[EDU-KIDS] Giúp trẻ thích đọc sách,
1. Tôi có may mắn thích đọc sách từ bé. Có lẽ thế hệ tôi, nhiều người thích đọc sách và hồi đó dạy cho trẻ thích đọc dễ hơn bởi không có nhiều trò chơi phong phú như bây giờ.
2. Năm tôi 7-8 tuổi tôi đã đọc thuộc lòng bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nói vanh vách về Ngô Quyền, Đoàn Nhữ Hài hoặc bất cứ nhân vật nào, có thể sửa người lớn khi họ nói sai. Ngoài ra tôi ngốn sạch tủ sách của cha mẹ, đọc mỗi cuốn nhiều lần vì hết sách. Mọi người gọi tôi là "cụ đồ". Nhiều người tưởng tôi là học sinh xuất sắc vì biết tuốt, thực ra tôi chỉ là học sinh trung bình khá, trở thành học sinh giỏi A2 là ước mơ của mẹ tôi không bao giờ thành hiện thực.
3. Cô giáo lớp 1 của tôi, cô Phương ở trường Nguyễn Du, thường than phiền với mẹ tôi là tuy tôi là học sinh ngoan, không quậy phá, nhưng không chú ý tới bài giảng trong lớp, hay nhìn ra ngoài cửa sổ. Sau này mẹ tôi hay kể, lúc đó tôi trả lời là vì trên cây xoan ngoài cửa sổ có một con chim chích hôm nào cũng bay về. Thực ra ngoài cửa sổ còn có mây với đủ các hình thù. Vì thế tôi không hề biết trong lớp học gì. Sở dĩ còn được A3 là bởi vì mẹ tôi kèm cặp rất ghê. Mỗi sáng chủ nhật đều ra mấy chục con toán, hẹn học xong thì cho chơi, nhưng mẹ đi chợ về, nấu cơm xong vẫn không thể xong nổi, vì mẹ tôi đã tính trước thời gian. Vì thế tôi căm thù tính toán cho đến khi lớn. Đến bây giờ tôi vẫn có những ác mộng về bài toán thực hiện các dãy tính cộng trừ nhân chia liên tiếp (hình như ở cuối lớp 3). Và tôi luôn tính sai be bét.
4. Bạn có thể hỏi là nếu như vậy thì đọc có ích lợi gì? Đọc mà học không giỏi thì đọc làm gì? Tôi thì nghĩ ngược lại. Thật may mắn, tôi không phải cố gắng làm học sinh giỏi để học những điều tôi không thích và đối với tôi là vô bổ.
5. Do đọc hết sách của gia đình, đến nhà người khác là tôi sà vào tủ sách và phải đọc với tốc độ kinh khủng để hết một cuốn sách. Và như vậy tôi phải có kỹ thuật đọc lướt, bỏ qua những đoạn không quan trọng, vẫn theo dõi được câu chuyện. Tôi còn nhớ kỷ lục của tôi là trong 1 tiếng đọc xong một tập truyện Thủy Hử ở nhà một người bà con.
6. Sau này khi hết sách tôi phải đọc cả sách bổ túc văn hóa, đọc xong văn sử địa tôi đọc cả sách Toán, sách khoa học, lý luận chính trị cũng xay tuốt. Tôi nhớ hè năm lớp 6, tôi đọc sách giáo khoa về vật lý đại số trong một buổi tối và vào năm học trở thành học sinh giỏi mấy môn đó. Năm lớp 7, tôi được cha tôi gửi vào thư viện Hà Nội, nơi có một bà bác làm thủ thư, tôi bắt đầu đọc các sách Toán về Bourbaki, cấu trúc đại số, không gian n chiều. Có thể điều đó không ích lợi lắm cho việc thi Toán, nhưng tôi có lợi thế về Toán sau này so với bạn đồng học và đồng nghiệp là từ đó.
7. Chính vì vậy, khi trẻ mê đọc sách, chúng sẽ quyết định phải học gì, và khi chúng định học gì đều dễ dàng. Tôi đọc xong những kiến thức cần thiết rất nhanh, và rất nhiều thời gian rong chơi, hay trốn học, ít khi lên lớp, nhưng khi cần, tập trung vài ngày là trở thành tốp đầu trong các lớp tôi học.
8. Tuy vậy, tôi nhận thức được là có nhiều người không hề thích đọc sách. Cho dù họ có bằng cấp, là giảng viên, tôi nghĩ kiến thức của họ đều "gọi là" thôi. Vấn đề của giáo dục không phải là nhồi sọ kiến thức mà hướng dẫn trẻ tự đọc. Tôi đã thử nghiệm và thành công trong một số trường hợp hướng dẫn trẻ đọc sách thay vì nhồi nhét kiến thức, hay giải bài tập. Phương pháp của tôi là phương pháp 3-7, cũng đã dùng cho các sinh viên và ncs của tôi.
9. Khi trẻ đã thích đọc mọi sự sẽ dễ dàng hơn, tuy vẫn còn nhiều việc phải làm. Câu hỏi đặt ra là: "làm thế nào để trẻ thích đọc". Tôi không biết câu trả lời vì đối với tôi đọc là đương nhiên. Hiện nay tôi quan tâm tới dạy trẻ, mới thấy là vấn đề này cần giải quyết, thậm chí sinh viên đại học cũng vô cùng lười đọc.
10. Sau khi tìm hiểu thấy có 10 cách sau đây:
a. Làm gương mẫu đọc cho trẻ: muốn con đọc bản thân mình cũng phải đọc thường xuyên.
b. Đọc sách buổi tối cho trẻ
c. Đọc những gì mà trẻ đọc và nói chuyện về các nội dung trong các cuốn sách này
d. Có thẻ thư viện và thường xuyên cùng trẻ đến thư viện
e. Tham gia các chương trình hoạt động tại các thư viện.
f. Đọc mọi thứ, mọi chủ đề đều tốt
g. Tạo môi trường đọc sách tốt ở nhà (có đèn, ghế ngồi đọc sách, nơi đọc riêng yên tĩnh, tủ sách)
h. Tham gia câu lạc bộ sách để trẻ có bạn đọc sách
i. Để sách xung quanh trẻ, có tủ sách gia đình trong tầm mắt trẻ
k. Luôn mang sách khi đi du lịch, xếp hàng.
l. Có thói quen dùng sách làm quà tặng.
Phần lớn cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ. Tuy nhiên có một số điểm chưa sẵn sàng ở Việt Nam. Tôi đang nghĩ một số mẹo đơn giản dễ thực hiện hơn.
Jul 06, 2024