NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU TIÊN (phần 7)

 

MỨC ĐỘ ƯU TIÊN VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN

Mình sẽ ưu tiên viết về “lộ trình” như yêu cầu của nhiều bố mẹ. Nhưng trước khi xây dựng 1 lộ trình, và 1 thời gian biểu cụ thể, bạn cần xếp hạng mức độ ưu tiên các mục dự định thực hiện, và suy nghĩ về một triết lý nào đó xuyên suốt trước đã. Nếu không, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường” ngay.

Xếp hạng mức độ ưu tiên:

Ở trường mình, đối với mỗi môn học mới, giảng viên sẽ làm đề cương trước khi bắt đầu dạy, trong đó nêu rõ sinh viên học xong sẽ đạt được kiến thức (Knowledge), kỹ năng (Skills), thái độ (Attitudes) thế nào. Đây chính là mô hình KSA (đảo lại là ASK) được áp dụng trong đánh giá hoặc đào tạo nhân sự. Trong bảng dưới, ta thấy A là lòng chính trực, chăm chỉ, bền bỉ, kiên cường, là sự cân bằng về cảm xúc, sự nhiệt tình, sự thấu hiểu cảm thông. A còn bao hàm cả sự tò mò, ham muốn đạt được thành công, tư duy mở, tinh thần dám đương đầu với thách thức, cầu tiến, ham học hỏi v.v. S là các kỹ năng về trí tuệ, xã hội, giao tiếp và thể lực. K là kiến thức có được sau quá trình đào tạo. A+S cực kỳ quan trọng, nhưng khó đào tạo hơn so với K nhiều. Doanh nghiệp có thể đào tạo 1 công nhân từ số 0 trở nên lành nghề, nhưng rất khó biến 1 người lười biếng thành chăm chỉ. Để làm chủ doanh nghiệp, thì cần có ASK tốt hơn nữa.

Thái độ và Kỹ năng của một con người sẽ phải hình thành từ lúc lọt lòng mẹ. Kiến thức có thể học sau, thậm chí học rất muộn. Ví dụ ca sỹ Shakira bắt đầu học tiếng Anh lúc cô ấy đã 24 tuổi, nhưng khi ngồi ghế The Voice Mỹ, cô ấy đã tranh luận tay đôi ngang ngửa, đôi khi còn nhỉnh hơn các giám khảo người Mỹ bản xứ do vốn từ vựng phong phú hơn. Có những kiến thức trẻ em phải mất vài năm mới lĩnh hội được, trong khi người lớn chỉ cần vài tháng. Ngược lại, nếu bé cấp 2 nhà bạn dễ bỏ cuộc, thì sau này khi lớn lên, con rất khó trở thành người kiên trì, không nản chí trước khó khăn.

Trẻ dưới 18 tuổi còn có 2 mục quan trọng cần ưu tiên, đó là thể lực và hạnh phúc (well-being). Nguyên tắc của mình khi dạy con từ nhỏ tới giờ luôn được xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:

Thể lực + hạnh phúc

Thái độ

Kỹ năng

Kiến thức

Chắc các bố mẹ sẽ thắc mắc, mình nhắc tới điều này làm gì? Ồ, mọi yếu tố đều liên quan chặt chẽ đến nhau hết. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, hoạt động thể chất giúp các bé thông minh hơn, đạt kết quả học tập tốt hơn. Một em bé không dễ bỏ cuộc, thì sẽ luôn kiên trì với 1 bài tập khó, thậm chí khao khát có cảm giác thành công khi tự giải được bài. Khi bé luôn tò mò, thì một kiến thức mới sẽ trở thành 1 fun fact (kiến thức thú vị), chứ không chỉ là 1 bài học lấy điểm đơn thuần (học như thế nào ta sẽ bàn ở tút khác). Khi con mình tự mày mò chơi harmonica mấy năm trước, thì con phải lên mạng, tự tra cứu ra các bài tập (chủ yếu là bằng tiếng Anh), nhờ đó phải nghe đọc bằng tiếng Anh và nâng cao kỹ năng tìm kiếm thông tin trên mạng. Bạn thấy đó, khi bé có thái độ đúng, kỹ năng tốt, kiến thức sẽ đến với bé một cách nhẹ nhàng. Một mũi tên trúng rất nhiều đích.

Trước khi mình dạy con tiếng Anh, trước khi lập nhóm HSC này rất lâu, mình đã mất khá nhiều công sức để tìm được 1 bạn dancer và là biên đạo rất giỏi về dạy (sau này thầy nổi tiếng nhờ cuộc thi Street Dance trên VTV), thuê phòng tập và gom chục bé cùng lớp con để lập 1 đội hiphop tí hon. Mục đích chính là để con rèn luyện thể lực, cơ thể uyển chuyển, tâm hồn thư thái khi nhún nhảy theo nhạc. Sự tự tin khi đứng trước người lạ hoặc nơi đông người của con mình bây giờ một phần bắt nguồn từ những ngày cùng đội đi biểu diễn trên phố đi bộ, ở nhiều sân khấu khác nhau, trong tất cả các sự kiện của lớp, của trường.

Bé nhà mình chơi bóng rổ từ 6 tuổi đến giờ, dù con không giỏi. Con bơi tốt 2 kiểu, và sẽ học bơi bướm vào hè năm nay. Con chơi được piano, harmonica (con biểu diễn harmonica cho hầu hết bài thi môn nhạc ở trường), và đang tập guitar. Con có quyền lựa chọn khi bắt đầu, nhưng một khi đã quyết định theo đuổi, thì không có chuyện thích thì làm, chán thì bỏ. Để rèn sự bền bỉ và khả năng cam kết đến cùng, mình chỉ cho phép con bỏ cuộc khi nào xét thấy con sẽ rất khổ sở nếu tiếp tục.

Trong 1 tuần, bạn hãy dành ít nhất 4h cho con được đổ mồ hôi. Bạn cũng nên ưu tiên rèn cho con một thái độ đúng và tích cực trước khi muốn con nói tiếng Anh tốt. Tính tò mò vốn có của mỗi đứa trẻ sẽ lụi tàn trước hàng núi phiếu bài tập, nhưng lại phát triển mạnh với những trang sách thú vị của DK. Tóm lại, nếu bạn hiểu rõ điều gì cần ưu tiên, bạn sẽ tìm được cách thức và phương tiện để đạt được điều đó.

Đi đúng đường, dùng đúng phương tiện:

Mình xếp kiến thức xuống dưới trong thang ưu tiên, không có nghĩa là mình ủng hộ quan điểm không cần học nhiều, chỉ cần kỹ năng tốt. Ngược lại, mình luôn mong muốn con học giỏi nhất trong khả năng của con. Trên thực tế, về kiến thức, con mình xếp hạng ưu, điều này ai biết con mình ngoài đời hiểu rất rõ. Để con lĩnh hội được nhiều kiến thức nhất mà ít phải ngồi vào bàn học nhất, tức là đạt hiệu quả tối đa trong thời gian tối thiểu, thì phải chọn được đúng con đường, đi đúng phương tiện.

Dưới 1 phần nào đó trong series này, có 1 bạn than trời, học nhiều quá, sao không sang Bỉ, Hà Lan xem người ta học thế nào mà nhàn thế. Ừ, thì chúng ta cùng nhìn sang châu Âu.

Từ hàng trăm năm trước, ở châu Âu, giới quý tộc thường thành thạo nhiều ngôn ngữ, các nhà ngoại giao trước thế chiến thứ 1 bắt buộc phải giỏi tiếng Pháp, vì đây là ngôn ngữ sử dụng trong lĩnh vực ngoại giao. Nhưng chỉ giới quý tộc, nhà giàu mới đủ điều kiện thuê gia sư. Đại đa số dân châu Âu, những người nông dân, chị thợ giặt, anh thợ mỏ... vẫn thất học, và tất nhiên, chỉ biết nói tiếng mẹ đẻ.

Những năm 50, các nước châu Âu manh nha liên minh thành một khối thống nhất về kinh tế, văn hoá, chính trị, an ninh. Năm 1993, Liên minh Châu Âu chính thức ra đời, đặt ra cho các nhà giáo dục 1 nhiệm vụ quan trọng: làm thế nào để người dân nói được các ngôn ngữ trong khối càng nhiều càng tốt. Năm 1994, khi tiến sỹ D.Marsh (ĐH Jyväskylä, Phần Lan) đề xướng hướng tiếp cận CLIL, (Content and Language Integrated Learning), dạy 1 môn học bằng tiếng nước ngoài với 2 mục tiêu đồng thời: học cả nội dung môn học đó và cả ngôn ngữ. CLIL sau đó đã được phổ biến rộng rãi ở châu Âu, và hiện nay trở thành một trong số những dòng chủ lưu trong giảng dạy ngôn ngữ thứ 2 trên toàn thế giới.

Từ con số 0, con mình chỉ mất hơn 2 năm để chạm B2, mất gần 4 năm để vượt qua bài thi SCAT vượt 2~3 lớp dành cho trẻ em Mỹ để tham gia Trung tâm Tài năng Trẻ (CTY) của ĐH Johns Hopkins, với thời gian học cực kỳ ít. Mình đã áp dụng:

Soft CLIL (language oriented – chú trọng hơn tới ngôn ngữ) trong 2 năm đầu: học sách ESL và bắt đầu học chương trình homeschool, và đọc + xem rất nhiều, tăng cường nạp input đầu vào, tìm cách tăng tối đa intake (intake được nhắc tới trong bài viết về gvnn 1:1) để có nền tiếng Anh đuổi kịp chương trình homeschool cho đúng lứa tuổi của con.

Hard CLIL (subject led – chú trọng hơn vào nội dung môn học) trong 2 năm tiếp đó: Con học các môn của chương trình homeschool Mỹ + học nốt bộ sách ESL và ngữ pháp ESL. Vẫn đọc nhiều, và thay xem bằng nghe để tận dụng thời gian.

“Super hard” CLIL: con học hệt như 1 bạn nhỏ người Mỹ vượt lớp, nhưng vẫn tiếp tục theo hệ thống ngữ pháp ESL.

Mình không “giấu bài”, và thực lòng muốn phổ biến cách tiếp cận này cho các thành viên có con nhỏ. Điều thách thức nhất đối với mình là, làm thế nào để các bố mẹ không có chút nào kiến thức chuyên môn, thậm chí không giỏi tiếng Anh, có thể hiểu được nguyên lý, để từ đó áp dụng một cách hợp lý cho các bé. Mình đã viết liên tục gần 20 bài trong thời gian ngắn vừa qua, cùng nhắm tới cái đích để các bạn có thể áp dụng CLIL theo 1 cách nào đó, dù không bài bản như khi có giáo viên giỏi chuyên môn hoặc ở các trường tư đắt tiền. Vì vậy, mong các bạn tìm đọc lại tất cả, trước khi mình gợi ý về lộ trình học để con đạt đến B2 tiếng Anh, và có đà để lên cao hơn nữa trong lúc nhân tiện học thêm nhiều kiến thức kỹ năng khác ở bài sau.

 

 
TexVN tham khảo từ nguồn: Cô Phạm Nha Trang


Jul 04, 2024

3 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email