Chia sẻ của cô Phạm Nha Trang về hành trình của con cô- Phần 3

PHẦN 3: THU XẾP THỜI GIAN ĐỂ CHƠI (ở tiểu học)

Với trẻ, “chơi” là: con được làm gì con thích, thoải mái và tự nguyện, không chịu bất kỳ sức ép nào, không phải thực hiện nhiệm vụ nào do người lớn giao.

Với quan điểm đạt hiệu quả tối đa trong thời gian tối thiểu, mình đã chú ý những điểm sau:

1. Rèn con nhanh nhẹn

Từ lúc 4 tuổi, mình đã dạy con xem giờ, và luôn căn giờ cho các việc. Khi vào lớp 1, nhà mình ăn sáng tại nhà, nhưng mình không gọi con dậy quá sớm, để buộc con phải tập ăn nhanh. Tác phong nhanh nhẹn khiến con tiết kiệm được vô khối thời gian mà trẻ vẫn tốn vào các hoạt động ăn, tắm rửa, thay quần áo.

Khi tập viết, mình thống nhất với con: không cần viết đẹp, chỉ cần viết nhanh, miễn là đừng giun dế tới mức không ai đọc được. Lúc con học tiếng Anh, mình luyện chính tả bằng cách cho audio của bộ All aboard reading chạy 1 lèo và con viết theo. Đến lần thứ 3 thì con viết kịp audio, và giờ tốc độ viết tương đương người lớn. Tốc độ này cho phép con làm bài tập ngay tại lớp, trong lúc cô giảng bài hoặc trong giờ tự học, và từ lớp 2 tới giờ, hiếm khi con mang bài tập về nhà.

2. Lược hết các hoạt động vô bổ

Nhà mình cắt các kênh hoạt hình tiếng Việt trên TV, không game, youtube linh tinh hay trò chơi trên ipad và điện thoại. Mình tăng cường các board game, xếp hình, các bộ trò chơi phát triển tư duy, hay đôi khi chỉ là 1 năm que kem cũng được, để con phát triển được khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng tối đa.

3. Giảm tối đa thời gian di chuyển

Mình chọn trường cách nhà 5p, mời cô giáo dạy đàn đến nhà. Vẽ mình tìm 1 thầy giáo ĐH Mỹ thuật cách nhà 10p. Mình cũng tự thuê lớp gần trường và gần nhà, tự tìm giáo viên là 1 hiphop dancer có tiếng, tự gom nhóm để con học.

4. Chọn trường

Cách nhà mình 100m là 1 trường điểm nổi tiếng, nhưng mình tránh để đỡ tốn quá nhiều thời gian vào bài tập trên lớp. Mình chọn 1 ngôi trường nổi tiếng là tôn trọng trẻ, không giáo điều, không ham thi thố thành tích, và đặc biệt là không giao bài tập về nhà. Ở trường con cũng chơi tẹt ga. Hôm nào đi học về con cũng đầu bù tóc rối, mồ hôi nhễ nhại, quần áo nhem nhuốc.

5. Giúp con yêu sách

Con mình được ru bằng ca dao từ lúc lọt lòng. 2 tuổi con bắt đầu được dạy đọc thơ, bài Mười quả trứng tròn. Mẫu giáo con gối đầu bằng đồng dao và “Bầu trời trong quả trứng”. Mình đều đặn đọc cho con nghe 30p mỗi ngày tới tận lúc con 7 tuổi, đọc hết tất cả các truyện cổ tích Việt Nam, Grim, Andersen,.v.v kiếm được ở hiệu sách cho tới các tác phẩm kinh điển như Sói Nanh Trắng hay Chiếc lá cuối cùng. Mình dùng sách nguyên tác, chứ không bao giờ dùng sách rút gọn, để con có thể cảm nhận và học hỏi được từng chi tiết trong nghệ thuật kể truyện của các nhà văn lớn.

Nhờ đó, con thuộc thơ ở lớp dễ dàng, vốn tiếng Việt phong phú, trí tưởng tượng tốt, và chỉ mất 15~30p cho mỗi bài văn ở trường. Tóm lại, nhà mình chưa hề có cảnh con ngồi chật vật lẩm bẩm học thuộc thơ, hay cắn bút vật vã không hoàn thành nổi bài văn. Ngược lại, cũng lúc 7 tuổi, mình bắt đầu dạy con gieo vần để có thể tự làm thơ. Con cũng đã viết được những vần thơ trong trẻo đầu tiên.

Trong danh sách các khoản chi hàng tháng, mình luôn ưu tiên cho sách hay và đẹp. Sách của trẻ con với màu sắc hấp dẫn, thêm mục jizsaw hay lift the flap thì không khác gì 1 món đồ chơi cả. Có rất nhiều điều mình đã làm, để con có thể yêu sách tới mức luôn xin đọc nốt mỗi khi bị giục đi ngủ.

6. Chơi mà học:

Mình cũng luôn ưu tiên lồng hoạt động học vào lúc chơi. Thực tế, các hoạt động xem phim, nghe nhạc, đọc truyện 100% tiếng Anh đều là hoạt động học, nhưng con vẫn xem đó là giải trí, vì tự nguyện hoàn toàn. Đến xếp hình mình cũng thường mua bản đồ phân bố sinh vật trên trái đất, thậm chí lớn hơn là bảng tuần hoàn Mendeleev.

Lúc con nhỏ, mình còn hay kết hợp toán đố trong lúc đợi cơm kiểu “Vừa gà vừa chó, bó lại cho tròn, hai mươi chân chẵn. Hỏi mấy gà mấy chó?”. Để con biết về lịch sử Việt Nam, mình biến kiến thức lịch sử thành các câu chuyện. Vua Quang Trung hành quân thần tốc, Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, Lý Thường Kiệt viết Nam Quốc Sơn Hà….là những câu chuyện đầy màu sắc với trẻ không khác gì truyện cổ tích.

7. Học mà chơi:

Phần experiments trong môn science là 1 hoạt động học như chơi. Nhà mình cho con trồng cây đỗ, thu nhặt đá sỏi, đào đất để xem cấu tạo của soil, đủ cả. Với trẻ đang ưa khám phá, đây là chơi, chứ không phải học. Mình vẫn nhớ trong thời gian học về rock, cả tuần con đi đâu cũng chỉ nhìn xuống gốc cây, con nhặt đủ thứ đá sỏi về, lọ mọ phân loại, đánh nhãn, lấy kính lúp ra soi màu sắc…Đồ chơi mới cũng chỉ thu hút con được đến thế là cùng.

Tóm lại, chính với phương châm một mũi tên luôn phải trúng nhiều đích, tối đa hoá hiệu quả trong thời gian ngắn nhất, nên mình luôn để được cho con vô khối thời gian chơi tự do. Thực tế là con mình chơi rất nhiều. VD con biết rất nhiều bài hát đang thịnh hành; là fan ruột của Taylor Swift; biết hầu hết các khu vui chơi trong HN, thuộc lòng truyện tranh Conan, Doremon, Lớp học mật ngữ; luôn cập nhật các board game mới như Cuộc đua sao chổi: phim chiếu rạp ít bỏ sót, tuần 2~3 bộ phim Netflix; thành thạo cá ngựa, tú lơ khơ, bài Uno hay thậm chí tam cúc, suốt ngày lọ mọ làm đồ thủ công. Con đã từng “hy sinh vì nghệ thuật”, bỏng súng bắn keo khi làm đồ handmade. Trong hình là rối tay con tự thiết kế, tự may và Perfect Perfume, con làm từ hơi nước ngưng tụ trên vung nồi, tinh dầu bóp từ vỏ quýt và 1 số thành phần bí mật gì đó. Hiện giờ con đang mơ ước sau này trở thành perfume maker ^^

Mọi thứ luôn bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất, và sẽ xuất phát từ chính phương châm sống của các bạn.

Texvn tham khảo từ nguồn: cô Phạm Nha Trang 


Jul 03, 2024

3 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email