Hành trình Semi - Homeschool: NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU TIÊN (phần 1)
Tuần trước, một cô bạn gọi điện tâm sự với mình về việc học tiếng Anh của con bạn. Bé anh đã từng học 1 trường online, nhưng con nghe được, chứ không đọc được, viết rất yếu nên khi lên lớp 6 (trường công), giáo viên đánh giá con “mất gốc”. Con đâm ra sợ học tiếng Anh. Bạn muốn rút kinh nghiệm cho bé em, năm nay lớp 2, và mới theo 1 trung tâm 1 tháng. Rất nhiều gia đình có cùng câu hỏi với bạn mình. Nhiều gia đình đang loay hoay giữa hàng chục trường phái, hàng trăm bộ sách và vô số lời lăng xê chương trình này nọ, thậm chí lạc lối, đâm đầu vào bụi rậm, rồi phải quay trở lại rẽ lối khác.
Mình xin viết lại loạt bài sau đây để giúp mọi người có cái nhìn rõ ràng tổng thể và chính xác về việc học tiếng Anh của trẻ, làm thế nào để nói được, làm thế nào để giỏi nhanh, cha mẹ cần đầu tư thời gian, công sức hay tiền bạc ra sao. Mình sẽ kể lại chi tiết quá trình mình dạy con, cũng như lồng ghép góc nhìn từ việc áp dụng lên nhiều học sinh của mình.
Mình dạy con học tiếng Anh từ đầu lớp 2, lúc con 7 tuổi.
Giai đoạn xây dựng nền tiếng Anh của con mình chia thành 3 giai đoạn:
* Giai đoạn 1 Học giao tiếp: học tiếng Anh từ đầu, như ngoại ngữ, kéo dài 10 tháng
* Giai đoạn 2 Soft CLIL: Đưa tiếng Anh lên mức thông thạo kết hợp với semi-homeschool đuổi kịp chương trình Mỹ cho đúng tuổi trong 2 năm
* Giai đoạn 2 Hard CLIL: Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 1, bước đầu học vượt trong 1 năm
Giai đoạn xây dựng nền này chỉ kéo dài 4 năm, từ lúc con học bước vào lớp 2 tới đầu lớp 6. Tới lúc đó, tiếng Anh gần như trở thành ngôn ngữ thứ 1 của con mình, thậm chí không thua kém các bạn bản xứ khá giỏi. Con đã đọc được nguyên tác những cuốn sách khá khó kiểu A brief history of time (Lược sử thời gian) của Stephen Hawking, nên giai đoạn sau đó, con không học tiếng Anh nữa, mà sử dụng tiếng Anh để mở toang cánh cửa tri thức nhân loại.
4 năm là 1 khoảng thời gian không ngắn, nhưng cũng không quá dài để phát triển năng lực ngôn ngữ, đồng thời phát triển tư duy, kỹ năng và kiến thức phù hợp với lứa tuổi.
Mình sẽ viết cụ thể về các giai đoạn này ở những phần sau.
Tại sao con mình không học tiếng Anh từ mẫu giáo? Điều này ảnh hưởng tới quá trình học sau này của con ra sao?
Năm con 4 tuổi, mình lần đầu tiên cân nhắc cho con học tiếng Anh. Thú thật, lúc ấy mình cực kỳ ngại dạy hay đưa đón. Mình không thuộc tuýp bà mẹ siêu nhân, lập trình cuộc đời con từ lúc mang bầu.
Lúc ấy, mình miễn cưỡng đi tìm các nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học, giáo dục ngoại ngữ, tâm lý giáo dục v.v. để xem có phải là học ngoại ngữ từ nhỏ mới tốt hay không?! Các chuyên gia tranh luận ỳ xèo. Nhóm này chứng minh là học từ bé mới trở thành near native (gần như bản xứ), nhóm khác lại kết luận, bé song ngữ thường phát triển cả 2 ngôn ngữ chậm hơn đơn ngữ, do thời gian tiếp xúc và sử dụng 1 ngôn ngữ ít hơn nhóm kia. Sau khi đọc vài chục nghiên cứu các loại, sẵn tâm lý ngại, mình dẹp thẳng tay, chả tiếng Anh tiếng Em gì sất.
Tới khi mình biết các chương trình Mỹ năm con 7 tuổi, quả thực có lúc mình đã ân hận. Biết thế cho con học tiếng Anh sớm hơn. Biết thế cho con học mẫu giáo song ngữ (con mình học mẫu giáo ngay sát nhà). Biết bao "biết thế” nảy sinh trong day dứt...
Nhưng sau này, khi con mình đuổi kịp và vượt lên, thì mình lại thấy không có gì phải ân hận. Những năm tháng con còn thơ, mình bồi dưỡng năng lực tiếng Việt, con có nền tảng ngôn ngữ rất tốt, nên con học tiếng Anh rất nhanh. Mình đã dạy con như cách mình quan sát thấy người Nhật dạy trẻ, coi trọng rèn thể chất, thái độ sống, và kỹ năng lên hàng đầu. Vì thế, năm 7 tuổi, con khá cứng cáp về cả thể chất và tâm lý; con tự lập, có trách nhiệm, tập trung cao và cam kết tốt trong mọi việc con làm. Mình có thể trao đổi với con về kế hoạch học tập như nói với một người lớn. Dù con là 1 em bé rất hiếu động, nghịch ngợm chứ không tĩnh, nhưng gia đình mình không có những phút vật vã học tập, ít phải quát mắng hay chiêu trò. Con hiểu quyền lợi và nghĩa vụ của con. Do đó, con học vượt nhanh và rất nhàn. Công trình của mình đã có một cái móng cực kỳ vững, nên dễ lên tầng, và có thể lên rất cao.
Vì thế các bạn ạ, nếu gia đình nào có con 6-7 tuổi chưa biết chữ tiếng Anh bẻ đôi nào, thì cũng chớ lấy làm lo lắng. Các nước châu Âu dạy ngoại ngữ cho trẻ từ 7 tuổi, và dân châu Âu nhiều người vẫn đa ngữ như thường.
Và nếu các bạn chưa xắn tay lên đồng hành cùng con, thì cũng đừng trách móc bản thân. Mình rất hiểu và thông cảm với các gia đình mua tài khoản Razkids, mua đủ thứ….rồi bỏ đấy. Những bà mẹ thai giáo, giáo dục sớm, dạy con từ thôi nôi là những siêu nhân (mình nói thật, không có ý mỉa mai) còn chúng ta là những ông bố bà mẹ bình thường. Chúng ta đi làm đã mệt bở hơi tai ra rồi. Không đồng hành với con, không "mài" con là không phải là "lười biếng”, "không chịu học hỏi”, hay "thiếu hiểu biết” gì cả. Tuỳ điều kiện gia đình mà ta lựa chọn. (mình không có ý mỉa mai gì Nhà Mài cả.)
Tuy vậy, dù học sớm hay muộn, quốc tế song ngữ hay trường công, có 1 số điều phải thực hiện trong giai đoạn sớm, và tiếp tục cho tới khi con trưởng thành. Ngay từ nhỏ, con cần hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của con, con cần có khả năng tự lập, tự chịu trách nhiệm, cần có khả năng cam kết (commitment) với mọi việc con làm, từ việc nhà tới giúp đỡ cha mẹ, anh em, v.v. để sau này con có thể thực hiện đúng những điều đó trong học tập. Tức là phải rèn thái độ và kỹ năng trước, kiến thức sẽ đến một cách dễ dàng sau đó.
Texvn tham khảo từ nguồn Phạm Nha Trang
Nov 16, 2024