PHẦN 5: Leader – Vai Trò Của Nóc Nhà

PHẦN : LEADER – VAI TRÒ CỦA NÓC NHÀ

Ở những bài viết trước, mình đã lần lượt viết về vai trò của người phụ nữ trong gia đình:

- Doer: người mẹ kiêm nhiệm nhiều việc

- Mother: người mẹ đúng nghĩa

- Thinker: người mẹ có tư duy

- Planner: người mẹ có đầu óc tổ chức

Bài viết này, mình viết về vai trò cuối cùng và quan trọng nhất, vai trò Leader của người phụ nữ trong gia đình, hay còn gọi là “nóc nhà”.

Vai trò “nóc nhà” rất cực. Trăm ngàn thứ xảy ra trong ngôi nhà đều kêu réo “nóc nhà” xử lý. Nóc nhà mà chắc chắn thì gia đình sống đủ đầy, êm ấm, khoẻ mạnh, an vui. Nóc nhà mà mỏng tang, hời hợt quá thì khổ; trời nắng thì nóng bức, trời mưa thì dột, mà trời bão thì tiêu tùng.

Là một nóc nhà, bạn cần đủ vững chải để che chở, nuôi nấng và dạy dỗ cho đến khi các con khôn lớn rồi trưởng thành vững vàng như chính nóc-nhà-người-mẹ của chúng vậy.

Để trở thành 1 Leader, bạn cần phải có: tầm nhìn, có mục tiêu dài hạn, có kế hoạch khả thi. Những điều này, mình đã viết trong các bài trước. Bài viết này, mình chỉ viết thêm về những phẩm chất/ tố chất, hoặc năng lực mà 1 người-mẹ-leader cần có:

Dẫn dắt và thúc đẩy con bằng cảm hứng và động lực

Sử dụng khôn ngoan 3 loại quyền lực

Phân quyền, trao quyền

Một cách ngắn gọn, năng lực lãnh đạo được định nghĩa như sau:

Leadership is the act of guiding a team or individual to achieve a certain goal through direction and motivation. Leaders encourage others to take the actions they need to succeed. To be a great leader, it is necessary to learn and cultivate the skills it takes to be effective.

Năng lực lãnh đạo là hành động hướng dẫn một nhóm hoặc cá nhân đạt được một mục tiêu nhất định thông qua định hướng và động lực. Các nhà lãnh đạo khuyến khích người khác thực hiện những hành động mà họ cần để thành công. Để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, cần phải học hỏi và trau dồi những kỹ năng cần thiết để hoạt động hiệu quả.

Làm mẹ là 1 bản năng. Nhưng Leadership là một khả năng mà bạn cần học hỏi và rèn luyện để có được.

Dẫn dắt và thúc đẩy con bằng cảm hứng và động lực:

Động từ “lead” có nghĩa là dẫn dắt, lãnh đạo người khác đi theo định hướng/ con đường mà bạn đã vạch ra. Muốn con đạt mục tiêu, người mẹ cần dẫn dắt con theo sự hoạch định của mẹ.

Nhưng, có nhiều bà mẹ không làm như vậy.

Mình đã và nghe rất nhiều người mẹ nói: Con thích học cái gì, thì em cho con học cái đó. Con không thích thì thôi, em không ép.

Một số bà mẹ (và kể cả ông bố), đều răm rắp nghe theo lời con như vậy. Trong hoàn cảnh đó, người mẹ chỉ giữ vai trò “follower”, đi theo sau và đáp ứng mong muốn của con, chớ mãi mãi không đủ tư cách dẫn dắt con.

Trong quá khứ, việc cha mẹ áp đặt con cái, bắt buộc con phải học ngành này, phải theo nghề kia, mà không đoái hoài đến năng lực, tố chất của con, thì sai rành rành rồi. Nhưng, tư tưởng tiến bộ không có nghĩa là cha mẹ cho con trở thành Leader, có toàn quyền quyết định và mình trở thành Follower, nghe theo con, làm theo yêu cầu của con.

Trẻ con không bao giờ có thể là 1 Leader cho những việc quan trọng. Bởi vì, làm Leader là phải có tầm nhìn, phải có mục tiêu dài hạn thì mới có thể hoạch định và dẫn dắt người khác. Tầm nhìn và mục tiêu dài hạn có thể lên đến 10 năm hơn, làm sao 1 đứa trẻ có đủ tầm nhìn đó?

Là “nóc nhà”, nhất định phải nắm lấy trọng trách của 1 Leader. Nhưng, vai trò của 1 Leader đúng nghĩa không phải ép buộc người khác, mà là truyền cảm hứng cho người khác.

Khi bạn đã có tầm nhìn, đã có mục tiêu, thì dù mục tiêu có đúng đi nữa, thì bạn cũng không thể cứ thế mà ép buộc con. Sự ép buộc bằng quyền lực chỉ có thể mang đến kết quả ngắn hạn, hoặc hậu quả tiêu cực.

Còn nhớ, có 1 bạn đã comment hỏi mình, đại loại là “Em có đưa ra mục tiêu và kế hoạch rất là tốt cho con. Nhưng con em nhất định không chịu. Vậy thì em phải làm sao?”. Mình đã trả lời rằng “Khi con nhất định không chịu, thì có nghĩa là mục tiêu và kế hoạch đó chưa đủ tốt”.

1 người Leader giỏi là người có khả năng thuyết phục người khác đồng thuận với mục tiêu của mình. Truyền cảm hứng để họ có tinh thần và động lực để phấn đấu đạt mục tiêu.

Mình không rõ chi tiết tại sao con của bạn PH nói trên nhất định không chịu làm. Khi đưa ra mục tiêu, cần cân nhắc 2 yếu tố: tính khả thi (năng lực cần có để làm), tính phù hợp (với sở thích của con). Nếu con chưa đủ năng lực làm, thì cần giảm mục tiêu vừa sức. Nếu con chưa có sự yêu thích để làm, thì mẹ cần truyền cảm hứng cho con.

Nhiều bạn hỏi mình “Làm sao chị biết K thích ngành Khoa học sức khoẻ để chị hướng con học môn Hoá Sinh?”, hoặc “Vì K thích môn Hoá Sinh nên chị hướng K theo đuổi ngành khoa học sức khoẻ hả?”

Các câu hỏi này đang đi theo tư duy thụ động. Bạn cần làm ngược lại. Bạn cần có tư duy chủ động.

Không. K nhà mình không biết gì về môn Hoá Sinh lẫn ngành khoa học sức khoẻ.

Trẻ con, mới 10 tuổi, không thể có hiểu biết và tầm nhìn xa đến 10 năm để hiểu rằng, dù thế giới thay đổi chóng mặt và điên đảo như nào, thì ngành khoa học sức khoẻ luôn luôn giữ vai trò quan trọng. Trẻ con càng không thể biết môn Hoá gồm những công thức gì, và môn Sinh bao gồm kiến thức gì. Biết còn chưa biết, thì làm sao mà thích.

Mình chủ động truyền cảm hứng cho con. Kể cho con nghe về vai trò và ý nghĩa của ngành khoa học sức khoẻ. Trên đời này, có gì quý giá hơn sức khoẻ và tính mạng con người hả con. Ngành khoa học sức khoẻ quan trọng không gì sánh bằng con ơi.

Tiếp đến, mình tạo động lực cho con. Động lực học tập đến từ bước đầu tiên là nhờ vào 1 người thầy/ cô giỏi. Vai trò của họ cực kỳ quan trọng. Họ là người dạy dỗ và dẫn dắt con mình những kiến thức khoa học nền tảng đầu tiên, gieo vào đầu con niềm yêu thích khoa học, giúp con mình lĩnh hội kiến thức sâu sắc, giúp con học tốt và học giỏi. Khi con học giỏi rồi, con sẽ có hứng thú học tập, con sẽ có động lực theo đuổi lâu dài.

Ngược lại, nếu bạn để tuỳ con quyết định. Thì con sẽ quyết theo sở thích của con, quyết theo suy nghĩ/ nhận thức của 1 bạn nhỏ mười mấy tuổi. Thích hay ghét, chọn hay không, quyết định của con có thể bị ảnh hưởng bởi bạn bè, của mạng xã hội (theo trend), của thầy cô (có khi thầy cô dạy dở quá, nó ghét luôn môn học đó, tẩy chay môn đó luôn). Mình thụ động đợi đến lúc con đã bị ảnh hưởng bên ngoài tác động nhiều rồi, thì làm sao mình có thể lay chuyển được nữa?

Vì vậy, là “nóc nhà”, bạn nhất định cần giành lấy và làm tốt vai trò Leader của mình:

- Không bao giờ thụ động chờ con quyết định. Không bao giờ nghe theo lời con 1 cách mù quáng. Càng không ép buộc con nghe lời mình 1 cách vô lý.

- Nên truyền cảm hứng để dẫn dắt con. Tạo động lực để thúc đẩy con.

Sử dụng khôn ngoan quyền lực của “nóc nhà”:

Quyền lực địa vị: đây là quyền lực cứng, là quyền “làm mẹ” mà ông trời trao cho. Nhiều người lạm dụng quyền hạn này, khiến trẻ con rất là bức bối. Ép buộc trẻ, bắt trẻ phải vâng lời vô lý là biểu hiện của sự lạm dụng quyền lực cứng.

Theo mình, bạn chỉ nên sử dụng quyền này trong 1 số tình huống nhất định: khẩn cấp, hoặc quan trọng, mà trẻ con không được tự quyết.

Ngoài ra, nhà phải có nóc. Gia đình phải có nguyên tắc chung của gia đình. Không phải dân chủ là muốn làm gì thì làm. Khi trẻ con vượt quá phạm vi, bạn cần sử dụng quyền lực cứng này, để duy trì trật tự lành mạnh cho gia đình.

VD: con xem phim, truyện ngôn tình quá nhiều. Cha mẹ nói thì con cãi nhem nhẻm “Con cần giải trí, con cần có sự tự do lựa chọn đọc/ xem cái gì con thích”. Lúc này, mình cần cấm, không cho con xem những thứ mà mình cho là “rác”. Giải trí cần lành mạnh, hoặc tốt hơn nữa là có nội dung giá trị.

VD: Con thích mặc cái gì thì kệ con. Không, con cần ăn mặc phù hợp với không gian nơi con đến, phù hợp với hoạt động mà con sẽ tham gia, phù hợp với đối tượng tham gia. Quần short không được lòi mông. Áo không được hở ngực. Áo quần không được có những hình ảnh, câu chữ phản cảm. Không được mặc đồ nhăn nhúm, lụng thụng. Nếu không đẹp thì ít nhất đừng thôi lôi, bệ rạc. Hoặc là con sẽ phải thay đồ phù hợp, hoặc là không đi.

VD: Con thích xăm mình, xỏ khuyên trên mũi, môi, lưỡi, lỗ tai... Không. Ngày nào còn là con gái của cha mẹ, con tuyệt đối không được làm. Mẹ cấm. Nói cho nhanh. Xã hội mình rất không thích và không đánh giá cao việc đó.

VD: Con không thích đi học nữa. Con thích đi làm kiếm tiền. Con muốn làm Youtuber. Con muốn tham gia showbiz. Con muốn nổi tiếng để kiếm tiền nhanh, để có nhiều tiền. Không. Kiếm tiền là việc của người lớn. Con sẽ có 1 đời 40 năm để đi làm kiếm tiền. Trước khi kiếm tiền, con cần ăn học đến nơi đến chốn cái đã.

Sử dụng quyền lực cứng như vậy là đủ rồi. Đừng làm quá.

Lạm dụng quyền lực cứng sẽ trở thành cha mẹ độc đoán. Khi bạn cấm đoán con cái quá nhiều và vô lý, sẽ nảy sinh phản ứng đối kháng. Lúc trẻ con nhỏ, phản ứng ngấm ngầm chưa bộc phát. Đến khi trẻ lớn, thì con phản kháng mạnh mẽ, vượt ra khỏi vòng tay cha mẹ. Vì vậy, nên giảm thiểu tối đa sử dụng quyền lực cứng. Chỉ dùng khi không còn cách nào khác.

Quyền lực cá nhân: là quyền lực mềm của người mẹ. Đứa nhỏ nào cũng thích được gần gũi mẹ, âu yếm với mẹ. Không có gì bằng ăn cơm mẹ nấu. Đi đâu cũng thích về nhà với mẹ. Ảnh hưởng của người mẹ rất lớn, nếu bạn biết cách sử dụng. Đôi khi, bạn không cần la mắng, chỉ cần nói vài lời rưng rưng với con, là đứa nhỏ cảm động vâng lời mẹ ngay.

Quyền lực cá nhân của “nóc nhà” còn tuỳ thuộc vào uy tín người mẹ. Người mẹ có quyền lực mềm mạnh mẽ là những người mẹ có được con cái tin tưởng (mẹ luôn chở che, bảo vệ con), kính trọng (sự hiểu biết của mẹ) và ngưỡng mộ (đạo đức và cách đối nhân xử thế của mẹ). Khi đó, họ dễ dàng thuyết phục con, dẫn dắt con đi đến thành công.

Quyền lực cá nhân (quyền lực mềm) đối nghịch với quyền lực địa vị (quyền lực cứng). Khi sử dụng quyền lực cứng là lúc bạn đang dùng sức mạnh để ép buộc con (1 cách vô lý, thiếu hiểu biết). Khi sử dụng quyền lực mềm, bạn đang dùng toàn bộ phẩm chất tốt đẹp cùng với sự tận tâm và hiểu biết của người mẹ, để dạy dỗ con, bằng cách làm gương cho con, vừa thấu tình vừa đạt lý. Con vừa thương mẹ, vừa ngưỡng mộ mẹ, vừa kính trọng mẹ.

Quyền lực tri thức: đây là một quyền lực có được dựa trên kiến thức, kỹ năng và tư duy của người mẹ. Nói 1 cách khác, nếu bạn là người mẹ có năng lực tri thức cao, bạn sẽ có đủ thứ: tầm nhìn xa cho con, mục tiêu dài hạn, chiến lược thông minh, kế hoạch hành động chặt chẽ, phân bổ nguồn lực khôn ngoan. Khi cần thuyết phục con, bạn hiểu tâm lý con, biết cách thuyết phục con, và bạn hoàn toàn có đủ lập luận logic, dẫn chứng dữ liệu chứng minh, kinh nghiệm thực tế… để con tâm phục khẩu phục. Khi con gặp khó khăn, bạn có giải pháp hữu hiệu giúp con vượt qua để con giữ vững phong độ. Khi con cần vượt qua thử thách, bạn có giải pháp tối ưu giúp con chinh phục cột mốc cao hơn. Nói tóm lại, tri thức của người mẹ là một sức mạnh to lớn, để con lắng nghe ý kiến của mẹ, xin lời khuyên từ mẹ, sẵn lòng đồng thuận với mục tiêu và định hướng mà mẹ vạch ra.

Dĩ nhiên, muốn có quyền lực này thì người mẹ cần phải liên tục cập nhật kiến thức cho bản thân. Người mẹ có hiểu biết giới hạn thì quyền lực này cũng giới hạn. Vì vậy, ta thường hay nghe mấy câu “Em đâu biết thế giới sẽ thay đổi như nào mà định hướng cho con. Em để con tự chọn, tự quyết định. Đời con, con chọn.” Thoạt nghe, nhiều người có thể nhầm tưởng đây là dấu hiệu của tư tưởng văn minh, tiến bộ, biết tôn trọng tự do và quyền quyết định của con cái. Nhưng không, thật ra, những PH thiếu kiến thức này có nói được con cái của họ đâu. Họ nói chúng có nghe đâu. Đơn giản là họ không có đủ lý lẽ để thuyết phục con cái. Ủa, cha mẹ có hiểu biết thì con cái mới phục, mới nể, mới nghe. Chớ không thì sao mà ép uổng con cho được.

Tất cả các bậc PH nói những câu đoại loại như thế, đều là vì họ không có đủ hiểu biết, nên quyền lực tri thức cũng tương ứng như mức độ hiểu biết của họ. Không thể thuyết phục con, cũng không thể ép con. Cách tốt nhất là đóng vai cha mẹ dân chủ.

Ngược lại, người mẹ càng có kiến thức và hiểu biết, thì càng có quyền lực tri thức đối với con cái. Con cái vui vẻ đồng ý nghe lời cha mẹ trong sự thấu cảm đôi bên, đồng lòng và quyết tâm thực hiện.

Phân quyền và trao quyền:

Decentralization là sự phân quyền, trao quyền trong những tổ chức, xã hội dân chủ. Nếu quyền lực chỉ tập trung vào “nóc nhà” thì sẽ tạo ra sự chuyên quyền, độc đoán. Trong gia đình cũng thế, người mẹ nắm hết quyền lực thì đó là cha mẹ độc đoán.

Thực ra, quyền lực luôn đi đôi với trách nhiệm. Bạn càng ôm đồm, thì bạn càng vất vả mà thôi. Chưa kể, không ai làm tốt mọi thứ.

Một người lãnh đạo giỏi, ông sếp giỏi, là người biết phân quyền, trao quyền cho người các cấp quản lý của mình. Rồi cứ xách đít đi chơi, hưởng thụ đời cho khoẻ. Chỉ cần hàng tuần check mail đọc báo cáo là đủ rồi. Ôm đồm mà làm chi.

Trong sự nghiệp giáo dục con cái, người mẹ nên trao quyền cho ai?

Người cha:

Trong xã hội VN, người đàn ông thường giữ nhiệm vụ trụ cột kiếm tiền nuôi sống gia đình, và phó mặc việc dạy dỗ con cái cho vợ. Điều này vô tình làm cho gánh nặng của “nóc nhà” quá lớn.

Dù là người cha là rường cột, nhưng cũng không qua nổi “nóc nhà”. Bạn nên giao phó 1 số nhiệm vụ cho anh nhà:

Kế hoạch tài chính đường dài để nuôi con ăn học: là đàn ông, nên gánh vác việc này, hoặc ưu tiên cho việc này (hơn là sắm xe sang, đi phượt, ăn nhậu…). Hoặc, dù làm ăn, đầu tư hay khởi nghiệp gì, thì ngân sách để dành cho việc học hành cho con phải được bảo toàn, không được động vào. Có thêm vào thì tốt, chớ không được rút ra để làm ăn, hay đầu tư gì hết. Cấm có cãi hehe.

Kỹ năng - Thể thao: bố làm ơn phụ trách đưa đón, đóng tiền học phí, theo dõi, trao đổi với thầy cô/ huấn luyện viên. Chỉ cần thì báo cáo cập nhật cho mẹ. Khi có biến thì phải tham khảo ý kiến của “nóc nhà”.

Đóng vai “ông bụt”: đôi khi mẹ bám sát việc học hành chặt chẽ quá, khiến con ngột ngạt. Bố cần nhảy vào làm giảm nhẹ tình huống, dẫn con đi chơi, ra ngoài thư giãn, chiều chuộng con 1 chút, hài hước với con 1 chút, để con giảm áp lực, để con bình tâm lại. Tóm lại, mẹ đã vào vai ác, thì cha cần đóng vai hiền. Cha mẹ nên chia vai để cân bằng tinh thần và tình cảm của con.

Sách vở - dụng cụ học tập: theo yêu cầu của nhà trường và yêu cầu cá nhân con, bố chịu trách nhiệm cung cấp đủ và đúng thời hạn.

Nộp học phí: tất cả các thể loại học phí của con, từ ở trường đến học thêm, bố cần lên danh sách, số tiền và thời gian đóng. Theo dõi để kịp thời nộp học phí đúng hạn.

Làm được chừng đó việc là tốt lắm rồi. Thank kìu very nhìu.

Thầy cô:

Vai trò của thầy cô quá quan trọng bạn ơi. Như đã nói ở trên, thầy cô hoàn toàn có thể là người khiến cho đứa nhỏ thù ghét môn học đó, và cũng là người giúp trẻ yêu thích môn học đó.

Thầy cô là người khai thác và thúc đầy tối đa tiềm năng của con. Mà đôi khi, chỉ bằng năng lực tự thân, trẻ con chỉ có thể làm được đến một chừng mực nào đó.

Ở đây, mình muốn nói thêm 1 xíu về vấn đề tự học.

Tự học là 1 khả năng tự lập, rất tốt. Các nhà giáo dục đánh giá cao khả năng tự học của 1 đứa trẻ, đặc biệt là trẻ nhà nghèo. Tự học là tự mình vượt qua mọi sự thiếu thốn, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, mà đứa trẻ tự học được là rất tốt. Đây có thể được xem là chỉ số vượt khó của học sinh. Có nghĩa là, khi 1 học sinh tự vượt khó, tự học hoàn toàn mà học giỏi như vậy, thì khi có đủ nguồn lực, thì bạn nhỏ đó còn học giỏi đến đâu.

Vì vậy, ý nghĩa của việc tự học chính là chỉ số vượt khó của 1 cá nhân. Nhưng, điều này không có nghĩa là chúng ta nên để em bé tự học hoàn toàn, mãi mãi; mà không cần sự dạy dỗ, dẫn dắt của thầy cô, không cần sự hỗ trợ từ các nguồn lực khác.

Ngược lại, để thành công, bất cứ cá nhân, hay tổ chức nào, đều cần có sự hỗ trợ cần thiết. Trong giáo dục, cta có thể thấy, trường ĐH top đầu thế giới hoàn hội tụ những GV nổi tiếng, có nghiên cứu khoa học đoạt giải thưởng quốc tế, có trình độ rất cao. Các trường này đồng thời có ngân sách rất lớn, vừa chi trả lương khủng cho đội ngũ giảng dạy, vừa đầu tư vào thiết bị giáo dục, nhằm tạo tối đa hỗ trợ cho sinh viên học tập ở các trường này. Đây là những môi trường học thuật đỉnh cao.

Thành lập vào năm 1683, Harvard, trường thuộc nhóm Ivy League danh giá, đã nhiều năm là một trong những đại học tốt nhất toàn cầu, với chất lượng giảng dạy, nghiên cứu đi đầu cho hơn 35.000 sinh viên. Theo số liệu cuối năm 2019, Đại học Harvard có quỹ đầu tư khổng lồ - 40,9 tỷ USD.

Điều này có nghĩa là, khi sinh viên đến học ở các trường ĐH top, đều nhận được chất lượng giáo dục tối ưu, trong đó phần lớn đến từ đội ngũ giáo sư giảng dạy ở đó, hòng giúp người trẻ phát huy hết tiềm lực của bản thân.

Nói tóm lại, vai trò của thầy cô trong việc giáo dục vô cùng to lớn. Nếu ai cũng tự học toàn toàn là đủ, mà không cần đến thầy cô, thì các trường ĐH top như Harvard, Stanford, MIT… đã đóng cửa, không cần bỏ hàng tấn tiền để mời các giáo sư xuất sắc về dạy làm chi.

Trong hoàn cảnh của mình, mình cũng sẽ tìm những thầy cô thật giỏi có thể, để giao phó con cái của mình cho họ. Mình biết rõ, con mình không thể nào tự học hoàn toàn mà đủ giỏi, nên mình cần có thầy cô giúp đỡ.

Hơn nữa, mình không bao giờ tự đặt ra giới hạn cho bản thân, chỉ cần giỏi bao nhiêu đây là đủ. Chỉ cần 10 điểm là đủ. Chỉ cần lên lớp là đủ. Chỉ cần đạt danh hiệu HSG là đủ.

Không bao giờ mình nghĩ như vậy.

(Chưa kể, điểm số và danh hiệu, thành tích ở môi trường giáo dục của mình đã quá lạm phát, điểm 10 tràn lan và danh hiệu HSG trở nên bình thường như cân đường, hộp sữa).

Trong hành trình tìm kiếm tri thức, nâng cao năng lực bản thân, giỏi bao nhiêu là đủ? Nếu mình có thể làm tốt hơn, có thể giỏi hơn, thì mình sẽ làm. Và thực tế là, chúng ta luôn luôn có thể làm tốt hơn.

Vì vậy, mình luôn khuyến khích con mình học tốt nhất có thể. Và mình cũng sẽ tìm kiếm mọi sự hỗ trợ tốt nhất, trong hoàn cảnh cho phép, cho con.

Giao con mình vào tay những thầy cô giỏi để dạy dỗ là việc quan trọng. Trao quyền và trao luôn trách nhiệm cho thầy cô. Đây là việc hệ trọng, nên mình tìm và chọn thầy cô rất kỹ.

Một trong những phẩm chất cần có của 1 nhà Lãnh đạo giỏi, đó là phải biết nhìn người giỏi. Mình hay nói vui với nhân viên “Người giỏi là người biết nhìn và dùng người giỏi”. Dưới trướng 1 ông vua giỏi của 1 triều đại hưng thịnh luôn có nhiều quan văn, quan võ tài đức lưu danh.

Thật vậy, ông sếp ở cty không thể và không cần thiết phải giỏi tất cả: bán hàng, marketing, tài chính, sản xuất, nhân sự… Nhưng, sếp chỉ cần tìm ra người giỏi, mời họ về làm và biết cách dùng họ thì cty sẽ phát triển bền vững. Ngược lại, ông sếp tự cao ngạo mạn cho rằng mình giỏi hơn tất cả, coi thường nhân viên, thì trước sau cty cũng suy giảm.

Mình cũng vậy, mình không tự tin đủ giỏi để dạy con mình, dù là tiếng Anh cơ bản. Mình toàn tìm kiếm và mời thầy cô đủ giỏi cho con. Mình biết mình biết ta, mình chủ động tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ chất lượng cho con, để thúc đẩy tiềm năng của con, tiến bộ nhanh hơn, xa hơn.

Again, trao quyền và phân quyền cho đúng người, đúng việc, đúng thời điểm là một năng lực cần có của một nhà lãnh đạo.

Con:

Người quan trọng mà bạn cần trao quyền là con bạn.

Mặc dù, khi con còn nhỏ, bạn là người hoạch định và dẫn dắt con. Nhưng khi con lớn dần, bạn cần trao quyền cho con.

Điều này có 2 cái lợi:

Giúp con có được kỹ năng ra quyết định. Đây là 1 kỹ năng bậc cao, quan trọng. Sau này, đứng trước bất cứ việc gì, con đều cần ra quyết định. Khi con ra quyết định đúng, con thành công, mà ra quyết định sai, con sẽ thất bại. Tỉ lệ quyết định đúng – sai sẽ cho tỉ lệ thành công – thất bại tương ứng. Vì vậy, con cần được cha mẹ luyện tập kỹ năng này.

Con cần gánh vác trách nhiệm về cuộc đời của con. Khi con được trao quyền, và đồng thời con cũng nhận trách nhiệm. Tự chịu trách nhiệm về bản thân là điều mà cha mẹ nên dạy con, càng sớm càng tốt.

Lãnh đạo là 1 nghệ thuật và nuôi dạy con cũng vậy. Có lúc bạn cần giữ vai trò dẫn dắt, có khi bạn cần nhường quyền quyết định cho con. Tất cả mọi thứ đó, đều phải nằm trong sự tính toán của bạn, nằm trong lòng bàn tay của bạn. Bạn cho con vùng vẫy thoải mái, nhưng thiệt ra, vẫn an toàn trong tầm nhìn của bạn – như Tôn Ngộ Không bay tít mù khơi, cuối cùng vẫn đậu vào 1 ngón tay của Như Lai Phật Tổ.

Con có toàn quyền quyết định, nhưng phải nằm trong định hướng và tầm nhìn của bạn. Điều này nên làm, cho đến khi con hoàn thành xong sự nghiệp học hành. Con bước ra đời, con sẽ tự đi trên đôi chân của con.

Khi mình truyền cảm hứng và định hướng cho K chọn ngành khoa học sức khoẻ/ hoặc nhóm ngành Hoá Sinh rồi, mình sẽ để K tự quyết định chọn ngành nghề cụ thể: Bác sĩ, Nha sĩ, Dược sĩ, hay xa hơn là học Hoá thực phẩm, Hoá dược, hoá mỹ phẩm, Kỹ sư hoá… hoặc xa hơn nữa là sinh học phân tử.

Khi mình truyền động lực và định hướng cho K du học và bước ra thế giới rồi, thì mình cho con hoàn toàn tự chọn giữ Mỹ hoặc Úc. Con chọn theo sở thích hoặc nhu cầu của cá nhân con. Nếu con chọn sự nghiệp thênh thang, con chọn học ở Mỹ. Nếu con chọn tình cảm gia đình, con học học ở Úc. Hoàn toàn do con quyết định.

Khi mình định hướng cho con phấn đấu trong môi trường tri thức, mình cho con tự chọn những ngã rẻ khác, chẳng hạn con thích dạy học, vì con yêu thích các em nhỏ; hoặc vì con không thích cạnh tranh công sở, vì con không thích áp lực nghề Y, vì con không thích máu me, con cũng không có nhu cầu kiếm quá nhiều tiền. Mình hoàn toàn ủng hộ con, con có thể làm giáo viên dạy tiếng Anh, dạy môn Hoá, Sinh… miễn sao con đủ năng lực làm tốt và con thích làm.

Trao quyền cho người khác không đồng nghĩa là tuyệt đối không được có ý kiến hoặc can thiệp. Ngược lại, quá trình trao quyền cần đi từ từ. Song song với nó là sự trao đổi, thảo luận và thậm chí là hỗ trợ, huấn luyện, để bảo đảm phải quản trị chất lượng, đảm bảo kết quả an toàn và đủ tốt:

Lúc đầu, trao quyền ít thôi + nhiều giám sát (giám sát chặt chẽ hiệu quả, nếu cần hỗ trợ thì ngay lập tức: phản biện, góp ý, kinh nghiệm, giải pháp, hướng dẫn…)

Khi việc trao quyền trở nên hiệu quả, thì mình trao quyền nhiều hơn + giám sát ít hơn.

Trao quyền cho ai đó là bạn đã giúp cho người khác có cơ hội thể hiện và nâng cao năng lực của họ, đồng thời giúp bạn giảm đi trách nhiệm nặng nề của bản thân.

Vừa giúp con, vừa giúp mình, vừa giúp người (chồng, thầy cô) trở nên giỏi hơn. Tại sao không làm?

 


Jun 14, 2024

7 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email