Du học sinh cần hiểu rõ 5 nội dung trong khung chương trình để chọn đúng và trúng
Du học sinh cần hiểu rõ 5 nội dung trong khung chương trình để chọn đúng và trúng
Mình đã gặp không ít sinh viên khi vào học mới nhận ra chương trình mà các bạn đã chọn không phù hợp với mục tiêu học tập và nghề nghiệp của bản thân, nhưng không phải lúc nào cũng dễ chuyển ngành, đành cố học cho xong cử nhân, xong xác định học tiếp thạc sỹ để học đúng thứ mình muốn.
Nếu bạn biết mình muốn học gì và làm gì, bạn nhất thiết phải đọc kỹ chương trình học (curriculum/program structure/course structure), nội dung và cách thức thực hiện các môn học (syllabus), cùng các hình thức đánh giá kết quả học tập giúp bạn hiểu mình đang bước vào chương trình như thế nào, tránh những ngạc nhiên, bất ngờ, thất vọng không đáng. Trong trường hợp bạn chưa hình dung mình muốn làm gì thì hãy tìm các quảng cáo tuyển dụng, đọc thật kỹ mô tả công việc xem họ yêu cầu những kiến thức, kỹ năng, tư duy gì, hình dung mình muốn làm kiểu công việc nào trong hàng chục, hay vài chục kiểu vị trí trong ngành, rồi bạn quay lại tìm chương trình học tương ứng. Bạn có thể tập trung tìm thông tin và so sánh curriculum của các trường có ngành đã chọn. Mình gợi ý bạn lập một bảng so sánh với 5 cột, với 5 nội dung sau:
- Bachelor of Science (BSc) hay Bachelor of Art (BA)- Tên chương trình cũng thể hiện ưu tiên khác nhau. Các chương trình BSc sẽ thường dành cho các ngành STEM, mang tính kỹ thuật, chuyên sâu và hẹp hơn, trong khi BA sẽ rộng, nghiêng về xã hội nhân văn hơn. Tuy nhiên, một số ngành như tâm lý, marketing, giáo dục, tài chính và cả kiến trúc có thể có cả chương trình BSc và BA. Bạn cần so sánh BSc và BA để biết cái nào hợp với mục tiêu nghề nghiệp và thiên hướng của mình hơn. Học BA về tâm lý sẽ hợp với các bạn muốn theo đuổi làm công tác xã hội hay học lên để làm tham vấn tâm lý, còn BSc ngành tâm lý sẽ hợp với các bạn thích nghiên cứu và làm việc ở phòng thí nghiệm. Tương tự BA marketing sẽ học các môn thông dụng hơn, còn BSc marketing sẽ có các môn mang tính kỹ thuật như data analytics, information system, marketing technology hay ứng dụng AI trong marketing và kinh doanh. Những điều trên cũng áp dụng đối với chương trình thạc sỹ MSc và MA.
- Intended Learning Objectives - Mục tiêu đào tạo cần nêu rõ học xong bạn sẽ có kiến thức gì, kỹ năng thực hành hay tư duy và hệ giá trị như thế nào. Nếu bạn thích học để thực hành, mà mục tiêu chương trình chỉ dạy bạn hiểu, nghiên cứu và phân tích là không đáp ứng được kỳ vọng của bạn đâu.
- Curriculumcó những môn gì? Các trường có thể có cùng ngành học nhưng có khi các môn học chỉ giống nhau 70-80%. Bạn cần so sánh kỹ các môn học để biết chương trình nào hợp với ưu tiên của bản thân. Cùng với việc học trên lớp, trường có tạo cơ hội cho bạn làm dự án thực tế với khách hàng doanh nghiệp hay cộng đồng ngoài trường học, đi thực tập (internship) 1 kỳ, 2 kỳ, hay đi làm (work placement) trọn vẹn 1 năm trong chương trình học của bạn không? Bạn có cơ hội tham gia các diễn đàn, câu lạc bộ, cuộc thi hay chuẩn bị cho các chứng chỉ nghề nghiệp gì, ví dụ như CIM, CFA, ACCA? Vân vân và mây mây.
- Syllabusnội dung các môn học hướng tới mục tiêu đào tạo nào, chỉ kiến thức hay cả kỹ năng, tư duy và hệ giá trị? Hoạt động học tập được tổ chức như thế nào, gồm lecture, seminar, workshop, lab hay field trip? Mỗi môn dạy nội dung gì, thời lượng, đánh giá kết quả học tập ra sao, dựa trên assignment, essay, report, real life project hay exam? Trường nào dựa quá nhiều vào exam là cũng cần xem xét, săm soi kỹ nha. Nhiều khi tên môn học giống nhau mà mục tiêu và cách thức dạy hay đánh giá khác nhau cũng sẽ dẫn đến những kết quả và trải nghiệm học tập khác nhau.
- Entry requirement- Điều kiện đầu vào, các deadline cần chú ý và không kém quan trọng là học phí.
Đừng quá ham hố nhắm vào các trường top 20, 30 thế giới, nếu bạn không quá giỏi và quá giàu. Bạn có thể dùng ranking ngành để tham khảo, nhưng đừng vì cái ranking mà nhắm mắt đưa chân, bạn nhất thiết phải đọc kỹ 5 yếu tố mình nêu ở trên. Mình viết bài này từ quan sát và trải nghiệm của bản thân, hi vọng giúp ích cho các bạn trẻ đang đứng trước những quyết định quan trọng và tốn kém của cuộc đời. Trong bài tiếp theo, mình sẽ so sánh sự khác nhau giữa các ngành marketing, truyền thông, quan hệ công chúng, và media mà mình có kinh nghiệm trực tiếp.
Oct 16, 2024