Bài 4: Cha Mẹ Có Nên Thương Con Vô Điều Kiện?

Trong gia đình mình, tuy mình áp dụng phong cách nuôi dạy con kiểu Quyết đoán, có nghĩa mình tôn trọng sự đối thoại dân chủ giữa cha mẹ và con cái. Tuy vậy, mình vẫn có một số giới hạn nhất định, “nhà phải có nóc”, cha mẹ phải có tôn nghiêm của cha mẹ.

Dân chủ không đồng nghĩa với tự do quá trớn. Tranh luận không đồng nghĩa với vô lễ. Tuy cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dạy con, nhưng con không thể xem đó là mặc nhiên và có thái độ vô ơn với cha mẹ.

Đặc biệt, mình không bao giờ đồng ý với quan điểm “Tình thương của cha mẹ là vô điều kiện, dù con cái có hư hỏng như thế nào, thì cha mẹ vẫn yêu thương con vô điều kiện”. Mình không đồng tình với quan điểm này.

Hàng xóm của nhà mình lúc nhỏ là một gia đình khá giả, có cơ sở sản xuất mộc. Chú thiếm có nhiều con trai, trong đó thiếm cưng nhất là một anh chàng con thứ 7. Cậu này ăn chơi phá gia chi tử. Đá gà, cá độ, cờ bạc, nghiện hút… cậu chơi không thiếu món nào. Người mẹ “thương con vô điều kiện”, nên mỗi lần giang hồ kéo đến đòi nợ, thì bà trả nợ để cứu con.

Hết lần này đến lần khác. Số tiền bà trả nợ cờ bạc tương đương với một gia sản lớn; và nước mắt của người mẹ đó cũng dần trở nên cạn kiệt như của cải trong nhà. Bà khóc cạn khô nước mắt, nhưng con trai bà vẫn ngày càng hư hỏng.

Gia đình, anh em, hàng xóm láng giềng, ai cũng khuyên bà không nên thương con theo kiểu đó nữa. Nhưng bà không nghe ai, luôn miệng nói rằng “làm mẹ, làm sao bỏ con”. Cho đến một ngày, đứa con đó mang dao về nhà kề cổ mẹ, bắt mẹ mở két sắt đưa hết vàng cho nó.

Sau này, tiền bạc khánh kiệt, thiếm bệnh và mất sớm. Đứa con trai đó chưa bao giờ ân hận, mãi mãi chưa bao giờ biết nghĩ cho mẹ, cho cha. Nhưng người mẹ đó, cho đến khi bà mất, vẫn luôn luôn nghĩ rằng “nước mắt chảy xuôi, nó là con mình mà”.

Dù mình hiểu và thông cảm cho lòng mẹ thương con, nhưng có khi, chính sự yêu thương mù quáng kia khiến đứa trẻ càng ỷ lại, càng lạc lối và đánh mất lương tri?

- Mỗi lần con sai, mẹ là người đi xin lỗi người ta.

- Mỗi lần con gây nợ, mẹ là người đi trả nợ cho người ta.

- Mỗi lần con thất bại, mẹ là người đứng ra giải quyết.

- Mọi lỗi lầm của con, mẹ là người trả giá.

Những điều này, đều nhân danh “tình thương vô điều kiện” mà tha thứ tất thảy.

Đứa con đó, đơn giản chỉ cần nghĩ rằng "Cha mẹ nào mà chẳng thương con", rồi thản nhiên để mặc cha mẹ mình lo tất tần tật cho mình.

Sau đó, khi mọi việc được lo liệu ổn rồi, thì đứa con lại bày ra một cuộc chơi khác, mà tàn cuộc, chắc chắn lại quay về kêu cha gọi mẹ, giúp con, cứu con.

Thật sự, mình thật không hiểu nên gọi nó là gì? Đó có phải là tình thương yêu mù quáng.

Thương yêu đúng nghĩa là phải mang lại điều tốt đẹp thật sự cho con – chính là giúp con trở thành người tốt hơn.

Thương yêu đúng nghĩa là phải giúp con sửa sai, và hoàn thiện bản thân tốt hơn.

Thương yêu đúng nghĩa là cho con tự học lấy bài học của chính mình, tự trả giá, tự nhận lấy hậu quả - dù đau đớn - để con biết đá biết vàng mà trưởng thành.

Đừng nhân danh “tình thương vô điều kiện” để bao biện cho tình thương mù quáng.

Một trường hợp khác là đứa con gái đầu của chị bác sĩ mà mình đã kể. Dù cha mẹ cô quá đau khổ và nhọc lòng lo lắng cho cô hết cả một đời, nhưng, cho đến hiện nay, cô con gái ấy vẫn cho rằng “Hổ dữ còn biết thương con”, nên cha mẹ cô đương nhiên phải thương cô vô điều kiện.

Khi cô không có tiền, cô về làm phiền cha mẹ. Nhưng khi cô kiếm được chút tiền, cô chọn vui chơi, ăn uống, hưởng thụ với bạn bè, với tình nhân; không bao giờ cô nghĩ đến cha mẹ đã lao tâm lao lực vì mình như thế nào.

Đứa cháu của mình, tuy không đến nỗi hư hỏng, nhưng sau khi con bỏ suất học bổng Phần Lan, con chỉ ở nhà không làm gì, không đi làm, không đi học; mặc nhiên sống ỷ lại vào cha mẹ. Chị mình vì “tình thương vô điều kiện” nên chắt bóp từng đồng lương hưu nuôi con liên tục suốt 5 năm. Mãi sau này, khi chị mình đổ bệnh nặng, cháu mình mới bắt đầu suy nghĩ đến việc đi làm kiếm tiền sinh sống.

Dù các bậc cha mẹ đó có bênh vực con cái họ như thế nào, thì mình cũng gọi đó là những đứa con vô trách nhiệm và bất hiếu.

Là mình, mình không bao giờ dành tình yêu thương vô điều kiện cho những đứa con bất hiếu. Mình không bao giờ hy sinh bản thân để đáp ứng những đòi hỏi vô lý của con. Mình thường “ra điều kiện” với các con như sau:

- Cha mẹ sinh con ra, là có trách nhiệm lo lắng, nuôi dạy con thành người. Nhưng đổi lại, con cũng phải có trách nhiệm và bổn phận của một đứa con trong gia đình.

- Trách nhiệm và tình thương yêu là hai thứ cần phân biệt rạch ròi. Mẹ cam kết làm hết sức phần trách nhiệm của mình (vì mẹ đã sinh con ra, mang con đến thế giới này); nhưng mẹ chỉ thương yêu con nếu con xứng đáng với tình thương của mẹ.

- Mẹ chỉ thương con, khi con biết thương mẹ. Mẹ không thể thương đứa con bất hiếu, vô ơn. Tình thương là điều thiêng liêng và tự nguyện. Nó phải là hai chiều, có qua có lại. Không thể nào cứ đòi hỏi cha mẹ thương yêu con vô hạn, mà đứa con sống bất hiếu, vô tâm.

Nói ngắn gọn, mình chỉ thương những đứa con biết thương cha, thương mẹ; biết nghĩ cho cha cho mẹ. Tình thương của cha mẹ không nên là thứ mặc nhiên, vô điều kiện. Tình thương cha mẹ phải được con cái trân trọng, chớ không phải là một điều mặc định, đương nhiên mà có.

Tình thương của ai đối với ai, cũng là điều quý giá. Đâu thể rẻ rúng để con cái coi thường và bào mòn cha mẹ như vậy.

Ngược lại, mình cũng khuyên dạy con “Cuộc đời là như tấm gương, con đối xử với ai như thế nào, thì con sẽ nhận lại được như vậy. Không chỉ là với cha mẹ bây giờ, mà mai sau, với bạn bè, với vợ chồng con cái; con chỉ có thể nhận được sự tôn trọng, tình thương yêu chân thành của họ, khi con mang yêu thương, tận tâm ra mà đối đãi.

Ở đời này, không ai nợ ai bất cứ cái gì, không ai phải mặc nhiên cho ai cái gì mãi mãi, vô điều kiện, đặc biệt là tình thương; bởi tình thương là thứ quý giá, không thể nào phung phí cho người không xứng đáng".

Nha con".

TEXVN Tham Khảo Từ Nguồn Học Thật Thi Thật


Phạm Hương - Aug 06, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL