PHẦN 2: Mother- Vai Trò Của Người Mẹ

Trong bài viết trước, mình có chia sẻ về vai trò “cô giáo” của người mẹ. Mình cho rằng, nhiều người mẹ đã khoát cái áo quá rộng so với năng lực của bản thân họ (khi mẹ không đủ kiến thức chuyên môn về giáo dục, cũng như không có kỹ năng sư phạm và càng không hiểu về tâm lý giáo dục).

Người mẹ tạo sự ảnh hưởng bao trùm và chi phối quá lớn lên đứa con, mà mẹ không nhận thức được rằng, điều này sẽ gây ra các vấn đề mà đôi khi mẹ chủ quan, không thấy được.

- Khi mình quan sát nhiều trường hợp tương tự nhau: mỗi khi mình “phỏng vấn” PH đầu vào, mình thường nghe kể: em tự dạy con học, nhưng con học mau chán, không tập trung được lâu, con không tự giác, con học tiến bộ ít… Thường là những lời “buộc tội” con, chê con. Có khi nào, các mẹ nghĩ rằng, điều này là do chính mình? Do mình dạy chán quá, con nó chán học luôn.

- Với vai trò hiệu trưởng + giáo viên + giám thị: người mẹ đã tạo nên áp lực tâm lý liên tục với con, khiến cho mối quan hệ mẹ - con luôn bị căng thẳng và mệt mỏi. Việc này sẽ làm cho tình cảm mẹ con bị sứt mẻ không ít, không còn âu yếm, hiếm khi vui vẻ. Mỗi lần mẹ gạo bài, tra bài, chấm bài, giảng bài… nặng thì là trận cuồng phong, nhẹ thì mệt mỏi, học xong con thở phào. Học trong căng thẳng thì sức tiếp thu sẽ bị giới hạn. Lúc nhỏ, con chưa đủ lực phản kháng thì con chịu đựng. Lớn chút, con mà bật lại thì mẹ khó lòng xử lý.

Khi người mẹ đóng cả 3 vai trò, thì đứa nhỏ rất tội nghiệp:

- Hiệu trưởng: lúc nào cũng thích thành tích học thuật => luôn gây áp lực cho con.

- Giáo viên: trực tiếp dạy học, giảng bài cho con; mà mẹ không có chuyên môn sư phạm, mẹ không biết phương pháp tiếp cận đúng, nên con rất khổ. Chổ này mình xin nói thêm: GV được đào tạo bài bản mà còn có GV this, GV that. Dù là GV tốt nghiệp sư phạm, thì số người dạy hay, dạy giỏi còn hiếm như lá mùa thu, huống hồ gì 1 bà mẹ tay ngang, nhảy vào làm cô giáo cho con, rồi bắt con “học giỏi, ham học, tự giác học…” => đó là bạn đang tự mình làm khó mình và làm khó con.

- Giám thị: lúc nào cũng hỏi hôm nay điểm sao nhiêu, sao bài này sai nhiều vậy, sao lỗi này sai hoài… khiến con vô cùng mệt mỏi => chẳng những làm giảm động lực học tập, mà còn phản tác dụng: làm con cảm thấy nhiệm vụ học tập nặng nề quá, con chán ghét việc học, thường hay hỏi “tại sao con phải học nhiều? tại sao phải học giỏi?” và con sẽ mong ước mau lớn, để khỏi đi học nữa.

Khi thời gian của mẹ ở nhà quá ít, mà mẹ lại dùng hết nó cho 3 vai trò trên, thì không còn chút thời gian nào để làm những điều quan trọng như: âu yếm thương yêu, vui chơi làm bạn, lắng nghe thấu hiểu, quan sát phân tích và kịp thời hỗ trợ khi cần thiết… thì bạn khó lòng trở thành một người mẹ đúng nghĩa.

Dù bạn đang giữ vai trò gì trong xã hội, bạn hãy dành thời gian cho con. Là một người mẹ đúng nghĩa, bạn cần dành thời gian cho con, và dành hết tim óc, tâm huyết của mình sao cho thời gian cho con thật sự chất lượng.

Có 1 người mẹ tốt, là con có cả thế giới.

Chơi với con:

Lúc nhỏ, mẹ cần chơi với con toàn tâm toàn ý: chơi búp bê, chơi ráp hình, chơi cắt dán, vẽ vời bằng bút màu, xếp giấy origami... Tập xe đạp cho con, đi bơi với con. Sự phát triển của em bé trong những năm đầu đời rất quan trọng, và rất cần sự hiện diện bên cạnh của mẹ.

Hãy từng bước dẫn dắt con vào vùng trời tri thức một cách đơn giản. Ngay từ khi con còn nhỏ xíu, cùng con chơi ghép vần bảng chữ cái, rồi chơi đố chữ, nối chữ.

Các trò chơi này sẽ giúp cho con có vốn từ phong phú. Nếu có từ khó, con chưa hiểu, bạn dừng lại, giải thích cho con. Con sẽ tiếp thu nhiều từ ngữ 1 cách thú vị. Trò chơi này có thể chơi mọi lúc mọi nơi.

Thay vì “dạy” con, thay vì làm “cô giáo” của con, bạn hãy đổi vai, thay đổi tâm thế: làm bạn với con, chỉ chơi cùng con, và học cùng con. Làm mẫu cho con. Con bắt chước theo bạn được bao nhiêu mừng bấy nhiêu. Con làm sai, kiên nhẫn làm mẫu lần nữa cho con bắt chước. Con không thèm làm, bình tĩnh, không ép. Con làm không đúng, kiên nhẫn, không la. Cứ chơi và học cùng con. Mỗi ngày con sẽ từ từ thẩm thấu, từ từ tiến bộ.

Không dạy con học 1 cách quá nghiêm, không cố gắng đổ kiến thức vào đầu con. Càng không chấm điểm, không bắt lỗi. Không hối thúc, không áp lực.

Đọc sách cùng con:

Tuần vừa rồi, mình được 1 nhóm PH trường quốc tế đơn ngữ mời mình cafe chia sẻ. Toàn bộ PH đó đều là đại gia thứ thiệt của đất SG, nhưng vẫn rất quan tâm việc học của con. Khi họ nghe mình chia sẻ về chủ đề “làm sao cho con yêu thích đọc sách”, thì vài người mẹ chùng xuống, cảm thấy có lỗi, vì “con em toàn nài nỉ mẹ đọc sách cho con, mà em mệt quá, em về nhà chỉ muốn ngủ”.

Nhất định phải đọc sách cùng con. Để con trở thành 1 em bé yêu thích đọc sách, bạn không thể không làm việc này.

Là chỗ dựa đáng tin cậy của con:

Những việc đó, tuy cực và mất thời gian, nhưng không khó. Khó nhất là trở thành “1 chổ dựa đáng tin cậy” của con, khiến con tin tưởng để chia sẻ tất tần tật mọi thứ với mẹ.

Để làm việc này, mẹ cần học cách lắng nghe. Lắng nghe mọi tâm sự của con, chia sẻ mọi thứ của con về bạn bè, trường lớp. Lắng nghe là 1 kỹ năng rất quan trọng. Đừng chỉ nghe 1 cách hời hợt, ừ hử cho qua chuyện. Cũng đừng nghe xong thì quay lại phán xét con, trách mắng con.

Ngược lại, dù là vấn đề gì, trước khi nắm rõ ngọn ngành câu chuyện thì phải về phe của con của con trước đã. An ủi con. Vui cười tếu táo với con. Giúp con bình tâm. Rồi sau đó, mới từ từ đưa ra các giải pháp giúp con, hoặc khuyên giải con.

Tuyệt đối đừng “tại con thế này, mẹ đã nói rồi mà…”. Con đã buồn bực thì chớ, còn nghe mẹ nói kiểu đó thì thôi, chán nản, biết vậy khỏi kể cho rồi.

Bạn cần trở thành điểm tựa vững chắc của con, là nơi trú ẩn an toàn của con. Để khi con gặp bất cứ vấn đề gì, thì con đều có thể quay về với mẹ, để được mẹ vỗ về, để tìm lấy sự bình an, tự tin, sáng suốt.

Là tấm gương để con noi theo:

Bạn cần là người mẹ “có uy” với con bằng cách làm gương cho con. Thương thì rất thương, nhưng nghiêm thì rất nghiêm. Khen và động viên khi con làm điều tốt, nhưng cần chỉ cho con thấy những điều con làm điều chưa tốt để con cải thiện.

Không phải lúc nào cũng khen, cũng động viên, cũng tích cực là tốt. Khen ngợi thảo mai quá cũng làm suy yếu tinh thần đứa trẻ, khiến con chỉ quen với việc ngợi khen, con không/ khó chấp nhận những góp ý, phản biện, đánh giá từ người khác. Sau này lớn lên, con dễ bị stress khi gặp phải những phản hồi mạnh, tiêu cực, hoặc thậm chí là tấn công từ những người ác ý, những người độc hại – những điều mà không ai trong cta tránh được.

Muốn con bản lĩnh thì bạn cũng phải bản lĩnh. Muốn con mạnh mẽ thì bạn cũng phải mạnh mẽ. Muốn con học giỏi thì mẹ cũng phải ham học. Muốn con có logic tư duy phản biện, thì mẹ cũng phải rất logic khi trao đổi/ thảo luận với con.

Con học hỏi từ lời nói, thái độ, hành vi hàng ngày của mẹ; chớ không phải từ những lời thuyết giảng dài dòng của mẹ.

Muốn con vừa thương, vừa nể phục mẹ thì mẹ phải tạo đủ uy tín cá nhân. Muốn con nghe lời, thì mẹ cần dùng lời lẽ có sức thuyết phục.

Thấu hiểu và hỗ trợ con:

Người mẹ cần kín đáo quan sát con, cố gắng hiểu con và sẵn sàng hỗ trợ con tối đa.

Cách đây mấy ngày, K đi học về, cảm thấy không vui. Mình đang làm việc, tự nhiên thấy K chạy ra, hỏi mẹ “Mẹ ơi, mẹ có muốn xem phim hài với con không?” - giọng nghe có vẻ nghèn nghẹn nhưng cố giấu. Mình lập tức bật hết tất cả giác quan của người mẹ lên, báo động đỏ rồi. Nhanh chóng ok liền: Ừa, con mở tivi đi, mẹ save lại cái file rồi qua với con liền.

(Lúc này mà mẹ nào còn hỏi: Hôm nay có bài vở gì không mà xem tivi cả tối thế? Làm bài xong đi rồi muốn xem gì thì xem. Kiểu đó là toang đấy các bạn ạ).

Mình không vội vã hỏi con tại sao, nhưng nhanh chóng thông báo với ông xã. 2 tụi mình vui vẻ xem phim Hàn với con cả tối hôm đó – nhưng vẫn âm thầm kín đáo quan sát con và trao đổi với nhau về con.

Liên tục 2 – 3 ngày con không vui, đi học về chỉ thích xem phim, chủ động đòi đi chơi, đi ăn, đi nhà sách; và cũng không nói lý do tại sao cứ buồn hoài. Nhưng tụi mình vẫn rất kiên nhẫn, không ép con nói, chỉ biết nhẹ nhàng với con hết sức có thể.

Buổi tối, trước khi đi ngủ, mình ôm con và nói “Nếu K buồn chuyện gì, thì K hãy nhớ là K luôn có Mẹ. Mẹ luôn là đồng minh của con. Mẹ lúc nào cũng thương K nhất đời”. Còn bố K thì chịu khó đi mua cho K tất cả những món ăn, quà vặt nào mà K thích, ship đến tận trường.

Cho đến chiều hôm qua, K hỏi:

- Sao bố mua cho con những thứ này?

- Tại bố biết con thích, nên bố mua. Bố biết con buồn, nên bố muốn con vui.

- Dạ con hết buồn rồi”.

Hú hồn

Dù không hiểu lý do con không vui, nhưng tụi mình đã kịp thời hỗ trợ về mặt cảm xúc cho K, giúp con bình tâm và nhẹ nhàng trở lại.

Quan tâm đến con một cách kín đáo:

Thay vì đóng vai “giám thị” hoặc “giám sát” một cách lộ liễu, bạn nên thực hiện việc này một cách tinh tế hơn, để con không bị áp lực bức bối, bởi vì, sự quan tâm thái quá cũng có thể khiến người khác cảm thấy bị xâm phạm quyền riêng tư.

Quan tâm mà vẫn phải tỏ vẻ bình thản, nhưng mình vẫn phải luôn luôn biết rõ con đang học ntn, con có gặp phải vấn đề gì không.

***********************************

Khoảng 2 tuần trước, anh thầy dạy môn Chemistry nhắn tin cho mình:

Tutor: Con muốn trao đổi 1 chút về việc học của Khuê, và con thấy Khuê dạo này chưa nghiêm túc học lắm dù là đã hết lớp Geometry. Con có nói Khuê là nếu bận không kịp nộp homework có thể nhắn con. Nhưng mấy nay con nhắn để hỏi tình hình homework, Khuê đọc nhưng không trả lời, và cũng không làm homework đúng hạn. Lúc vào lớp con hỏi lại 1 bài homework đã giảng từ hôm trước và con hỏi lại cách làm thì Khuê nói không biết làm, và cũng chưa làm.

Nên hiện tại con cũng rất là không hài lòng, con mới giảng lại và đang để Khuê tự làm lại, nếu sau khi giảng mà Khuê vẫn không làm được con xin phép không dạy bữa hôm nay để Khuê tự ôn bài và tuần sau tiếp tục ạ.

Mình: Đúng rồi con. Con nghiêm khắc 1 xíu cho em nó sợ. Chớ để nó dễ ngươi quá.

Tutor: Khuê vẫn không làm được nên con hủy buổi hôm nay rồi ạ, nếu nào cô hoặc chú rảnh thì nhắn để con gọi.

Mình: Để cô nhẹ nhàng nói chuyện với em xem sao. Tính K rất nghiêm túc và xem trọng việc học. Chắc có lý do.

Sau đó, mình vào phòng K, lướt nhìn qua màn hình, rồi hỏi bâng quơ, một cách hết sức ngẫu nhiên:

- Ủa mẹ tưởng con đang học Hoá với anh S chớ.

- Dạ anh không dạy con bữa nay.

- Sao vậy con?

- Dạ ảnh giận con rồi (mắt rưng rưng)

- Ủa, sao vậy con?

- Tại con không làm bài tập của ảnh giao.

- Mà sao con không làm bài tập?

- Tại con ưu tiên làm cho dự án ở trường.

- Dự án ở trường và bài tập môn Hoá, cái nào gấp hơn?

- Dạ bài tập môn Hoá.

- Ủa sao con không làm cái gấp trước?

- Tại vì con muốn ưu tiên cho các môn ở trường, vì các môn ở trường có điểm, mà bài tập môn Hoá thì đâu có điểm.

À, lúc này mình bắt đầu hiểu: té ra là cô nàng muốn ghi điểm tối đa cho bài vở ở trường, đang muốn phấn đấu để điểm GPA cao nhất có thể mà.

- Vậy tại sao con không nói với anh? Nếu con bận thì con cứ nhắn tin nói, ảnh có bao giờ la vì con busy không kịp làm bài tập đâu.

- Dạ…. con không biết nói làm sao…

Trả lời ngắc ngứ. Chổ này mình quan sát thái độ và cảm xúc thì mình ngầm hiểu là: làm sao con có thể nói với ảnh là “vì bài tập anh giao không quan trọng bằng bài tập trên trường nên em không ưu tiên làm”. Con không biết trả lời với thầy sao luôn.

Rồi khi thầy giận thì con bắt đầu căng thẳng, thầy hỏi đến bài vở thì đầu óc rối bời, trả lời không được, thầy tưởng con không học bài, thầy càng giận thêm. Tội nghiệp cả 2 thầy trò.

- Rồi con nghĩ anh S giận con là do con busy không làm bài tập, hay anh S giận là do con không thèm trả lời tin nhắn?

- Dạ tại con không trả lời tin nhắn.

- Vậy giờ con nhắn tin giải thích với anh đi, rồi xin lỗi anh nha.

Trong lúc K nhắn tin cho thầy, thì mình gọi cho thầy trao đổi, giải thích để thầy hiểu và không giận K nữa. Vài phút sau mình quay lại thì thấy nàng đã tươi tỉnh trở lại, làm bài gởi cho thầy và được thầy khen rất tốt sau đó.

Trường hợp này, nếu mình nóng vội, chỉ đọc nhắn tin complain của thầy rồi sốt ruột trách mắng con, thì sẽ dễ dàng đẩy con xa mình.

Khi con lớn, các vấn đề của con trở nên phức tạp hơn. Vì không phải lúc nào con cũng bày tỏ, chia sẻ 100% với cha mẹ. Tâm lý con nhạy cảm hơn. Cái tôi cũng hình thành rõ rệt hơn. Nhu cầu khẳng định “độc lập chủ quyền cá nhân” mạnh mẽ hơn.

Chưa kể, càng lớn, vai trò người mẹ còn bị ảnh hưởng bởi vai trò của bạn bè, thầy cô, tutor, mentor... Sợi dây kết nối giữa mẹ - con có bền chặt hay không, tuỳ thuộc vào việc bạn đã dày công bền bĩ đan bện, bồi đắp từng chút, từng chút, mỗi ngày, khi con còn nhỏ xíu.

Vai trò Mother này vô cùng quan trọng, chiếm ý nghĩa lớn trong việc hình thành tính cách, nhân cách, tư duy của con. Nếu bạn quá sa đà vào việc kiếm tiền, hoặc làm osin phục vụ con, hoặc chỉ chăm chăm vào việc đổ kiến thức vào đầu con, chăm chăm kiểm tra check-list nhiệm vụ học tập của con, thì bạn không thể nào còn tâm trí đâu thể thực hiện vai trò quan trọng mà không-ai-có-thể-thay-thế của người mẹ nữa.

*****************************************

Vừa rồi, lúc tụi mình đi dẫn tụi nhỏ đi xem phim Kungfu Panda ở Crescent Mall, PH ngồi cafe với nhau, có 1 Phụ huynh hỏi mình “Em không biết tại sao con em không cố gắng nỗ lực học. Toàn học kiểu đối phó. Bài vở chờ đến deadline mới làm. Làm vội vã cho xong thì thôi. Con không tìm tòi và tự giác học”.

Hỏi kỹ, té ra bạn nhỏ đó học rất giỏi, là học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong. Về năng lực học tập của con thì khỏi phải bàn. Chỉ là con không thật sự đầu tư học cho thật giỏi. Con học giỏi đều các môn, nhưng không học giỏi xuất sắc môn nào. Và con cũng không/ chưa cảm thấy thật sự đam mê cái gì.

Theo mình, mình nghĩ là do mẹ chưa hiểu con. Và dĩ nhiên, đứa nhỏ cũng chưa hiểu được bản thân con thích gì, muốn gì; nên có lẽ con không biết con cần học gì hoặc con nên học gì.

(Ở đây, mình muốn nói thêm là: việc hiểu bản thân, nhận thức đúng đắn về bản thân là 1 điều vô cùng quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất – mà không phải ai cũng làm được, kể cả người lớn. Có những người trưởng thành, nhưng không hề nhận thức được điểm mạnh/ yếu của mình, hay/ dở của mình; dẫn đến nhiều người vẫn lạc lối và thất bại trong cuộc đời, ngay cả khi họ đang già đi).

Để hiểu được con, và giúp con hiểu được chính mình, thì người mẹ cần là 1 người THINKER: quan sát, đặt câu hỏi, đi tìm câu trả lời.

Bạn cần có cái nhìn sâu hơn về con, có tầm nhìn rộng hơn và xa hơn cho con. Để âm thầm điều hướng con, giúp con đi vào quỹ đạo/ định hướng phù hợp với tố chất và thiên hướng của con, tối ưu cho con, mà bạn đã dày công sắp đặt.

Nếu bạn để con tự do hoàn toàn, tự đi, tự chọn; thì xác suất may-rủi hoặc thành công-thất bại là 50 – 50.

Nhưng, là người THINKER, bạn cần nhận diện rủi ro, phân loại rủi ro, ngăn chặn rủi ro, và có giải pháp sẵn sàng cho các rủi ro.

Đồng thời, bạn cũng cần biết nhận diện cơ hội, chuẩn bị để con sẵn sàng nắm bắt cơ hội, hoặc thậm chí chủ động tạo ra cơ hội cho con.

Bạn cần rất nhiều thời gian để suy nghĩ. Bạn cần trở thành 1 Thinker trong quá trình nuôi dạy con thành công.

Bài viết sau mình sẽ viết sâu thêm về vai trò Thinker.

 


Phạm Hương - Jun 14, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email