Bệnh thành tích hay GATO trong du học?

Sáng ra mình đọc được một bài khá giải trí trong nhóm và và cũng nhận xét nhưng bạn ấy xóa rồi.

ĐẠI ĐỂ LÀ:

  • Bạn XANH đăng một bài có ý hơi "khoe" về việc trường top 20 thì bạn ấy không chịu học dù có thể làm xuất sắc. Bạn ấy nhất quyết phải đâm vào trường top 4 để giờ học gập cả lưng.
  • Không biết động chạm gì nhưng bạn ĐỎ tự dưng nhảy vào facebook cá nhân của người ta cãi nhau tung chảo... với lý luận là "Học nhiều phí tiền của bố mẹ, chứ ra đời có làm ra tiền đâu. Đầu tư thế thì có mà lỗ vốn."
  • Chắc cãi không lại lực lương thanh niên trẻ khỏe và hùng hậu, bạn ĐỎ đăng đàn trong nhóm học bổng nói bạn Xanh và những người ủng hộ bạn ấy là một thế hệ mê thành tích và không thực tế.

VẬY NÊN MÌNH VỐN KHÔNG ĐỊNH LÊN BÀI. CƠ MÀ NGƯỜI DÁM LÀM THÌ DÁM CHỊU. BẠN MUỐN SÂN SI THÌ KHÔNG THỂ TRÁCH ĐỜI SẼ SÂN SI LẠI.

Chuyện thứ nhất:
Mình cấp 2 học Ams. Chương trình cũng khá nặng so với trường bình thường. Vậy nên, mấy bạn không học được thì té sớm. Đến lúc ra trường ngoài, các bạn ấy toàn đứng thứ hai với thứ nhất. Hồi đó, nghe các bạn kể, mình cũng thấy mình vui lắm. Trong lớp mình, mình đứng thứ 18 thôi. Vậy nên mấy đứa 38 mà một hai trường khác chứng tỏ mình cũng chẳng đến nỗi ngu đâu.
Nghĩ lại chỉ thấy cười, bạn XANH kia khoe trường top 4 thì có vẻ hơi trẻ con nhưng trẻ con mà. Đâu khác gì một đứa học Ams như mình tỏ một chút kiêu kì với mấy bạn học cấp hai trường khác.
Chuyện thứ hai:
Mẹ mình thi đại học chọn Bách Khoa. Hỏi lại bà tại sao bà thi thì bà nói: "Bách khoa ngày đó là oai nhất." Vậy nhưng, sau khi ra trường, bà làm hóa thực phẩm một thời gian thì đổi nghề làm tin học văn phòng, rồi học thêm một bằng Xuất Nhập Khẩu. Bà không phải không làm được cái ngành "chống trời" như hóa, chỉ đơn giản là khi đó phải sinh con.
Đơn vị bà được phân công tác là một nhà máy thuốc lá. Thế nên, bà vì mình mà không làm được tiếp. Kết quả bà vừa làm vừa học. Đúng như bạn ĐỎ nói: "Học mà không dùng thì cái bằng hơi phí phạm thôi."
Cơ mà, mình thấy không phí lắm. Trước khi mình đi học thạc sĩ, mẹ có một câu mà luôn mắng với mình: "Con đừng có coi thường. Mẹ có dốt nhất nhà cũng vẫn có hai bằng đại học."
Nhưng trêu là trêu bạn thế thôi. Hai mươi mấy năm sau, mẹ mình làm Giám đốc tài chính cho một công ty lớn. Còn việc bà đứng tên Chủ tịch của một vài chỗ khác thì cũng chẳng có lấy gì làm lạ.
Chuyện thứ ba:
Mình chơi patin nên khá nhiều bạn bè. Hai trong những người bạn giàu nhất của mình thời đó thì một người học Trung cấp, một người bằng Cao đẳng. Hai người đó là vợ chồng. Lúc mới làm ăn, hàng mua về để ngập 9m2 một cái phòng trọ thuê. Hai vợ chồng bạn ấy nằm lên hàng mà ngủ.
Hai mươi năm sau, hai người bạn này vẫn nói chuyện với mình. Lúc thì họ bàn về thay đổi mô hình sản xuất thành chuyển nhượng thương hiệu. Khi khác thì họ hỏi: "Tớ mới mua cái đảo mà chưa biết làm gì?"
Mỗi lần như thế, hai vợ chồng nhà ấy lại suýt xoa: "Ngày trước không biết đường mà học... giờ cần dùng tới, học mãi cũng không thông."
Chuyện thứ tư:
Đội patin cũng không chỉ có hai người bạn mình là làm lớn. Mấy đứa đệ kém mình vài năm giờ đều đã có công ty riêng. Khi trước cứ đến mùa Tết là chúng nó biếu mình xoài và cóc. Chúng nó đều học trong nước cả, mà hồi đó chẳng có trường quốc tế nên khi ra trường biết phấn đấu làm sao?
Làm công ăn lương không ổn nên chúng nó bật ra làm riêng cả. Giờ cứ ba hôm nói chuyện với mình thì chúng nó sẽ hỏi về vấn đề định giá công ty, quản lý người, hoặc đang tuyển kế toán.
Thế nhưng, mặc cho thành công, mấy đứa đệ của mình cứ ba hôm lại rủ nhau đi học, rồi đăng bài Facebook hàng ngày. Mình trêu một đứa là bố hai con rồi mà sao còn hâm thế. Cơ mà nó rất vui vẻ. Nó bảo với mình:
Tại đội nhân viên kêu em thuyết trình với một số chủ đề rất buồn ngủ nên cũng đang cố luyện tập thêm. Giờ càng làm mới càng thấy ngày xưa, mình học hổng thật là nhiều đó chị?
Vậy nên bạn ĐỎ nói... Học để làm ra tiền. Cái này mình đồng ý. Cơ mà học gì để ra tiền thì lúc tuổi trẻ cũng không ý thức được hết đâu. Có những lúc làm rồi, thành công rồi, người ta mới bắt đầu đâm đầu thẳng vào tường: "Ôi ngày xưa được dạy cái này... mà mình lười mình đâu có học."
Chuyện thứ năm:
Mình viết rất nhiều bài về tài chính trong vấn đề du học và để các bạn các em đi du học thì thực sự là một khoản đầu tư. Tất nhiên nếu xét nó là đầu tư thì ai cũng muốn tính lời... nhưng nếu đã là cho con thì lãi lời không chắc là tiền bạc.
Con mình sống tốt, đầu óc mở mang, làm được những thứ mình chưa từng thì như thế chính là lời lãi.
Tất nhiên vì một đứa trẻ mà để tài chính của cả gia đình kiệt quệ thì không nên nhưng nhà có tiền người ta muốn tiêu thì mình ghét nhất mấy câu nói nâng tầm quan điểm:
Sao không để số đó mà đi làm từ thiện?
Hì hì... người ta làm từ thiện có lẽ một năm làm nhiều lần hơn bạn. Nhưng có tiền thì muốn con mình sống tốt. Có tiền thì muốn con mình sống mộng mơ. Đó mới là mục tiêu của việc có tiền.
Có sống vì tiền hay không là lựa chọn của mỗi người. Từng người khác không có quyền can thiệp.
Chuyện thứ sáu:
Mình cũng từng nói rất nhiều lần:
  • Không nhất thiết phải đi học từ phổ thông.
  • Không nhất thiết phải đi trường rank top.
Lý do mình nói vậy là vì đa phần các gia đình thường thường bậc trung ở Việt Nam không có đủ chuẩn bị để con đi quá sớm hoặc leo trường đỉnh ngay. Mình muốn họ biết rằng nếu không thể làm ngay được thì chỉ cần quyết tâm, những lựa chọn thấp hơn hiện tại cũng có thể làm bàn đạp vững chắc.
  • Giục tốc thì bất đạt.
  • Nhưng có khả năng tài chính và học thuật từ sớm... thì chỗ nào phù hợp với mình, mình sẽ đi.
Cách đây không lâu có bạn hỏi mình rằng Top 10 thì khác Top 100 ở cái gì. Mình đã nói:
Nếu nhà em có công ty, làm chính trị thì top 10 sẽ vô cùng bổ ích. Con cháu các Tổng Giám đốc, Chủ tập đoàn, Chính trị gia đều học đó theo truyền thống. Em xây dựng được quan hệ với họ thì sau này tha hồ mà tìm kiếm đầu tư.

Còn nếu em đơn thuần muốn một công việc thì top 10 sẽ không hẳn là cần thiết. Có điều cơ hội thân được với một đứa có bố làm Tổng tập đoàn rồi nói một cái là có việc luôn ở top 10 sẽ cao hơn.
Trường top khó hơn ở chương trình, khó hơn ở đào tạo nhưng cái thích nhất ở trường top là những bạn vào đó đều có năng lực và trình độ để tranh đấu từ trước khi vào trường. Bởi vì thế, môi trường học cũng tạo nên động lực.
Chuyện thứ bảy:
Mình cũng từng kể hồi đại học mình học liên kết làng. Tuy là bằng quốc tế nhưng những bạn học cùng mình đa phần là "không muốn thi đại học." Mình không nói họ kém. Mình chỉ nghĩ đa phần họ không muốn quá cạnh tranh.
Vậy nên, lúc học, có một cô giáo đã nói với mình rằng:
Cô biết em giỏi nhưng ở môi trường này, em không thể chỉ cạnh tranh với các bạn. Nếu em muốn giữ được tư duy của mình, em phải tự cạnh tranh với bản thân mình nữa.
Khi mình được học bổng thạc sĩ và Tiến sĩ sau này, những trường mình chọn đều là trường rất tốt. Học trường nhỏ cũng tốt nhưng bạn sẽ phải tự kỉ luật và tạo môi trường cho bản thân. Còn đu top nếu được, thì đu xong tự sẽ có môi trường mà chiến đấu.
Mẹ mình tuy nhìn mấy cái học bổng toàn phần của mình theo cái kiểu: "À thế à?" (Con cũng chỉ là một trong rất nhiều người của cái nhà này đi học bổng). Thế nhưng bà cũng gật gù nói với mình:
Cũng được cái là rửa bằng liên kết.
Mình phì cười... Mình không ghét liên kết. Đối với mình đó là một nơi thuận lợi để bắt đầu và biết ơn. Cơ mà xã hội là như thế. Thương hiệu và danh tiếng của một trường vốn không phải là một bệnh thành tích. Người ta chiến mãi mới được vào, thì người người ta có quyền tiếp tục chiến và tự hào hơn người khác.

VỀ VIỆC BẰNG CẤP KHÔNG LÀM RA TIỀN THÌ MÌNH CŨNG RẤT MUỐN THƯA CÙNG BẠN ĐỎ...

Làm Tiến sĩ thì cũng nhiều loại lắm:
  • Có loại là không kiếm được tiền và việc tốt nên đi học.
  • Có loại là đam mê thực sự đối với một ngành nghề.
  • Và có loại giống mình, kiếm tiền xong thấy cuộc sống chán chán, đi làm Tiến sĩ cho nó vui.
Bạn đọc có một quyển sách "Cha giàu, cha nghèo" mà nhắc suốt từ trang cá nhân đến chiến "mồm" với thiên hạ. Vậy nên, minh xin kể cho bạn thêm chuyện nữa:
  • Hồi mình làm Tiến sĩ, mình làm ở một trường top 3 ngành.
  • Khi đó có một bạn làm tư vấn tầm cao ở Big 4 nộp đầu vào chương trình Tiến sĩ. Bạn ấy rất cao ngạo và tự tin với những chiến tích của mình trong doanh nghiệp nghìn tỉ...
  • Vậy nhưng, trưởng khoa nói chuyện với bạn ấy xong thì chạy ra buôn dưa với đám Nghiên cứu sinh: "Tao vừa mới phải dập thằng đấy xuống một ít đấy... Nó cứ nghĩ nó vào đây là thánh tướng."
  • Hì hì, bác Trưởng khoa trước ngồi Hội đồng Quản trị của 3 tập đoàn lớn. Một bác khác đang làm Tiến sĩ với mình là Chủ tịch của công ty vận chuyển UPS, chán chán thì đi làm Tiến sĩ. Ngay cả Nghiên cứu sinh hiện tại của mình cũng chán làm Luật sư nên chuyển sang nghiên cứu về Blockchain.
Học có thể không cho bạn quá nhiều tiền, nhưng nhiều người có tiền người ta cũng thích học. Bạn ĐỎ kêu Bill Gates không học LSE, nhưng mà nhiều đại tỉ phú học đỉnh cao lắm nhé:
  • Jim Simons ($28.1B) học MIT, UC Berkerley
  • Stephen Schwarzman ($29.1B) học Yale và Harvard.
  • Jeff Yass ($30B) học SUNY Binghamton
  • Len Blatvatnik ($30.7B) học Columbia và Harvard.
  • Ken Griffin ($30.8B) học Harvard.
  • John Mars ($37B) học Yale.
  • MacKenzie Scott ($37.7B) học Princeton (vợ Jeff Bezos)
  • Phil Knight ($41.5B) học University of Oregon.
  • Michael Dell ($50B): UT Austin (trường top 20 Mỹ) drop out
  • Mark Zuckerberg ($57.7B): Harvard Drop out (nhưng người ta vào được Harvard)
  • Jim Walton ($57.9B): Walmart. University of Arkansas (Top 1 về chuỗi cung ứng)
  • Michael Bloomberg ($76.8B) học Johns Hopskins và Harvard.
  • Steve Ballmer ($83B) học Harvard.
  • Sergey Brin ($89B) học University of Maryland và Stanford.
  • Larry Page ($93B) của Google học University of Michigan và Stanford.
  • Warren Buffett ($97B) học UPenn (Top 10 tài chính), University of Nebraska và Columbia.
  • Bill Gates ($106B) của bạn ĐỎ tuy nghỉ ngang nhưng vẫn đủ trình vào Harvard.
  • Jeff Bezos ($151B) học Princeton.
  • Elon Musk ($251B) học UPenn (Top 1 Robotics).
Túm cái quần lại là bằng cấp có thể không làm nên con người, nhưng những người phấn đấu để vào được Top, bạn cũng nên nghĩ họ rất gì và này nọ.

MÌNH NGHĨ CÓ THỂ BẠN CHƯA ĐI NÊN TẦM NHÌN CÓ CHÚT HẸP VỀ CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI. CŨNG CÓ THỂ BẠN HƠI GATO NÊN NHỮNG THỨ BẠN CHƯA TỪNG THỬ SẼ BIẾN THÀNH XẤU XA... QUAY LẠI CÂU CHUYỆN CỦA BẠN XANH, BÌNH LUẬN CỦA MÌNH LÀ THẾ NÀY:

Bài post của bạn đọc rất giải trí. Top 4 của Anh hình như là UCL. Bạn thân mình cũng UCL, về làm dầu khí. Sau đó lấy học bổng dầu khi đi du học Ý, thăm thú nên rất hay và rất đẹp.
Về sau có một nhân viên mình tuyển vào hồi làm quản lý cho một công ty Nhật. Mình khen bạn ấy bằng UCL là top 4, trường rất tốt. Cuối cùng, chị nhân sự phỏng vấn cùng còn kêu với mình: "Em phải dập ứng viên chứ... Sao còn buff bạn ấy..."
Để xem nào, trước có anh Phó tổng cũ Cambridge và Stanford. Đến lúc mình rời công ty rồi vẫn thi thoảng gọi đi cà phê, cập nhật tình hình cá nhân. Ảnh cũng thích học lắm, cuối cùng nghề tay phải là làm tài chính đầu tư kiếm tiền triệu đô, nghề tay trái là mở lớp dạy học, trao học bổng cho tất cả các em. Ảnh còn có một sở thích nữa là đi thi các loại chứng chỉ cho vui vì ... anh có thể.
Một ông anh nữa học LSE, đã vậy còn top 5 sinh viên toàn Anh. Ảnh đại gia mà vẫn xin tiền full của LSE. Nhưng sở thích của ảnh những lúc không đi làm công ty là đánh Poker online, kiểu bày ra 6 màn hình, đánh 6 ván một lúc. Dùng sắc xuất để kiếm tiền. Tầm tiền khoảng 200K một năm, nuôi luôn bé em gái đi học.
Còn có một em xin thư giới thiệu của mình đi học Cambridge... Sau đó làm cho một công ty tư vấn lớn ở Anh. Nhưng một em khác, sang học trường top 500 ở Anh, sau cũng vào được công ty đó. Cả hai em đều thực sự rất là giỏi, không lâu sau thì tự mua nhà và làm quốc tịch Anh hết. Nhưng sau đó cả hai bé làm chán việc đều quay ra hỏi mình: Chị chị chị... chị có nhớ ngày xưa tại sao em muốn làm tư vấn không? Giờ em lại đang muốn làm cái khác.
Thích học không sai... Đam mê học để học cũng không sai... Bản thân mình học Tiến sĩ, còn kiếm tiền thì cả trước và sau khi làm Tiến sĩ. Vấn đề của các bạn xanh là hơi trẻ, lại chưa có thành tích gì trong trường nên flex được mỗi cái ranking. Khi người ta nhắc đến những mặt cuộc sống khác thì cãi có chút ngây ngô. Đợi lớn lớn rồi thì tự động nó khác.
Dù sao thì mình cũng buồn cười cái câu: "Ếch ngồi đáy giếng mà đánh giá chim công của trời." Thật ra mình tự nghĩ mình là một con ếch. Học Tiến sĩ trường hạng 3 ngành của Thế giới xong còn thấy mình càng ếch hơn. Ấy thế mà không rõ tại sao nhiều chim công chơi với mình và like dạo bài mình đăng thường xuyên phết. Thôi thì nếu các bạn gọi mình là ếch, mình sẽ nhận là ếch... Nhận là ếch cũng không chắc miệng giếng của mình đã hẹp hơn.

CÒN BẠN ĐỎ ƠI...

Tri thức là vô hạn, đời người là hữu hạn. Đi nhiều, đọc nhiều, nghe nhiều thì tam quan của chúng ta mới dần rộng mở ra. Việt Nam chúng ta nghèo nhưng chưa chắc nghèo tiền đâu. Chúng ta đang là Top 20 nền kinh tế phát triển nhanh nhất đấy. Cái sợ nhất của nghèo không phải là nghèo tiền mà nghèo tri thức đến nỗi chỉ biết đến có tiền.
Chúc cả nhà một ngày mai tươi sáng.
P.S.1: Mình đã lịch sự, che hết tên cho các bạn.
P.S.2: Nốt ý nữa chuyện Ông Đồ trình độ ngang lớp 7 của bạn ĐỎ ở ảnh cuối. Một chữ Hán có thể giải theo 10, 20, 30, thậm chí 50 cách. Vậy nên mới có câu "Một chữ cũng là thầy. Nửa chữ cũng là thầy." Nếu lắp vào chữ quốc ngữ bây giờ thì nửa chữ chẳng là gì cả nhưng chữ Hán ngày xưa, nửa số ngữ nghĩa thôi cũng bao gồm triết lý nhân sinh. Nếu xét ông đồ theo nghĩa đó, đem chữ Hán ra dạy chúng ta bây giờ thì chúng ta mới là người mù chữ.

Không biết mà cứ so sánh là rất dễ tự cắn lưỡi đó à nha...
 
Nguồn tham khảo: Jenny Hoàng


Jun 10, 2024

1 1 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL