Nền giáo dục và xã hội Mỹ đã đạt đến đỉnh cao của bệnh sính thành tích?
Nền giáo dục và xã hội Mỹ đã đạt đến đỉnh cao của bệnh sính thành tích?
Mình vốn hâm mộ Giáo sư Michael Sandel sau khi học xong khóa “Justice: What’s the right thing to do” trên kênh YouTube của Đại học Harvard. Mùa hè này, khi đọc tin ông vừa ra sách “The tyranny of merit: What’s become of the common good” mình cũng mua để đọc luôn, cùng với mấy quyển khác cũng đều bàn về giáo dục Mỹ. Mình tạm dịch tựa sách trên là "Sự chuyên chế của bệnh sính thành tích: Cái gì là lợi ích chung".
Mình định đọc xong hẳn quyển “The death of expertise”, rồi đọc thêm “In defense of a liberal education”, để nghiền ngẫm, suy nghĩ, kết nối mấy quyển này rồi mới viết rì viu cả loạt, nhưng nghe podcast của bạn Tấn Trung trên Hội đồng Cừu và đọc mấy bài tranh luận về giáo dục khai phóng thì mình lại muốn viết ra để sắp xếp suy nghĩ của chính mình cho thấu đáo.
Thông điệp chính mà mình hiểu trong sách “The tyranny of merit: What’s become of the common good” là xã hội Mỹ đã sính thành tích (meritocracy) quá mức, con dân Mỹ cũng lao vào cuộc đua tranh suất vào các đại học Ivy League kịch liệt, nhưng những diễn ngôn về “giấc mơ Mỹ” qua các đời tổng thống chỉ là thứ khẩu hiệu tranh cử, không có ý nghĩa thực tế trong đời sống.
Cụ thể hơn, Giáo sư Michael Sandel nói tới một hiện thực rằng về căn bản những người sinh ra đã ngậm thìa vàng thì có cơ hội để tiếp tục trao chiếc thìa vàng đó cho con cái họ, còn những người ở tầng lớp lao động dù có một số ít vươn lên được vị trí tốt hơn trong xã hội nhưng đó chỉ là thiểu số. Vì vậy, theo Michael Sandel, để công bằng hơn thì các trường đại học hàng đầu Mỹ nên bỏ chính sách tuyển sinh ưu ái con nhà giàu có điều kiện đi.
Tháng 3 năm 2019, có một vụ việc gây rúng động các trường đại học Mỹ. 33 phụ huynh giàu có đã dính dáng vào hành vi lừa đảo, dối trá để giúp con cái vào được các trường đại học hàng đầu, trong đó có Yale, Stanford, Georgetown và USC. Một tư vấn viên tên là William Singer đã thu tiền của phụ huynh để thông đồng với giám khảo các kỳ thi tiêu chuẩn như SAT và ACT để sửa điểm cho học sinh, hối lộ các huấn luyện viên thể thao để ghi danh học sinh vào đội tuyển vận động viên đỉnh cao dù các em không hề chơi thể thao, thậm chí còn giả mạo các giấy chứng nhận giải thi đấu thể thao.
Mức phí mà Singer thu không hề rẻ. Chủ tịch một hãng luật danh tiếng chi 75 ngàn đô cho con gái tham gia một kỳ thi tiêu chuẩn có người của Singer cài làm giám khảo. Một gia đình khác trả 1,2 triệu đô để con gái được nhận vào Yale, vì thành tích chơi bóng đá được làm giả. Singer đã dùng 400 ngàn đô để hối lộ huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Yale. Tổng cộng, Singer đã thu về 25 triệu đô trong 8 năm khi làm dịch vụ giúp phụ huynh gian dối để con cái họ vào được đại học hàng đầu tại Mỹ.
Vụ việc này gây ra bất bình và làm những chia rẽ vốn đã tồn tại trong xã hội Mỹ càng sâu sắc, rằng việc vào được các đại học hàng đầu đang làm cho hố sâu bất bình đẳng ngày càng rộng và sâu hơn, dù có yếu tố gian trá hay không. Những người bảo thủ và ủng hộ Trump thì la lên rằng thấy chưa bọn tự do cứ suốt ngày nói những thứ mỹ miều về tự do, bình đẳng, nhưng họ lại lo lót, chạy chọt cho con vào đại học Mỹ theo cách gian trá, không xứng đáng. Còn những người tự do thì phản pháo rằng chính Trump đã từng góp quỹ cho Trường kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania 1,5 triệu đô trước khi cô con gái Ivanka vào học trường này. Còn con rể Trump là Jared Kushner cũng có bố là nhà tài phiệt bất động sản đã đóng góp 2,5 triệu đô cho Harvard để Kushner được nhận vào trường, bất chấp thành tích học tập tầm thường.
Cách của các phụ huynh trả tiền cho Singer được coi là đi cửa sau, còn cách của gia đình Trump và nhiều gia đình giàu có khác được cho là đi cửa ngách. Mở ngoặc là nhiều trường hàng đầu ở Mỹ có chính sách ưu ái những nhà tài trợ đóng góp tiền một cách công khai cho trường. Con cái của các cựu sinh viên cũng được ưu tiên.
Những tiêu chí tuyển sinh khác như điểm SAT tuy được coi là cách minh bạch để xác định năng lực của học sinh, nhưng nó thực chất cũng là thước đo nguồn lực của gia đình. Học sinh con nhà giàu sẽ có điều kiện học trường phổ thông tốt, đổ tiền luyện SAT với các giáo viên giỏi. Chỉ có con nhà giàu mới có điều kiện xây dựng hồ sơ long lanh bằng các hoạt động ngoại khóa như âm nhạc, khiêu vũ hay các môn thể thao đắt tiền từ golf đến tennis, bơi thuyền, đấu kiếm.
Không có gì bất ngờ khi 70% sinh viên ở các trường Ivy League đến từ các gia đình top 20% về thu nhập trong xã hội Mỹ. Dù hào phóng trao financial aid, nhưng Harvard chỉ tiếp nhận 4% sinh viên đến từ các gia đình ở đáy thu nhập 20%. Ở Princeton và Yale thì có nhiều sinh viên đến từ các gia đình top 1% hơn từ các gia đình có thu nhập ở mức trung bình 60% trở xuống.
Cuộc tranh luận giữa phe bảo thủ và tự do ở Mỹ về chính sách tuyển sinh đại học Mỹ căn bản xoay quanh 2 luận điểm. Phe bảo thủ thì cho rằng nếu các trường duy trì chính sách affirmative action (áp hạn ngạch cho các sắc dân khác nhau nhằm tránh một sắc dân nào chiếm đa số áp đảo), các trường đã đi ngược lại nguyên tắc tuyển sinh dựa trên năng lực. Dân da trắng thường ca thán chính họ bị kỳ thị vì giữa những học sinh có cùng thành tích học tập thì dân da màu sẽ được tuyển mà dân da trắng bị đẩy ra vì vấn đề hạn ngạch. Nhưng phe tự do sẽ phản pháo rằng cách phân bổ hạn ngạch sẽ giúp nâng các sắc dân lên, tạo ra cơ hội bình đẳng hơn, xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo trong xã hội (giống chính sách cộng điểm cho học sinh vùng sâu, vùng xa, con em thương binh liệt sỹ ở Việt Nam).
Michael Sandel thừa nhận rằng những sinh viên vào được các trường Ivy League một cách đàng hoàng thường chăm chỉ và xuất sắc. Và tất nhiên những sinh viên này muốn tin rằng kết quả họ đạt được là do nỗ lực của chính bản thân (self-made). Nhưng Michael Sandel cho rằng thành tích của những sinh viên này cũng nhờ họ lớn lên trong các gia đình có điều kiện, thường được học trường phổ thông tốt, được phụ huynh đầu tư và lớn lên trong môi trường xã hội tốt, tức là họ may mắn. Ngược lại, sẽ rất nặng nề nếu những người trẻ thất bại chỉ có thể trách cứ chính bản thân mình.
Diễn ngôn về “giấc mơ Mỹ” rằng nếu bạn có tài năng và nỗ lực thì bạn có thể vươn lên trong xã hội Mỹ, dù bạn có hoàn cảnh xuất thân như thế nào đã được các đời tổng thống và ứng cử viên tổng thống, cả Cộng hòa và Dân chủ sử dụng, từ Ronald Reagan, George Bush, tới Bill Clinton, Barack Obama và Hillary Clinton.
Tuy nhiên, diễn ngôn về sự vươn lên đã mất đi ý nghĩa ở xã hội Mỹ. Trẻ con trong gia đình nghèo sẽ tiếp tục nghèo. Trong số những đứa trẻ sinh ra ở gia đình có mức thu nhập dưới đáy 20%, chưa tới 1% sẽ vươn lên nhóm top 20%. Đa số không thể vươn lên tới trung lưu. Vươn lên thoát khỏi nghèo đói ở Canada, Đức, Đan Mạch và các nước châu Âu thường thấy hơn ở Mỹ.
Sính thành tích hay diễn ngôn “You can make it if you try” thực chất là một con dao hai lưỡi. Một mặt nó khuyến khích những winner, nhưng nó làm các loser tức giận vì điều đó có nghĩa loser không có đủ tài năng và nỗ lực. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Hillary Clinton thường xuyên nhấn mạnh: “Tôi muốn chúng ta có một xã hội đặt trên nền tảng của thành tích (meritocracy) thực sự. Tôi đã mệt mỏi vì bất công. Tôi muốn người dân cảm thấy rằng họ có thể tiến lên nếu họ nỗ lực.” Nhưng chính diễn ngôn này đã phản lại Hillary Clinton.
Ngược lại, Donald Trump đã thấu hiểu và lợi dụng được nỗi bất bình của giới cần lao Mỹ. Trong kỳ bầu cử 2016, Trump đã giành được 70% lá phiếu từ các cử tri không có bằng đại học, ngược lại đa số những người ủng hộ Hillary có bằng cử nhân, kỹ sư. Trump đã giành được thắng lợi nhờ những người lao động là đàn ông da trắng từng làm công nhân trong các công xưởng, nhưng nay không thể thích ứng với toàn cầu hóa, họ cảm thấy thất thế, cay đắng trên chính nước Mỹ.
Trump nói thẳng toẹt về winner và loser, đồng thời hứa “Make America great again”, tức là lấy lại vị thế cho những người đã từng có cuộc sống thoải mái trước kia, trong những ngày xưa tươi đẹp. Và điều này đánh đúng vào tâm lý của những người thất thế đang bức xúc với thời cuộc. Những người không sẵn sàng thay đổi, không muốn học tập để chuyển dịch nghề nghiệp, nên đã trở thành kẻ bên lề, họ chỉ muốn ngày xưa tươi đẹp quay trở lại. Với những người này, diễn ngôn về sự vươn lên có ý nghĩa xúc phạm hơn là truyền cảm hứng.
Trong những người Mỹ chỉ có bằng phổ thông, chỉ 68% có việc làm. Trong số những người thất nghiệp, rất ít người tích cực tìm việc. Họ không chỉ mất việc mà đã từ bỏ nỗ lực, give up on life. Con số thống kê năm 2016 cho biết số người chết vì dùng ma túy quá liều mỗi năm ở Mỹ nhiều hơn tổng số người đã chết trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.
Thực ra chính sách của Trump chủ trương cắt giảm food stamp và các khoản trợ cấp cho người thất nghiệp, nhưng vì sao chính những người này lại ủng hộ Trump. Một lý giải mà Michael Sandel đưa ra là những người thất thế không chỉ đối mặt với khó khăn kinh tế mà tệ hơn là họ bị khủng hoảng danh dự. Thất nghiệp có nghĩa là trở nên vô hình, không có ích cho xã hội, và cuộc sống trở nên vô nghĩa.
Sách của Michael Sandel hơi dài và giữa các chương có nhiều đoạn lặp lại. Ông còn lý giải những quan điểm khác nhau dựa trên free-market liberalism của Hayek và welfare state liberalism của Rawls. Cuối cùng Michael Sandel đưa ra đề xuất cần ghi nhận người lao động và công việc của họ hơn cùng với mức lương tương xứng. Đại dịch Covid đã cho thấy vai trò trọng yếu của người lao động trong các vị trí phục vụ xã hội và đã đến lúc vai trò của họ cần được đánh giá cao hơn.
Một xã hội tiến bộ không chỉ nhấn mạnh vào cơ hội và khả năng vươn lên. Đã đến lúc xã hội ghi nhận những người không có khả năng và điều kiện vươn lên, để họ một cuộc sống có danh dự vì được trọng dụng trong vai trò của họ.
Michael Sandel cũng khuyến nghị các trường hàng đầu Mỹ hãy đưa ra một benchmark nhất định để shortlist những ứng viên tiềm năng có đủ năng lực và nỗ lực, rồi từ shortlist đó quay sổ số để chọn ra ai được vào học. Khi việc vào học ở các trường hàng đầu được nhìn nhận như một sự may mắn của điều kiện xuất thân và sổ số, bệnh sính thành tích có thể sẽ được giải tỏa.
Cá nhân mình không tin lắm vào tác dụng của việc quay sổ số tới việc hạ nhiệt bệnh sính thành tích ở Mỹ hay trên toàn cầu. Việc kêu gọi winner coi thành tựu của họ chỉ là kết quả của điều kiện và may mắn, không hoàn toàn là self-made khó thuyết phục. Là một người nghiêng về liberal, nhưng khi đọc sách, trong đầu mình cứ nảy ra những ý nghĩ cãi cọ liên tục với tác giả, giống như lúc đọc quyển sách gây tranh cãi “Excellent Sheep”.
Nếu nói về khả năng chạy theo thành tích thì đại học Mỹ đạt đến đẳng cấp đỉnh cao. Giáo dục đại học ở Mỹ vẫn đứng đầu thế giới, nhưng ở Mỹ cũng có đủ các trường từ thượng vàng, hạ cám. Trường thượng vàng thì tốt thật sự, nhưng họ cũng rất biết làm hàng, đánh bóng, chơi chiêu để đẩy thành tích trong các bảng xếp hạng.
Các trường đại học hàng đầu rất tạo điều kiện và khuyến khích các giáo sư nghiên cứu, xuất bản để giúp tăng thứ hạng cho trường, vì đó là cái metrics trọng yếu nhất trong hầu hết các bảng xếp hạng. Tuy nhiên, KPI và áp lực xuất bản đã khiến một số giáo sư fake số liệu, ngụy tạo kết quả nghiên cứu. Mà giáo sư ở các trường đỉnh cao cũng dính nha. Ngay tháng 6 năm nay, các báo ở Mỹ đưa tin một Giáo sư ở City College of New York bị điều tra vì giả số liệu trong nghiên cứu thuốc chữa Alzheimer, còn năm ngoái ông President của Đại học Stanford phải từ chức vì gian dối trong nghiên cứu. Một ông giáo sư ngành Hóa và Sinh Hóa ở Đại học Harvard cũng lãnh án 3 năm tù vì tội lén lút nhận tài trợ của một đại học ở Vũ Hán để nghiên cứu và chia sẻ kết quả nghiên cứu cho Trung Quốc, trong chương trình khuyến khích Ngàn nhân tài của Trung Cộng. Những ví dụ kiểu này không hiếm, ngay ở các đại học Ivy League.
Ngoài việc khuyến khích nghiên cứu, các trường Ivy League cũng quăng lưới khuyến khích học sinh ở khắp nơi trên thế giới nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường, dù thành tích của họ thế nào. Không phải vì các trường này muốn tạo cơ hội cho bọn lèng tèng đâu, mà khi có nhiều hồ sơ để họ loại, hay tỷ lệ chọi cao, thì họ cũng ghi điểm trong các bảng xếp hạng ấy. Tỷ lệ chọi trong tuyển sinh cũng là một metrics trong một số bảng xếp hạng. Mình có sign up vào một vài cái website về học bổng, và vẫn đều đặn nhận được email mời apply vào các chương trình cử nhân Stanford, MIT đây.
Còn bạn thì nghĩ sao? Bạn có ủng hộ quay sổ số để những đứa trẻ xuất sắc có cơ hội như nhau vào Ivy League ở Mỹ, xóa bỏ hoàn toàn affirmative action hay những đặc quyền cho con nhà giàu. Tương tự, bạn có nghĩ rằng thưởng điểm IELTS ở Việt Nam là cách không công bằng, vì trẻ con thành phố và có điều kiện sẽ có lợi thế hơn hẳn học sinh ở nông thôn? Bạn ủng hộ phương án bình đẳng bên trái hay công bằng bên phải trong hình minh họa dưới đây?
Oct 24, 2024