Thay Đổi Góc Nhìn: Chọn Môi Trường Học Tập Tốt Cho Con? - Phần 2

"Trường tốt" vốn có nhiều ý nghĩa, có nhiều yếu tố để được gọi là tốt. Trong bài viết bài, mình tôn trọng sự lựa chọn trường tốt của các PH, mình chỉ không đồng thuận về 1 vài ý khi chọn trường.

***

Trong số các học trò của bên mình, rất nhiều bạn học trường chuyên, trường CLC (chất lượng cao - Hanoi), trường điểm (Saigon). Ít có ai chủ động chọn 1 trường công, trường làng như nhà mình. Như 1 lẽ thường tình, trong năng lực có thể, ai cũng cố gắng tìm kiếm 1 môi trường học tập tốt cho con.

Có những PH đã phải cho em bé đi học thêm từ 5 tuổi, để chuẩn bị cho hành trình thi vào trường tốt từ lớp 1.

Có phụ huynh dành hẳn 2 năm (lớp 4 – 5 hoặc lớp 8 – 9 ) để cho con học luyện thi miệt mài, chuẩn bị cho kỳ thi vào trường top của năm lớp 6 hoặc lớp 9.

Mẹ và con cùng nỗ lực để được vào học ở 1 ngôi trường danh tiếng là điều phổ biến đến mức ai cũng cho rằng đó là lẽ tự nhiên. Trừ mình.

Mình không nghĩ vậy. Mình không làm như vậy. Mình chọn ngược lại. Vì những lẽ sau:

1. Học ở trường nào, thì để học giỏi, bạn cũng cần học thêm.

Điều này mình đã nói nhiều rồi. Ai cũng hiểu rồi.

Để vào trường chuyên, trường top, các con cần học thêm rất nhiều thì mới thi đậu vào đó. Sau khi đậu, con lại tiếp tục học thêm nữa và nữa để trụ lại được và học tốt ở đó.

Có bạn nào thi vào trường chuyên, trường điểm, trường top, rồi sau đó bỏ hết tất cả các lớp học thêm mà vẫn học giỏi không? Nói thật là mình chưa từng thấy trường hợp này. Nếu có, chắc là thần đồng rồi.

Tóm lại, học trường nào cũng phải đi học thêm thì mới giỏi. Hay, ở góc nhìn ngược lại, con học giỏi là do cha mẹ cho con đi học thêm với các tutor giỏi; chớ không phải trường chuyên, trường top giúp con mình giỏi.

(Thực tế là, ở trường chuyên, bạn nào cũng tự đi học thêm nên đã rất giỏi. Nhiều PH chia sẻ với mình là, vì các bạn bé học thêm bên ngoài rất nhiều rồi, nên vào lớp GV dạy rất nhàn).

2. Bạn bè là để kết thân, không phải để ganh đua.

Lý do lớn nhất mà PH đưa ra là “môi trường đó tốt vì bạn bè đều học giỏi, nên con sẽ cố gắng tranh đua học cho bằng bạn bè”.

Khi mình nghe lý do này, mình hết sức không đồng thuận.

Với mình, mình chỉ mong K nhà mình có bạn tốt. Mình không quan tâm các bạn nhỏ đó học giỏi hay không. Các bạn nhỏ của K nhà mình, dù học giỏi hay dở, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến con mình cả.

Không thể nào vì 1 bạn bé học dở mà K học dở theo. Cũng không vì bạn bè con quá giỏi mà K học giỏi lên thêm. Ngược lại là đằng khác.

Khi các con thấy bạn học quá giỏi, con sẽ bị peer pressure (áp lực đồng trang lứa). Hoặc con sẽ tự ti (thấy bạn bè giỏi hơn mình quá nhiều). Hoặc con sẽ tự tạo áp lực cho bản thân (không muốn thua kém bạn bè). Đây chính là các dấu hiệu của peer pressure.

Nhiều bạn nhỏ tự tạo áp lực cho bản thân đến mức trầm cảm. Nhiều hs ở trường chuyên, trường top tutu vì tự tạo áp lực cho bản thân, chớ không phải lỗi do PH ép uổng con cái đâu.

“Đằng sau ánh hào quang của ĐH top đầu thế giới, Harvard, ngôi trường dường như "bất lực" trong đảm bảo sức khỏe tâm thần cho sinh viên.

Thật không may, Đại học hàng đầu thế giới Harvard lại có tỷ lệ sinh viên tutu thuộc top cao nhất trong số các trường đại học ở Mỹ.

Trung bình 6 vụ tutu/ năm

Theo báo cáo năm 2019 của Harvard Crimson (Thời báo Sinh viên thường nhật của Đại học Harvard), ít nhất 6 sinh viên Harvard đã tutu trong năm học 2018 - 2019. Con số này nhất quán với những năm trước, vì trường có trung bình 6 vụ tutu/ năm trong thập kỷ qua.

Tỷ lệ tutu ở Harvard cũng cao hơn mức trung bình toàn nước Mỹ. Theo Hiệp hội Sức khỏe ĐH Mỹ, tỷ lệ tutu của sinh viên cả nước là 7.5/100.000 vào năm 2019.

Trong khi đó, tỷ lệ tutu của sinh viên Harvard vào khoảng 10.3/100.000.

Đáng chú ý, những thống kê này chỉ phản ánh các vụ tutu được báo cáo. Số liệu thực tế có thể cao hơn”.

Peer pressure là gì?

Peer pressure là một thuật ngữ chuyên ngành giáo dục, tâm lý học và được hiểu là áp lực đồng trang lứa. Theo từ điển tâm lý học thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, áp lực đồng trang lứa là khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi thái độ, giá trị và hành vi để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm. Nói đơn giản hơn, đó chính là cảm giác tự ti của bản thân khi không đạt được những điều giống với bạn bè xung quanh.

Mỗi lần đối mặt với nó, chúng ta lại tự hỏi bản thân “Tại sao mình không được như vậy?”, “Phải chăng bản thân mình quá tệ so với mọi người?”. Dần dần, những câu hỏi này như lấy đi sự tự tin, lấy đi niềm tin vào bản thân và làm chúng ta trở nên mệt mỏi hơn.

Peer pressure cũng có mặt tốt là giúp cta phấn đấu để trở nên tốt hơn. Nhưng cách này, theo mình, vẫn là cách ganh đua tiêu cực. Quá trình diễn biến tâm lý này khá tiêu cực, dù kết quả là trở nên tốt hơn. Đứa trẻ thấy không vui khi thấy bạn điểm cao hơn mình. Bạn 10 điểm mà mình 9 điểm thì mình cũng không vui. Phải cao điểm hơn bạn thì mới vui.

Bạn thành tích cao hơn mình thì mình cũng thất vọng, dù thành tích mình cũng không tệ.

Bé nào tốt tính thì chỉ không vui, không hài lòng về bản thân. Bé nào xấu tính thì trở nên ganh ghét, đố kị với bạn bè, thậm chí cạch mặt luôn bạn bè.

K nhà mình từng là đối tượng bị bạn bè “trở mặt”. Cách đây cũng khá lâu, mình có giao lưu với 1 PH, có 2 bạn nhỏ bằng tuổi K, học trường quốc tế 100%. Lúc đó, K và 2 bạn này đều đi test chương trình hsc Mỹ. K được học vượt 1 lớp, còn 2 bạn kia thì được xếp lớp học đúng với trình độ của các bạn. Mình đoán mẹ của 2 bạn đó thường mang K ra so sánh, khiến cho 2 bạn nhỏ rất là khó chịu. Cho đến 1 lần tụi mình offline, 2 bạn nhỏ nhất định không mở miệng nói 1 từ nào với K nhà mình luôn. (Các bạn từng offline biết là K thân thiện như thế nào rồi đó). Lúc đó, mình và K cũng quá sốc với thái độ 2 bạn nhỏ kia. Nhưng giờ nghĩ lại, mình hiểu là tâm lý 2 bạn bé đang bị peer pressure, nên bộc phát 1 cách tiêu cực. Dĩ nhiên, sau đó, tụi mình không còn liên hệ gì với nhau nữa.

1 trường hợp khác khá buồn là K cũng có 1 bạn khá thân, tụi mình từng ở chung chung cư từ hồi K mới sinh vài tháng. Rồi sau đó tình cờ lại học thêm ở trường tiểu học, rồi lại vào trường ĐTL. K và bạn chơi với nhau mấy năm.

Nhưng, khi vào ĐTL thì cha mẹ bạn ấy hơi chủ quan, không cho bạn đi học thêm gì, nên bạn học đuối dần. Trong khi đó, K nhà mình thì vẫn học tốt và có học bổng 100% ở CIS. Mình không biết về tâm lý bạn nhỏ đó có bị cha mẹ so sánh với K không, nhưng dần dần, bạn ấy tự xa lánh K. Tụi mình hay chủ động rủ nhà bạn đi cafe nhưng bạn đó từ chối vài lần. Lần cuối cùng là nhà mình đi lễ nhà thờ, lúc ra chờ bố lấy xe thì K thấy 2 chị em bạn đứng bên kia đường. Trong lúc em gái bạn vẫy chị K rối rít, thì bạn lại lạnh tanh, cố ý nhìn ra hướng khác. Mình và K từ đó chấp nhận sự thật là tình bạn đã tan vỡ.

Peer pressure với mình, chứa nhiều tiêu cực, hơn là tích cực. Nó ảnh hưởng đến mental health (sức khoẻ tâm thần). Hoặc không vui, bất an, tự ti về bản thân. Hoặc ganh ghét, đố kị người giỏi hơn mình.

Khi con còn nhỏ, mà bạn đã đưa con vào môi trường như vậy, thì liệu có tốt? Lúc nhỏ không vui khi thấy bạn học giỏi hơn, thì lúc trưởng thành sẽ không bao giờ hạnh phúc khi thấy người khác thành công hơn. Sống 1 đời như vậy thì thật là khổ tâm.

Từ nhỏ đến lớn, mình nuôi dạy K, mình chưa từng dùng hình ảnh của “con nhà người ta” để K noi gương phấn đấu theo. Mình cũng không bao giờ nghĩ là đưa K vào môi trường toàn là “con nhà người ta” để K ganh đua cho hơn bạn bè.

Ngược lại, mình chọn 1 môi trường bình thường, để K có thể chan hoà vui vẻ với bạn bè 1 cách nhẹ nhàng, vui vẻ, thân tình – mà không bao giờ quan tâm đến việc bạn có học giỏi hay không.

K chưa từng chê bạn học dở, và cũng chưa từng cảm thấy bị áp lực đồng trang lứa với bạn bè giỏi hơn. Bạn học kém hơn thì thương bạn, giúp đỡ bạn. Bạn học giỏi hơn thì quý bạn, ngợi khen bạn. Vậy thôi. Còn chuyện mình học giỏi hay dở hoàn toàn là chuyện của bản thân mình.

Nếu bạn không muốn con chủ quan, thì bạn cứ cho con đi thi những cuộc thi chuẩn hoá uy tín, để đo lường năng lực của con, để con biết con đang ở đâu, tiến bộ như thế nào so với chính con trước đây. Cách này tốt hơn nhiều.

Nếu bạn muốn con phấn đấu học giỏi hơn, bạn có thể cho con tham gia những kỳ thi học thuật chất lượng trên toàn thành phố/ tỉnh/ quốc gia. Để con biết con đang ở đâu so với các bạn trên cả nước, để con đừng ảo tưởng sức mạnh – nhưng lại không bị so sánh với 1 cá nhân cụ thể nào. Cách này cũng rất tốt.

Miễn là đừng khuyến khích con ganh đua tiêu cực với bạn bè. Bạn bè là để kết thân, chia sẻ, giúp đỡ, vui vẻ, chan hoà. Bạn bè không nên được sử dụng như đòn bẩy tâm lý để “khích” con học tập.

3. Thế giới VUCA

Nếu bạn cứ quá quan trọng về môi trường học tập cho con, thì có nghĩa là bạn đang rất phụ thuộc vào môi trường bên ngoài.

- Môi trường nhiều bạn học giỏi thì mới giúp con bạn học giỏi?

- Môi trường nhiều bạn học dở thì sẽ làm con bạn học dở?

Hoặc, nói cách khác:

- Con chỉ có thể học giỏi nếu được học trong môi trường nhiều bạn bè giỏi?

- Con sẽ học kém nếu học trong môi trường có nhiều bạn bè học kém?

Nếu suy nghĩ theo chiều hướng này, thì bạn đã đang thụ động để cho môi trường bên ngoài tạo tác động quá lớn lên con của chúng ta. Điều này thật sự đúng không? Và quan trọng hơn, có nên để điều này xảy ra không?

Có nên để môi trường bên ngoài tác động lên con mình? Hay nên giúp con xây dựng nội lực từ bên trong?

Bạn đã nghe qua về thế giới VUCA chưa?

VUCA là thuật ngữ đầu tiên được sử dụng bởi Quân đội Hoa Kỳ để mô tả về thế giới "đa cực" với bối cảnh đa biến, phức tạp mà họ gặp phải trong các tình huống chiến tranh và quản lý trong những năm 1990.

VUCA đại diện cho bốn khái niệm cơ bản Volatility (Biến động) – Uncertainty (Không chắc chắn) – Complexity (Phức tạp) – Ambiguity (Mơ hồ). Thuật ngữ này đề cập đến sự hỗn loạn của thế giới ngày nay, trong thời gian rất ngắn.

Nói tóm lại, thế giới VUCA là thứ mà cta sẽ đối mặt trong tương lai, gồm 4 đặc tính: Biến động, Không chắc chắn, Phức tạp và Mơ hồ.

Trong thế giới đó, bạn có thể tiếp tục chọn “môi trường tốt” cho con được nữa không?

Hoặc, nếu con dễ dàng bị tác động bởi môi trường bên ngoài, thì trong thế giới đó VUCA hỗn loạn đó, con sẽ bị tác động như thế nào?

Hãy nhìn rộng ra. Nếu như thế giới chung quanh biến động như một cơn lốc, thì bạn càng không nên chạy theo sự thay đổi của nó. Vì bạn sẽ nhanh chóng cạn kiệt sức lực. Cách duy nhất để đối phó với cơn bão chính là tìm về tâm bão. Tâm bão là nơi an toàn nhất.

Thật vậy. Thế giới càng biến động, thì cta cần tập trung tối đa vào chính bản thân mình. Phát triển bản thân, nuôi dưỡng sức mạnh, xây dựng nội lực từ bên trong. Giỏi giang hơn, mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, linh động hơn – từ bên trong. Chỉ khi đó, cta mới có đủ sức đối phó với bất kỳ thay đổi nào của thế giới bên ngoài.

Nếu bạn cứ tìm kiếm môi trường để nuôi dạy con, thì bạn đang có khuynh hướng để con bị tác động bởi môi trường bên ngoài.

Nếu bạn tập trung nuôi dưỡng con cái bằng những giá trị cốt lõi từ bên trong, thì bất chấp thế giới chung quanh thay đổi, xoay chuyển, biến động như thế nào, con bạn vẫn bình tĩnh vượt qua - bằng cách tập trung vào nội lực của chính mình.

Không có cách nào khác đâu.

Là bởi, cta mãi mãi không thể kiểm soát hay tác động gì được vào các yếu tố bên ngoài.

Nhưng cta hoàn toàn có thể kiểm soát và tác động vào các yếu tố bên trong của chính bản thân mình.

Thay vì dùng thời gian, nguồn lực để chạy theo những yếu tố từ môi trường bên ngoài 1 cách vất vả, triền miên, mệt mỏi và phần lớn là vô vọng; tại sao không dùng thời gian và nguồn lực đó để nuôi dưỡng và phát triển sức mạnh nội tại của bản thân?

Tóm lại, hãy thay đổi góc nhìn. Thay vì chạy theo sự tác động của môi trường bên ngoài, hãy tập trung phát triển sức mạnh nội tại cho con.

Khi con đủ giỏi, đủ mạnh mẽ, đủ bản lĩnh để làm chủ được bản thân, con sẽ làm chủ được cuộc đời con - mà không bị bất cứ ai/ cái gì tác động.

Chắc chắn là như thế.

Và nên nuôi dạy con như thế.

 

TEXVN Tham Khảo Từ Nguồn Học Thật Thi Thật


Phạm Hương - Aug 08, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email