Trường Trung Học Quốc Tế Online

1. Thời Khủng Hoảng: Học Online Và Du Học Tại Chỗ Lên Ngôi

Học online và du học tại chỗ từng không được coi trọng đúng mức ở Việt Nam, nhưng trong khủng hoảng COVID-19, đã trở thành tâm điểm của mô hình học tập hiện nay. Một số chương trình liên kết ở trong nước đang mở cửa chào đón sinh viên du học về nước tham gia. Có rất nhiều thành kiến với việc học online và du học tại chỗ từng tồn tại ở Việt Nam, chủ yếu do Việt Nam không nhận thức đúng lợi thế của những mô hình này và quản lý, tổ chức không tốt, dẫn đến những tâm lý xã hội tiêu cực mà ở nơi khác có thể không có. Xin được làm rõ hơn về các mô hình học này để phụ huynh rộng đường lựa chọn cho con cái.

Chương trình học liên kết quốc tế giữa một đại học Việt Nam và đại học nước ngoài là một mô hình win-win-win, cả ba bên là trường trong nước, trường nước ngoài và người học cùng có lợi. Trường trong nước thì có cơ hội tiếp xúc quốc tế, học hỏi các tiêu chuẩn học thuật và vận hành thông qua đối tác để nâng cấp mình lên. Đại học nước ngoài cũng thích liên kết để chia sẻ tri thức, nâng cao chỉ số quốc tế hóa, giảng viên được qua Việt Nam khám phá thêm về một đất nước đặc biệt. Còn học viên thì được học bằng tiếng Anh với giáo sư và nhận bằng cấp phương Tây, khai thác thư viện rất phong phú của đại học nước ngoài, không phải học các môn đại cương mà học luôn các môn chuyên ngành đại học theo các giáo trình cập nhật hơn trong nước, ngay tại đất nước mình với chi phí rất tốt. Hiện tại có hơn 400 chương trình liên kết quốc tế, được quản lý qua một cổng chung là Cục đào tạo với nước ngoài (ICD) thuộc Bộ giáo dục đào tạo, hoặc các đại học tự chủ như hai đại học quốc gia và các đại học vùng. Cả đại học công lập và dân lập đều tích cực tham gia vào các chương trình liên kết. Trên website của các trường đại học lớn trong nước, chỉ cần vào mục “Đào tạo” là thường tìm ra ngay “Chương trình đào tạo liên kết quốc tế” hoặc “Trung tâm đào tạo quốc tế” chuyên phụ trách các chương trình đào tạo quốc tế của trường.

Đã từng có thời đào tạo liên kết quốc tế là một thảm họa khi ngay cả Đại học quốc gia Hà Nội cũng gánh hậu quả vì liên kết với các đại học không được kiểm định ở Mỹ, hay các trường đại học “ma” hoặc “dởm” ở Mỹ và Singapore chạy qua lừa đảo bán bằng ở Việt Nam. Nhưng việc đó đã được chấn chỉnh và các chương trình liên kết đã được cải thiện chất lượng rất lớn và rất nhanh theo các cách sau:

- Nghị định 73 và 86 về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định khá chặt chẽ về liên kết giáo dục quốc tế

- Chỉ chấp nhận các trường nước ngoài được kiểm định chất lượng ở nước sở tại, và kiểm định đó được chính phủ nước sở tại thực hiện hoặc công nhận

- Học viên bắt buộc phải có có trình độ đầu vào tiếng Anh/ngoại ngữ B2, tương đương IELTS 6.0, không chấp nhận hình thức học qua phiên dịch

- Bằng cấp của chương trình liên kết được công nhận văn bằng tại Trung tâm công nhận văn bằng (NARIC), Bộ giáo dục đào tạo, có giá trị như bằng cấp du học hoặc học trong nước và liên thông lên mọi cấp học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân

- Đã có nhiều đại học lớn có chương trình liên kết tại Việt Nam như Monash, Queensland, New South Wales, Illinois, Hawaii, Nottingham, LSE… Quan niệm cũ cho rằng chỉ có các đại học hạng xoàng mới đi sang Việt Nam liên kết không còn đúng nữa, vì liên kết quốc tế trở thành xu thế mà tất cả các đại học trên thế giới, kể cả những đại học lớn và uy tín, đều muốn tham gia như là một phần của quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa.

- Trường đại học trong nước chỉ được phép liên kết nếu đã có chương trình đào tạo tương đương (ví dụ, trường không được phép liên kết đào tạo ngành cử nhân tin học với nước ngoài nếu chính mình cũng không đào tạo cử nhân tin học trong chương trình tiếng Việt). Điều này là tốt và giúp các trường tập trung vào thế mạnh của mình, cũng như có đủ nguồn lực để hợp tác, kiểm soát chất lượng, và học hỏi từ đối tác nước ngoài.

Có thể đánh giá, thúc đẩy các chương trình liên kết tại chỗ là một hướng đi khôn ngoan của Việt Nam bên cạnh hướng đi trước đó là trả chi phí gấp 5-10 lần cho sinh viên đi du học. Sự thực là một số ngành không có liên kết, thì sinh viên bắt buộc phải ra nước ngoài học tập. Tuy nhiên, với nhiều ngành như kinh tế, khoa học xã hội, vv… thì việc sinh viên học tại chỗ vẫn đảm bảo những nguồn cung lao động chất lượng cho thị trường lao động trong nước cũng như làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Một số chương trình đào tạo liên kết cho phép sinh viên đi trao đổi 1 kỳ hay nhiều hơn ở trường nước ngoài, cũng là một lựa chọn linh hoạt, hoàn toàn giống xu hướng thịnh hành ở Singapore, Hong Kong, Đài Loan…

Học online cũng là một lựa chọn tốt tiếp theo với những học viên đã có kỹ năng học tập độc lập, ví dụ cấp trung học phổ thông, đại học và sau đại học. Lựa chọn học online cho phép học viên Việt Nam tiếp cận với những trường đại học hàng đầu thế giới. Các trường như Standford, UPen, Edinborough, University of London… đều rất mạnh về giáo dục online và có các chương trình online ở rất nhiều chuyên ngành, từ kinh tế tới kỹ thuật, nghệ thuật, nhân văn, giáo dục… Học online cho phép học viên có thể ở trong hay ngoài Việt Nam đều học được, và công nghệ ngày nay cho phép networking toàn cầu chứ học online cũng không có nghĩa là học một mình, không có lớp, không có bạn học chung. Tôi cho rằng học đại học online là một xu hướng quan trọng thay thế dần du học trực tiếp trong những năm tới và thập kỷ tới. Tuy nhiên, điểm nghẽn duy nhất về học online lại do chính Việt Nam tự tạo ra: đó là Bộ giáo dục chưa công nhận văn bằng online của nước ngoài trừ phi chương trình đó có liên kết đào tạo với đối tác tại Việt Nam. Hiện Bộ đang có một dự thảo điều chỉnh việc này và có thể tiến tới công nhận các chương trình online của nước ngoài ở các trường có kiểm định chất lượng rõ ràng. Việc này là cần thiết, và là một động thái khôn ngoan mà một nước nghèo như Việt Nam phải làm để đi nhanh hơn, thay vì làm được đồng ngoại tệ nào bỏ ra đi du học hết ở nước ngoài, hay đào tạo được em nào giỏi, cho các em học bổng du học nước ngoài, các em ở lại định cư hết trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đang kêu gọi Việt Nam cung cấp đủ nguồn lao động có trình độ ở trong nước.

Bên cạnh việc học chương trình liên kết và chương trình online với đại học nước ngoài, học sinh từ các trường phổ thông ở Việt Nam còn có lựa chọn học các đại học quốc tế ở trong nước như:

- Đại học RMIT, Fulbright, Việt-Đức, International University ở khu vực phía Nam

- Đại học RMIT, Anh Quốc, USTH, Việt-Nhật ở khu vực phía Bắc

Các đại học quốc tế này có đặc điểm chung là đào tạo theo thông lệ quốc tế, bằng tiếng Anh, sử dụng giảng viên quốc tế, trẻ, năng động, đào tạo gắn chặt với bối cảnh thực tiễn tại Việt Nam nên phù hợp với sinh viên có định hướng làm việc ngay tại Việt Nam sau khi ra trường, hoặc với sinh viên dùng Việt Nam như một bệ phóng trước khi tiến ra xa hơn.

Hiện nay không có một nghiên cứu nào cho rằng học các chương trình liên kết, chương trình online hay chương trình của đại học quốc tế ở Việt Nam thì kém thành công hơn so với du học trực tiếp. Nếu không nhận được học bổng và các hỗ trợ hào phóng khác mà phải tự trả học phí, thì các lựa chọn du học tại chỗ là một lựa chọn thực tế, khôn ngoan, tiết kiệm chi phí và có thể có ROI cao nếu học viên học nghiêm túc, tận dụng được thế mạnh của việc học tập của cả hai thế giới Đông – Tây, cũng như lợi thế học trên sân nhà, làm việc trên sân nhà, và đón dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Việt Nam cũng cần tránh sự ám ảnh của bằng cấp phương Tây, sự mê hoặc của các trường top để làm giống như các nước châu Á đã phát triển thành công khác, là thực học, học để làm việc hiệu quả, chỉ lựa chọn những gì phù hợp nhất, vừa sức nhất, có lợi nhất cho sự phồn thịnh của mình.

2. Trường Trung Học Quốc Tế Online

King’s College Online là một trong những trường phổ thông trung học online, nhưng điều đặc biệt hơn cả nó thuộc một hệ thống giáo dục quản lý 60 trường quốc tế, trong đó có trường AIS (Úc) và EIS tại Việt Nam.

https://www.kingscollegeonline.com/

Tôi cổ vũ mạnh mẽ cho các trường trung học và đại học online vì nó thực sự xóa đi những ranh giới về quốc gia và lãnh thổ để tri thức “tràn” đi khắp mọi nơi. Thậm chí tôi tin rằng mô hình trường online sẽ dẫn đến sự “sụp đổ” của các đại học học truyền thống với khuôn viên và giảng đường (brick and mortar), trừ phi họ kịp chuyển hướng để theo kịp với xu hướng online toàn cầu này.

King’s College Online, theo tôi được biết, không liên quan đến hệ thống trường phổ thông danh tiếng King’s College School tại Anh, Trung Quốc, New Zealand, Thái Lan, cũng không liên quan tới trường đại học King’s College London. Nó trực thuộc tổ chức giáo dục Inspired, tổ chức đã thâu tóm hệ thống trường ACG của New Zealand (sở hữu Trường quốc tế Úc Sài Gòn – AIS), và gần đây là cả Trường quốc tế châu Âu (EIS) từ A-Star Education.

King’s College Online dạy 4 năm cuối trung học, bao gồm 5 môn (I)GCSE và 4 môn A level với mức học phí 7,000 Euros (dưới 200 triệu) một năm. Học sinh có thêm lựa chọn học các học kỳ ngắn tại 1 trong 60 trường quốc tế thuộc hệ thống Inspired. Mô hình này có vẻ linh hoạt và phù hợp với học sinh trung học vào thời buổi dịch bệnh chia cắt thế giới.

Chúng ta đã chứng kiến các trường đại học mở chương trình phổ thông quốc tế online như Đại học Stanford, Đại học George Washington..., nay thì các hệ thống trường quốc tế cũng mở trường trung học online. Trong khi ở các cấp nhỏ hơn, phụ huynh có thể cho con học homeschooling thì với cấp học lớn hơn như trung học phổ thông, học trường quốc tế online của các trường đại học/hệ thống giáo dục lớn là một lựa chọn smart.

3. Học Online Chính Là Tương Lại Của Giáo Dục Thế Giời!

Tôi là người cổ vũ hết mình cho giáo dục online tại Việt Nam, vì những lợi ích to lớn của nó.
Với giáo dục online phát triển, nhiều học sinh được tiếp cận với tài nguyên giáo dục hơn.
Với giáo dục online, học sinh ở các vùng xa xôi cũng có thể tiếp cận được các thầy cô giỏi nhất.
Với giáo dục online, một học sinh Việt Nam bình thường có thể theo học được những chương trình quốc tế mà các trường quốc tế đang dạy với chi phí rất tiết kiệm.
Cá Heo sẽ có một buổi trao đổi với phụ huynh và các em học sinh về học trường quốc tế online cùng với tiến sỹ Andrew Daniel, trưởng khoa kiêm giáo viên Toán của Crimson Education vào 20g00 ngày 25/1/2022 theo hình thức hội thảo trực tuyến.
Phụ huynh quan tâm xin đăng ký tại đây:


Aug 17, 2024

5 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email