Cách Chọn Trường Trung Học Mỹ & Như Thế Nào Là Chi Phí Hợp Lý
Phần lớn PH/HS là giao toàn bộ việc tìm trường, sắp đặt ăn ở cho Agent. Điều này cũng có cả 2 mặt: tốt và ...không tốt. Nếu gặp được một nhân viên tư vấn giỏi, am tường hệ thống giáo dục Mỹ, có “tâm” (và chút may mắn nữa) sẽ ổn. Nhưng lấy gì làm “thước đo” kiểm định, đối chiếu về…lòng tốt của ai đó nhỉ?.
Bài viết này, hy vọng giúp PH/HS có thêm thông tin để tham gia vào quá trình ra quyết định chọn trường cho con:
1. XẾP HẠNG/ RANKING CÁC TRƯỜNG HIGHSCHOOL:
Có nhiều tổ chức xếp hạng (ranking) các trường trung học tại Mỹ, nhưng theo tôi Niche có lẽ là dễ hiểu, dễ so sánh, dễ đánh giá và dễ tham khảo nhất. Quan điểm của tôi là chỉ nên tin vào Niche tầm khoảng 75% thôi.
- Cách xem về ranking của Niche như sau: Đầu tiên ta nên xem “cấp tổng thể” (Overall Grade). Niche xếp tất cả có 9 mục ranking như sau, theo A,B,C. Trong đó có: C (C-, C, C+); B (B-, B, B+) và A (A-, A, A+). Khoảng cách giữa các A, B,C là đáng để tâm trong phép so sánh này. Nhưng khoảng cách giữa các +, - là không đáng kể (ví dụ: A và A-; A và A+ hay giữa B+ và A-)
- Cần xem các chỉ số phụ trong Overall Grade: Bao gồm 6 mục và cũng có ranking A,B, C như trên:
1.1. Academics(học thuật/ nghiên cứu): Đây là mục vô cùng quan trọng, khi bạn thấy có “Average SAT” và “Average ACT”, điểm trung bình càng cao thì trường đó có ranking về hạng mục này tốt. Trong Academics này, còn có cả “Popular Colleges”, danh sách các trường đại học mà học sinh trường này đỗ vào. Điều này cũng giúp bạn đánh giá một phần chất lượng giảng dạy của trường với các thế hệ học sinh đã tốt nghiệp trước đó.
1.2. Tearchers(giáo viên): Ranking phần này bạn cần lưu ý phần “Student – Teacher Ratio”, tức là tỉ lệ giáo viên trên đầu học sinh. Hiện nay mức trung bình của các trường trung học Mỹ là 17:1 (tức 17 học sinh sẽ có 1 giáo viên). Vì vậy, mức càng thấp thì sự chăm chút giáo viên với HS càng cao.
1.3. Clubs & Activities (câu lạc bộ và các hoạt động ngoại khóa)
1.4. Diversity (đa dạng)
1.5. College Prep(dự bị đại học): Trường nào càng có nhiều môn AP thì trường đó càng có chất lượng, bởi có nhiều giáo viên có bằng ThS/ Tiến sĩ dạy môn AP và cũng nhiều học sinh giỏi mới có nhu cầu theo học môn AP. Mức trung bình của trường tốt (A và A+) sẽ cò tầm 7-10 môn AP. Những trường có trên 30 môn AP là nhóm các trường chuyên của Mỹ (ví dụ trường chuyên công lập Indina Academy có tới 35 môn AP vì gần như 99% giảng viên là Tiến sĩ)
1.6. Spots (các môn thể thao/ thể chất)
Trong này nếu có mục Boarding thì đó là trường có nội trú. Theo tôi, trường có tỷ lệ boarding quá cao thì không nên chọn. Ví dụ boarding trên 50%, tức là trường ấy có số lượng DHS quốc tế chiếm hơn một nửa sĩ số học sinh của trường. Cũng cần lưu ý rằng, rất nhiều trường tư của Mỹ có cả 3 cấp học (cấp 1,2,3). Nếu boarding trên 20%, thì cũng rất có thể trường ấy có trên 50% DHS quốc tế (vì DHS thường đến Mỹ du học từ lớp 9 trở lên). Nếu quá nhiều DHS quốc tế sẽ không giúp cho các em có nhiều cơ hội học hỏi văn hóa Mỹ, tạo dựng tình bạn (networking) cùng học sinh bản xứ sau này.
2. THẾ NÀO LÀ CHI PHÍ HỢP LÝ?
Đây là vấn đề khó khăn nhất đối với PH/HS. Như bạn biết, tổng phí sẽ bao gồm: học phí, bảo hiểm, sách vở, hoạt động ngoại khóa, ăn ở và phí quản lý. Niche chỉ xếp hạng các tiêu chí một cách tổng thể, chứ không xếp hạng về mức độ đắt rẻ sinh hoạt phí của đô thị mà từng trường đặt cơ sở tại đó. Vì vậy, tôi xin tách ra các nhóm mục như sau để dễ so sánh.
2.1. Học phí:
(chỉ thuân túy là học phí): Phần lớn trường highschool Mỹ đều có 2 mức giá cho HS trong nước và quốc tế (DHS thường cao hơn từ 1.500 – 5.000 USD/ năm). Tùy vào từng trường, cấp độ ranking mà mức học phí sẽ dao động từ 7.000 - 35.000 USD/ HS/ năm
- Nhóm trường ranking C: mức học phí trung bình 6.000 - 10.000 USD/ năm
- Nhóm trường ranking B: mức học phí trung bình 8.000- 15.000 USD/ năm
- Nhóm trường ranking A: mức học phí trung bình 13.000 – 30.000 USD/ năm
2.2. Phí ăn ở:
Thông thường phí ăn và ở sẽ không tách rời nhau ở bậc học phổ thông. Nếu chọn các trường boarding hoặc homestay (do các công ty tư vấn du học phối hợp với trường sắp đặt thông qua dịch vụ bên thứ 3), có thể họ sẽ không công khai và phí quản lý sẽ ẩn luôn trong hạng mục ăn, ở này. Vì vậy, ta nên hiểu phí ăn ở sẽ bao gồm cả: ăn, ở và quản lý phí
- Trường boarding: mức trung bình: 15.000 – 35.000 USD/ năm.
- Trường có dịch vụ hỗ trợ homestay: 15.000 – 25.000 USD/ năm
- Host Family (trực tiếp với các tổ chức phi lợi nhuận): 12.000 – 20.000 USD/ năm
- Chi phí thực phẩm (ăn) tại Mỹ sẽ có nhiều mức tùy thuộc vào khu vực đô thị. Ví dụ ở các thành phố trên 100.000 dân (khu vực bờ Đông chẳng hạn) sẽ có mức chi phí thực phẩm từ: 8.000 – 12.000 USD/ năm. Nhưng ở các thị trấn nhỏ với dân số khoảng 10.000 -30.000 dân (midwest) thì phí thực phẩm chỉ khoảng: 6.000 -9.000 USD/ năm.
- Riêng chi phí ở: Nếu ở trong các host family (nếu các tổ chức phí lợi nhuận và nhà thờ vận động, tìm kiếm thì sẽ được miễn phí). Tuy nhiên, không có nhiều trường đạo có bộ phận này để hỗ trợ, họ thường kết hợp với các công ty/ tổ chức có chức năng để hỗ trợ, tìm giúp các GĐBT (hoặc homestay). Những người về hưu, công việc nhàn rỗi hoặc họ phối kết hợp đưa đón con cái học cùng trường để nhận bảo trợ DHS quốc tế. Vì vậy các gia đình bảo trợ này sẽ tính đầy đủ phí thực phẩm, điện nước, xăng xe, các hỗ trợ khác vào thành tổng phí
- Quản lý phí: Đó là chi phí tìm host, quản lý DHS quốc tế khi đến du học Mỹ theo quy định của chính phủ Mỹ.
2.3. PHÍ BUS, ĂN TRƯA, SÁCH VÀ BẢO HIỂM:
Các loại phí này không đáng kể. Phần lớn host family sẽ đưa đón đi học hàng này hoặc bus của trường (khoảng 1.000 – 1.5000 USD/ năm). Bảo hiểm là bắt buộc khi du học Mỹ với nhiều mức giá mua và bồi thường khác nhau, thông thường từ 800-1.200 USD/ năm. Phí ăn trưa tại canteen của trường, sẽ do học sinh tự trả (trung bình từ 3-5 USD/ bữa). Tổng cộng các khoản này vào sẽ dao động từ 2.500 -4.000 USD/ năm
3. LỜI KHUYÊN CHO PHỤ HUYNH LỰA CHỌN:
Từ các dữ liệu và phân tích trên, PH/HS sẽ dễ dàng nhận thấy mức phí dành cho từng loại trường (ranking) như thế nào là hợp lý. Lưu ý: ở bậc trung học rất hiếm có học bổng. Các trường nội trú để mức phí thật cao (từ 45.000-75.000 USD/ năm) rồi sau đó cấp học bổng cho học sinh, thực chất đó là mức giảm giá (vì nghe bảo con mình xuất sắc nhận học bổng thì cha mẹ nào cũng tự hào, dễ móc ví ra thanh toán phần còn lại). Tất nhiên không phải học sinh nào cũng được giảm, hay biết cách xin giảm. Nếu DHS thông qua Agent thì mức phí cao này sẽ dành để (một khoản) chi chiết khấu hoa hồng môi giới theo từng năm học một . Đối với các trường có hoặc không hỗ trợ homestay, thì mức phí ăn ở sẽ bao gồm phí hoa hồng cho các công ty tư vấn du học, chứ nhiều trường học Mỹ hạn chế “xén” từ học phí để chi hoa hồng (luật Mỹ không dễ dàng chi hoa hồng ra bên ngoài)
Tôi sẽ đưa ra lời khuyên mang tính phổ quát về chọn trường & mức phí tổng cộng bao gồm tất cả các khoản, nhằm giúp các PH/HS dễ dàng chọn lựa hợp lý, như sau:
- Nếu trường có ranking C: mức phí từ 17.000 -22.000 USD/ năm
- Nếu trường có ranking B: mức từ 23.000 – 27.00.000 USD/ năm
- Nếu trường có rangking A: sẽ rất nhiều mức phí khác nhau. Nếu là A-: từ 25 - 30.000 USD; A: từ 30.000 – 35.000 USD và A+: từ 33.000 - 40.000 USD. Tất nhiên, PH/HS cần biết mức độ sầm uất của đô thị, ví dụ như một thành phố trên 100.000 dân ở bờ Đông (bang Virginia chẳng hạn) phí ăn ở sẽ chắc chắn cao hơn thành phố 30,000 dân ở miền Nam Oklahoma từ 5.000-7.000 USD/ năm.
Nước Mỹ quá sức rộng lớn với 45.000 trường trung học. Vì vậy, tôi không dám khẳng định tính bao quát đúng cho mọi khu vực, mọi hoàn cảnh. Bài viết này dựa vào kinh nghiệm cá nhân sau nhiều năm làm việc cho tổ chức giáo dục quốc tế phi lợi nhuận (YFU) đã sắp đặt cho 400 học sinh trung học của Việt Nam tham gia chương trình trao đổi tại Mỹ từ 1997 tới nay. Mong nhận thêm các góp ý bổ sung có tính xây dựng, phổ biến sự hiểu biết cho cộng đồng/ cha mẹ, giúp họ tránh những rủi ro không đáng có.
Sep 09, 2024