Để Học Hiệu Quả: Chọn Phong Cách Học Tập Nào? Phần 3

Như mình đã có lần giới thiệu, theo ý thuyết mô hình VARK do Neil Fleming phát triển, được công nhận rộng rãi, phân loại các loại người học khác nhau thành 4 nhóm dựa trên phong cách tiếp nhận thông tin/ kiến thức của họ.

  1. Người học bằng hình ảnh (Visual): Họ thích xử lý thông tin thông qua các phương tiện trực quan và hình ảnh.
  2. Người học bằng thính giác (Auditorial): Họ học tốt nhất thông qua việc nghe và diễn đạt các ý tưởng bằng lời nói.
  3. Người học Đọc/ Viết (Read & Write): Họ thích xử lý thông tin thông qua chữ viết.
  4. Người học vận động (Kinesthetic): Họ học tốt nhất thông qua trải nghiệm thực hành và các hoạt động thể chất.

Quan điểm cho rằng mọi người đều có phong cách học tập riêng đã trở nên phổ biến vào những năm 1970. Đó là một suy nghĩ rất hấp dẫn: nếu mỗi chúng ta có thể xác định được một phương pháp học tập "lý tưởng" thì chúng ta có thể tập trung vào đó - và luôn thành công. Nhưng, có thực sự là như vậy?

Suy cho cùng, cách học phụ thuộc rất nhiều vào những gì chúng ta học. Và trên thực tế, các phong cách học tập ưa thích của mỗi người có thể không hữu ích cho chính người học.

Ngày nay, nhiều chuyên gia ngày nay không mấy tin tưởng vào lý thuyết “phong cách học tập”. Theo nhà thần kinh học Susan Greenfield, ý tưởng cho rằng chúng ta có thể được định nghĩa là những người học hoàn toàn bằng thị giác, thính giác hoặc vận động là "vô nghĩa". Đó là bởi vì, cô nói, "con người đã tiến hóa để xây dựng một bức tranh về thế giới thông qua các giác quan của chúng ta, hoạt động đồng bộ, khai thác khả năng kết nối rộng lớn tồn tại trong não."

Những nỗ lực “chẩn đoán” phong cách học tập của ai đó một lần và mãi mãi có thể sẽ thất bại. Như Eileen Carnell và Caroline Lodge giải thích trong cuốn sách “Học tập hiệu quả” của họ, phương pháp học tập của mỗi cá nhân sẽ khác nhau trong những tình huống khác nhau và có thể thay đổi theo thời gian.

Tóm lại, theo các nhà khoa học:

- Học cái gì (What) sẽ ảnh hưởng đến phong cách học tập nào (How)

- Có những phong cách học tập không mang lại hiệu quả cho người học

- Mỗi người đều có thể kết hợp nhiều phong cách học tập để học tối ưu

Bài viết này, mình sẽ giải thích một cách nôm na dễ hiểu (vì nội dung này khá hàn lâm phức tạp), theo trải nghiệm của chính mình (trong quá trình huấn luyện nhân viên và trong quá trình tương tác với cả ngàn PH trong khoảng 3 năm nay).

Theo đó, mỗi phong cách học tập sẽ phù hợp và mang lại sự tối ưu cho mỗi nhóm kiến thức/ ngành nghề/ công việc. Và các phong cách nên được kết hợp ntn để học tốt nhất.

1. Phong cách học bằng Hình ảnh (Visual): thích hợp cho các môn/ ngành:

- Ngành Art (mỹ thuật): vẽ, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ, đồ hoạ…

- Các môn thực hành: học nấu ăn, làm bánh, cắm hoa, trang điểm, lắp ráp vật dụng…

Nói chung, phong cách học Visual bằng hình ảnh, bằng video clip, sẽ mang lại hiệu quả tối ưu cho những bạn có khuynh hướng xem-hiểu và BẮT CHƯỚC thực hành lại những nội dung được học. Những môn thực hành sẽ vô cùng dễ hiểu và được cảm nhận ngay tức thì khi xem. Việc còn lại là người học thực hành cho đến khi thuần thục.

Ngược lại, khi học kiến thức học thuật thì phong cách Visual này không phải phong cách chủ đạo. Người học sẽ khó lòng học hiểu sâu các kiến thức nâng cao chỉ bằng cách xem/ nhìn.

Phong cách Visual chỉ được áp dụng vào việc học nâng cao bằng các clip 3D để mô phỏng những công thức, bài thí nghiệm phức tạp, hòng để cho HS dễ hiểu hơn. Nhưng phong cách Visual này không thể được thay thế hoàn toàn trong việc việc dạy & học kiến thức học thuật. Nó chỉ được xem là phần bổ sung khoảng 30%, để minh hoạ các kiến thức khoa học phức tạp.

Tuy vậy, với ý nghĩa cơ bản của nó là xem-nghe-nhìn và BẮT CHƯỚC nhanh chóng, phong cách này được áp dụng nhiều cho trẻ nhỏ, từ 2 – 5 tuổi, đặc biệt trong việc học ngoại ngữ. Lứa tuổi này đa phần là học bắt chước theo rất nhanh. Tuy vậy, khi các con lớn hơn, thì phong cách học tập theo kiểu bắt chước này sẽ không tối ưu cho việc sâu, học giỏi, học nâng cao – hay nói chung là không giúp con trở thành 1 bạn nhỏ tiến xa trên con đường học thuật.

Trong công việc, nhiều năm nay, khi mình làm các slide ppt để huấn luyện NV Sales, mình dùng chủ yếu là hình ảnh (rất đẹp) và các clip minh họa - chiếm đến 70% bài huấn luyện. Word chỉ chiếm 30%: ngắn gọn, xúc tính. Là bởi vì mình muốn các NV Sales xem-nghe-nhìn và bắt chước lại bài huấn luyện của mình càng chính xác càng tốt. Kiến thức chuyên môn chỉ cần vậy thôi + kỹ năng bán hàng là đủ rồi.

Khi nào khách hàng có các câu hỏi liên quan đến chuyên môn phức tạp hơn, thì chuyển câu hỏi đó về cho mình xử lý. Và cứ thế, mình lại soạn 1 vài slide với 70% hình ảnh đẹp đẽ + 30% wording để giải thích cho 1 vấn đề phức tạp, và các bạn Sales cứ theo đó mà trả lời với khách hàng.

Có thể thấy, các học này là học thuộc lòng kiến thức SP, chớ không cần động não nhiều. Phần động não là do bộ phận chuyên môn khác, hoặc cấp cao hơn xử lý.

Với những bạn nhỏ đã quen với phong cách học tập Xem này, các con không thích đọc. Càng xem nhiều thì càng tỉ lệ nghịch với việc đọc sách.

Có nhiều PH nhắn tin với mình, bày tỏ sự lo lắng vì con không chịu đọc 1 chút nào, dù mẹ đã cố gắng làm đủ trò để khích lệ con. Sau khi trao đổi, mình mới hiểu là, những bạn PH ấy, vốn là cựu fan của phong trào học TA bằng cách nghe loa và xem Youtube: chỉ cần nghe/ xem vài ngàn giờ là con giỏi TA. Thế là, suốt tuổi thơ ấu của con, từ 2 – 3 tuổi cho đến khi con học lớp 2, lớp 3, bạn nhỏ này được tắm trong TA bằng cách cho nghe thụ động triền miên và học bằng cách xem clip, hoặc xem Youtube bất cứ khi nào có thể.

Kết quả là em bé không chịu đọc bất cứ sách nào, từ tiếng Anh đến TV. Mình đoán là những em bé đó sẽ có kỹ năng Nghe – Nói khá tốt. Nhưng năng lực Đọc - Viết không tốt, và khả năng học thuật cũng không tốt.

2. Phong cách học bằng Âm thanh (Auditorial): tối ưu cho các môn/ ngành mang tính chất NGHE - NÓI:

- Truyền thông: MC, KOL, Youtuber, Tiktoker…

- Huấn luyện & đào tạo: Trainer, Coach, diễn giả…

- Thuyết minh, thuyết trình, thuyết phục: Sales, tư vấn…

- Học ngoại ngữ

Nếu quan sát, bạn sẽ thấy nhiều nhà “diễn giả” nói năng hùng hồn lắm; nhiều bạn Sales tư vấn ào ào như nước chảy, nhưng nội dung chứa nhiều sáo ngữ, nghe rất kêu, nhưng ít có giá trị thông tin.

Nếu bạn đặt vài câu hỏi “hóc búa” mang tính phản biện, các bạn ấy sẽ lập tức khựng lại, trả lời hết sức chung chung, hoặc trả lời đại khái cho xong.

Là bởi, những người như vậy chọn cách học nghe cho nhuần nhuyễn để nhớ và lặp lại những gì mình được nghe.

Cách học này không giúp bạn đào sâu hơn: tại sao, nếu… thì…, bằng cách nào, có thể tốt hơn không…

Với trẻ con, phong cách này hiệu quả đối với những bé có khả năng học thuộc lòng tốt. Nhưng, nếu chỉ học thuộc lòng, thì chỉ nhớ kiến thức trong 1 khoảng thời gian nhất định. Chỉ có cách học sâu, hiểu sâu mới giúp trẻ thực sự lĩnh hội kiến thức lâu dài.

Cách học này cũng được áp dụng cho vài mục tiêu học tập khác:

- Ôn lại bài học: nghe lại nhiều lần nội dung bài học trước khi thi

- Vì quá bận nên chọn nghe để tranh thủ thời gian

- Trẻ con học TA: nghe thật nhiều cho thấm

Tương tự như phong cách Visual, cách học Nghe này không hiệu quả cho các môn học thuật có nội dung khó với nhiều công thức, mô hình, quy trình phức tạp như Toán, Lý, Hoá, Sinh… vốn cần nhiều sự động não trong khi đang học.

Với một số môn học mang tính lý thuyết nhiều như các môn Xã hội, phong cách học Nghe này cũng giúp cho các bạn đỡ mất thời gian (tranh thủ nghe khi đang làm việc khác) và có thể giúp bạn vượt qua các kỳ thi/ buổi trình bày sắp tới. Nhưng chỉ học bằng cách Nghe thì không thể giúp bạn học sâu, hiểu sâu và nhớ lâu được.

Trong việc học TA, việc Nghe nhiều sẽ giúp tăng kỹ năng Nghe và có thể giúp cho kỹ năng Nói. Tuy nhiên, việc học Nghe để Nói tốt chỉ diễn ra ở level thấp, ở level bắt chước: bắt chước phát âm, bắt chước ngữ điệu, bắt chước nói theo các mẫu câu đàm thoại, giao tiếp ngắn, đơn giản.

Để học Nói nâng cao, thì cách học Nghe này không đủ, mà cần phối hợp thêm các phong cách học tập khác. Vì, Nghe (và Xem) là cách tiếp nhận kiến thức thụ động và bắt chước theo. Mà bắt chước là mức độ cơ bản, mức độ thấp nhất trong việc học.

Bạn có thể quan sát và thấy rõ ở những bé nhỏ học TA theo phong cách Nghe. Các con có kỹ năng nghe tốt, phát âm rất tốt, nói được những mẫu câu rất tốt và có thể nói free-talk cũng khá tốt. Nhưng free-talk của các con toàn chứa những câu ngắn, văn nói, nội dung cơ bản.

Khi các con lớn hơn, thì cách học này bộc lộ rõ điểm yếu. Các con khó hoặc không thể chủ động nói được 1 chủ đề hoàn chỉnh, chứa nội dung thông tin đầy đủ, chính xác và có ý nghĩa. Phần lớn, theo mình quan sát, các con chỉ học nói bằng cách nói theo clip, chớ không thể tự chủ động nói một cách tự tin và tự nhiên một chủ đề nào đó. Tuy nhiên, để 1 bạn nhỏ khắc phục điểm này thì cũng không khó. Chỉ cần con học chủ động: nghe và tương tác trực tiếp với GV trong 1 thời gian vừa đủ thì con sẽ khắc phục được.

Tuy nhiên, hàm lượng thông tin trong kỹ năng nói của con tuỳ thuộc vào kiến thức của con. Tóm lại, để có khả năng nói tốt, kỹ năng nói chỉ là 1 phần, phần còn lại là con phải có đủ ngôn từ và kiến thức để nói. Vì vậy, chỉ học bằng cách Nghe thì không thể giúp con nói tốt được. Con cần học để có kiến thức. Kiến thức là nền tảng cốt lõi, mà các kỹ năng là cách để thể hiện/ sử dụng kiến thức mà thôi.

3. Phong cách học bằng Đọc và Viết (Read & Write): tối ưu cho:

- Các môn học mang tính học thuật khó, như STEM: Toán, khoa học, công nghệ, kỹ thuật

- Các chương trình học thuật hàn lâm: mang tính nghiên cứu, hoặc các chương trình sau đại học: thạc sĩ, tiến sĩ, hậu tiến sĩ

Nói ngắn gọn, đây là phong cách của người học giỏi, của dân học thuật. Những người học cao, hiểu rộng, kiến thức chuyên môn vững vàng, tư duy logic chặt chẽ… thì luôn luôn thuộc nhóm này. Ta có thể thấy nhiều hình ảnh đại diện là: bác sĩ, luật sư, kỹ sư chế tạo, giáo sư, nhà nghiên cứu khoa học… đều ôm chồng chồng sách, miệt mài đọc, miệt mài ghi chú và viết lách.

Không có học giả hàn lâm nào chỉ học bằng cách Nghe hoặc Xem. Họ có thể thỉnh thoảng xem vài clip, nghe vài chương trình. Nhưng những thứ đó chỉ là bổ sung, và chiếm tỉ lệ thấp trong sự nghiệp của họ.

Cách học Đọc và Viết là cách học sâu. Người học vừa đọc, vừa dừng lại để suy nghĩ, động não, rồi ghi chú và cứ thế tiếp tục.

Đọc và Viết là 1 cặp đối trọng. Đọc nhiều và đọc sâu thì sẽ viết tốt. Đặc biệt là môn viết nghị luận, hoặc viết nghiên cứu khoa học thì cần sự động não, tư duy lập luận rất nhiều. Đây là những thứ mà chỉ có đọc nhiều, đọc sâu mới tạo ra được.

Đọc là tiếp thu kiến thức thụ động. Viết là biến kiến thức đầu vào thụ động thành kiến thức chủ động. Quá trình đi từ Đọc --> Viết là 1 quá trình chuyển hoá kiến thức thụ động --> chủ động.

Đối với trẻ, nên tập cho trẻ kỹ năng đọc càng sớm càng tốt, đặc biệt là đọc sâu. Càng học lên cao, phong cách học Đọc & Viết sẽ giúp con học sâu, học giỏi và tiến xa trên con đường học thuật.

Nói ngắn gọn, nếu bạn muốn con mình học sâu, học giỏi, học cao, thì bạn cần luyện tập cho con phong cách học tập Đọc & Viết.

4. Phong cách học Vận động (Kinesthetic):

Thích hợp với những môn học/ ngành nghề có sự di chuyển, vận động hoặc khéo léo tay chân:

- Thể thao: vận động viên, cầu thủ, giáo viên môn thể dục…

- Hướng dẫn viên du lịch, tour khám phá, tham gia sự kiện, hoạt động ngoại khoá ngoài trời

Phong cách học tập này khi kết hợp với cách học Xem cũng mang lại hiệu quả tốt cho nhóm công việc khéo léo tay chân, công việc có tay nghề:

- Lái xe, lái máy bay

- Làm tóc, trang điểm, massage…

- Lắp ráp, sửa chửa (xe, điện, nước, máy móc…)

Trên đây là 4 phong cách học tập, mà theo đó, học như thế nào (How) sẽ tương ứng với học cái gì (What).

Ta thấy, để học sâu, học giỏi, thì cta cần rèn luyện cho trẻ học theo phong cách Đọc & Viết từ sớm.

Để học tốt nhất, nên kết hợp:

- 70% phong cách Đọc & Viết

- 30% phong cách Xem, Nghe hoặc Vận động (cần thiết cho việc thực hành hoặc rèn luyện kỹ năng)

5. Định hình phong cách học tập cho trẻ từ sớm:

Nếu muốn con học giỏi, nên định hình phong cách học hiệu quả qua từng giai đoạn như sau:

- Từ 2 – 4 tuổi: cho bé tiếp cận với TA qua Youtube, app TA (khuyên dùng Reading Eggs): mỗi ngày tối đa 2 lần: mỗi lần 30 – 45’, tuỳ theo độ tuổi. Đồng thời cha mẹ kể chuyện, đọc sách cho con nghe: càng nhiều càng tốt.

- Từ 4 – 5 tuổi: vẫn tiếp tục duy trì xem – nghe qua app TA, Youtube. Bắt đầu cho bé học chữ cái tiếng Việt ABC. Học ghép vần. Học đọc. Dạy cho con đọc sách chữ to, đơn giản. Đồng thời vẫn đọc sách cho con nghe, càng nhiều càng tốt. Khi con tự đọc được, cha mẹ khuyến khích con tự đọc sách hình: mẹ đọc 1 trang, con đọc 1 trang.

- Từ 6 tuổi trở lên: bên cạnh việc học TA bằng nghe xem theo thời lượng vừa phải, hướng dẫn con học TA bằng cách đọc Read Aloud: mỗi ngày 1 bài. Lưu ý: để đọc Read Aloud hiệu quả, cần học kỹ, học sâu, đọc cho đúng, cho chuẩn xác, đọc vài lần cho nhuần nhuyễn thì sẽ tiến bộ nhanh. Ngược lại, đọc Read Aloud ào ào, đúng sai mặc kệ, thì tiến bộ sẽ chậm hơn (khi so cùng khối lượng bài học hoặc thời gian học).

- Từ 6 tuổi trở lên: bên cạnh việc học TA, cho con đọc nhiều sách Tiếng Việt do tác giả người Việt viết. Đừng chọn sách dịch từ TA, hãy để con đọc nguyên tác bằng TA thì con sẽ thích hơn, vì nội dung mới mẻ, con sẽ hứng thú. Nếu con đọc bằng TV rồi, con đã biết nội dung rồi thì không còn hấp dẫn để con đọc bằng TA nữa.

- Duy trì việc đọc Read Aloud cho đến khi con có phát âm tốt, phản xạ nói tốt và con có đủ nhiều từ vựng => tập cho con đọc sách TA nhiều chữ (không cần đọc lớn nữa). Lúc này, hướng dẫn con thực hành việc đọc sâu.

6. Xây dựng thói quen đọc sâu:

- Từ từ kéo dài thời gian đọc liên tục. Con đọc 30 phút, sau đó kéo dài 45 phút – 1 tiếng. Và cứ thế càng lâu càng tốt. Càng đọc lâu, con càng luyện tập sự tập trung.

- Khuyến khích con đọc và highlight, ghi chú cảm nghĩ của con (bằng bút chì) trên sách

- Cùng con trao đổi, thảo luận về những gì mà con vừa đọc

- Khuyến khích con đọc và viết lại những gì con vừa đọc: tóm tắt, cảm nhận.

TEXVN Tham Khảo Từ Nguồn Học Thật Thi Thật


Phạm Hương - Aug 08, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email