Chọn Trường Khi Nộp Hồ Sơ Đại Học Mỹ

CHỌN TRƯỜNG KHI NỘP HỒ SƠ ĐẠI HỌC MỸ

Nộp hồ sơ vào đại học là quan trọng nhất, vì bằng cử nhân đại học liên quan trực tiếp đến tương lai của một người, và nộp hồ sơ vào đại học Mỹ là một trong những việc khó khăn nhất, vì hệ thống giáo dục đại học của Mỹ có quá nhiều lựa chọn.

Thông thường, việc nộp đơn không chỉ đòi hỏi kiến thức lý thuyết, mà những kinh nghiệm (dù của chính mình hay được chia sẻ từ người khác) cũng vô cùng hữu ích, vì việc nộp đơn đại học chỉ diễn ra 1-2 lần với cả đời học sinh. Nếu cha mẹ và thầy cô để các em làm sai, có thể lỡ mất cơ hội tốt, hoặc mất thời gian đợi 1-2 năm sau.

Bài viết dưới đây chia sẻ một số thông tin và kinh nghiệm mà tôi hỗ trợ cho trường hợp học sinh ứng tuyển đại học Mỹ. Khi thực hiện, tôi phải sử dụng kiến thức, kinh nghiệm của chính mình cũng như khởi động mạng lưới network liên quan của mình để xử lý vấn đề.

1. Bạn muốn sống ở thành phố nào?

Nước Mỹ quá lớn, mỗi một bang lớn như một quốc gia riêng, trong đó có những bang, ví dụ California lớn hơn cả nước Việt Nam. Do vậy, cần xác định cụ thể là bạn muốn đến bang nào, và cụ thể là thành phố nào, vì cũng lại chỉ riêng bang California thôi đã có tới 482 thành phố.

Các bang có cộng đồng người Việt đông đảo là California, Texas, Florida, Washington, New York với khoảng hơn 40% người Việt tập trung tại các thành phố theo thứ tự lần lượt là Los Angeles (LA), San Jose, Houston, San Francisco và Dallas-Fort Worth. Cộng đồng Việt kiều ở Mỹ là đông đảo nhất, khoảng hơn 2 triệu người (trong tổng số 5 triệu người Việt sống ở hải ngoại trên toàn thế giới). Với một số sinh viên, được sống gần cộng đồng người Việt là một ưu tiên, với một số khác, việc đó không quan trọng khi ở nước ngoài.

Nếu đã nhắm một thành phố cụ thể nào đó, sinh viên có thể tìm trường theo khu vực của thành phố đó hoặc bang cụ thể. Ví dụ, sinh viên nhắm vào các đại học thuộc bang California, bang New York, bang Texas, bang Florida… Hoặc nhắm vào bang California nhưng chọn các trường ở tiểu bang gần đó như Oregon, Arizona, Nevada…

Những thứ liên quan đến một thành phố cụ thể là khí hậu, giao thông, cơ hội việc làm, văn hóa... Các bang nằm ở phía bắc hoặc vùng Đông Bắc (New England) thường lạnh, có tuyết, trong khi các bang miền nam nóng - ấm, các bang miền Tây ôn hòa. Hãng hàng không Vietnam Airlines đã có chuyến bay thẳng tới bờ Tây (San Francisco) của Mỹ, trong khi bay hãng khác có thể phải chuyển tiếp ở Đài Loan, Nhật Bản, vv… Một số sinh viên chọn các đại học tại hoặc gần Seatle, San Jose, San Francisco… vì các cơ hội thực tập hay làm việc cho các hãng công nghệ lớn, ví dụ các công ty trong thung lũng Silicon ở San Francisco (Bắc California). Văn hóa của nước Mỹ cũng khác nhau giữa các vùng North, South, West, Midwest. Do vậy, việc chọn vùng văn hóa nào cũng là một việc đáng cân nhắc.

2. Có nên chọn trường theo bảng xếp hạng không?

Có. Nên dùng bảng xếp hạng để chọn trường cho nhanh. Mặc dù có các bảng xếp hạng của đại học thế giới như Times Higher, QS hay ARWU, bạn nên sử dụng bảng xếp hạng của Mỹ cho đại học Mỹ.

US News (đầy đủ là US News & World Report) là một bảng xếp hạng của Mỹ rất phổ biến, trong đó các đại học được chia ra các nhóm khác nhau:

National Universities: đại học quốc gia, thường là đại học nghiên cứu, bao gồm nhiều trường bên trong (college hay school), đào tạo từ cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ. Mỗi bang đều có các đại học công lập và tư thục tiêu biểu thuộc nhóm này.

Regional Universities: đại học vùng, thường đào tạo nhân lực cho bang nhà hoặc một khu vực. Tên gọi của các đại học vùng có thể không quen thuộc lắm với phụ huynh và học sinh Việt Nam do ít xuất hiện trên truyền thông của Việt Nam.

National Liberal Arts Colleges: các đại học khai phóng, tập trung vào giảng dạy ở bậc cử nhân hơn là nghiên cứu, sĩ số lớp học thường nhỏ. Thế hệ du học sinh gần đây đã biết rằng LAC là “khoa khôi” trong làng đại học của nước Mỹ chứ không phải “cao đẳng” giống trường cao đẳng của Việt Nam.

Regional Colleges: là các đại học của khu vực, đào tạo nhân lực cho vùng, có thể cấp bằng cử nhân 4 năm cho các ngành nghề cụ thể, ít nghiên cứu.

Communities Colleges: Đại học cộng đồng, thường đào tạo 2 năm, cấp bằng Associate Degree (AS hoặc AA), tương đương bằng cao đẳng. Sinh viên đại học cộng đồng thường chuyển tiếp vào học 2 năm cuối tại các đại học khác nói trên để nhận bằng đại học 4 năm.

Cần lưu ý là trong hệ thống giáo dục Mỹ, cả chữ “University”, “College” và “School” đều có thể dùng cho một trường đại học. Không nên nhầm lẫn rằng “University” là đại học, “College” là cao đẳng, và “School” là trường phổ thông. Có nhiều trường mang chữ College nhưng là các đại học nghiên cứu hàng đầu, trong khi có nhiều trường dùng chữ University lại giữ vai trò chỉ như một đại học cộng đồng hay cao đẳng.

Thêm nữa, rất nhiều đại học dùng chữ “State” nhưng không phải là đại học công lập của chính quyền bang lập ra, hay là đại học tiêu biểu (flagship) của bang đó. Đó hoàn toàn chỉ là tên gọi. Rất nhiều đại học dùng tên chính thức của bang, dùng luôn chữ “State” nhưng lại là một đại học nhỏ, một đại học tư.

Bảng xếp hạng của US News cho phép bạn chọn ra các trường học thường là được kiểm định vùng và đáng tin cậy. Trong số khoảng 4.000 đại học có cấp bằng ở Mỹ, US News chỉ xếp hạng khoảng 1.500 trường. Do vậy, các trường lọt vào top 100, 200 của đại học quốc gia đã là các trường rất lớn.

Tuy nhiên, bảng xếp hạng của US News có những tiêu chí riêng, do vậy nó không hoàn hảo. Ví dụ, vì US News chọn tiêu chí xếp hạng bao gồm tỷ lệ giảng viên trên học sinh, nên nhiều trường công đông sinh viên gặp bất lợi. Đó là lý do có nhiều ý kiến cho rằng các đại học công lập xuất sắc của bang California như UCLA, UC Berkeley hay của bang Texas như UT Austin, Texas A&M… thực sự không thua kém gì các đại học Ivy League, nhưng vì có tiêu chí này mà bị xếp hạng thấp hơn.

Tóm lại, nên dùng bảng xếp hạng US News trong sự “tỉnh thức” và bổ sung thêm bằng các bảng xếp hạng khác. Còn có các bảng xếp hạng khác nữa như Forbes, Wall Street Journal, Washington Monthly, Niche… Ví dụ, sau khi tìm xong một trường đại học có vị trí khoảng 200 trong bảng xếp hạng của US News, bạn đừng nghĩ “cứng” rằng trường này nằm trong top 200, vì nếu tìm tên trường trong một bảng xếp hạng khác, nó có thể nằm ở vị trí 100 hoặc 400. Điều này có thể khiến bạn hoang mang, đâu là sự thật, đâu là thứ hạng thực sự của trường? Sự thực là khi bạn đổi tiêu chí xếp hạng, thứ tự sẽ lập tức thay đổi, nên vị trí của một trường trên bảng xếp hạng chỉ có ý nghĩa TƯƠNG ĐỐI.

Để cho chắc ăn, sau khi tìm hiểu thứ hạng của trường trên bảng xếp hạng phổ biến US News rồi, thì bạn có thể dùng bảng xếp hạng khác để tìm hiểu những thông tin mà US News không có hoặc bỏ sót. Ví dụ, bảng xếp hạng Niche lại cho bạn biết trường đó xếp hạng A+, A, A- hay B, C… Rồi bạn có thể đọc review (đánh giá) của cộng đồng, bao gồm sinh viên, cựu sinh viên chia sẻ về trải nghiệm của họ. Thông tin trên bảng xếp hạng dựa trên facts (sự thực), được thống kê lại để so sánh, thường tương đối khách quan. Tuy nhiên, thông tin review theo trải nghiệm của người học, của cộng đồng cũng bổ sung những khía cạnh khác vô cùng quan trọng. Nói chung, việc học có 50% nằm ở trường như tốt - kém, và cũng có 50% nằm ở trải nghiệm riêng của mỗi người học như phù hợp - không phù hợp, thích - không thích, vv…

Có một cách khác nữa, là nếu bạn chủ ý chọn các đại học tập trung vào nghiên cứu (giống các đại học top ở Việt Nam), thì bạn có thể chọn từ danh sách của Carnegie Classifications, trong đó phân loại các trường thành R1 (highest research activity), R2 (higher research activity) và R3 (moderate research activity). Tổ chức này 5 năm mới công bố danh sách đánh giá nghiên cứu này một lần, và danh sách hiện tại bao gồm 146 trường nhóm R1, là các đại học có năng lực nghiên cứu cao nhất, đào tạo và cấp bằng tiến sĩ, có tài trợ cho hoạt động nghiên cứu rất mạnh. Bạn có thể tham khảo danh sách ở link sau:

https://carnegieclassifications.acenet.edu/institutions/?basic2021__du%5B%5D=15

Khi bạn chọn bất cứ trường nào trong danh sách này, thì có thể yên tâm đây là các đại học xuất sắc về nghiên cứu. Nếu so con số 146 đại học này với khoảng 4.000 trường tại Mỹ, thì nó chỉ chiếm khoảng 3% tổng số đại học đang hoạt động tại Mỹ.

3. Kiểm định có quan trọng không?

Có, bạn rất cần tìm một trường được kiểm định đầy đủ. Có nhiều cấp độ kiểm định, nhưng phổ biến là:

Kiểm định cấp trường (kiểm định vùng): Gọi là kiểm định vùng vì do 1 trong 6 tổ chức kiểm định trước đây tương đương với 6 vùng của nước Mỹ thực hiện, bao gồm vùng New England, Middle, Northwest, North Central, West, South. Hầu hết các trường đại học xuất hiện trong các bảng xếp hạng lớn kể trên đều được kiểm định vùng vì rất nhiều đại học Mỹ đã tồn tại trên 100 năm rồi, và chất lượng ổn định.

Kiểm định chuyên ngành: Nếu bạn học ngành kinh doanh, thì có thể chọn một chương trình có kiểm định AACSB, là một kiểm định dành cho trường, chương trình kinh doanh. Còn nếu học STEM, có thể chọn một chương trình đạt kiểm định ABET cho nhóm ngành kỹ thuật. Một số công việc làm về kỹ thuật cho chính phủ bắt buộc phải học từ trường có kiểm định ABET. Dù là một trường nhỏ, nằm ở thứ hạng thấp, ở vùng xa xôi, thậm chí vô danh nhưng nếu đạt kiểm định AACSB về kinh doanh, hoặc ABET về kỹ thuật, thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng.

Ngoài ra còn có những tổ chức kiểm định riêng cho các chuyên ngành về sư phạm (đào tạo giáo viên), luật (đào tạo luật sư), y (đào tạo bác sĩ)...

Không giống như truyền thông hoặc cộng đồng mạng ở VN thường tấn công những người học các chương trình chưa được kiểm định, việc học chương trình hay trường chưa được kiểm định không có gì sai về mặt pháp lý hay đạo đức, mà đơn giản chỉ là bằng cấp có thể không được nhà tuyển dụng chấp nhận mà thôi.

4. Bang nào có học phí tốt?

Nếu sinh viên tự trả học phí, thì có thể để ý đến một số bang có chính sách học phí tốt mà chất lượng trường tốt hơn nhiều mức phí trường thu. Ví dụ:

Bang California có các trường trong hệ thống 23 trường California State University (CSU) trong đó có nhiều trường nằm trong top 100 - 150 với mức học phí ở mức dưới 20.000 USD/năm.

Hệ thống đại học SUNY và CUNY ở New York có những trường trong top 50 và 100 với mức học phí chỉ 30.000 USD hoặc 20.000 USD/năm.

Bang Florida có học phí các đại học top 100 ở mức trên dưới 20.000 USD/năm, thấp hơn mức trung bình 27.000 USD/năm của đại học toàn nước Mỹ dành cho sinh viên ngoài bang/quốc tế.

Bang Texas có nhiều trường valued for money, cộng thêm chính sách sinh viên học trung học 3 năm ở Texas được hưởng mức học phí như sinh viên nội bang (chỉ bằng 40-50% sinh viên quốc tế).

Các bang North Carolina, Georgia, Illinois... có nhiều trường tốt trong top 100 với mức học phí khoảng 30.000 USD/năm.

Bang North Dakota/South Dakota có những trường tốt với kiểm định ABET với mức học phí chỉ 12.000 USD/năm.

Đại học Brigham Young ở Utah có mức phí chỉ 12.000 - 14.000 USD/năm cho các chương trình trong Top 100 ở Mỹ.

5. Một số ngộ nhận (myths) cần được làm sáng tỏ:

Dưới đây là một số ngộ nhận về đại học Mỹ cần được làm rõ để tránh những hiểu lầm hay định kiến:

Trường xếp hạng thấp là trường kém: Không hẳn vậy. Cần phải tìm hiểu thấu đáo chứ không nên đưa ra nhận định nóng vội. Ví dụ, có những đại học kỹ thuật (Polytechnic) đào tạo ngành STEM cực kỳ xuất sắc, nhưng chỉ tập trung vào nhóm ngành này nên trên bảng xếp hạng tổng hợp thì thứ hạng vượt ra khỏi Top 200.

Xếp hạng trường là chỉ dấu quan trọng nhất về đẳng cấp chất lượng: Không đúng, nếu bạn chọn học ngành Máy tính thì bảng xếp hạng trường chỉ để tham khảo, còn bảng xếp hạng ngành Computer Science mới quan trọng. Tương tự với các ngành học cụ thể khác.

Đại học Mỹ cứ có tiền là vào học được: Đúng là có rất nhiều lựa chọn, nhưng để được vào các đại học lớn là quá trình chuẩn bị kéo dài 3-4 năm, và để chọn trường phù hợp nhất với hoàn cảnh, tài chính, sức học, nguyện vọng cá nhân, triển vọng việc làm… để biến việc học đại học thành bệ phóng cho thành công sự nghiệp thì cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị, nghiên cứu, thực hiện. Nếu mới nộp hồ sơ tuyển sinh vào trung học, đại học ở Việt Nam mà đã kêu than thì nộp hồ sơ đại học Mỹ sẽ còn phức tạp gấp 10 lần thế, nhất là với người không rành tiếng Anh và không có kinh nghiệm với hệ thống đại học Mỹ.

Chỉ có sinh viên học dở mới vào các đại học vùng, đại học cộng đồng: Không phải vậy, tùy hoàn cảnh cá nhân, tùy từng chiến lược mà sinh viên có chọn lựa riêng cho mình. Ví dụ, trường Cal Poly SLO hay San Diego State chẳng mấy khi phụ huynh ở Việt Nam nghe tên vì không thấy trong bảng xếp hạng các trường top ở California, nhưng sinh viên Mỹ nộp hồ sơ vào rất đông, vì học phí rẻ, chất lượng tốt, nằm gần các tổ chức/công ty tuyển dụng sau này. Ở Việt Nam thường quen với tên các đại học gắn với tên các thành phố lớn nghe quen tai như Washington, New York, Texas, Chicago… nhưng không phải trường nào có tên như vậy cũng là trường tốt, trường uy tín trong khi đó rất nhiều đại học vùng, đại học khai phóng có tên rất lạ, thậm chí rất xấu với người Việt thì lại là các đại học rất tốt, hoặc được sinh viên Mỹ chọn nhiều, hoặc được các nhà tuyển dụng chào đón. Trong một chừng mực nào đó, nếu học để về nước thì bằng của National University rất có giá, còn nếu học để làm việc ở Mỹ, các Regional University có những lợi thế riêng cho việc làm sau này.

Đại học có học phí càng cao thì chất lượng càng tốt: Hoàn toàn sai. Việc thu học phí của trường tùy thuộc rất nhiều yếu tố, như địa vị của trường là trường công hay tư, chính sách học bổng của trường nhiều hay ít, trường nhận được nhiều khoản đóng góp (endowment) hay tài trợ (funding) từ chính phủ hay nhà bảo trợ không… Rất nhiều đại học tư thục có mức học phí khoảng 60.000 USD/năm có thứ hạng tương đương với một đại học công lập có mức học phí 20.000 USD/năm. Cũng có đại học duy trì chính sách học bổng, nên nếu thu học phí 60.000 USD, cấp học bổng 30.000 USD (50%) thì vẫn còn cao hơn một trường khác học phí 20.000 USD. Cũng có thể hiểu là vào học một trường công có học phí 30.000 USD là đã tương đương nhận học bổng của một trường thu học phí 60.000 USD mà cấp học bổng 30.000 USD.

Đại học công tốt hơn đại học tư: Không đúng, do đại học tư ở trong nước chưa phát triển và khẳng định được uy tín nên nhiều người Việt mang định kiến này sang việc chọn trường ở nước ngoài. Thực tế cả đại học công và tư đều có những trường cực kỳ tốt, tốt nhất ở Mỹ và thế giới, nhưng cũng bao gồm cả những trường dở hơn cả đại học ở Việt Nam.

Tóm lại, chọn trường đại học Mỹ là một quá trình rất phức tạp mà cha mẹ không nên coi nhẹ. Khi chọn được đúng trường, thì phần thưởng chính là một mội trường tích cực để đào tạo nên một thanh niên có tư duy tốt, kỹ năng tốt, một người lao động có năng lực phù hợp để làm chủ thời đại chứ không đi sau thời đại.

 


Aug 12, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL