Cao Đẳng Cộng Đồng: Viên Ngọc Quý Của Giáo Dục Mỹ

 

Việt Nam có truyền thống tập trung đầu tư cho các trường đại học, mà ít chú trọng đến cao đẳng, dẫn tới một thời gian dài chất lượng giáo dục cao đẳng rất đáng phàn nàn. Ấn tượng về “cao đẳng” không mấy tốt đẹp ở Việt Nam, và khi phụ huynh Việt Nam dùng trải nghiệm đó để suy rộng ra cao đẳng ở nước ngoài (college) là các trường rất kém, điều đó vô cùng sai.

Một thời gian dài, tâm lý chung ở Việt Nam (gồm cả cha mẹ, học sinh lẫn nhà tuyển dụng) là chỉ chuộng các đại học lớn ở Mỹ (national universities) do tên của nhóm đại học này thường gắn với các thành phố hay bang nổi tiếng, như California, Texas, New York, Boston, Washington… mà chúng ta quen thuộc qua điện ảnh, truyền thông. Điều đó dẫn tới việc rất nhiều người không hề biết về nội lực và thế mạnh của các đại học khai phóng (liberal art college) và lầm tưởng đó là các đại học kém cỏi do có chữ “college” (cách dịch trong tiếng Việt là “cao đẳng”).

Rồi ngay cả khi ở Việt Nam quen thuộc với cả đại học nghiên cứu (national univerisities) và đại học khai phóng (liberal art colleges) trong 10 năm trở lại đây nhờ bảng xếp hạng của US News thì đại đa số vẫn còn bỏ quên một nhóm đại học nữa của Mỹ mà tôi gọi là các viên ngọc quý (hidden gem), đó là cao đẳng cộng đồng (community colleges).

Các trường cao đẳng cộng đồng có tính mở cao, nhưng điều đó không có nghĩa là các trường này đào tạo kém. Trái lại, hệ thống cao đẳng cộng đồng Mỹ có những thế mạnh đặc biệt:

- Đầu vào mở: cao đẳng cộng đồng dành cho sinh viên từ 16 tuổi tới những người lớn tuổi đăng ký, do vậy người đã đi làm vẫn có thể có cơ hội học tập phù hợp tại đây, cũng như học sinh Việt Nam có thể đi học cao đẳng cộng đồng sớm từ năm 16 tuổi. Các điều kiện tuyển sinh cũng không đặt nặng điểm thi SAT, TOEFL hay điểm trung bình phổ thông (GPA) cao để loại thí sinh. Thí sinh có lịch sử học hành khác biệt, bị gián đoạn hay bằng cấp không chuẩn cũng có thể thi GED (kỳ thi đánh giá năng lực phổ thông, tương tự bằng bổ túc trung học) để vào học cao đẳng cộng đồng.

- Lấy bằng cao đẳng trong thời gian ngắn và có nghề nghiệp sớm: Các trường cao đẳng đào tạo theo định hướng nghề cụ thể, sinh viên lấy bằng cao đẳng (Associate Degree) sau 2 năm và có thể đi làm sớm.

- Có thể học liên thông lên 2 năm cuối đại học để lấy bằng cử nhân 4 năm ở đại học (national universities hoặc liberal art colleges). Hằng năm, một số lượng lớn sinh viên tại Mỹ học liên thông từ cao đẳng cộng đồng lên đại học 4 năm theo mô hình 2+2.

- Sinh viên có bằng cao đẳng hoàn toàn có thể chuyển tiếp vào được các đại học danh tiếng hàng đầu. Việc chuyển tiếp được đến đâu là do sức học của sinh viên, chứ không phụ thuộc vào tấm bằng cao đẳng, do hệ thống liên thông tín chỉ giữa các cao đẳng và đại học Mỹ đều được các tổ chức kiểm định vùng công nhận.

- Học phí cao đẳng cộng đồng rất ưu đãi (trên dưới 10.000 USD/năm), khoảng bằng 50% học phí của sinh viên bang nhà (home state tuition) ở Mỹ, bằng 1/4 học phí dành cho sinh viên quốc tế ở các đại học công, và bằng 1/6 các đại học tư. Tại Việt Nam, rất nhiều học sinh chỉ tập trung tìm kiếm học bổng của các đại học vốn rất cạnh tranh, và khi không thể có học bổng, thì đã vội vàng từ bỏ “giấc mơ đại học Mỹ” mà quên rằng chính các trường cao đẳng cộng đồng, với chi phí học tập rất thấp, đã mở cánh cửa giấc mơ cho tất cả học sinh.

- Điều kiện dạy và học của cao đẳng cộng đồng rất tốt, chỉ là họ không tập trung vào nghiên cứu mà tập trung cho giảng dạy và đào tạo nghề nghiệp cho sinh viên mà thôi. Môi trường học tập ở cao đẳng cộng đồng cũng rất tốt với cơ sở vật chất đầy đủ, lớp học nhỏ, nhiều tính tương tác, chương trình chuẩn mực, giảng viên tốt và tâm huyết.

Với học sinh Việt Nam, các em hoàn toàn có thể đi học cao đẳng cộng đồng Mỹ từ năm 16 tuổi, và sau 2 năm thì hoặc lấy bằng cao đẳng đi làm ở tuổi 18, hoặc chuyển tiếp học 2 năm cuối đại học lớn để nhận bằng tốt nghiệp đại học vào năm 20 tuổi.

Có rất nhiều trường cao đẳng cộng đồng tốt ở các bang California, Texas, Florida…

Ngay tại Việt Nam, có mô hình trường community college nổi bật là Broward College, nơi học sinh có thể học 2 năm rồi chuyển tiếp sang các trường đại học ở Mỹ.

Nước Mỹ có gần 5.000 trường đại học, cao đẳng, và không phải nó không thể xây dựng toàn đại học hàng đầu, mà bởi điều đó không cần thiết. Luôn luôn cần những môi trường khác nhau cho những mục tiêu khác nhau, cũng như những hoàn cảnh khác nhau. Cái tôi đánh giá cao nhất của giáo dục Mỹ lại không phải ở trình độ nghiên cứu của các đại học, mà chính là “cơ hội” mà hệ thống giáo dục này tạo ra cho tất cả người học bằng tính linh hoạt và đa dạng vô cùng của nó. Điều này cũng thể hiện bản chất nhân văn của giáo dục, là tạo cơ hội cho bất cứ ai muốn học tập để cải tạo bản thân, cải tạo thế giới chứ không đóng lại cánh cửa với bất cứ người học nào.

Tôi hy vọng sau bài viết này, các học sinh Việt Nam sẽ chịu khó tìm hiểu nhiều hơn về cao đẳng cộng đồng để có thêm một cơ hội nữa cho mình.

Texvn Tham Khảo Nguồn Từ Harry Bùi Khánh Nguyên - Anh Cá Heo - Diễn giả độc lập về giáo dục


Aug 18, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL