏ đầu tiên, chính là con cái.

Họ bỏ phố về rừng, xây biệt phủ giữa đồi núi, sống giữa thiên nhiên, buông bỏ mọi thứ trần tục và bỏ mặc luôn mấy đứa con cho bà giúp việc.

Người ít điều kiện hơn thì về quê, dựng lên một trang trại, trồng rau, nuôi gà. Họ mang đứa con cùng về nơi hẻo lánh với mình; và đứa trẻ không cần phải đến trường gì cả, muốn học thì học, muốn không thì thôi; cả ngày tưới nước trồng rau, nhặt trứng gà, đi câu cá. Không giống mẹ, đứa trẻ chơi kiểu đó vài ba ngày là chán. Rồi khi người mẹ tập yoga và hành thiền hàng giờ, thì đứa con quay vào phòng, ôm lấy cái tivi, hoặc cái laptop, để chơi game online, để có kết nối với bạn bè, dù bạn bè toàn là game thủ.

Mình còn nhớ có một lần, tụi mình đi gặp một anh chủ doanh nghiệp, anh có một chuỗi quán ăn khá thành công. Tụi mình đề nghị anh cho con anh và các cháu vận hành một dự án của tuổi teen, mình sẽ là người dẫn dắt các con, giúp các con triển khai hoạt động cộng đồng và rèn luyện những kỹ năng bậc cao như kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, quản lý dự án; mà mình khá tâm huyết và sẵn sàng huấn luyện miễn phí cho các con.

Anh phủ phàng từ chối, cho rằng con muốn học kỹ năng thì tự xin làm bồi bàn; tự ra chợ, ra quán đi tìm việc để làm thuê, làm mướn. Còn anh hiện giờ chỉ muốn lo thu xếp việc kinh doanh cho gọn, để anh còn “đi tu”.

Tồi tệ nhất là những bậc cha mẹ vừa Độc đoán, vừa Thờ ơ. Cuộc đời của những đứa con đó thật là bất hạnh. Mình đã hân hạnh gặp qua một người cha kiểu đó và đã tiếp xúc với cô con gái đó.

Người cha ấy rất độc đoán và gia trưởng, và đó là lý do hai vợ chồng họ ly hôn. Anh ấy giàu có và quyền thế, nên giành được quyền nuôi cô con gái.

Anh luôn bận làm ăn, nên anh cho con học ở một trường quốc tế, theo đuổi triết lý “giáo dục hạnh phúc”. Mình không dám đánh giá chủ quan hoặc phiến diện về triết lý này, nhưng, theo như trường hợp thực tế của cô bé này, sau nhiều năm bé gái theo học trường đó, thì con chỉ toàn chơi, học hành rất kém.

Người mẹ rất lo lắng và liên hệ với mình, nhờ mình tìm thầy dạy kèm cho con, để giúp con lấy lại căn bản. Tuy vậy, người mẹ đã vấp phải sự độc đoán của chồng cũ. Anh ấy cho rằng do con lười, con học kém; chớ anh đã phải chi trả tiền tấn tiền tỉ học phí cho con rồi, con học kém là lỗi tại con chớ không phải tại anh.

Mãi cho đến khi anh tái hôn, anh mới đồng ý cho con gái về ở với mẹ. Người mẹ cho con ra trường tư bình thường để học, nhưng phải cho con học thấp hơn 2 lớp, mà vẫn rất chật vật.

Đó là do con đã quá quen với triết lý “giáo dục hạnh phúc”; từ nhỏ đến lớn, con được khuyến khích và cho phép chỉ học những gì con thấy thích, chỉ làm những gì con thấy vui.

Những môn học khó, các bài học khô khan, con bỏ qua hết. Bạn nhỏ này chỉ thích đi dạo, ngắm hoa, chăm sóc thú cưng, hoà mình với thiên nhiên. Con từ chối mọi thể loại công thức Toán, Lý, Hoá; và không bao giờ chịu học bài, làm bài tập và rèn luyện các kỹ năng Tiếng Anh.

Mặc dù con khá thông minh, học gì cũng có thể học nhanh hơn người khác ở giai đoạn đầu tiên, nhưng khi lên trình độ cao hơn một xíu, khó hơn một chút, cần luyện tập, cần chăm chỉ, cần nỗ lực, thì con lập tức bỏ cuộc. Từ vẽ đến đàn, từ thể thao đến âm nhạc, con không học được cái gì đến nơi đến chốn.

Sự độc đoán của người cha đến lúc này mới bùng nổ. Anh ấy đổ lỗi toàn bộ cho con, mắng chưởi, đay nghiến con thậm tệ và tuyên bố không còn trách nhiệm gì với con nữa. Gánh nặng này, chuyển sang cho người mẹ giải quyết. Và mình, hiện đang là cái phao của người mẹ đáng thương đó.

Các nước văn minh phương Tây rất tiến bộ ở những vấn đề xã hội, bao gồm giáo dục, với khá nhiều triết lý giáo dục cấp tiến và đột phá. Nhưng khi áp dụng ở hoàn cảnh nước mình, thì chúng ta nên thận trọng và chọn lọc.

Mình cần chọn những gì phù hợp với truyền thống, văn hoá của mình; phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước mình, phù hợp với hệ thống giáo dục của mình, và phù hợp với hoàn cảnh của chính gia đình mình. Không phải cứ copy nguyên xi, y chang những phương pháp của các nước phương Tây là tốt.

Chưa kể, khi áp dụng các triết lý giáo dục mới mẻ đó, chúng ta có chắc chắn rằng mình đã hiểu hết chưa, đã áp dụng đúng hết chưa? Sự áp dụng nữa vời, hoặc áp dụng các khái niệm bề mặt với những tên gọi mỹ miều mang tính quảng cáo đó sẽ gây ra một hậu quả vô cùng lớn cho con mình, mà muốn khắc phục không hề đơn giản.

TEXVN Tham Khảo Từ Nguồn Học Thật Giỏi Thật


Phạm Hương - Aug 10, 2024

3 1 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL