Thay Đổi Góc Nhìn: Làm Sao Để Con Tập Trung - Phần 1

Người thành công có lối đi riêng.

Đó là trên mxh hay nói thế, chớ mình thì nói rằng “người thành công có suy nghĩ khác biệt”.

Suy nghĩ khác biệt này không có gì là ghê gớm. Nó không đòi hỏi bạn phải thông minh tuyệt đỉnh gì cả. Chỉ cần bạn có tư duy cởi mở, luôn đón nhận cái mới, và chủ động tìm kiếm cái mới.

Những sự mới mẻ không ở đâu xa. Bạn chỉ cần thay đổi góc nhìn, thì sẽ thấy nhiều khía cạnh khác, mới mẻ hơn, hay hơn, hiệu quả hơn rất nhiều.

Mình sẽ viết về những suy nghĩ/ nhận định của đám đông, và góc nhìn đối lập của mình.

CON EM KHÔNG TẬP TRUNG

Đây là câu nói mình nghe nhiều nhất từ phía PH. Có bạn sợ con chưa tập trung, không dám cho học. Có bạn mới học 1 vài buổi, nói con không tập trung, cho nghỉ. Có bạn nói học offline còn không tập trung, nên không bao giờ cho học online.

Đó là suy nghĩ/ góc nhìn của 1 người chỉ thấy vấn đề (hiện tượng bề mặt), không hiểu bản chất của vấn đề, nên cũng không có giải pháp cho vấn đề.

Nếu bạn chỉ xem đó là problem, và bạn chọn cách bỏ cuộc. Đó là sự đầu hàng trước khó khăn/ thử thách.

K nhà mình lúc bé loi nhoi như con dòi, nhưng mình vẫn cho K học online, và tụi mình đã thành công. Bởi đơn giản vì mình không bao giờ suy nghĩ theo đám đông.

Mình nghĩ “Mình sẽ rèn luyện sự tập trung cho con thông qua việc học online”.

Trong khi mọi người ngại con không tập trung nên không cho học online. Còn mình, mình giúp con mình tăng tập trung bằng cách cho con học online.

Suy nghĩ đối lập vậy đó.

Ai cũng biết là học online cần sự tập trung nhiều hơn học offline. Hoặc nói cách khác, học online khó hơn học offline. Và vì vậy, cần có cha mẹ cạnh bên để quan sát và đồng hành. Việc này tuy cực, nhưng hoàn toàn có thể làm được.

Và ai cũng biết rằng, học offline, tuy dễ, nhưng cha mẹ đâu có bên cạnh để quan sát con. Đưa con đến cổng trường là thôi. Đứa nhỏ học trên trường 8 tiếng, hoặc ở trung tâm 2 tiếng, bạn có chắc con bạn học tập trung không? Quan trọng hơn, bạn có cách nào giúp con tăng tập trung khi học offline ở trường lớp không?

Đó là lý do mà có rất nhiều PH gọi đến than thở, con em lớp 4 - lớp 5 rồi mà học không tập trung chị ơi, không biết con có học được lớp online với mấy thầy cô không. Mình cười bảo, mỗi năm, luôn luôn có hơn 100 bạn nhỏ chỉ 4 – 5 tuổi đang học lớp Pre-K và Grade K. Dĩ nhiên, lúc đầu sẽ có khó khăn, nhưng các bạn bé đó đã vượt qua, học tốt và giờ đã lên Grade 3 – 4 rồi. Tại sao hàng trăm bạn nhỏ xíu tập trung học được, mà con bạn không học được? Nếu con bạn đã 9 – 10 tuổi mà bạn còn e ngại con không tập trung học được, vậy bạn chờ đến bao giờ? 15 tuổi hay 18 tuổi?

Tại đứa trẻ không tập trung, hay tại cha mẹ chỉ nhìn 1 chiều? Tại đứa trẻ không đủ năng lực trí não (sự tập trung là năng lực trí não) hay tại cha mẹ không có tư duy đủ cởi mở để nhìn thấy vấn đề ở 1 góc nhìn khác?

Quay lại phân tích thêm về luồng suy nghĩ của mình đã diễn ra như thế nào để mình phải thay đổi góc nhìn.

  • Theo mình hiểu, sự tập trung trí não của con người cũng đồng nghĩa với năng lực trí tuệ của họ. Bạn nhỏ nào tập trung học tốt thì sẽ học giỏi. Người lớn nào tập trung làm việc tốt thì sẽ đạt kết quả cao.
  • Một cách tự nhiên, sự tập trung phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: gene bẩm sinh và độ tuổi. Độ tuổi lớn hơn, thì sức tập trung cao hơn.
  • Nhưng, rõ ràng trong thực tế, ta thấy có nhiều trẻ 4 – 5 tuổi mà có sức tập trung tốt. Còn có trẻ lớn 9 – 10 tuổi mà không thể tập trung. Sự khác biệt lớn này không chỉ đến từ gene bẩm sinh, mà đến từ tác động của môi trường giáo dục. Hay nói khác đi, đứa bé còn nhỏ mà tập trung tốt, là do được cha mẹ kiên trì bên cạnh luyện tập cho bé từ sớm.

Không chỉ hàng trăm bạn bé nhỏ xíu 4 – 5 tuổi đang học các lớp online có thể tập trung học tốt, mà mình còn thấy rất nhiều bạn nhỏ khác, tuy còn nhỏ xíu nhưng tự học rất tốt. Hỏi ra, mới biết con chỉ học với 1 cái app (mà mình đánh giá cá nhân là khá boring). Nhưng, mình rất khâm phục, tại sao với 1 cái app boring đến vậy, mà bạn nhỏ vẫn tập trung học tốt được. Rõ ràng là, đây là công sức của PH. Người mẹ đã kiên trì và luyện cho con học đều đặn hàng ngày.

Việc con bạn có gene thông minh như nào, bạn đâu có thay đổi được. Việc con bạn có độ tuổi bao nhiêu thì tập trung bấy nhiêu cũng là 1 yếu tố tự nhiên mà ta đâu thể làm gì. Điều duy nhất mà ta có thể làm là chủ động giúp con rèn luyện sự tập trung mỗi ngày mà thôi.

Như cơ bắp, trí não con người cũng cần được tập luyện. Nếu không quen, bạn chỉ đi bộ/ chạy bộ khoảng 5 – 10 phút là mệt bã người. Nhưng với người tập luyện lâu ngày, chạy bộ 1 tiếng/ ngày là việc dễ như ăn cơm sườn.

Tương tự, một bạn nhỏ chỉ tập trung học 15 phút là bắt đầu mệt. Con lo ra. Ngã nghiêng ngã ngữa. Nằm dài. Đòi đi uống nước. Đòi đi tè. Bạn lớn hơn chút thì mở tab khác để xem Youtube hoặc chơi game.

Nhưng, một bạn khác, có khi còn nhỏ tuổi hơn, vẫn có thể học 45’/ buổi. Ở lớp Talent Grade 1, các bé học 2 tiết x 45’/ buổi, vẫn học tốt chán. Đó là do các con đã quen rồi. K nhà mình có thể học liên tục ít nhất 3 tiếng đồng hồ không nghỉ. Buổi tối, K có thể học liên tục 4 tiếng. Là hoàn toàn tự học, không cần có thầy cô dạy offline lẫn online. Chẳng qua là do thói quen đã được rèn luyện từ nhỏ thôi.

RÈN LUYỆN SỰ TẬP TRUNG NHƯ THẾ NÀO?

Đưa em bé vào môi trường cần sự tập trung:

  • Bước đầu, bạn có thể cùng con đọc sách. Khi mẹ đọc, bé sẽ tập trung nghe. Cứ thế, buổi đọc sách diễn ra càng lâu, thì bạn càng thành công trong việc thu hút sự tập trung của trẻ. Hoạt động này bạn có thể làm từ rất sớm. Ngay từ khi trẻ bi bô biết nói. Chọn sách có nhiều hình và ít chữ, phù hợp với độ tuổi của con.
  • Cho bé học app (ở đây, mình khuyên nên chọn Reading Eggs): app hay, thú vị, sẽ lôi cuốn sự tập trung của trẻ lâu hơn. Quan trọng nhất là với app này, trẻ có thể tự học hoàn toàn, không cần cha mẹ hỗ trợ. Cha mẹ chỉ cần chọn cho bé học phần nào, hướng dẫn bé và quan sát bé. Để học app, sớm nhất là 3 tuổi. Và tuỳ theo độ tuổi mà mình cho bé học vừa đủ.
  • Cho đến khi bé 4 – 5 tuổi, khi bé đã sẵn sàng, bạn có thể cho bé học online. Lưu ý là nên cho bé học live với GV. Khi bé được tương tác trực tiếp với thầy cô, thì mới thu hút được sự tập trung của trẻ. Học với app hoặc học với video (của Khan hoặc các chương trình HSC bằng video) thì chỉ nên học kiểu bổ trợ, chiếm tối đa 30%. Vì học bằng cách xem/ nghe thụ động 1 chiều sẽ rất chán, trẻ khó lòng tập trung tốt được.

Duy trì sự tập trung cho con:

  • Như đã nói, trẻ càng nhỏ thì sự tập trung càng ngắn. Độ tuổi 4 – 5 tuổi thì chỉ tập trung được 15 phút là tối đa. Nên, trẻ rất cần sự có mặt bên cạnh của bạn để giúp trẻ.
  • Sau 15 phút, con sẽ mệt. Đặc biệt, hoạt động trí não là hoạt động tiêu tốn năng lượng nhiều nhất. (Đây là lý do phần lớn nhân loại lười suy nghĩ, lười động não. Nhiều người thà làm lao động chân tay chớ không muốn làm những việc đầu óc suy nghĩ nhiều). Mà đường lại là năng lượng chính cho não. Bình thường, mình không nên cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt. Nhưng khi con học lâu (so với sức của con), con mệt, thì bạn cần phải bổ sung năng lượng kịp thời. 1 ly sữa ngọt ngào mát lạnh. 1 ly sinh tố. 1 cái bánh flan. 1 ly kem. 1 hủ yao-ua. 1 dĩa trái cây ướp lạnh. Khi được tiếp năng lượng đủ, con sẽ tỉnh táo lại, và con lại tiếp tục cho 1 phiên tập trung kế tiếp.
  • Khi con mệt, bạn cần lau mặt con bằng khăn mát lạnh. Cho phép con đứng dậy, duỗi tay duỗi chân. Cho phép con nhảy vào lòng mẹ, được mẹ ôm ấp, vỗ về, hun hít. Sau đó, mẹ lại động viên và khuyến khích con quay lại tập trung học tiếp.
  • Trẻ con không phải là 1 con robot để ngồi im ngay ngắn trước màn hình, làm răm rắp như yêu cầu của thầy cô. Ngược lại, có bạn ngồi ngã nghiêng ngã ngữa. Có bạn vừa học vừa ăn lai rai. Có bạn vừa học vừa cắn móng tay móng chân, hoặc cắn nát bút. Có bạn vừa học vừa vẽ bừa trên giấy. Có bạn vừa học vừa nhảy tưng tưng. Nhìn bề ngoài, có thể cta nghĩ là trời ơi, sao học hành không tập trung gì hết vậy. Nhưng kỳ thực, các bạn này vẫn lắng nghe, vẫn hiểu và khi thầy cô hỏi thì bạn trả lời được hết. Vì vậy, miễn sao con vẫn ngồi trước màn hình, vẫn nghe, hiểu và trả lời đúng, thì bạn cứ kệ con nhé. Trẻ con sẽ từ từ điều chỉnh và giảm các hành vi này khi lớn lên. Không nên làm căng, la mắng hoặc cấm đoán tuyệt đối.
  • Ở đây, điều quan trọng cần làm là động viên con, khuyến khích con tiếp tục tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài. Tập trung 1 hồi con mệt, con xao lãng. Lúc đó, mẹ luôn có mặt để kịp thời cung ứng vật tư (khăn, nước, kem, trái cây…). Mẹ cũng luôn sẵn sàng để con sà vào lòng mẹ, xoa đầu con, massage nhẹ nhàng cho con, hun hít con. Rồi mẹ lại khen ngợi con, động viên con, khuyến khích con quay trở lại với lớp online, với thầy cô và bạn bè đang tưng bừng ở đó.
  • Bạn cần duy trì điều này trong mỗi phiên tập trung của con. Như sơ đồ hình sin, lúc cao, lúc thấp. Lúc con tập trung cao độ thì con học, lúc con ỉu xìu thì có bạn ở đó để kịp thời xoa dịu và nâng con lên. Nhờ sự có mặt của bạn, con bạn sẽ vượt qua.

Tăng dần thời gian tập trung:

  • Như tất cả sự luyện tập khác, cta cần tăng dần thời gian tập trung cho con.
  • Lúc nhỏ, bạn có thể tăng thời gian đọc sách từ 15 phút/ lần lên 30 phút, rồi 45 phút, 1 tiếng.
  • Lúc con học app Reading Eggs, bạn có thể cho con học 15’ nghỉ. Sau đó tăng lên 20’ mới cho nghỉ. Rồi sau đó, tăng lên thành 30’ cho mỗi lần học.
  • Hoặc khi bạn giao bài tập cho con, bạn có thể giao mỗi lần 1 bài. Sau đó 2 bài. Sau đó 3 bài. Khi con tập trung tốt, bạn có thể giao 10 bài/ lần.
  • Khi con học online, mỗi buổi 45 phút. Bạn có thể chia thành 3 phiên. Cứ mỗi 15 phút bạn chủ động lau mặt con, cho con uống 1 cốc sinh tố/ chè lạnh. Kéo dài trong 1 tháng (hoặc 1 khoá) thấy con ổn, thì bạn chia 45 phút thành 2 phiên thôi. Chủ động chăm sóc con tốt sau 20 phút.
  • Thông thường, thời gian đầu lúc nào cũng khó khăn cho cả con và mẹ. Với bé chưa quen, bé chỉ tập trung tốt trong phiên 15 phút đầu tiên, những phiên sau càng mệt và lơ mơ. Nhưng mình cứ kiên định, cứ nhẫn nại vỗ về, động viên con, không nên la mắng con.
  • Điều quan trọng là PH đừng căng thẳng. Nhiều PH bộc lộ thái độ căng thẳng trong suốt quá trình học của con. Cứ hễ thấy con giảm tập trung 1 xíu là PH sốt ruột. Cứ thấy con ngã nghiêng, lơ mơ xíu là PH la mắng. Em bé vừa mệt, vừa giảm tập trung, mà vừa bị cha mẹ la mắng ầm ĩ, thì con căng thẳng hơn, học kém hơn.
  • Bình tĩnh, bên cạnh con và làm tất cả những điều mình chia sẻ bên trên, bạn nhé. Bạn sẽ thấy, qua mỗi buổi học, qua mỗi tuần, mỗi tháng, con sẽ tăng sức tập trung lên. Từ 15’ sẽ thành 20’. Rồi tăng lên 25’ – 30’. Và cuối cùng, con sẽ học 45’ ngon lành. Khi con học tốt trong 45’ trong 1 thời gian đủ dài, bạn hoàn toàn có thể đưa con lên 1 level thử thách khác, cao hơn, cho con học 1 tiếng, hoặc 1h30’ như lớp Talent. Các con chắc chắn sẽ làm được và làm rất tốt.

TẠI SAO NÊN LUYỆN SỰ TẬP TRUNG BẰNG HỌC ONLINE?

Có vài cách để luyện sự tập trung, như đã viết ở trên. Nhưng, luyện sự tập trung bằng cách học online, với mình, là cách tối ưu, mang lại nhiều lợi ích to lớn và lâu dài:

  • Sự tập trung vốn đã khó, mà tập trung học online càng khó hơn. Nhưng, 1 khi con đã làm được việc khó nhất rồi, thì con có thể tập trung học ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Vì vậy, nhờ học online, mà K mình có thể vừa đi du lịch vừa học. Con không cần phải bỏ đi chơi vì việc học. Mà con cũng không cần bỏ học để đi chơi. Đến lúc học, con chỉ cần có laptop, ngồi vào 1 quán cafe chill chill nào đó, đeo tai nghe, học trong 1h30. Nhanh vèo. Xong xuôi đứng lên đi chơi tiếp.
  • Với sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của digital, các nền tảng học tập e-learning đã phát triển ngày càng xuất sắc. K nhà mình, nhờ học online từ sớm, con đã tiếp xúc vô cùng thuần thục với môi trường học tập e-learning. Từ Canva, Zoom, đến Google classrooom. Từ các chương trình hay ho như Edmentum, Aleks… K đều tự học ngon lành. Ngoài ra, con rất giỏi trong việc searching, tìm kiếm dữ liệu, kiến thức từ các nguồn uy tín, chất lượng trên Internet với tốc độ nhanh chóng. Học sinh lúc nhỏ học online hiệu quả, trưởng thành sẽ làm việc online hiệu quả. Đây là xu hướng của thế giới.
  • Việc học online tuy đòi hỏi sự rèn luyện cho quen, nhưng khi đã học được, thì hiệu quả cao hơn học offline nhiều. 1 giờ học online hiệu quả ít nhất bằng 2 giờ học offline. Đây là chia sẻ từ chính các giáo viên của mình. Trẻ đến trường quốc tế, thời gian chơi và hoạt động rất nhiều, học kiến thức chỉ chiếm 1 phần nhỏ. Ở các lớp online của các thầy cô, việc học diễn ra hết sức tập trung và hiệu quả. Các thầy cô dạy và phân bố thời gian chặt chẽ đến từng phút.
  • Vì thời lượng học online ngắn, cần tập trung cao, thầy cô và học trò đều phải làm việc rốt rẻng và chặt chẽ, thời gian tính theo đơn vị giây và phút, nên trẻ cũng học được thói quen đó. Con tập trung nhanh (so với nhiều bạn ngồi mãi vào bàn học mới tập trung được), và tập trung lâu (so với những bạn mới tập trung 1 chút là đã mệt, cần nghỉ ngơi).
  • Việc học online lúc đầu cần cha mẹ giám sát, nhưng khi đã tạo thành thói quen thì cha mẹ từ từ giãn ra, trẻ học 1 mình. Dần dần, con sẽ tự học 1 mình hoàn toàn. Đây là nền tảng của thói quen tự học. Theo quan sát của mình, những bạn học online tốt là những bạn có thói quen tự học rất tốt. Thêm vào đó là sự tập trung tốt. Tất cả các yếu tố này cộng hưởng lại với nhau, mang lại năng lực học tập cao cho trẻ.
  • Hơn nữa, như mọi người đều biết, việc học online giúp tiết kiệm đáng kể thời gian đưa đón con đi học (với nỗi kẹt xe kinh hoàng). Không chỉ mất thời gian của con, mà còn phí phạm thời gian cha mẹ. Sự phí phạm gấp đôi.
  • Cuối cùng, với việc học online, ta có thể chọn học với GV vô cùng giỏi, xịn xò, điều gần như không có ở các trung tâm offline (trung tâm xếp lớp nào thì học lớp đó, thầy cô nào dạy thì mình cũng không biết họ là ai, trình độ và năng lực chuyên môn họ như nào). Đặc biệt là học online giúp tối ưu hoá chi phí cho cả người dạy và người học. Chất lượng học tập bảo đảm với chi phí cũng hết sức tối ưu.

Mình hy vọng, sau bài viết này, các bạn sẽ thay đổi góc nhìn. Và sau này, mong rằng, sẽ không còn PH nào đến với mình với câu hỏi “Con em không tập trung, không biết con học được không?”.

Mình cũng rất không thích phải nói với PH mấy câu đại loại như “Con học được hay không, là do cha mẹ chớ không phải do con. Cha mẹ có đồng hành với con không? Cha mẹ có vượt lười để tập thói quen tốt cho con không? Cha mẹ có chịu bỏ công sức và thời gian để giúp con rèn luyện sự tập trung hay không?”

Con học được hay không, con học giỏi hay không, phần lớn là nhờ vào công sức của cha mẹ.

Rất mong các bạn hãy thay đổi góc nhìn.

 


Phạm Hương - Aug 08, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL