Chọn ngành khi du học cần lưu ý gì?

XÁC ĐỊNH NGÀNH HỌC LÀ BƯỚC ĐẦU TIÊN

Chọn ngành học du học là một yếu tố cốt lõi và luôn được xem là bước đầu tiên để học sinh lựa chọn ngôi trường phù hợp. Lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực và sở thích là nền tảng vững chắc giúp học sinh tìm được đam mê trong việc học và theo đuổi đúng nghề sau khi tốt nghiệp.
Để chọn được ngành, học sinh cần phải hiểu được ưu nhược điểm của bản thân, cũng như sở thích của mình. Học sinh có thể chia sẻ với gia đình, thầy cô hoặc giáo viên định hướng (student tutor), cũng có thể làm các bài phân tích khoa học như Holland Code để tham khảo về nhóm ngành nghề phù hợp mình.

THAM KHẢO NHU CẦU VỀ NHÂN LỰC TRONG THỊ TRƯỜNG VIỆC LÀM

Xu hướng của thị trường lao động cũng như khả năng tài chính của gia đình cũng là những yếu tố học sinh nên cân nhắc. Thông qua đó, học sinh sẽ nắm được những ngành nghề nào có nhu cầu về nhân lực tăng cao, những ngành đang ổn định và ngành nào đang có xu hướng giảm về nguồn nhân lực. Từ đó, học sinh có thể tự mình chọn được những ngành nghề nổi bật để nâng cao cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Học sinh có thể chủ động tìm hiểu, tra cứu thông tin trên các trang tin tức mạng, các nền tảng tìm việc địa phương/quốc tế như LinkedIn, CareerBuilder, Glassdoor,... hoặc liên hệ giáo viên hướng nghiệp.

CHÚ TRỌNG CƠ HỘI LÀM VIỆC, ĐỊNH CƯ TRONG TƯƠNG LAI

Mỗi năm, chính phủ các nước thường sẽ cập nhật chính sách nhập cư, chính sách visa, cũng như học bổng chính phủ dành cho nhiều ngành nghề, đặc biệt là những ngành nghề thiếu nhân lực sẽ được ưu tiên việc làm và có cơ hội định cư cao.
Ví dụ như chính phủ Úc hằng năm đều cập nhật danh sách các nghề được ưu tiên tại danh sách Skilled Occupation List (SOL), học sinh có thể chủ động lên các trang thông tin chính phủ của nước mục tiêu để theo dõi, hoặc liên hệ ban cố vấn du học.
Việc chọn ngành học phù hợp với bản thân, xác định các ngành học được chính phủ nước bản địa ưu tiên sẽ giúp du học sinh có cái nhìn đa chiều và nhiều lựa chọn hơn, từ đó chạm gần hơn đến cơ hội làm việc và định cư sau khi tốt nghiệp.

CÁC BƯỚC CHỌN NGÀNH, CHỌN TRƯỜNG KHI DU HỌC

Bước 1: Nắm rõ mong muốn, mục tiêu của bản thân
Nhận diện bản thân chính là bước khởi đầu vô cùng quan trọng để các học sinh có thể hệ thống những mục tiêu học tập. Từ đó, học sinh mới có thể có những định hướng và ý tưởng về ngành nghề phù hợp với mình trong tương lai. Học sinh nên chọn trường có thế mạnh trong lĩnh vực ngành nghề mình muốn theo đuổi.
Học sinh có thể tra cứu danh sách các trường theo ngành ở một số bảng xếp hạng danh tiếng như THE, QS ranking,… Hoặc tham gia các buổi hội thảo du học để lắng nghe chia sẻ và tư vấn từ các chuyên gia, cựu học sinh sinh viên trong ngành
Bước 2: Tham khảo bảng xếp hạng các trường theo nhiều tiêu chí khác nhau
Sau khi tham khảo các trường theo ngành nghề mong muốn, học sinh có thể đi vào tra cứu cụ thể hơn. Ví dụ nếu học sinh muốn học ĐH lên Thạc sĩ thì có thể ưu tiên tiêu chí có khóa học Thạc sĩ khi tìm trường, hoặc tiêu chí về nghiên cứu, công trình khoa học,…
Tùy theo ngành nghề mà các tiêu chí đánh giá có thể khác nhau, và khi đánh giá theo từng tiêu chí thì thứ hạng của các trường cũng sẽ có thay đổi. Học sinh cần định hướng được lộ trình của mình và dựa vào đó để chọn lọc thứ tự các trường ưu tiên nộp hồ sơ.
Bước 3: Tìm kiếm học bổng và chi phí du học
Săn học bổng du học là mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều sinh viên quốc tế bởi học bổng không chỉ là minh chứng cho năng lực bản thân mà còn là bí quyết giúp học sinh giảm áp lực tài chính khi du học.
Hai yếu tố cốt lõi quyết định khả năng ứng tuyển học bổng của học sinh đó là:
  • Kết quả học tập, các bài kiểm tra chuẩn hóa quốc tế: Sở hữu những chứng chỉ, giải thưởng hoặc các hoạt động ngoại khóa liên quan tới ngành ứng tuyển cũng giúp hồ sơ ứng tuyển trở nên nổi bật hơn so với các hồ sơ còn lại.
  • Bài luận thể hiện mục tiêu học tập, các vòng phỏng vấn: Tuy không phải nước nào cũng yêu cầu học sinh viết bài luận hay phỏng vấn, nhưng nếu có thì đây sẽ là yếu tố các học sinh cần tìm hiểu và đầu tư để có cơ hội nhận được học bổng, bởi đây là yếu tố quan trọng để học sinh thể hiện sự độc đáo, định hướng của mình để gây ấn tượng với nhà trường.
Bước 4: Ưu tiên môi trường học tập chất lượng
Môi trường học tập cởi mở, chất lượng cao cũng là một yếu tố các học sinh cần lưu ý khi chọn ngành, chọn trường du học. Ngoài chất lượng đào tạo hay mức học phí, môi trường học tập thoải mái cũng là một tiêu chí quan trọng giúp học sinh có thể học tập hiệu quả trong suốt những năm đại học.
Môi trường học tập sẽ bao gồm các khía cạnh về sinh viên, giảng viên, danh tiếng, hoạt động ngoại khóa… Lựa chọn được một trường phù hợp sẽ giúp cho cuộc sống du học của các học sinh trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
 
Sắp tới Nisai có một buổi giao lưu trò chuyện với chuyên gia trong ngành giáo dục với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn và đồng hành cùng học sinh trong lộ trình du học quốc tế. PHHS quan tâm tìm hiểu thêm kinh nghiệm về cách hỗ trợ và chuẩn bị cho con du học ĐH quốc tế có thể đăng kí theo link trong comment.
 
Nguồn: https://www.facebook.com/groups/4564924543574991/permalink/7137053633028723/


May 05, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL