PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC STEINER – WALDORF (PHẦN 1)

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC STEINER – WALDORF (PHẦN 1)

Tiếp nối những triết thuyết và phương pháp giáo dục em đã từng đăng tải như: Worldschooling, Montessori, Charlotte Mason, v.v. Bài viết hôm nay em xin chia sẻ cùng bố mẹ về phương pháp giáo dục Steiner (hay còn gọi là Waldorf) – được lan tỏa mạnh mẽ với một triết lý giáo dục và cách tiếp cận khác biệt, được cho là sẽ tạo dựng nên những đứa trẻ hạnh phúc!
SỰ RA ĐỜI VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC WALDORF
Giáo dục Waldorf dựa vào lý thuyết nuôi dạy trẻ của nhà giáo dục kiêm triết gia người Áo Rudolf Steiner, ra đời từ năm 1919. Với Waldorf, con trẻ được khuyến khích sử dụng nhiều phương pháp suy nghĩ, là phương thức tiếp cận của những môn học khác nhau kết hợp với thực hành, nghệ thuật hay những yếu tố thuộc về nhận thức.
Steiner đã đặt ra thuật ngữ Anthroposophy và đặt nền móng triết lý giáo dục của mình dựa trên ý tưởng tâm thức với sức mạnh thay đổi thế giới. Trong giáo dục Waldorf, quá trình học tập về cơ bản bao gồm ba yếu tố: trí óc, trái tim và đôi tay – hoặc suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Đây là cơ sở để giáo viên hay các bố mẹ theo tinh thần Waldorf nỗ lực tập trung để nuôi dạy mỗi đứa trẻ thông qua chương trình giảng dạy và phương pháp tích hợp học thuật, nghệ thuật cùng các kỹ năng thực tế.
Trong môi trường học tập Waldorf, chúng ta sẽ không thường thấy những đứa trẻ ngồi cả ngày trên bàn học rồi lắng nghe bố mẹ hay giáo viên đứng giảng dạy liên tục. Thay vào đó, các con được học hỏi thông qua nghệ thuật, vui chơi, nấu ăn, âm nhạc và khám phá thế giới bên ngoài.
NỀN TẢNG CỦA GIÁO DỤC WALDORF
Đây là phương pháp giáo dục dành cho sự sáng tạo trong tư duy. Sáng tạo trong tư duy của con người được hành thành dựa trên giáo dục phù hợp với sự phát triển thuận tự nhiên của trẻ nhỏ. Việc này được chứng minh qua việc áp dụng cách thức giáo dục phù hợp với từng độ tuổi của con người.
Tiền đề giáo dục Waldorf nhấn mạnh tuổi thơ của con được tạo thành từ ba giai đoạn riêng biệt, mỗi giai đoạn áng chừng khoảng 7 năm: từ sơ sinh đến 7 tuổi (early childhood), 7 đến 14 tuổi (middle childhood) và 14 đến 21 tuổi (adolescence). Mỗi giai đoạn định hình cách trẻ cảm nhận và tiếp cận thế giới – về mặt trí tuệ, cảm xúc, thể chất và tinh thần, và rồi từ đó định hình cách con học hỏi. Các nhà giáo dục Waldorf khẳng định, chương trình và phương pháp giảng dạy nên được điều chỉnh phù hợp với các giai đoạn phát triển này.
 
1. Early Childhood: Phát triển tứ chi thông qua hoạt động
Triết lý của Steiner cho rằng trẻ dưới 7 tuổi là “một cơ quan giác quan tuyệt vời” trong việc giải thích thế giới thông qua các giác quan và học hỏi bằng cách bắt chước. Vì vậy, bố mẹ hay thầy cô rất chú trọng trong việc trở thành hình mẫu chuẩn mực hay tấm gương tốt để con dõi theo.
Ở giai đoạn này, các nhà giáo dục khuyến khích bố mẹ cung cấp môi trường nhẹ nhàng nhưng giàu cảm giác, xúc cảm cho con với các hoạt động dựa trên trò chơi, để trẻ khám phá thế giới tự nhiên, các mối quan hệ xã hội và mở rộng khả năng tưởng tượng. Qua đó, các trải nghiệm này đặt nền tảng quan trọng cho sự phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất. Theo Steiner, không nên dạy con trẻ dưới bảy tuổi tư duy phân tích, bởi có khả năng điều này sẽ hạn chế phát triển sự tự tin và khả năng sáng tạo của chúng.
 
2. Middle Childhood: Tu dưỡng trái tim và tâm hồn thông qua trí tưởng tượng
Trong độ tuổi từ 7 đến 14, trẻ học tốt nhất thông qua những bài học chạm đến cảm xúc và khơi dậy khả năng sáng tạo của trẻ, như cách con cảm nhận rằng mình được truyền cảm hứng. Ở giai đoạn này, bố mẹ thầy cô có thể thúc đẩy niềm yêu thích học tập của con bằng cách kết hợp âm nhạc, truyện cổ tích và ngụ ngôn, nghệ thuật và làm thủ công vào chương trình giảng dạy.
Một số chương trình giảng dạy tại trường Waldorf lồng ghép cách kể chuyện, kịch, nghệ thuật thị giác và âm nhạc, DIY dệt nên một tấm thảm, thắt vòng, v.v. vào bài giảng hàng ngày cho trẻ, giúp các con trải nghiệm từng chủ đề theo cách sống động lưu lại trong suy nghĩ, cảm xúc và ý chí học tập. Mục đích của những hoạt động này có vai trò đánh thức sự phát triển đạo đức và nâng cao nhận thức của các con về vị trí của mình tại ranh giới với giai đoạn số 3, bên cạnh việc phát triển khả năng học thuật.
 
3. Adolescence: Phát triển trí tuệ thông qua nhận thức thế giới
Độ tuổi từ 14 đến 21 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của trí tuệ cùng với khả năng nhận thức về xã hội và thế giới một cách trừu tượng hơn, đa chiều hơn; đồng thời là thời điểm con cần rèn luyện tư duy độc lập, khả năng phân biệt, phán đoán và tư duy phản biện. Steiner tin rằng con trẻ ở độ tuổi này đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi thơ và tuổi trưởng thành, vì vậy, con có thể phát huy tiềm năng tốt nhất khi có cơ hội tự nhân biết và khai thác, củng cố vị trí của mình trong xã hội. Các con cần được trao quyền tự chủ cao hơn trong việc học tập của mình dưới sự hướng dẫn của bố mẹ và thầy cô hoặc cố vấn chuyên môn.
 
 


Jun 07, 2024

4 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL