Học Online, đừng sợ!

Dịch COVID-19 là một phép thử, có nhiều thứ thật-giả sẽ dần lộ ra trước thực tế cuộc sống. Ví dụ câu nói “nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ” giờ đâu có sai. COVID-19 cho chúng ta cả sự lo lắng, sợ hãi, mất phương hướng, và cả thời gian lê thê chờ đợi để suy ngẫm về nhiều thứ, những thứ mà khi chạy ào ào chúng ta chẳng mấy khi quan tâm, suy ngẫm.

Học sinh cả nước đang học online, mọi thứ đảo lộn hết, nhiều trường học, học sinh, phụ huynh chới với. Trong khi đó, ở đâu đó ngoài xa kia, học online chẳng có gì mới. Nước Úc đã dùng học từ xa từ lâu để hỗ trợ và bảo vệ an toàn cho học sinh tại các vùng outback, đường xá xa xôi hiểm trở. Học sinh của chúng ta, có phải bơi qua sông, trèo đèo lội suối thì cũng phải đến tận trường, gặp tận mặt thầy cô mới lấy được con chữ về, mặc dù làng của em đã có điện, có truyền hình, có internet. Học sinh Mỹ cũng có thể học online theo homeschooling với 1.001 lý do, từ việc bận đi thi thể thao hay ca nhạc không thể theo giờ giấc truyền thống, cho tới việc tránh bị bắt nạt ở trường, hay đơn giản vì “thích học ở nhà hơn”.

Trong khi đó thì tại Việt Nam, đã tồn tại dai dẳng định kiến với học online, học từ xa. Hệ từ xa là hệ bị “ghét bỏ” nhiều nhất. Không biết do quản lý chất lượng giảng dạy thế nào, tiêu cực ra sao, mà bằng đại học từ xa bị phân biệt đối xử tới mức các địa phương đã từng tranh cãi nhau về việc đúng hay sai khi cơ quan tuyển dụng ra thông báo “không tuyển người học tại chức, từ xa”. Các đại học của phương Tây không như vậy, dù là học theo hình thức nào, họ chỉ cấp cùng một loại bằng cấp. Ví dụ Đại học McGill (Canada) hay Edinburgh (Anh) có đào tạo cử nhân từ xa, thì nó cũng cùng một đẳng cấp chất lượng với đào tạo trực tiếp, không thể có việc hạ tiêu chuẩn xuống cho đào tạo từ xa. Chính vì vậy, đầu ra với người học là như nhau, và người ta chỉ quan tâm đến chất lượng con người tốt nghiệp ra sao, nếu có quan tâm đến bằng cấp thì của trường đáng tin cậy, có kiểm định chất lượng của chính phủ hay cơ quan kiểm định được công nhận là đủ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn không bỏ qua được phân biệt trực tiếp với từ xa. Cứ nhất định phải gặp mới tin, qua mạng không tin. Đó cũng là lý do khi Luật giáo dục 2019 được thông qua, có một điểm vô cùng đáng thất vọng, là Việt Nam vẫn chưa công nhận bằng cấp cho các chương trình giáo dục từ xa, trừ phi chương trình đó có liên kết đào tạo tại Việt Nam. Trung tâm công nhận văn bằng của Bộ giáo dục Việt Nam (NARIC) chưa công nhận tương đương cho bằng cấp của nước ngoài đào tạo từ xa. Nhiều người nói đó là cách để bảo đảm chất lượng giáo dục, nhưng tôi phản bác quan điểm này. Rất nhiều các đại học top 100 thế giới đào tạo từ xa, và không thể nói bằng cấp của họ không đảm bảo chất lượng được. Cái chúng ta cần làm là việc phân loại và chỉ công nhận những chương trình, bằng cấp từ các trường có kiểm định của chính phủ hay các tổ chức kiểm định được chính phủ các nước công nhận.

Tuy nhiên, thế giới đã phẳng từ rất lâu. Việc công nhận hay không công nhận chỉ có ý nghĩa khi một người cần ứng tuyển làm công chức, hay học đại học truyền thống của Việt Nam. Còn nếu đã làm việc cho công ty đa quốc gia, công ty tư nhân, hay đi du học, chẳng ai quan tâm bằng cấp đó học trực tiếp hay trực tuyến.

Nhiều người đang chán nản với học trực tuyến hiện nay, nhưng tôi khuyên họ nên kiên nhẫn. Việc học trực tuyến đang giúp chúng ta thay đổi nhiều thứ:

- Trường học cần trang bị và nâng cấp công nghệ dạy học để theo kịp với cách học online và các cách học toàn cầu của thế kỷ 21

- Thầy cô thấy mình cần phải nâng cấp lên nếu không sẽ bị công nghệ làm cho vai trò của mình bị dư thừa. Mô hình “thầy đọc, trò chép” và chỉ học sách giáo khoa đã bị công nghệ phủ nhận trong một nốt nhạc. Thậm chí ông thầy Google có thể trả lời mọi thứ một cách thông minh hơn là một ông thầy chỉ tập trung vào việc ghi nhớ kiến thức.

- Học sinh cả nước được một khóa tập huấn thực tế dài 2-3 tháng để rèn tập kỹ năng làm việc máy tính, kỹ năng học tập từ xa, kỹ năng khai thác học liệu trên Internet... Đây đều là các kỹ năng học tập chủ động của thế kỷ 21.

- Phụ huynh có dịp thể hiện trách nhiệm đồng hành cùng con mà bấy lâu vì bận rộn, có thể đã ỷ lại quá nhiều cho nhà trường. Đây cũng là dịp để nếu phụ huynh bối rối thì có thể tìm kiếm sự trợ giúp.

Tóm lại, học online không quá đáng sợ. Cái gì không giết chết mình sẽ làm cho mình mạnh mẽ lên (thành ngữ tiếng Anh). Mọi khó khăn đều phải làm quen, nó cũng giống như kỹ năng phổ thông như đi xe đạp, đi xe máy, lái xe hơi… ai cũng bỡ ngỡ bước đầu nhưng một khi làm quen rồi thì sẽ vô cùng mãn nguyện vì mình được tự do, giải phóng khỏi các giới hạn.

Nếu bạn muốn học online, thế giới này vô cùng rộng mở. Nếu là thực học, thì đến trường hay ở nhà không phải là chuyện để bàn. Xin giới thiệu một số khóa học online để bạn nghiên cứu, bao gồm cả các khóa học miễn phí, lẫn những khóa học đắt giá và danh tiếng hơn bất cứ trường nào ở VN.

- Kiến thức phổ thông: Khan Academy (www.khanacademy.org) , Coursera (www.coursera.org) , Edex (www.edx.org) , Udacity (www.udacity.com) , Future Learn (www.futurelearn.com) ….

- Cử nhân, thạc sỹ: University of the People (https://www.uopeople.edu/)

- Học phổ thông chính quy: University of Calinfornia (https://www.ucscout.org/), University of Standford High School (https://onlinehighschool.stanford.edu/), Harrow School (https://www.harrowschoolonline.org/), và rất nhiều trường khác nữa: https://thebestschools.org/.../best-online-high-school.../

 


Aug 20, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL