CÓ 1 CON ĐƯỜNG KHÁC (phần 1)
Mùa hè Hà Nội nắng như thiêu đốt, nhưng không thể sánh nổi chảo lửa mùa thi trong các hội nhóm phụ huynh. Nhìn những đứa trẻ bị “quay chín” trong áp lực bài tập và ôn thi, mình cảm thấy rất thôi thúc muốn giới thiệu với các gia đình 1 con đường khác: vừa học trường công, vừa học kiểu Mỹ (semi-homeschool)
Trước mình có một số gia đình dấn thân vào con đường này. Sau những chặng đầu tiên, nhóm thứ 1 gồm 1 số rất ít gia đình đã rất dũng cảm chuyển hẳn sang homeschool, từ bỏ trường học truyền thống. Nhóm thứ 2 chuyển hẳn sang học các hệ quốc tế. Nhóm thứ 3 vẫn theo các trường công/tư và khi con lên cấp 2 thì đứt gánh hoặc chỉ còn học như học thêm tiếng Anh, do các con quá bận, không thể “kiêm nhiệm được”. Mình cũng phải chờ con mình học hết năm đầu của cấp 2, mới dám khẳng định chắc chắn, mình sẽ tiếp tục mạo hiểm, ném đá dò đường để đi đến cuối.
1. Học gì?
Con mình vẫn học theo chương trình của bộ giáo dục tại trường công ở Hà Nội.
Song song với đó, tại nhà, con theo chương trình học phổ thông của Mỹ.
Chương trình học phổ thông ở Mỹ gồm 4 nhóm môn cơ bản: Toán, Nghệ thuật ngôn ngữ (gọi tắt là LA, gồm Văn học và Ngữ pháp tiếng Anh), Khoa học tự nhiên (gồm Lý Hoá Sinh), và Khoa học xã hội (gồm Sử Địa). Ngoài ra còn các môn dạng tự chọn như Tài chính cá nhân, Nghệ thuật, Coding,v.v. (các chương trình phổ biến được liệt kê dưới comment)
Con mình học đủ các môn cơ bản, và thêm thắt 1 số thứ cho vui như Model UN hay tài chính cá nhân. Con mình cũng không theo 1 chương trình học cụ thể nào, mà mình kết hợp nhiều nguồn khác nhau, để đo ni đóng giày cho phù hợp với con.
2. Học kiểu Mỹ được gì?
2.1. Tiếng Anh
Mặc dù tận 7 tuổi (lớp 2) con mới bắt đầu biết chữ tiếng Anh đầu tiên, nhưng sau 5 năm, con trở thành 1 đứa trẻ song ngữ thực sự. Con thi được hầu hết các chứng chỉ tiếng Anh dành cho trẻ em (trừ IELTS chưa có ý định thi), con vượt qua các bài thi ngôn ngữ Anh dành cho trẻ bản xứ, thậm chí vượt vài tuổi. Con mới đọc xong cuốn A Brief History of Time - From the Big Bang to Black Holes của nhà vật lý học Stephen Hawking (1 cuốn unread best seller, có nghĩa là nhiều người sở hữu nhưng ít người đọc hết) . Con tranh luận được tay đôi với các bạn Mỹ về các xung đột tại các điểm nóng trên thế giới. Và đã nhiều năm rồi, con không cần phụ đề dù xem phim tài liệu về hố đen vũ trụ, về trận Midway hay bất kỳ series phim sitcom nào.
Mình biết, các gia đình ở thành phố hiện giờ đang tiêu tốn tiền, thời gian, và công sức của cả cha mẹ và con nhiều nhất cho việc học tiếng Anh của con, dù là học thêm tại các trung tâm, lò luyện, hay học trong chương trình chính khoá tại các trường tư.
Nếu con mình theo cách khác, để đạt tới năng lực như trên, mình sẽ tốn nhiều tiền hơn, nhiều công đưa đón con hơn, nhiều thời gian lê la ở các quán Café chờ con hơn nhiều lần. Những bé khác đi cùng con đường này dù chỉ ở giai đoạn đầu thường cũng có trình độ tiếng Anh tốt hơn nhiều so với các bạn cùng lứa.
2.2. Nền tảng kiến thức rộng và vững chắc
“Niềm tin” phổ biến trong giới phụ huynh là chương trình học của Việt Nam quá nặng so với nước ngoài. Điều đó không đúng. Cuốn sách khoa học lớp 6 của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn 200 trang khổ vừa, trong khi sách khoa học lớp 6 của Mỹ dày gần 1000 trang khổ lớn. Môn Toán đại trà của Mỹ ít đánh đố lắt léo hơn toán của ta, song có tính ứng dụng rất cao, và có hẳn 1 phần về thống kê xác suất mà ta đang thiếu. Các kiến thức về khoa học xã hội và văn bản thông tin trong chương trình Mỹ thì hơn hẳn ta về lượng và về chất. Chúng ta nặng hơn họ về cách thức dạy, học và thi mà thôi.
Con mình tự học toán Mỹ ở nhà (chỉ xem video bài giảng và tự làm bài tập khoảng 30p/ngày trong khoảng 3 tháng/năm). Dù con không hề học thêm hay luyện bài tập toán Việt trừ 4 tiết trên lớp, nhưng với nền tảng toán Mỹ, con học toán Việt rất nhàn.
Kiến thức khoa học xã hội của con rộng hơn so với rất nhiều bạn cùng lứa tuổi, thậm chí còn rộng hơn nhiều sinh viên của mình. Con hỏi và tự tìm hiểu rất nhiều về các vấn đề kinh tế, chính trị, luật pháp…điều mà mình tin là những bạn nhỏ quay cuồng trong guồng quay học thêm chắc chắn sẽ không có thời gian để ý tới.
Kiến thức khoa học tự nhiên thì không cần bàn, vì đây là sở trường của con mình. Do học homeschool, nên mình dễ dàng tuỳ biến theo năng lực, cho con học vượt nhiều lớp ở những mảng con có thế mạnh (và giật lùi ở những mảng con không giỏi)
Chính vì con mình học cả 2 chương trình, nên mình có thể khẳng định, Tây có những chương trình có khối lượng lớn hơn ta nhiều. Có điều, họ dẫn dắt tốt, tiếp cận kiến thức thực tế, bài thi không cần học thuộc lòng, bài tập không ở dạng cần luyện nhiều cho quen. Phương Tây không yêu cầu trẻ phải “giỏi toàn diện" nên trẻ thường giỏi ở môn sở trường, và được quyền “trung bình ” ở môn sở đoản. Ngoài ra, có rất nhiều hoạt động học khiến trẻ hứng thú. Ví dụ trong mảng kiến thức khoa học trái đất, có phần học về các loại mây. Con mình suốt ngày chụp ảnh mây từ sân thượng nhà mình, để so sánh với trong sách, xem mây này loại gì, bao giờ thì mưa,v.v. Học đấy, mà không khác gì chơi cả.
Ngoài ra, học kiểu Mỹ còn giúp học sinh tiếp cận với nhiều kiến thức thực tiễn hơn. Chương trình Mỹ được xây dựng dựa trên thực tiễn, khiến học sinh không bao giờ phải đặt câu hỏi: học cái này để làm gì.
2.3. Tự lập và tự chủ
Khác với các bạn đi học thêm và theo các lò luyện có cô giáo cầm tay chỉ việc, học homeschool về cơ bản là tự học. Dù ở 1 số môn con có giáo viên hướng dẫn, nhưng con vẫn phải tự đọc sách, tự xem video, tự làm bài tập, tự google để biết mình sai ở đâu. Chính vì vậy, trẻ hình thành thói quen tự chủ và tự nghiên cứu rất tốt, tốt hơn so với nhiều em sinh viên ĐH mình dạy.
Con mình vốn rất a-ma-tơ, chứ không chăm chỉ và chỉnh chu. Ở trường công, con vẫn thường xuyên quên mang sách cô dặn, quên làm bài tập cho tới sát deadline 10 phút, v.v. Đối với những môn con không thích, mình vẫn phải lên kế hoạch, và giám sát con thực hiện. Nhưng với những gì khiến con hứng thú, thì con sẽ tự làm hết từ A-Z. Năm ngoái, con đã tự tìm hiểu để vào được IVY, thì cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào, năng lực gì…Con tự điều hành câu lạc bộ sách của con hơn 1 năm nay, tự lên kế hoạch phỏng vấn ứng viên và điều phối việc phỏng vấn, đều đặn đọc 1~2 cuốn sách/tuần (president nên phải gương mẫu ) Gần đây có 1 cuộc thi do IXL tổ chức, con tự đọc thông báo, thể lệ và tất cả FAQ, tự tính toán chiến lược để đạt giải thưởng. Điều thú vị là IXL là nền tảng làm bài tập mà trước giờ con rất ghét, và theo kế hoạch con tự lập ra, con phải sắp xếp thời gian để trả lời đúng mỗi ngày 500 câu hỏi bài tập toán, khoa học, LA mỗi ngày (đã thực hiện được 8 ngày và chưa có biểu hiện nản chí).
TexVN tham khảo từ nguồn: Cô Phạm Nha Trang
Jun 30, 2024