Để Học Hiệu Quả: Tập Trung Vào Điều Đơn Giản và Thiết Thực - Phần 4

Thời nay, người ta không còn nói nhiều đến “con nhà nghèo học giỏi” nữa, thay vào đó, mọi người thật sự lo ngại về “con nhà giàu vượt sướng học giỏi”. Những bạn nhỏ này, không chỉ là đầy đủ nguồn lực tài chính, mà quan trọng hơn là nền tảng tri thức của gia đình.

Không chỉ thuận lợi về điều kiện tiền bạc đâu, mà con nhà có điều kiện còn có một sự hướng dẫn, đồng hành, hỗ trợ vô cùng lớn, vô cùng giá trị từ các thế hệ đi trước.

Sự thừa hưởng nền tảng giáo dục tốt + sự hiểu biết, thông thái được tích luỹ từ ông bà, cha mẹ mới chính điều tạo ra khác biệt to lớn – mà các nhà xã hội học thường gọi nó là “sự bất bình đẳng trong giáo dục”.

Trong khi các gia đình tinh hoa tri thức rất hiểu những gì họ cần làm cho con cái họ, 1 cách đơn giản và nhẹ nhàng như điều đương nhiên; thì có nhiều bậc cha mẹ lại tìm kiếm và hy vọng 1 tương lai thành công cho con cái ở các bài phân tích dấu vân tay, hoặc nghiên cứu về nhân số học.

Mỗi lần mình nghe/ thấy PH chia sẻ nhau về việc con tui hợp số mấy, tui hợp số mấy; thì mình cũng nhào vô 888 cho vui. Cá nhân mình cũng có vài điều ngẫu nhiên mà mình tự thấy mình hợp với 1 con số nào đó. Nhớ hồi xưa, từ nhỏ đến lớn mình bị dính với số 7: ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số CMND, số nhà… đều có số 7. Mà lúc nhỏ mình xui lắm, gặp nhiều chuyện long đong, lận đận, trùng trùng điệp điệp luôn. Cho tới khi, mình gặp bố của K.

Nhớ lần đó, mình làm thẻ ATM, mình lấy ngày SN của ông xã đặt password, trong đó, có số 8. Thế là, tự nhiên đổi vận hay sao, mà sau đó mình được tăng lương gấp đôi, rồi tiền thưởng tháng, quý tăng đều, thu nhập từ job part-time cũng tốt, tiền đổ về tài khoản liên tục. Vậy là mình bắt đầu tin vào việc mình hợp với số 8.

Rồi mình mua căn hộ thứ 2, vô tình lại mua đúng căn 808. Công việc và tiền bạc tiếp tục tăng trưởng. Rồi mình mua tiếp căn nhà thứ 3, cũng là căn có số 8. Khi mình đổi nhà, căn mình mua kế tiếp sau đó là cũng là số 8. Và căn cuối cùng mình mua cũng có số 8. (Mình mở ngoặc là, mình mua nhiều nhà là vì ông xã mình có đầu tư vào bđs, mua và bán, chớ không phải mình giàu có đến nỗi mua nhiều nhà vậy đâu nhen).

Mình nghĩ, khi mình “có duyên” với 1 con số nào đó, thì tự nhiên nó đến với mình 1 cách trùng hợp. Chớ mình không cố ý phải tìm, phải mua cho bằng được những gì có số 8. Ngược lại, nó đến tự nhiên với mình. Mình không bao giờ chấp nhận trả giá cao hơn vài chục triệu để có được số đẹp, dù là số nhà, số xe, số điện thoại hay số tài khoản. Với mình, có thể mua số ĐT đẹp với vài trăm ngàn, hay cao lắm là 1 triệu là hết. Mua để số đẹp cho dễ nhớ, chớ không phải mua để cầu may mắn, để mong đổi vận làm giàu từ nó.

Mà nếu suy nghĩ lại, thì dù số 8 xuất hiện hay không, thì cuộc đời mình vẫn thay đổi theo chiều hướng tốt, mà có lẽ là kể từ khi mình gặp bố của K. Tóm lại, mình có thể nghĩ là do số 8, hoặc có thể nghĩ là do gặp chồng/ vợ hợp tuổi, hoặc có thể là do mình có hậu vận tốt, hoặc có thể là do mình đã phấn đấu và nỗ lực không ngừng.

Nghĩ kiểu gì cũng được, nhưng đừng mê tín. Mình không bao giờ cho rằng cuộc đời mình bị chi phối những thứ mông lung nào đó.

Lúc xưa, mình được may mắn làm việc với 1 anh sếp rất giỏi, phải nói là cực giỏi, cực thông minh (ảnh là CEO của 1 cty dược rất lớn, đồng thời cũng là sếp của 1 chuỗi nhà thuốc, đồng thời cũng là sếp lớn của 1 chuỗi trung tâm chích ngừa lớn nhất VN, đồng thời cũng là sếp lớn của 1 hệ thống BV nổi tiếng).

Ảnh cũng có quan điểm giống mình, không bao giờ mua số đẹp cho số ĐT hoặc số xe. Ảnh hay nói nữa đùa nữa thật “Mấy người bỏ vài tỉ mua số xe đẹp, giờ “xộ khám” hết rồi tụi em ơi. Anh chả ”.

Vậy đó các bạn. Tụi mình đừng mất thời giờ chạy theo những thứ viễn vông và vô nghĩa đó. Nhân số học cũng giống như xem bói vậy. Gặp lúc mình xui, mình đen, mình bị thất tình, trong lúc thất nghiệp, mất tiền… mình buồn quá, mình chấp nhận mất thêm vài trăm ngàn để coi bói cho vui thì được.

Nhưng, đặt niềm tin và hy vọng của tương lai con cái mình gói gọn vào trong mấy con số của thần số học thì thật là không nên.

Thay vì vậy, bạn hãy dành thời gian của bạn để tập trung vào những điều đơn giản và thiết thực.

1. Tại sao nên chọn những điều đơn giản?

Vì càng đơn giản, càng dễ thực hiện. Mình đã có ít nguồn lực, mà chọn làm gì sự rắc rối phức tạp. Cứ chọn sự đơn giản nhất để tăng tính khả thi cao nhất. Việc đơn giản chưa làm được, hoặc chưa làm tốt, thì nói chi đến việc phức tạp, cao siêu.

Nếu bạn đã từng làm việc ở cty nước ngoài, sẽ thấy các sếp nước ngoài luôn chọn giải pháp đơn giản. Ít ai chọn những thứ rối rắm, phức tạp để làm. Giải pháp/ phương án/ kế hoạch càng đơn giản, càng ít tốn công sức, ít đòi hỏi nguồn lực đầu tư (thời gian, tiền bạc, công sức) thì càng được đánh giá cao - miễn là nó mang lại kết quả đúng như mục tiêu đề ra.

Không cần những lời hoa mỹ. Càng không cần những lời đao to búa lớn. Chỉ cần chọn vài điều đơn giản. Nhưng nói được là phải làm được.

Nói 1 làm được 1, thì tốt hơn vạn lần nói 10 mà không làm được 1.

Chọn 1 điều đơn giản và làm tốt nhất - thì tốt hơn nhiều lần chọn làm 10 điều nhưng chả có điều nào làm đến nơi đến chốn.

2. Tại sao nên chọn những điều thiết thực?

Vì xã hội càng tiến bộ, càng nảy sinh ra nhiều nhu cầu ảo, không thiết thực. Nếu bạn không tỉnh táo, rất có thể bạn đang bị xu hướng lôi kéo vào những thứ hào nhoáng, nhưng ít có giá trị. Đạt được 1 điều gì đó nghe hay hay, thì cũng tốt. Nhưng nó chỉ thật sự tốt, khi những điều quan trọng đã làm xong.

Ở một xã hội tiến bộ, nhân văn, thì sẽ có nhiều sự lựa chọn về cuộc sống, đồng thời cũng có nhiều sự hỗ trợ cho mỗi một học sinh - bất kể là các con chọn lối nào để vào đời. Nhưng, tiếc thay, hoàn cảnh của cta chưa được như vậy, cta là người duy nhất tự giúp chính mình.

Mình không khuyến khích các bạn sống theo kiểu thực dụng, nhưng cta cần thực tế. Hãy chọn những thứ thiết thực mà làm trước đã. Và làm cho thật tốt. Chỉ có cách đó, bạn mới giúp cho con bạn vượt qua khỏi khoảng cách của “bất bình đẳng giáo dục”.

Mình lưu ý là, những bạn con nhà có điều kiện, dù họ được gia đình hỗ trợ cực tốt, nhưng họ vẫn đang nỗ lực vượt sướng để tiếp tục duy trì những gì mà gia đình họ đang có - hoặc thậm chí vượt hơn thế hệ cha mẹ họ đang làm được.

Vậy thì, những bạn có nền tảng xuất thân khó khăn hơn, còn có cách nào khác hơn việc chọn lấy những gì thiết thực nhất để làm. Nếu bạn không phải là triệu phú đô la, thì bạn đừng chọn cách hành xử như thể bạn là tỷ phú thời gian.

Nhất định phải chọn những gì thiết thực nhất mà làm.

3. Làm điều đơn giản mà bảo đảm mục tiêu, liệu có được không?

Chắc chắn được. Là bởi vì, mục tiêu của bạn cũng đơn giản thôi.

Không chọn những thứ cầu kỳ, phức tạp. Không chạy theo trào lưu. Không chọn những gì mông lung.

Chỉ chọn những gì thiết thực. Chọn ít thôi, những điều quan trọng nhất. Và tập trung làm.

Chọn cách làm đơn giản nhất, ít tốn nguồn lực nhất mà làm.

Nói thì dễ, nhưng để tỉnh táo chọn sự đơn giản là điều không dễ. Bạn cần có sự phân tích.

Lúc nhỏ, mình cũng chộn rộn muốn cho K học đàn piano. Với mình, chi phí học, hay tiền mua đàn là điều không quá quan trọng. Nhưng ông xã mình nhất định không đồng ý.

- Tại sao phải học đàn piano?

- Tại vì học đàn để em bé có sở thích âm nhạc, để con thư giãn mỗi khi con cần.

- Nếu con muốn thưởng thức âm nhạc và thư giãn, con có thể chọn cách nghe nhạc.

- Học đàn piano giúp em bé phát triển trí thông minh, khoa học đã chứng minh điều đó.

- Để phát triển trí thông minh, có cách nào khác ngoài học đàn piano không?

- Dạ có. Đọc sách.

- Vậy, giữa đọc sách và học đàn piano, cách nào khó hơn, tốn nhiều thời gian hơn? Hay, nói ngược lại, cách nào đơn giản hơn?

- Dạ đọc sách đơn giản hơn. Nhưng em muốn con em vừa phát triển trí thông minh, vừa thưởng thức âm nhạc.

- Vậy mình có thể cho con đọc sách + nghe nhạc.

Vậy đó các bạn. Mình không đủ lý lẽ để thuyết phục ông xã mình. Nhưng càng ngày, mình càng công nhận là ảnh đã đúng khi nói về tính thiết thực của nó với trường hợp của K nhà mình.

Để học đàn piano, con cần luyện đàn nhiều giờ mỗi ngày. Mà K nhà mình thì vốn đã bị rối loạn ngôn ngữ, học Tiếng Việt cũng khó, mà học TA cũng trễ hơn con nhà người 3 - 4 năm. Giờ mà còn học đàn piano nữa thì còn đâu thời gian. Thôi thì mình phải biết lựa chọn những gì đơn giản để làm. Đâu thể tham lam. Càng không thể lan man.

Chọn đơn giản để thành công nha bạn ơi.

May mắn là, sau này, vào năm lớp 6, K đăng ký tham gia lớp học Vocal (thanh nhạc). Đây cũng là 1 hoạt động thưởng thức âm nhạc, nhưng không tốn nhiều thời gian. Và K học cũng chỉ để thư giãn.

4. Làm sao chọn được những gì thiết thực nhất?

Liệt kê ra những thứ bạn muốn làm. Sau đó, đặt câu hỏi cho từng thứ:

- Tại sao mình cần phải làm điều này?

- Nếu mình không làm điều này, thì có sao không?

- Nếu mình không làm điều này, thì có cách làm nào khác, ít tốn nguồn lực hơn, mà vẫn bảo đảm đạt được mục tiêu không?

Mình tạm đưa 1 số ví dụ nha. Đây chỉ là ví dụ ngẫu nhiên, mình không có ý phê phán nhé.

VD 1: Có nên cho con học ngoại ngữ 2 (tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật, tiếng Đức…) không?

- Tại sao? => Tại vì con cần học ngôn ngữ thứ 2 chớ. Học thêm 1 ngôn ngữ mới là sẽ có thêm cơ hội. Cứ học thêm ngoại ngữ mới thì sẽ phát triển trí thông minh…

- Nếu không học ngoại ngữ 2, thì có sao không? => Thì sẽ ít cơ hội hơn, ít thông minh hơn.

- Nếu mình muốn có thêm cơ hội/ thêm thông minh, thì mình có cách làm nào khác, mà ít tốn nguồn lực hơn không? => Có thể có…

Với các câu trả lời, bạn có thể thấy, việc học NN2 có phải là điều thiết thực nhất chưa?

Cũng là VD trên, nhưng mình lại có những câu trả lời khác.

VD: Em muốn cho con học NN2 là tiếng Đức/ Nhật/ Trung

- Tại sao?

* Tiếng Đức/ Nhật: gia đình em có người đang sống ở Đức/ Nhật. Em định hướng con em sẽ du học và định cư tại Đức/ Nhật.

* Tiếng Trung: em đã nghiên cứu về môi trường giáo dục bậc ĐH ở Đài Loan. Nó đủ tốt và phù hợp với điều kiện tài chính của gia đình em.

Lúc này, việc cho con học NN2 là điều quan trọng hàng đầu giúp đạt được mục tiêu. Đây chính là điều thiết thực cần làm.

5. Cái gì em cũng thấy cần, làm sao chọn được những gì đơn giản mà quan trọng nhất?

Như đã nói, mỗi khi chọn làm 1 cái gì, thì bạn hãy có thứ tự ưu tiên:

- Chọn điều thiết thực nhất: là những điều mà KHÔNG THỂ KHÔNG LÀM. Là những điều quan trọng giúp bạn đạt được mục tiêu. Những điều mà bạn không có cách nào khác tốt hơn.

Muốn du học và định cư ở Đức/ Nhật thì phải học tiếng Đức/ Nhật. Không có cách nào khác.

- Mở rộng danh sách những điều thiết thực: bạn có thể chọn 1, 2, 3... hay nhiều điều thiết thực. Nhưng luôn luôn có thứ tự ưu tiên. Làm tốt được điều 1, thì mới đến điều thứ 2. Và cứ thế.

Nếu trường hợp nhà mình có điều kiện vừa phải, con mình sẽ học trường công suốt 12 năm, thì việc học giỏi Tiếng Việt là điều thiết thực hàng đầu. Đừng vội vã đốt giai đoạn, chỉ chăm chăm cho con học TA, rồi sau đó học tiếng NN2, NN3… nhưng tiếng Việt thì sai chính tả tè le, mà viết 1 bài văn tiếng Việt thì vật vã.

Nếu TA con còn chưa đủ tốt, thì cũng đừng vội vã học NN2 làm gì (khi mà bạn không có mục tiêu nào cụ thể). Bạn cứ tập trung nguồn lực giúp em bé học TA tốt nhất cái đã, học cho thật giỏi cái đã.

Nếu gia đình bạn neo người, không có ai giúp đỡ, thì điều thiết thực nhất mà bạn cần dạy con là biết làm việc nhà, biết nấu cơm, biết tự chăm sóc bản thân, khi bạn chưa về nhà kịp - hơn là học violon/ học piano/ học viết sáng tạo… Hãy tập trung nguồn lực để dạy con những kỹ năng sinh tồn từ sớm, dù có thể là quá sớm đối với các bé cùng lứa tuổi, nhưng vì hoàn cảnh như vậy, thì mình phải chọn điều thiết thực nhất cho con.

Mỗi một người, mỗi một hoàn cảnh, sẽ có những điều thiết thực khác nhau. Hoàn cảnh của bé K nhà mình, thì mình chọn những điều quan trọng khác:

- Mình chọn cho K học tiếng Việt trước, học TA sau

- Mình chọn cho K học TA cho thật giỏi trước, ngoại ngữ 2 tính sau

- Mình chọn cho K sở thích đọc sách trước, sở thích đàn ca hát xướng tính sau

- Mình chọn cho K học giỏi trước, học nấu nướng tính sau

- Mình ưu tiên cho K học bơi trước; bóng rổ, bóng chuyền… gì đó tính sau

6. Tập trung làm tốt những điều đã chọn

Như đã nói, chọn những điều thiết thực là:

- Là điều không thể không làm, để giúp mình đạt mục tiêu

- Là điều quan trọng nhất trong hoàn cảnh cuộc sống hiện tại của mình

Những điều thiết thực có thể là 1 danh sách 3, 4, 5… Danh sách này sẽ mở rộng ra ở từng độ tuổi. Nhưng, làm gì thì làm, bạn cần:

- Liệt kê theo thứ tự quan trọng. Ưu tiên làm những điều quan trọng nhất

- Tập trung nguồn lực để làm thật tốt từng thứ 1 (one at a time)

- Khi mình làm tốt được điều này xong, lần lượt làm tốt điều kế tiếp

Có 1 câu nói cách hài hước nhưng rất đúng là: để có cái nhìn thông suốt mọi việc một cách đơn giản là 1 việc không hề đơn giản

Nhưng, như mình đã giúp bạn liệt kê các câu hỏi ở trên, bạn cứ từ từ tập dần, rồi sẽ quen thôi.

Chúc các bạn thành công.

TEXVN Tham Khảo Từ Nguồn Học Thật Thi Thật


Phạm Hương - Aug 09, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL