Con Nên Nhìn Lui - Thầy Lê Anh

Ba tôi nói với tôi là muốn nhớ đường về thì cần phải nhìn lui. Tôi không bao giờ lạc đường vì khi đi tôi luôn quay lại nhìn và não tự động ghi nhớ hình ảnh mà nó cần khi đi ngược trở lại.
 
Tôi áp dụng quy tắc này cho mọi sự kiện. Lần đầu tiên thấy người ta đào đất đắp đê, tôi đứng xem và nhận ra là họ không quá vất vả. Họ nhấn cái chạc mà họ gọi là kéo cắt đất xuống tới cái ngưỡng mà họ đã đánh dấu. Sau đấy họ xoáy dọc nó lại và rút cái chạc lên. Đất dưới ruộng dẻo quánh, cho xẻng vào là bị mút không sao kéo lên được. Ấy vậy nhưng với cái kéo cắt đất thì thao tác dễ dàng. Hòn đất bị cắt đứt ra khỏi lớp đất ruộng thành từng thỏi. Sau đấy họ lao viên đất cho nó chạy một đoạn xa dọc theo một tấm ván tới chỗ cần đắp. Những ai đã từng làm đất rồi thì biết, bổ một nhát cuốc xuống ruộng là rất mệt. Cho tới tận ngày nay tôi vẫn thán phục công nghệ đào đất đắp đê mà tôi nhìn thấy khi còn nhỏ. Câu nói cửa miệng mà Ba tôi luôn nhắc tôi là "Con phải để ý người ta làm".
 
Các bạn thấy là tôi đã tìm ra được thời gian đắp đê thành Cổ Loa từ việc quan sát những người nông dân ngày xưa đã sử dụng cái kéo cắt đất để đắp đê ra sao.
 
Có lần mẹ tôi nói với tôi. Lúc phải đi lao động cải tạo mẹ luôn được khen vì làm năng suất cao và nhiều. Số là do ông tôi bị đội Cải Cách Ruộng Đất đánh chết. Sáng giải lên ủy ban, tối báo người nhà lên nhận xác. Ông ngoại thì nuôi nhiều các loại cán bộ trung ương rõ to trong nhà nên sau này thì Quốc Hội cũng có cấp cho cái bằng "Nhân sĩ yêu nước", chứ chưa bao giờ xin lỗi. Đến bây giờ mà muốn xin lỗi cũng khó vì các loại lão thành cách mạng đi ngủ với giun cả rồi. Mẹ tôi thì luôn nói "Ông được trao tặng Nhân Sĩ Yêu Nước lần đầu tiên".
 
Quay lại chuyện năng suất cao thì mẹ tôi nói: mẹ yếu nhưng phải làm việc nặng vì gia đình có "tội" với cách mạng. Nói theo kiểu AQ thì cách mạng đã cắt mẹ nó cái mạng. Mẹ tôi phải đập nứa để mọi người đan cái gì ấy. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, việc khó là đập nứa thì mẹ tôi phải nhận. Mẹ tôi nói với tôi, mẹ sử dụng cái chày nặng hơn mọi người dùng. Nâng chày lên hơi khó nhưng đập chỉ một nhát là xong. Tôi cũng hiểu là nên để ý mọi việc để thấy được bản chất.
 
Ngày nhỏ, tôi phải đi bộ đi học. Đi xa lắm. Dọc đường tôi nhìn thấy những thứ kiểu như hòn sỏi hay cái đinh. Tôi nhặt chúng lên và suy nghĩ xem mình sẽ dùng chúng vào việc gì. Cứ như thế cho tới lúc tôi suy nghĩ tới việc tôi cần phải học giỏi. Tôi cũng cho là kiến thức giống như cái đinh bên vệ đường, mỗi khi ghi nhớ chúng thì cần phải biết chúng sẽ được dùng ra sao. Tôi luôn chịu khó phân tích để tìm ra cái cốt lõi của sự việc rồi mới ghi nhớ. Hóa ra là chỉ cần phải nhớ rất ít, mà nhớ được rất nhiều. Về sau này tôi có cảm giác là do các kiến thức khi nhớ đã được phân loại và hình dung cách sử dụng nên chúng tự động liên kết lại với nhau thành phương án tư duy. Quá trình này xảy ra tự động và vô thức. Chính vì vậy mà tôi hay nghĩ ra được các phương án mới. Thực chất không phải do tôi thông minh hay đã cố gắng nghĩ ra, mà hệ thống tư duy vô thức đã lắp ghép các mảnh kiến thức lại cho tôi. Kiến thức được lắp ghép theo các quy định mà tôi đã tạo ra khi tôi tiếp nhận chúng. Hệ thống vô thức bắt chước quá trình tư duy của tôi, và tôi thì luôn cố không bao giờ tư duy ngụy biện. Như vậy mà tôi luôn được "bề trên" báo mộng cho nhiều thứ hay ho.
Câu chuyện chỉ có vậy. Cũng là do tôi muốn hiểu Bà Trưng là thật hay bịa mà tôi đã phải rỡ tung toàn bộ sử Việt ra. Theo thời gian, tôi cũng trình bày từng suy nghĩ với các bạn vậy nên bây giờ tôi không nhắc lại, nó quá nhiều. Tôi làm và không phải vì tính háo danh hay tính đố kỵ gì đâu. Tôi đã làm vì tôi phải biết được bản chất thật của sự việc trước khi quyết định có ghi nhớ nó hay không.
 
Dần dần trong quá trình tìm hiểu tôi nhận ra và biết ơn tổ tiên. Tôi ao ước vẽ lại được bức tranh có thật về Bà Trưng, một người con gái 18 tuổi đứng lên cầm quân đánh nhau với 20 nghìn quân của Mã Viện. Hôm nay là ngày 14-2.
Có thể, thỉnh thoảng, chúng ta cũng nên ngoái nhìn lại lịch sử để đừng bị lạc đường.


Jul 03, 2023

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL