PHẦN 4: Planer - Người Mẹ Có Kế Hoạch- Bước 3

BƯỚC 3: PHÂN TÍCH ĐỐI THỦ

Thông thường, chúng ta không bao giờ muốn bị so sánh. Vợ chồng mà đi so sánh bạn đời mình với người khác, thì dễ dẫn đến cãi nhau, mà so sánh hoài thì chắc sớm muộn gì cũng đường ai nấy đi.

Mẹ mà đi so sánh con mình với “con nhà người ta” là điều tối kỵ.

Nhưng, so sánh kiểu độc hại, so sánh để dè bĩu, để chê bai, hoặc để đố kỵ mới là những kiểu so sánh mà cha mẹ cần tránh.

Ngược lại, để đặt mục tiêu cho đúng, để lên kế hoạch cho khôn ngoan, thì chẳng những cần so sánh, mà còn phải làm 1 sự so sánh tỉ mỉ, chi tiết, có bài bản, mà mình gọi là “phân tích đối thủ”.

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.

Có thể bạn sẽ hỏi “ủa, học hành mà thắng thua gì ở đây?”

Thương trường cũng như chiến trường. Và, học đường cũng như chiến trường. Mức độ cạnh tranh khốc liệt không kém.

Con muốn giành 1 chổ trong những trường ĐH hàng đầu, con phải thắng hàng ngàn HS giỏi trên cả nước.

Con muốn giành 1 vé để học ngành hot, con phải thắng hàng ngàn HS giỏi trên cả nước.

Con muốn giành học bổng ở Mỹ, Anh, Úc, Canada…, con phải thắng hàng trăm ngàn HS giỏi trên khắp thế giới.

Rồi sau này, ra đời, con muốn có job, con phải thắng hàng trăm ứng viên. Job có vị trí càng cao, lương càng cao, thì con càng phải cạnh tranh thắng những nhân tài giỏi không kém.

Vậy, cái quan điểm mà các nhà giáo dục hay khuyên “không cần so sánh mình với người khác, chỉ cần biết mình giỏi hơn mình của ngày hôm qua là được rồi” - có đúng không?

Theo mình, nó đúng, nhưng chưa đủ. Giỏi hơn chính mình là điều tốt. Nhưng có khi, mình dở quá (so với đối thủ) mà mình không biết (hoặc tưởng bở) và sự tiến bộ của mình cũng quá ít ỏi (so với mặt bằng của thị trường) mà mình tưởng mình ngon, thì còn khuya mình mới thành công.

Người ta giỏi 10, mình chỉ 1. Qua từng năm, mỗi năm mình tiến bộ vài % – còn mặt bằng xã hội người ta học hành, tiến bộ ào ào gấp nhiều lần, thì bao giờ mới đến lượt của mình giành được những vị trí tốt, công việc tốt, cơ hội tốt?

Bạn đi bộ khi người ta đi xe gắn máy. Vài năm sau, bạn tiến bộ hơn, bạn đi bằng xe đạp, thì người ta đã đi máy bay rồi. Cứ thế, bạn đạp xe quanh quẩn từ đầu làng đến cuối làng (động cơ chấm cơm làm sao đi xa), thì làm sao bạn giành được cơ hội với những bạn đã sớm bước ra thế giới?

Mình giỏi hơn mình là điều đáng mừng, nhưng chưa đủ. Mình cần phải giỏi hơn nhiều người khác nữa, thì mới mong leo lên vị trí cao hơn, mới được lên làm sếp của người khác.

Trong team, mình phải giỏi hơn các thành viên, thì mới được làm team leader. Trong bộ phận, phải giỏi nhất bộ phận thì mới lên làm Manager. Trong cty, phải giỏi hơn tất cả thì mới mong trở thành CEO.

Mình chỉ cần giỏi hơn 1 mình mình, thì thôi mình về vườn, chơi với dế luôn đi

Đồng nghiệp, sếp, khách hàng... ai cũng cần 1 người đủ giỏi để làm tốt nhất công việc/ nhiệm vụ/ phận sự mà họ được giao. Không ai thèm quan tâm người đó đã giỏi hơn chính họ-của-quá-khứ bao nhiêu %.

Xưa, mình có 1 anh bạn đồng nhiệp, hát rất hay, đi hát karaoke với cty được mọi người khen quá, nên rắp tâm đi học hát để mơ làm ca sĩ. Dĩ nhiên, khi đi học và luyện thanh nhạc, bạn ấy hát hay hơn chính bạn trước kia. Nhưng, so với năng lực thật sự để trở thành ca sĩ thì nó xa quá là xa. Đến giờ, bạn thôi, bạn bỏ ước mơ đó rồi. Nay, thỉnh thoảng, bạn đi hát giúp vui cho chùa chiền, đình đám khi có dịp.

Có vài người có khiếu nấu ăn, gia đình bạn bè khen nức nở. Thế rồi mơ mộng mở nhà hàng, nấu bán cho người ta. Rồi cũng đi học lớp bếp trưởng này nọ, tay nghề nấu nướng cũng cải thiện chút chút. Nhưng, so với tài năng của 1 đầu bếp chuyên nghiệp của nhà hàng thành công, thì thiệt là còn cách xa nhiều lắm. Thôi, ở đâu yên đó cho nó lành.

Trước khi mình muốn đặt mục tiêu gì (và sau đó là lên kế hoạch chinh phục mục tiêu đó), thì mình cần phải nghiên cứu thiệt kỹ đối thủ của mình. Mình muốn cạnh tranh với họ, mình muốn giành lấy khách hàng của họ, mình muốn chiếm thị phần của họ, thì mình phải giỏi hơn họ.

Trong kinh nghiệm mấy chục năm làm marketing của mình, mình rất giỏi mảng khảo sát và nghiên cứu thị trường, trong đó, nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh là điều quan trọng tối ưu mà tụi mình phải làm cho tốt nhất.

Không có 1 công ty nào, khi bước ra thị trường, mà không tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh. Sự hiểu biết về đối thủ cạnh tranh được xem như là 1 loại kiến thức quan trọng, chớ không phải chỉ là thông tin đơn thuần. Bạn càng hiểu về đối thủ, thì chiến lược của bạn càng chính xác.

Bạn có biết là những cty nghiên cứu thị trường được sinh ra để phục vụ cho các cty trong việc nghiên cứu và cập nhật tình hình của thị trường, của đối thủ. Các cty NCTT này sống khoẻ luôn. Ngân sách dành cho các NCTT này không hề nhỏ. Ít thì vài chục ngàn USD, mà nhiều thì vài trăm ngàn USD.

Các cty lớn, các cty đa quốc gia rất sẵn sàng chi tiền cho nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ thường xuyên. Báo cáo Sales cập nhật hoạt động kinh doanh của đối thủ hàng tháng. Báo cáo Marketing cập nhật tình hình thị trường và đối thủ hàng quý. Báo cáo và chiến lược hàng năm thì càng phân tích đối thủ từng chân tơ kẽ tóc.

Hiểu biết về đối thủ quan trọng đến mức, các quốc gia đều có dành ngân sách lớn để nuôi lực lượng tình báo, suốt ngày theo dõi các nước đối thủ. Nước nào mà chẳng có đội quân tình báo. Nga – Mỹ rình rập nhau suốt mấy chục năm. Mỹ - Trung do thám lẫn nhau trong từng diễn biến vi mô nhất.

Công ty nào mà không hiểu biết đủ về đối thủ, sẽ rơi vào tình trạng “ngủ quên trên chiến thắng”, sớm muộn sẽ thất bại.

Ngày xưa, Nokia là nhãn hàng mạnh nhất thế giới. Dĩ nhiên, họ cũng nghiên cứu, cũng cải tiến, cũng ra sản phẩm tốt hơn các SP cũ của chính họ. Nhưng tiếc thay, điều này chưa đủ. Sự ra đời của nhiều nhãn hàng ĐT khác đã chiếm dần thị phần. Nhưng Nokia vẫn không ý thức được mức độ nguy hiểm của nhóm đối thủ mới. Sự cải tiến của Nokia không đủ tốt bằng đối thủ. Kết quả là Nokia bị xoá trên bản đồ thị trường ĐTDĐ.

Tốt hơn chính mình, chưa và sẽ không bao giờ là đủ. Mà cần so sánh mình với mặt bằng chung, so sánh mình với những đỉnh cao hơn. Để ta không chủ quan, để ta điều chỉnh bản thân kịp thời. Để sinh tồn. Để phát triển.

Trong việc học hành, mình cần phân tích đối thủ như nào?

Nếu bạn muốn con trở thành 1 giáo viên dạy tiếng Anh, thì bạn hãy nhìn chung quanh, thế hệ HS cùng lứa con bạn đang học TA giỏi như thế nào? Liệu học và thi IELTS 8.0 ra rồi đi dạy TA (như hiện nay) có đủ để cạnh tranh trong tương lai?

Nếu bạn chọn 1 GV Việt Nam dạy TA cho con mình, bạn có thích chọn 1 bạn có chất giọng chuẩn Anh/ Mỹ, chẳng những có IELTS 8.0, mà còn có SAT 1.500+?

Nếu bạn biết rằng, SAT Reading khó hơn IELTS Reading nhiều lần. Để có điểm SAT cao, thì người thi cần có kỹ năng đọc và xử lý văn bản phức tạp. SAT là kỳ thi đánh giá tư duy. Lúc đó, bạn sẽ xem trọng 1 GV có kinh nghiệm dạy SAT.

Bạn có muốn tìm GV dạy TA theo kiểu ôm lấy mấy cuốn luyện đề IELTS hay muốn GV dạy cho con theo giáo trình bản xứ?

Bạn muốn con mình học TA giao tiếp hời hợt, hay muốn con học kiến thức thông qua TA, với nhiều nội dung hay ho, thú vị và giá trị của Social Study và Science.

Những bạn trẻ học giỏi TA theo phong cách “first language” hiện nay, sẽ là một đối thủ đáng gờm cho vị trí giáo viên tiếng Anh trong tương lai.

Nếu bạn đang muốn nhắm vào 1 chổ ngồi của trường ĐH Bách Khoa/ Y Dược, thì bạn cần tìm hiểu xem, các bạn đồng lứa với con mình đang học hành giỏi giang xuất sắc như thế nào?

Càng ngày, các con học càng giỏi. Những năm trước đây, chỉ cần có IELTS là được cộng điểm, giờ thì đã đổi qua yêu cầu phải có SAT. Gần đây, HS đã thi và đạt SAT 1.550 khá nhiều. Vài năm nữa, có thể sẽ là SAT 1.590 hoặc tuyệt đối 1.600/1.600. HS càng ngày học càng giỏi. Đối thủ tăng level liên tục, vậy mình cũng phải biết để mà đặt mục tiêu cho đúng.

Nếu bạn đang muốn con săn học bổng Mỹ, Úc… thì mình cần tìm hiểu xem “đối thủ” hiện nay đang có điểm GPA cao bao nhiêu, SAT bao nhiêu, thành tích học thuật gì, hoạt động ngoại khoá với dự án gì…

Phân tích đối thủ để biết thiên hạ ra sao mà về tăng tốc thêm cho con, trang bị thêm vũ khí cho con. Chớ cầm cái rìu, cái rựa thì làm sao đánh nhau với vũ khí hạng nặng.

Phân tích đối thủ để né đối thủ mạnh, và né những nơi quá cạnh tranh, tìm chổ nào dễ thở hơn cho con. Yếu thì không nên ra gió. Hãy chọn sân chơi phù hợp. Hãy chọn mục tiêu vừa sức.

Hiểu rõ đối thủ một cách sâu sắc có thể giúp mình có được 1 chiến lược tốt.

Mình chia sẻ trường hợp cụ thể mình đã làm, để các bạn tham khảo cho dễ hiểu nhé. Nhà mình đã phân tích rất kỹ để lên 1 lộ trình khác biệt cho K.

- Đầu tiên, mình phân tích nhóm HS giỏi ở trường chuyên, trường chất lượng cao. Mình phân tích rất kỹ, xem các bạn ấy thực sự giỏi những gì, và không giỏi những gì.

- Mình cũng đồng thời phân tích những HS giỏi ở trường quốc tế, xem điểm mạnh, điểm yếu của nhóm đó là gì.

- Nhóm HS trường chuyên học giỏi là nhờ học cày, sức học rất khủng. Nhưng các bé đó học nhồi, học nặng. Tuy học rất nhiều mà lại thiếu.

Những bạn chuyên Toán Lý Hoá, thì thiếu tiếng Anh (hoặc TA học kiểu luyện thi sao cho có ILETS là đủ), thiếu kiến thức xã hội.

Những bạn chuyên Xã hội (Văn Sử Địa) thì thiếu tư duy logic, yếu tư duy phản biện.

- Nhóm HS trường quốc tế thì năng động, tự tin và khá giỏi về TA, nhưng không mạnh về học thuật, đặc biệt ít bạn học giỏi các môn tự nhiên (trừ hệ UK 100% ra, các trường quốc tế hoặc song ngữ chỉ dạy các môn khoa học chuyên sâu vào 2 năm cuối: lớp 11 và 12, nên các con không đủ thời gian để học cho thật giỏi như những bạn trường chuyên).

- Cả 2 nhóm trên đều ít/ không đọc sách văn học, thiếu kiến thức về văn chương, văn học cổ điển.

Khi mình thấy được điều này, mình đã chọn 1 lộ trình riêng cho K:

Học giỏi TA kiểu “first language”, giúp K có thể giỏi không kém các bạn đang học trường quốc tế TA 100%

Mình cho K học TA bản xứ càng nhiều càng tốt ở bậc tiểu học.

Học các môn Toán Hoá Sinh từ sớm (nhưng không học nhồi nhét, không học để đi thi HSG, thi chuyên).

Mình cho K học môn Chemistry rất sớm, ngay sau khi xong lớp 6 (như các bạn nhóm trường chuyên), nhưng mình học chậm, học sâu, học kỹ hơn. Bảo đảm con đủ giỏi để chọn học các ngành STEM khi vào ĐH. Có kiến thức sâu sắc, bền vững để con sử dụng nó suốt đời trong công việc mà con chọn theo đuổi.

Học kỹ năng Nói nâng cao: nói sao cho logic, chặt chẽ; trình bày mạch lạc, thuyết trình, tranh biện từ tốn, văn minh mà thuyết phục. Học bài bản, học đúng phương pháp để “trang bị” cho bản thân dùng cả đời, cho sự nghiệp học hành, cho công việc, cho cuộc sống… chớ không học kiểu “ăn xổi” để đi thi.

Mình cho K học kỹ năng Nói nâng cao với thầy Mario, và sau đó học Debate nâng cao cho đến khi không còn level nào để học. Rồi mình cho K tham gia 2 kỳ MUN liên tiếp để K cọ xát thêm.

Nhưng mình vẫn không cho K đi thi kỳ thi Debate nào. Một phần, vì thực tế, kỹ năng nói vẫn là điểm yếu bẩm sinh, mình không nên cạnh tranh với người bẩm sinh đã nói rất giỏi. Một phần, mình không muốn K mất thời gian vào những thứ không giúp K đạt mục tiêu dài hạn.

Học kỹ năng viết nâng cao: viết sáng tạo, viết nghị luận, viết phản biện (critical Writing)… học cho thiệt kỹ.

K học lớp viết sáng tạo ở 1 trung tâm khá nổi tiếng (nhưng không mấy chất lượng). May quá, sau đó học viết critical writing với thầy Andy. Rồi sau đó, lại học viết sáng tạo với 1 nhà văn Mỹ đang sinh sống tại New York (có 15 cuốn tiểu thuyết best-seller). Mình sẽ tiếp tục tìm kiếm những GV dạy viết xuất sắc cho K học thêm; để tư duy, kỹ năng viết của con thêm phong phú và đa dạng.

Văn học VN, văn học cổ điển thế giới: mình cho K đọc rất nhiều. Nếu so với em bé cùng độ tuổi, mình chưa gặp bạn nào đọc nhiều tác phẩm văn học như K nhà mình.

Văn chương, văn học chính là văn hoá của một dân tộc. Ta sẽ dễ dàng hoà nhập với văn hoá người bản xứ nhờ vào sự hiểu biết và yêu thích các tác phẩm văn học của họ. Văn học giúp nuôi dưỡng tình cảm cao thượng, phong phú tâm hồn và phát triển EQ.

Social Study: là loại sách mà mình và K cùng đọc (nếu là sách TV) và khuyến khích K đọc rất nhiều (sách TA).

Again, đây là điều giúp K có hiểu biết xã hội, từ đó, phát triển trí thông minh xã hội. Hiểu biết về gốc gác, chủng tộc, tôn giáo, lịch sử, văn minh, văn hoá của họ sẽ giúp cho mình hoà nhập với họ dễ dàng hơn.

Ngoài ra, về điểm số GPA, mình luôn khuyến khích con đạt trên 9.0 là được.

Có thể nói, khi phân tích và so sánh với “đối thủ” con nhà người ta, mình cố gắng tìm cách sao cho con mình học nhẹ hơn, nhưng vẫn:

So với điểm mạnh của “đối thủ”: K mình bằng 8/10, nhưng vẫn đủ tốt để con mình có thể giành 1 vị trí ở những trường top, ở những ngành khó, ở những nơi con mình muốn đến.

So với “đối thủ” mạnh là HS trường chuyên: thì K nhà mình hoàn toàn có ưu thế hơn trong việc học và thi IELTS, SAT, AP, viết luận – những yếu tố quan trọng để săn học bổng.

So với các “đối thủ” mạnh: K nhà mình có ưu thế hơn trong việc du học, con sẽ dễ dàng học vì con đã quá quen với hệ thống giáo dục của Mỹ/ Úc…

So với điểm yếu của “đối thủ”: K mình tốt hơn khá nhiều

Về tổng quan, K mình có thể không xuất sắc bằng bạn đoạt giải quốc gia ở 1 môn chuyên nào đó, nhưng K mình có sự đầu tư đủ sâu (vẫn đạt thành tích học thuật tốt) và đủ rộng (TA, học thuật, kỹ năng nói - viết, tư duy, văn chương, xã hội).

Xét ra, mình không cần cho K học kiểu “cày bừa”, mà vẫn có kết quả tốt, mà lại rất bền vững. K chỉ học bằng một nữa các bạn trường chuyên, nhưng kết quả đầu ra vẫn chiếm ưu thế.

Đây là điều mà mình tâm đắc và luôn kiên định đi theo mục tiêu mình đã chọn.

Kết luận:

Giỏi hơn bản thân chưa đủ, cần giỏi hơn mặt bằng chung của xã hội, cần giỏi hơn nhiều người khác nữa.

Phân tích và hiểu rõ đối thủ là điều cần làm.

Hiểu đối thủ sâu sắc, thì mình sẽ bớt chủ quan.

Đối thủ mạnh chổ nào, thì mình cần né, không đối đầu trực diện.

Đối thủ yếu chổ nào, thì mình cần làm thật tốt để thắng đối thủ ở chổ đó.

Hiểu và so sánh chính mình với đối thủ càng chi tiết, càng chính xác, thì mình càng có chiến lược khôn ngoan.

Đừng ngại so sánh. Hãy so sánh bằng lý trí sắc sảo để phân tích. Đừng so sánh với cảm xúc tiêu cực để đố kỵ.

 So sánh là điều phải làm của việc phân tích đối thủ. Phân tích đối thủ để cạnh tranh lành mạnh. Cạnh tranh lành mạnh giúp con người và xã hội tiến bộ.

Hãy so sánh khôn ngoan. So sánh khôn ngoan giúp ta tiến bộ, giúp ta thành công. So sánh độc hại khiến nảy sinh những cảm xúc tiêu cực và đầu độc bản thân.

Như 1 con dao, dùng nó như thế nào là do chính bạn.

Nên so sánh bản thân với người khác, để bớt chủ quan, bớt ảo tưởng sức mạnh; để biết người biết ta, để chọn mục tiêu phù hợp, để cải thiện bản thân, để tiến bộ và phát triển.

Thế giới này cần những người như vậy.

 


Phạm Hương - Jun 14, 2024

3 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email