PHẦN 3: Thinker - Người Mẹ Có Tư Duy Tốt

Dân gian có câu "1 người tính, bằng 9 người làm". Hãy bớt thời gian làm Doer, để dành thời gian làm Thinker, bạn nhé.

Hãy dành thời gian nhất định để suy nghĩ về con, suy nghĩ cho con - trước khi bạn và con đứng trước những quyết định lớn nào, trước khi con dấn thân bước vào nẻo đường nào. Nếu bạn không làm điều này, thì ai sẽ làm cho con bạn?

Nếu bạn giao con cho thầy cô, nhà trường, hay thậm chí là trung tâm tư vấn, thì liệu bạn có chắc những người đó thật sự bỏ thời gian, tâm huyết để suy nghĩ, cân nhắc và đưa ra những lời khuyên/ định hướng phù hợp, thiết thực và hoàn toàn vì lợi ích của con bạn không?

Nếu bạn theo phong cách “tiến bộ” gì đó, bạn giao hoàn toàn quyền quyết định cho con, thì hỡi ơi, 90% là thảm hoạ.

- Nếu bạn là 1 người lãnh đạo giỏi, bạn cần hiểu là: Khả năng “ra quyết định” là một trong những loại năng lực quan trọng – mà người lớn, nhiều người mất cả đời vẫn dở ẹt.

Giao cho con nít quyết định hoàn toàn những chuyện quan trọng lớn, ảnh hưởng đến cả đời, là 1 quyết định tồi. Đó, điều này là 1 minh chứng cho điều mình vừa nói: PH giao cho 1 đứa trẻ con nít tự quyết định hoàn toàn tương lai của mình – đây chính là 1 quyết định kém khôn ngoan của người lớn.

Mình có đứa cháu kêu bằng cô ruột. Cha mẹ nó đúng nghĩa là “cho con tự quyết hoàn toàn”. Đứa nhỏ học 2 năm ĐH ngành Ngôn ngữ Anh thì QUYẾT ĐỊNH bảo lưu, và QUYẾT ĐỊNH đi học vẽ vời thiết kế. Nó nhận được mấy cái job nho nhỏ, kiếm được vài triệu/ tháng thì tự tin dâng cao tới đỉnh, thế là bảo lưu đến năm nay là năm 3 vẫn chưa đi học lại. Mình nghe được tin, mình bàng hoàng, sốt ruột, lo lắng, nhưng cha mẹ nó thì tỉnh rụi à.

Mình lo bảo lưu hết năm 3 mà không quay lại thì nhà trường đuổi học luôn. Mình lo bảo lưu lâu quá kiến thức mất hết rồi, lúc quay lại sẽ vất vả học lại từ đầu. Mình lo nó dành thời gian cho vẽ vời, thiết kế quá mà không lo học cho tốt TA, thì sau này làm sao đi dạy ai được, vì mấy em đang học phổ thông bây giờ, TA có khi đã giỏi hơn những đứa SV như nó rồi.

Mình lo là, nếu nó bỏ học Ngôn ngữ Anh và rẽ ngang vào ngành Art, thiết kế; thì năng lực của nó, bất quá chỉ là có chút xíu năng khiếu xoàng, vẽ hình ngây ngô như trẻ nít + học mấy cái course hời hợt trên mạng thì làm sao bằng những bạn có năng khiếu bẩm sinh + đam mê tôi luyện cả chục năm từ khi còn bé + vào ĐH Mỹ thuật/ Kiến thức học hành bài bản 4 - 5 năm trời.

Chưa kể bây giờ AI đã vào cuộc, mấy cái vẽ vời, thiết kế đơn giản thì AI đã làm hết rồi. Nên, muốn theo học nghề Art/ thiết kế cũng phải học bài bản, có đầu tư nghiêm túc, chớ có phải chỉ cần biết vệt màu đại khái vài 3 nét mà thành công trong công việc, rồi tạo được sự nghiệp vững vàng đâu.

Mình lo bao nhiêu, thì cha mẹ nó bình thản bấy nhiêu. Điều khổ nhất là, nó cứ sống vậy đó, tuổi thì tiến đến gần mốc 30, thiếu tiền thì cứ xin mình (vì cha mẹ nó cũng khó khăn). Thấy nó đốt thời gian tuổi thanh xuân, mình sốt ruột như lửa đốt. Nhưng, cha nó rất tự tin (hay chủ quan trong sự thiếu hiểu biết?) và “Kệ nó. Nó tự quyết định và tự chịu trách nhiệm”.

Không biết nó sẽ đốt bao nhiêu thời gian nữa đây

- Nếu bạn là một người lãnh đạo giỏi, bạn sẽ hiểu là: Trước khi trao quyền (quyết định) cho nhân viên, thì phải bảo đảm NV đó phải có đủ năng lực để tự ra quyết định và đồng thời có đủ năng lực để THỰC THI những điều mà họ vừa quyết định.

Mà để bảo đảm NV có đủ năng lực, thì người sếp đã có thời gian dài huấn luyện, đào tạo, nâng cao năng lực NV, cho tới khi họ cứng cáp - đủ để "ra riêng".

Việc trao quyền quyết định là một chuỗi công việc kỳ công, nằm trong 1 nhiệm vụ quan trọng của cấp lãnh đạo, được gọi là “xây dựng đội ngũ kế thừa”.

Trong đó, người sếp sẽ từ từ cho NV tự quyết (và tự làm) những việc nhỏ đến việc lớn hơn - dần dần, theo thời gian. Điều mấu chốt là sếp chỉ cho quyền quyết định sau khi NV đã trình bày, phân tích chặt chẽ và thuyết phục. Rồi sau mỗi quyết định đó, sếp lại đánh giá xem NV làm như thế nào, hiệu quả ra sao, rút ra bài học gì, để lần sau mình sẽ có những quyết định khôn ngoan hơn.

Tóm lại, cho đến khi người NV có đủ năng lực để tự ra quyết định (và thực thi) các vấn đề lớn, thì người đó đã đủ năng lực để trở thành quản lý rồi.

Không ai dại dột mà trao quyền quyết định cho 1 nhân viên thực tập mới nhận việc, ngơ ngáo chưa biết cái gì với cái gì.

Tương tự, cha mẹ không thể trao quyền quyết định cho 1 cô/ cậu con nít, ăn chưa no, lo chưa tới; mà bảo “con tự quyết đi, rồi tự chịu trách nhiệm đi”.

Biểu nó quyết thì nó quyết thôi, nhưng rồi làm có được không? làm tốt bao nhiêu? làm được đến đâu? Nó quyết xong rồi nó làm lèm tem, gây ra 1 mớ problem thì ai phải đi dọn mớ hỗn độn của nó. Là cha mẹ chớ ai. Còn cha mẹ nào lạnh nhạt “Con tự giải quyết đi”, thì tụi nhỏ nó sa lầy luôn, chớ dễ gì mà tự xử lý.

Nhìn ở 1 góc độ khác, mình thấy em trai mình (và nhiều PH tương tự) không phải là bậc cha mẹ dân chủ đâu, mà nói thẳng ra, đó là vô trách nhiệm với con cái, đẩy hết trách nhiệm cho đứa con khờ dại của mình. Sau này, con có tốt thì con nhờ, mà con có khổ thì con cũng không thể trách cha mẹ. Suy nghĩ của họ vốn chỉ là “Tự làm tự chịu, đừng làm phiền cha mẹ là được”.

Quay lại, ý mình muốn nói là, là người mẹ, có tuổi đời, có trải nghiệm, có kiến thức, bạn phải gánh lấy phần nhiệm vụ quan trọng nhất: là người suy nghĩ, tư duy, có tầm nhìn và dùng nó để định hướng cho con.

Trước khi cho con quyền quyết định, bạn cần:

  • Phóng xa tầm mắt, để thấy được hành trình con sẽ đi đến đâu
  • Phóng rộng tầm mắt, để thấy bối cảnh xã hội trong và ngoài nước thế nào
  • Đừng chỉ nhìn hiện tượng bề mặt, hãy phân tích để thấy và hiểu ý nghĩa bên dưới: nhận diện rủi ro lẫn cơ hội

Tầm nhìn xa:

Người có tầm nhìn xa thì không chỉ chăm chăm vào việc tìm trường cho con, tìm thầy cho con. Không nên để thực tế hiện tại làm cản trở tầm nhìn của mình.

Còn nhớ, có 1 lần, 1 bạn PH gọi cho mình chia sẻ: con bạn học HSC với mình được 2 năm, con rất giỏi và con thi đậu vào trường chuyên Anh cấp 3 ở tỉnh. Bạn quay lại cảm ơn mình, và cũng đồng thời xin nghỉ học lớp HSC bên mình, vì “vào trường chuyên con sẽ được học với toàn thầy cô giỏi, ai cũng có IELTS 8.0, nên em không lo gì về TA của con nữa”.

Mình chúc mừng bạn ấy. Tuy mình mừng cho em bé, nhưng mình cứ lấn cấn câu “thầy cô của con em rất giỏi, toàn là IELTS 8.0”.

Với mình, mình lại nghĩ khác. Mình không bao giờ lấy cái mốc “IELTS 8.0” để làm mục tiêu cho con. Mình nhìn xa hơn rất nhiều, mình muốn con mình sẽ phải học TA giỏi một cách khác biệt, giỏi không thua kém người bản xứ. Vì vậy, mình không bao giờ chọn GV theo tiêu chí có IELTS 8.0. Từ khi K còn nhỏ, mình chọn thầy Cường, vốn đi tu nghiệp ở Mỹ về, đang dạy ở trường quốc tế Mỹ. Rồi sau đó, mình chọn thầy Mario, rồi thầy Andy cho K - những người này, hoàn toàn không có IELTS 8.0.

Một cách ví von, thầy cô giống như cái trần nhà, nếu thầy cô chỉ giỏi ở level IELTS 8.0, thì con mình nhảy cao nhất cũng chỉ đụng trần. Muốn con giỏi ở level khác, thì cha mẹ cần có tầm nhìn khác.

Tương tự, nhiều người tìm các bạn SV có IELTS cao, SAT cao, để dạy cho con mình. Mình thì nghĩ học cho vui thì được (nhưng học cho vui cũng mất thời gian của con). SV có thể giỏi, nhưng đủ giỏi để dạy con mình cho thật giỏi như mình muốn hay không – thì đó mới là vấn đề. Chưa kể, SV học giỏi cho chính bản thân các em, nhưng kỹ năng dạy giỏi, việc giúp người khác học giỏi – thì SV còn non quá. Nếu con bạn còn nhỏ, mới cấp 1 hoặc đầu cấp 2 thì ok, nhờ SV cũng tạm ổn, khi mà tài chính của bạn không cho phép bạn có sự lựa chọn tốt hơn.

Nhưng nếu muốn con học cho thật giỏi, học giỏi không chỉ dừng lại ở mức độ điểm 10 trên lớp, ở kết quả bài test cuối cấp, ở tấm bằng tốt nghiệp; mà học giỏi để lĩnh hội kiến thức thật tốt, xây dựng nền tảng vững chắc khi con bước vào ĐH, rồi thực tập, rồi đi làm, rồi phát triển, thăng tiến... thì bạn hãy mở rộng cái tầm nhìn của mình khi chọn tutor/ mentor cho con.

Một ví dụ khác nữa là, các PH chỉ chú tâm tìm trường tốt cho con. Ngay từ nhỏ đã chọn mầm non song ngữ, từ nhỏ đã cho bé học luyện thi để vào bằng được trường tư CLC cấp 1, cấp 2. Nhưng, sau đó, cấp 3 thì sao, ĐH thì sao, ra đời thì sao… các PH hoàn toàn chưa nghĩ đến.

Cách đây vài hôm, 1 PH nhờ mình tư vấn cho con bạn. Bạn nhỏ đang học lớp 7 ở 1 trường CLC rất nổi tiếng. Bạn định hướng cho con vào chuyên Anh. Và thế là con lại tiếp tục ôn thi, luyện thi chuyên Anh cho 2 năm (lớp 8 + 9).

Qua chia sẻ, mình biết là, bạn chấp nhận mất 9 năm ở ngôi trường CLC nổi danh kia, chỉ để học Toán và TA – mà TA cũng chỉ giỏi kiểu “English for đi thi”.

Khi mình hỏi, bạn và con có định hướng gì về ngành học ở ĐH chưa, vì các tổ hợp môn ở cấp 3 có tính quyết định khi con apply ĐH trong nước; thì bạn nói là bạn và con chưa biết chọn gì. Tóm lại, cứ vào chuyên Anh cấp 3 đã, rồi mới tính.

Thế là mình từ chối tư vấn luôn, vậy thôi khi nào con bạn vào năm lớp 10 rồi hãy quay lại với mình. Mình không thể phân tích và tư vấn cho 1 người không có tầm nhìn, chỉ có mục tiêu trước mắt.

Tầm nhìn rộng:

Bạn cần phóng rộng tầm mắt để nhìn toàn cảnh xã hội. Đừng chỉ lấy vài nhân vật đơn lẻ ở chung quanh ra mà kết luận như đúng rồi. Xã hội mình phần lớn mắc vào lỗi này. Cứ thấy ai đó làm được/ không làm được 1 việc gì => cứ thế mà kết luận luôn.

Khi mình muốn đánh giá 1 vấn đề, mình nên tìm hiểu các dữ liệu thống kê: tỉ lệ thất nghiệp, mức lương trung bình, mức độ cạnh tranh, mức độ bão hoà… của từng nhóm ngành nghề, ở từng khu vực/ quốc gia. Khi phân tích, mình cần có dữ liệu, có nguồn đáng tin cậy, chớ hổng phải cứ nghe khơi khơi đầu này 1 chút, đầu kia 1 chút.

Có 1 lần mình đã chia sẻ bài viết của 1 cô giáo trường ĐH Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, bài viết của cô chỉ mong con trai cô có đời sống như “1 bà bán mắm, 1 cô giúp việc và 1 anh làm nghề photocopy”. Lý luận của cô là “miễn sao làm việc tận tâm, làm đến nơi đến chốn công việc của mình, thì làm nghề nào cũng được. Nghề nào cũng đáng quý và đáng được coi trọng”.

Tiếc thay, cô ấy viết lời văn thì hay, nhưng có lẽ cô chỉ quen viết bình luận văn thơ, chớ không quen viết văn nghị luận, nên cô quên nhìn vào các dữ liệu thực tế:

- Thu nhập trung bình của 1 người bán mắm, người giúp việc, người photopy là bao nhiêu – có đủ để sống 1 cuộc đời thong thả ở Thủ đô HN hay không?

- Các chế độ/ chính sách bảo hiểm xã hội dành cho người bán mắm, người giúp việc và người photocopy có tốt không? Họ có được trợ cấp lương thất nghiệp không? Họ có được nghỉ phép mà vẫn có lương không? Họ có được nghỉ thai sản không? Họ có lương hưu không?

- Họ có được cơ hội học hỏi và thăng tiến trong công việc/ sự nghiệp không? Họ có được tài trợ cho đi cho học nâng cao trình độ, được huấn luyện kỹ năng, được tiếp cận các kiến thức mới không? Họ có cơ hội tăng lương, lên chức hay không?

Sau 10, 20, 30 năm đi làm, dù làm giỏi đến đâu, tận tuỵ đến đâu, thì lương của chị giúp việc chỉ tăng theo lạm phát (nếu chủ tốt thì thưởng rộng rãi hơn 1 chút). Nhưng lương/ thu nhập của người tri thức thì tăng theo năng lực, có khi tăng gấp 10 lần, hoặc vài chục lần lương khởi điểm sau khi tốt nghiệp.

Chưa kể, tại sao cô giáo ấy không nghĩ “Ai cũng cần làm việc tận tâm, dù là lao công hay bác sĩ, dù là bán mắm hay giáo viên. Nếu bạn là 1 giáo viên thực sự tận tâm, thì bạn mang lại giá trị rất lớn cho xã hội, cho các thế hệ đàn em. Nếu bạn là bác sĩ tận tâm cứu chữa nhiều bệnh nhân, thì bạn mang lại giá trị đáng quý hơn anh chàng photocopy nhiều ấy chớ”.

Rõ ràng là, vai trò của bác sĩ, của giáo viên luôn luôn có tầm vóc quan trọng hơn và vì thế họ được xã hội tôn vinh hơn và trân trọng hơn - chớ không phải như 1 vài lý luận “nghề nào cũng đáng quý và đáng được coi trọng như nhau”.

Lần mới nhất mình ra HN, ngày cuối cùng, mình có gặp 1 PH, tụi mình cùng đi ăn sáng ở phố cổ. PH đó chia sẻ định hướng của bạn cho con bạn: bạn muốn con bạn học chuyên Sử. Mình ngạc nghiên, thì bạn giải thích “Làm cô giáo dạy chuyên Sử cũng tốt mà chị ơi. Đây này, cô giáo dạy chuyên Sử tên … đó, mở lớp dạy thêm chuyên Sử mà thu nhập cả mấy trăm triệu/ tháng đấy chị”.

Ôi, mình nghe xong cười ngất. VN mình có bao nhiêu GV dạy Sử, nhưng chỉ có 1 cô giáo đó thu nhập vài trăm triệu thôi, còn lại thu nhập trung bình của GV dạy Sử là bao nhiêu? Nếu tụi mình cứ đem những “hình mẫu” hiếm hoi đó để làm mục tiêu cho con đi theo thì tụi nhỏ khổ quá, tội nghiệp tụi nhỏ quá.

Chả lẽ bạn nhỏ nào học computer science cũng mang Bill Gate ra để làm mục tiêu phấn đấu hay sao? Ai đi học hát cũng nhắm đến thành công của Taylor Swift hả chời?

Học Sử mà lương cao trăm triệu thì cả nước mình đều cùng nhau học Sử hết rồi.

Again, bạn cần nhìn vào bức tranh tổng thể, chớ đừng nhìn vào 1 vài cá nhân đơn lẻ. Đừng nhìn vào anh chàng cò đất nhiều tiền mà ham. Đừng thấy bác hàng xóm bán sức lao động (XKLĐ) của con ở Nhật Bản xây nhà to mà thích. Cũng đừng thấy mấy bạn học ĐH xong chạy Grab mà nản. Cũng đừng thấy GV dạy Sử lương vài trăm triệu mà tưởng bở

Cái gì cũng có cái giá của nó.

Tầm nhìn sâu sắc:

Một lỗi phổ biến mà nhiều PH hay mắc phải, là cứ nhìn hiện tượng bề mặt rồi kết luận luôn. Ví dụ cụ thể là “Học ĐH ra đi chạy Grab kìa. Học nhiều, học giỏi mà cũng chạy Grab thì học làm gì”.

Đúng là có nhiều bạn có bằng ĐH ra, rồi đi chạy Grab. Nhưng, đằng sau nó là những gì, bạn có bao giờ tìm hiểu chưa:

- Đó là do khi bạn trẻ chọn ngành học ĐH, bạn không được ai hướng dẫn/ định hướng để chọn những ngành nghề phù hợp với tố chất của bạn. Bạn chọn học theo lời bạn bè, theo trend, theo quảng cáo của trường, theo sự tư vấn của các “chuyên gia định hướng nghề nghiệp” (mà sự thật cay đắng là các chuyên gia này là những nhân viên ăn lương của các trường ĐH tư, là 1 chiêu thức tuyển sinh của 1 tổ chức kinh doanh giáo dục mà thôi).

- Đó là do bạn trẻ không có năng lực học tập tốt ở những năm phổ thông, bạn không có năng lực gì nổi trội ở bất cứ ngành nào, dù là STEM hay các môn xã hội, bạn cũng không có tố chất kinh doanh. Vì vậy, khi vào ĐH, bạn chọn đại những ngành dễ học, thuộc khối Xã hội, hoặc khối Business. Đây là những ngành rất là lý thuyết chung chung. Học rất dễ. Gần như ai cũng tốt nghiệp. Nhưng ra đời, làm được việc hay không thì là chuyện khác. Vì vậy, những ai có tấm bằng nghe rất kêu, nhưng lại vô dụng, không làm được gì, thì trước mắt cứ chạy Grab – rồi va chạm với đời hơn, từ từ sẽ khôn ra hơn.

- Như trên, bạn trẻ không có năng lực học tập tốt, tư duy cũng kém, kiến thức thì lơ mơ, cả đời không đọc sách, cuối cùng, thì bạn chỉ có thể học những trường ĐH tư, kém chất lượng. Đầu vào kém, trường có chất lượng giảng dạy kém, thì đương nhiên đầu ra cũng kém. Với 1 tấm bằng có giá trị như tấm giấy vào cửa, nhưng thực lực không có, nhóm này đi chạy Grab cũng dễ hiểu mà.

- Chưa kể, nếu bạn trẻ nào là dân tỉnh, bơ vơ ở TP lạ, không quen biết ai, không có mối quan hệ xã hội, thì làm sao bạn có thể cạnh tranh xin được việc sớm, việc tốt với những bạn có cha mẹ có cơ ngơi bề thế, có mối quan hệ rộng rãi, thậm chí có chức có quyền?

Cuộc đời vốn khắc nghiệt thế đó. Cha mẹ cũng là bệ phóng đáng kể cho đứa con. Không phải tụi nhỏ khó khăn tìm job không ra, rồi vì gánh nặng cơm áo gạo tiền mà đành chạy Grab chờ thời đều là dở tệ; không phải cứ ai có bằng ĐH mà đi chạy Grab thì đều là những người thất bại.

Ngược lại, bạn có thấy ai tốt nghiệp Cử nhân Ngôn ngữ Anh, tiếng Anh 4 kỹ năng giỏi xuất sắc, tận tâm, trách nhiệm - mà đi chạy Grab chưa?

Bạn có thấy bạn nào tốt nghiệp Cử Nhân Marketing, kèm với mấy chứng chỉ Digital Marketing của Google, Facebook, cộng với khả năng viết lách, tố chất kinh doanh, mà thất nghiệp chưa?

Bạn có thấy bạn nào tốt nghiệp Cử Nhân Quản trị Khách sạn, tiếng Anh lưu loát, thái độ thân thiện, niềm nở, chu đáo; tinh thần làm việc trách nhiệm, tận tâm + học thêm vài chứng chỉ kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý, kỹ năng lãnh đạo… mà thất nghiệp chạy Grab chưa?

Mình đưa ra các ví dụ trên, để bạn hiểu là:

- Chỉ dựa vào 1 tấm bằng ĐH không thôi, là chưa đủ để tìm được job tốt. Thái độ tích cực, tinh thần chủ động, tư duy tốt là điều rất quan trọng.

- Chỉ dựa vào bằng ĐH, mà thiếu tiếng Anh (hoặc ngoại ngữ cần thiết) thì cũng làm hẹp đi cánh cửa cơ hội bước vào đời.

- Chỉ dựa vào duy nhất tấm bằng ĐH, cứ nghĩ học ĐH xong là thôi, thì làm sao cạnh tranh cho nổi. Cần phải học nhiều các kỹ năng khác, kiến thức khác để bổ sung. Ai học truyền thông thì phải học và rèn luyện thêm kỹ năng viết. Ai làm ngành quảng cáo thì phải học khoá “phát triển tư duy sáng tạo”. Ai học ngành marketing, thì phải học thêm mấy chứng chỉ chạy Ads của Google/ Facebook. Ai học ngành Business thì phải học thêm rất nhiều các khoá: kỹ năng thương lượng, thuyết phục, làm việc nhóm, quản lý, lãnh đạo, hoạch định chiến lược…

​- Chỉ dựa vào việc học thì chưa đủ, mà còn phải đi làm thêm, va chạm cuộc sống, xin đi thực tập, tạo network... để khi ra trường, mình có kinh nghiệm hơn, có nhiều chổ quen biết hơn, thì cơ hội việc làm nhiều hơn.

Xin đừng nhìn vào 1 hiện tượng rồi khái quát hoá nó, kết luận nó như thể là “Học ĐH là vô dụng, học xong chỉ chạy Grab thôi”.

Các vấn đề chỉ là bề mặt. Bạn cần nhận diện được nguyên nhân sâu xa bên dưới. Có thế thì bạn mới đủ tư duy và tầm nhìn để định hướng cho con.

Để trở thành 1 THINKER, trước tiên bạn hãy là 1 READER.

- Chọn đọc những bài viết chất lượng, có giá trị, có dữ liệu, có dẫn nguồn

- Đặt câu hỏi cụ thể hơn, sâu hơn, để tìm kiếm lý do, nguyên nhân phía sau

- Tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi của mình bằng cách tìm kiếm thông tin ở những nơi đáng tin cậy, những người đáng tin cậy

Tóm lại, bạn cần đọc sâu hơn, suy nghĩ sâu hơn.

 


Jun 14, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email