CÓ 1 CON ĐƯỜNG KHÁC (phần 3)

3. SEMI-HOMESCHOOL VÀ THI CỬ

Các bố mẹ chắc quan tâm nhất điều này. Ở ta, học là để đi thi, có thi thì mới học. Có 2 kiểu thi tốn nhiều năng lượng nhất là:

a. Các kỳ thi quốc tế

Có 3 dạng thi quốc tế: chứng chỉ tiếng Anh quen thuộc như Flyers, KET, PET, IELTS, TOEFL, bài thi chuẩn hoá SAT, IGCSE, A-level, và thi Olympic dành cho học sinh giỏi.

Khi học kiểu Mỹ, năng lực tiếng Anh của các con sẽ phát triển rất nhanh và tự nhiên, một dạng effortless, tức là chẳng cần nỗ lực gì. Con mình đã tay bo thi được các chứng chỉ Cambridge và đạt 900/900 bài thi TOEFL Junior mà không cần ôn luyện giờ nào. Con chưa thi TOEFL iBT/ITP hay IELTS, nhưng mình tin lúc cần đến chứng chỉ, con có thể thi được, ví dụ như đạt tối thiểu 7,5 IELTS mà không phải ôn luyện gì nhiều.

Học kiểu Mỹ cũng tạo cho các con 1 nền kiến thức và ngôn ngữ học thuật vững vàng, cực kỳ thuận lợi khi các con thi các chứng chỉ chuẩn hoá quốc tế, kể cả khi chuyển sang ôn thi IGCSE hay A-level. Và mình tin là thuận lợi hơn nhiều so với việc các con học bằng tiếng Việt và học thêm tiếng Anh.

Nói thêm rằng, ngay từ 4 năm trước, khi hệ Cam được triển khai ở 7 trường công lập ở Hà Nội, mình đã dự đoán về xu hướng các trường ĐH ở Việt Nam tuyển sinh bằng chứng chỉ quốc tế. Điều đó đang diễn ra. Các chứng chỉ quốc tế vốn có tính tin cậy cao, chứng minh được cho nhà tuyển sinh về năng lực học tập và năng lực hội nhập quốc tế của người học. Do đó, trong vài năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến các trường ĐH Việt dành nhiều chỉ tiêu hơn cho các bạn có chứng chỉ SAT, A-level, hoặc combo IELTS/TOEFL + điểm GPA hoặc điểm 1-2 môn ở 1 kỳ thi nào đó.

Thú vị hơn, các kỳ thi chuẩn hoá quốc tế có rất nhiều tài liệu tự ôn thi với chi phí rất rẻ. Nếu các con đã rèn được năng lực tự học tự chủ khi học homeschool trước đó, thì các con có thể tự ôn, không phải tới lò luyện nữa.

Trong số các cuộc thi Olympic quốc tế dành cho học sinh giỏi, nhiều cuộc thi đòi hỏi thí sinh đọc đề bằng tiếng Anh, và làm bài thi trực tiếp bằng tiếng Anh. Khi hiểu hoàn toàn các kiến thức bằng tiếng Anh, con sẽ có lợi thế hơn những bạn học bằng kiến thức bằng tiếng Việt và học thêm từ vựng bằng tiếng Anh. Vd kỳ thi IMSO. Đây là kỳ thi dựa trên nền tảng kiến thức của hệ Cambridge, đề lắt léo kiểu Châu Á, vốn là thứ các bạn theo kiểu Mỹ hoàn toàn xa lạ. Đây cũng là kỳ thi duy nhất mà con mình đã từng ôn. Con ôn thi trong hơn 20 ngày, chủ yếu bằng 1 vài website mẹ tìm được trên mạng, thêm 2h giải đáp thắc mắc với 1 thầy giáo Việt nói tiếng Anh (không phải chuyên gia ôn luyện kỳ thi này), trong khi nhiều bạn cùng đội tuyển đã được các trường ôn luyện 5-6 tháng trước đó. Thú thực, phải tới khi con đạt giải, mình mới vững tin vào con đường mình đang đi, rằng chắc chắn sẽ bớt vất vả và có kết quả khả quan hơn nếu con học theo cách truyền thống.

b. Thi chuyển cấp và thi chuyên

Đây đúng là những kỳ thi khốc liệt nhất ở Việt Nam.

Con mình năm ngoái lên cấp 2. Những ai biết năng lực của con mình đều nghĩ con sẽ cạnh tranh 1 suất trong các trường “hot" nhất HN. Trái lại, cả mùa hè con khểnh chân đọc truyện. 3 năm nữa con sẽ lại chuyển cấp. Theo logic thông thường, mình có thể đặt kỳ vọng là vào lớp chuyên Anh trường Ams, là nơi có tỉ lệ chọi cao nhất, khốc liệt nhất cả nước.

Nhưng nói thực là mình sợ guồng quay ôn luyện để vào 1 trường cấp 2 tốt, rồi luyện tiếp để theo kịp lớp, và luyện tiếp để vào 1 trường chuyên cấp 3, rồi tiếp tục ôn luyện cho các kỳ thi chuẩn hoá. Mình không muốn tuổi thơ của con dành để luyện đi luyện lại cho thuần thục các dạng bài sẽ xuất hiện trong đề thi.

Nhiều bạn nhắn tin hỏi mình kế hoạch cấp 3 và ĐH. ĐH thì như mình nói ở trên, dùng chứng chỉ quốc tế hẳn sẽ rộng đường vào cả ĐH tại Việt Nam và đi du học. Cấp 3 thì mình chưa có kế hoạch cụ thể nào. Con mình có thể thi chuyên cấp 3, cũng có thể học IGCSE để vào 1 trường nào đó dạy Cambridge. Nhưng mình chắc chắn sẽ không cho con “vào lò” nào cả. Con sẽ đi tiếp con đường đang đi, vẫn sẽ ung dung và vui vẻ như hiện tại. Nếu con không đỗ, mình luôn sẵn sàng phương án B, cho con học 1 trường dân lập nào đó chỉ xét tuyển ở gần nhà. Chỉ cần con có năng lực tự học tự chủ, biết tự đặt mục tiêu, và biết phải làm gì để đạt mục tiêu đó, thì dù học ở đâu, con cũng có thể đi tiếp con đường riêng của con, ít bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Điều này mình rất tự hào là con đã rèn luyện được bằng homeschool trong khoảng thời gian bạn bè con đang bị bủa vây bởi các bài tập và ôn luyện.

Và đây cũng là điều mình muốn nhắn nhủ với các bố mẹ. Rằng luôn có 1 con đường đi khác, không nhất thiết phải “ cày cuốc” bằng mọi giá để đỗ công lập tốt, trường chuyên tốt. Điều cần nhất là cha mẹ cần sẵn sàng bơi ra khỏi dòng chảy chung. Điều quan trọng nhất phải là con có những năng lực gì, kỹ năng ra sao trong cả quá trình học tập. UNESCO đã từng đề xướng 4 trụ cột của giáo dục, đó là "Học để biết, học để làm; học để hoàn thiện bản thân mình, học để cùng chung sống”. Đâu phải là "học để đi thi”. Tại sao cha mẹ và các con cứ mãi vật vã với những kỳ thi?

TexVN tham khảo từ nguồn: Cô Phạm Nha Trang


Jul 01, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email