Đại Học Mỹ 1: Đại Học Mỹ Không Nhất Thiết Phải Khó và Đắt
IVIES và Top 50 là những câu lạc bộ elite
Sáng nay thấy nhiều phụ huynh chia sẻ hai bài viết "Đường vào đại học Mỹ" của chị Lâm Vân An cho tôi và hỏi cô ơi có đúng vậy không. Khi mọi người hỏi có đúng vậy không thì thường họ cảm thấy hoang mang và không dám chắc lựa chọn của mình có chuẩn không. Tôi muốn đóng góp thông tin và bổ sung một vài đánh giá giúp phụ huynh và học sinh, nếu muốn đi học ở Mỹ, vẫn có thể tìm con đường phù hợp với mình.
Trước hết phải khẳng định hai bài của chị An rất chính xác về thông tin và hữu ích cho học sinh và phụ huynh nhắm tới Top 50 trường danh giá nhất nước Mỹ. Đúng như những gì chị chia sẻ, để vào được các trường này là cuộc chiến khốc liệt. Tôi có thể nói thêm là trên thực tế, sự cạnh tranh vào các trường này còn căng hơn thế, nếu bạn là học sinh quốc tế và là học sinh Việt Nam. Từng làm tuyển sinh cho NYU Abu Dhabi (acceptance rate 2-3% còn thấp hơn Harvard hay Stanford) và sau đó làm cố vấn giáo dục đại học cho một trường Top 3 Trung Quốc (5000 học sinh cấp 2-3), với ~90% học sinh tốt nghiệp chỉ nộp hồ sơ đi Mỹ, tôi sẽ giúp các bạn hình dung rộng hơn về việc nộp hồ sơ vào đại học Mỹ từ hai phía, mà giới chuyên môn trong công tác tuyển sinh đại học chúng tôi gọi là “two sides of the desk¨.
Tất cả các yếu tố tuyển sinh như đề cập, bao gồm các nhóm học sinh được ưu tiên (sport scholarship, legacy, donation, v.v.) đều nằm trong một khung lớn gọi là ưu tiên của tổ chức (institutional priorities). Trong khung này còn một vài yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đỗ của những học sinh còn lại, không nằm trong các nhóm ưu tiên: Diversity và Affirmative Action. Diversity là chính sách tuyển sinh đảm bảo sự đại diện đa dạng về sắc tộc và quốc tịch của sinh viên trong một khóa tuyển sinh, được thực hiện phổ biến hơn ở các trường tư. Còn Affirmative Action là một luật do Tổng thống Kenedy ký (Sắc lệnh 10925) năm 1961, yêu cầu các công ty và các trường đại học phải thực hiện tuyển sinh/tuyển dụng “đảm bảo rằng các ứng viên được tuyển chọn và được đối xử bình đẳng trong quá trình làm việc, bất kể chủng tộc, tín ngưỡng, màu da hay nguồn gốc quốc gia của họ”. Chính sách này được thực hiện ở cả trường công và trường tư. Nói nôm na là các trường đều có chỉ tiêu cho từng quốc tịch, và cộng điểm (hoặc hạ thấp tiêu chí, giống kiểu cộng điểm đại học cho khu vực miền núi ở VN) cho học sinh da màu hoặc thiểu số. Vậy một học sinh VN (mang quốc tịch Việt Nam) còn phải cạnh tranh với những học sinh trong những nhóm ưu tiên này nữa, các bạn sẽ được xét hồ sơ trong nhóm “học sinh quốc tế". Nếu như Yale tuyển mỗi năm khoảng ~1500 sinh viên cử nhân, Harvard khoảng ~1800 sinh viên, mà số sinh viên quốc tế tại các trường đại học này chỉ quanh quanh từ 5-12%, các bạn hãy làm phép tính cho mình. Nếu nộp hồ sơ vào Yale, các bạn sẽ cạnh tranh với học sinh toàn thế giới cho ~150 suất, chỗ còn lại là dành cho học sinh Mỹ. Chia con số này theo chỉ tiêu quốc tịch, nếu một năm Việt Nam có 2 bạn vào cùng 1 trường Ivies, thì đây đã là con số quá lớn.
Khi tôi làm việc ở một trường phổ thông hàng đầu ở Bắc Kinh, số học sinh TQ nộp hồ sơ vào các trường đại học top đầu nhiều không đếm hết. Và hồ sơ của các bạn TQ thì rất tiếc là học sinh VN không thể cạnh tranh được vì rất nhiều lý do. Năm 2016 đại diện tuyển sinh Harvard đến trường tôi để trao đổi với học sinh và phụ huynh về chính sách tuyển sinh, hội trường 4000 chỗ của trường tôi chật kín không còn chỗ đứng. Khi một phụ huynh hỏi “Con tôi phải làm gì để đỗ Harvard?” đại diện của Harvard đùa: “Có lẽ cháu nên có huy chương vàng Thế vận hội.” Cuối giờ tôi hỏi họ năm trước họ nhận bao nhiêu học sinh từ Trung Quốc Đại lục, và con số đó là 6, trong đó 2 suất dành cho con cán bộ Trung ương, ví dụ như con bác Tập. Nên cánh cửa còn hẹp hơn những gì chị An đề cập. Với dân số 1.4 tỉ mà trung bình một năm 4-5 cháu vào được Harvard, thì ở VN nếu có bài nào giật tít con nhà ai đó đỗ Harvard, phụ huynh nên bỏ qua. Hãy nhớ rằng con nhà mình không bao giờ là “con nhà người ta”.
Thông tin về student loans có thể khiến phụ huynh e ngại, nhưng nếu là học sinh quốc tịch Việt Nam, các bạn không thể vay/mượn quỹ này để chi trả việc học, nên student loans không áp dụng. Thông tin này rất hữu ích cho những gia đình đã có PR và quốc tịch Mỹ. Tuy nhiên nếu bạn muốn xin hỗ trợ tài chính (FA) thì như chị An đề cập, Ivies và các trường top không bao giờ trao học bổng theo thành tích merit (vì đứa nào nộp vào mấy trường này chả hồ sơ khủng), nhưng cho FA. Nhưng khi xin FA thì học sinh Việt Nam rất dễ rơi vào cái bẫy trung bình. Thông thường các gia đình muốn cho con du học đều đã chuẩn bị tài chính nhất định, nhưng con số USD 70-80k là quá lớn và họ đều muốn có thể xin hỗ trợ tài chính khoảng 50%. Ở khâu này các bạn không thể cạnh tranh với học sinh ở Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, vì đa phần họ không xin FA nếu nộp hồ sơ vào trường Top. Đặc biệt trong văn hóa Trung Quốc, xin FA bị nhìn nhận như đi xin bố thí, không phụ huynh nào muốn, họ sẵn sàng nhịn ăn và trả toàn bộ tiền học cho con để giữ thể diện. Nhưng ở VN thì phụ huynh nhìn nhận FA y như học bổng (thậm chí gọi là học bổng toàn phần) và rất hãnh diện nếu con đạt học bổng hay FA, nên ai cũng muốn xin FA ít nhiều. Nhưng thử tưởng tượng bạn là nhà tuyển sinh của một trường đại học tư trong top 50, xét hai hồ sơ mạnh ngang nhau, một bạn xin FA 40k và một bạn đóng hết 80k, bạn sẽ chọn ai. Tiền đó bạn dùng để hỗ trợ một học sinh giỏi và hoàn toàn không có khả năng chi trả ở châu Phi, Nam Mỹ, hay trung Á có lợi cho trường hơn nhiều, vì với một học sinh bạn đạt nhiều tiêu chí của ưu tiên tổ chức hơn nhiều. Bạn có nhớ cô bé ở UNIS có mẹ làm lao công đỗ Harvard. Báo chí tung hô thành tích của cô bé đó, nhưng các bạn không nên bỏ qua chi tiết “mẹ là lao công".
Nếu không nhắm đến các câu lạc bộ nhà giàu, con đường đến Mỹ của bạn vẫn rộng mở
Những thông tin trong hai bài của chị An và phần trên đây không hoàn toàn là bức tranh toàn bộ nền giáo dục đại học tại Mỹ. Thực tế trong công việc hướng dẫn giáo dục đại học trên 10 năm qua, tôi thấy nhu cầu đi học đaị học ở Mỹ vẫn rất lớn. Cả thế giới đổ về Mỹ và quốc gia này vẫn luôn thu hút sinh viên quốc tế mạnh nhất, không phải chỉ vì top 50 các trường trong câu lạc bộ nhà giàu kia, mà chính vì những trường còn lại trong số gần 5000 các đơn vị đào tạo sau phổ thông khác.
Nếu nhìn nhận đúng đắn về ranking (các bạn tham khảo bài về ranking của chị Nguyễn Yến Khanh và không ham hố chạy theo brand (top 50) thì giáo dục Mỹ vẫn rất nhiều tính ưu việt. Một cách giảm chi phí rất hiệu quả cho sinh viên quốc tế (mà bài chị An có đề cập) là đi học ở một trường cao đẳng cộng đồng 2 năm đầu (tổng chi phí cả ăn ở đi lại khoảng trên 20k tùy bang), sau đó chuyển tiếp lên 2 năm chuyên ngành ở một đại học công lập hoặc đại học bang (state uni) có liên kết với trường cao đẳng cộng đồng của bạn. Chi phí hai năm sau có thể cao hơn một chút nhưng vẫn không thể đắt bằng các trường tư, và thường thì đến năm thứ 3 các bạn hầu hết có thể xin việc tại trường (on-campus jobs) hoặc xin học bổng từ các nguồn bên ngoài trường để giảm chi phí chung.
Nếu các bạn tìm đến những trường tư thục khai phóng (LACs) ngoài top 50 kể trên, các bạn sẽ thấy cơ hội rất lớn. Họ có đủ tài chính để hỗ trợ sinh viên quốc tế khá hào phóng nhưng lại không quá cạnh tranh, chủ yếu do học sinh quốc tế hoặc không biết đến họ, hoặc lao đầu vào bức tường đá Top 50. Một nhóm các trường này gọi là Colleges that Change Lives (CTCL) có chất lượng đào tạo cực tốt, cơ sở vật chất không thua kém một trường đại học danh giá nào và là nguồn cung cấp sinh viên sau đại học xuất sắc cho chính các trường Ivies (sau đại học ở Ivies lại không khó vào như bậc cử nhân). Đôi khi cơ hội vào bậc sau đại học ở Harvard từ một trường CTCL còn cao hơn từ chính Harvard College. Tất nhiên trong nhóm CTCL này vẫn có những trường trong nhóm 50 kia, các bạn có thể bỏ qua, nhưng các trường còn lại rất đáng cân nhắc. Một ví dụ cụ thể là Augustana College, đến nay tôi đã có 5 học sinh đi học với toàn bộ chi phí (cả học phí, ăn ở ký túc xá và tiền bảo hiểm) chưa đến 25,000 USD một năm sau khi nhận FA lên đến 40 hoặc 45k, hai bạn giờ đang học post-grad ở các đại học lớn. Các trường này không hề cạnh tranh nên hồ sơ của các bạn không cần quá khủng, và FA thì hoàn toàn do nhu cầu xin của gia đình (need-based). Website của các trường này trong comment, các bạn tham khảo.
Hoặc một số đại học tư quy mô lớn như Drexel, Northeastern vừa cho một số học bổng và FA ở đầu vào, vừa có chương trình thực tập có lương (co-op) được đảm bảo trong chương trình học, sau hai năm đầu chi phí có thể rơi vào khoảng 35-40k, các bạn đi làm với mức lương khá cao và giảm chi phí đáng kể. Tôi có hai học sinh tại Drexel và Northeastern 3 năm cuối vừa học vừa thực hiện chương trình co-op với mức lương gần 30,000USD/năm, nên giảm chi phí học tập và sinh sống xuống mức hoàn toàn có thể chi trả. Tất nhiên cơ hội này phụ thuộc rất nhiều vào ngành học lựa chọn của bạn. Nên việc chọn trường đaị học luôn gắn liền với hướng nghiệp thực tế và thông minh.
Ngoài ra nếu các bạn hướng đến các trường bang phía nam hoặc các tiểu bang đang có chính sách thu hút sinh viên quốc tế như Utah, Montana, Texas, Florida, Tennessee, v.v. thì chi phí học tập cũng không quá lớn vì học phí trường bang thường thấp hơn khá nhiều (kể cả học phí dành cho sinh viên quốc tế) và chi phí sinh hoạt ở các bang này rẻ hơn tương tối so với hai bờ Đông và bờ Tây. Tổng chi phí sinh sống và học tập ở các trường bang, truờng công tại các bang này rơi vào khoảng 30,000 đến 40,000. Một số trường có học bổng dành riêng cho sinh viên quốc tế, và nếu bạn xin được việc tại trường trong quá trình học nữa thì chi phí sẽ còn dễ chịu hơn nữa. Đây là khoản chi đa phần các gia đình đã xác định cho con du học thì có thể chuẩn bị được. Và nhìn rộng ra thì các bạn đi Anh, Canada, Úc hay New Zealand mà không có chút học bổng thì cũng không thể trả rẻ hơn được, chưa kể học bổng bậc cử nhân ở các nước này vô cùng hạn chế so với Mỹ và chi phí sinh hoạt không kém bất cứ thành phố lớn nào của Mỹ.
Thực tế là nếu các bạn muốn đi học thật sự vì muốn có được giáo dục đại học có chất lượng, và các cơ hội học tập và làm việc khác với môi trường trong nước và một số giá trị đặc trưng của giáo dục đại học Mỹ (giáo dục khai phóng, trung thực học thuật, và đặc biệt là tự do học thuật) thì bất cứ một trường đại học phi lợi nhuận và được kiểm định ở Mỹ nào cũng rất tốt. Còn nếu vì ranking, vì brand name, vì thích Bờ Đông hay Bờ Tây, thì không thể nói đến học bổng, chi phí thấp, với mức độ cạnh tranh dễ dàng được. Đây là vấn đề cốt lõi. Học sinh và phụ huynh Việt Nam rất khó bị thuyết phục bởi các giá trị định tính. Ngay cả các giá trị định lượng qua các con số nhưng nếu ở ngưỡng lớn cũng khó hình dung với họ. Nói Top 50 trong 5000 trường thì họ thấy rất thích nhưng khi nói Stanford nhận 56,378 hồ sơ cho khóa tốt nghiệp 2026 và chỉ trao thư nhận học cho 2075 học sinh thì họ chỉ chớp mắt sốc 5 giây và tiếp tục cho con nộp hồ sơ vào Stanford. Vì thế phụ huynh và học sinh nên có cái nhìn rộng mở, xác định trường và ngành theo giá trị giáo dục và giá trị phát triển bản thân để lựa chọn, đừng vì ranking hay cái tên, nhưng cũng đừng vì sự cạnh tranh khốc liệt của một số trường hàng đầu mà cho rằng các trường đaị học khác không rộng mở cánh cửa đón các bạn với chi phí hợp lý hơn, môi trường học bình đẳng hơn, và chất lượng học ưu việt không kém. Nếu học sinh và phụ huynh chỉ nhắm đến Top 50 thì như thấy cây mà không thấy rừng vậy.
Ở công ty tôi, mỗi khi phụ huynh đến ký hợp đồng tư vấn hồ sơ Mỹ thì câu cửa miệng là anh/chị muốn cháu vào Top 50, bét cũng phải top 100. Chúng tôi luôn phải giải thích một bài dài, nội dung gần giống y chang những gì chị An viết. Giờ có lẽ chỉ cần nhờ phụ huynh đọc bài của chị An và thêm bài của chị Khanh về ranking nữa rồi mới nói chuyện, nên là cảm ơn hai chị nhiều.
P.S. Ảnh trong bài thống kê tỉ lệ nhận học của Stanford (nguồn [crimsoneducation.org])
Số hồ sơ tăng hàng năm, nhưng số học sinh họ nhận hoặc giữ nguyên hoặc thậm chí chỉ giảm đi. Tỉ lệ cạnh tranh là một yếu tố để duy trì thứ hạng, nên đây là một vòng xoay hiểm ác. Tất nhiên là trường tư, họ tự chủ hoàn toàn và ra chính sách thế nào là quyền của họ, nhưng là người làm giáo dục, cá nhân tôi không đánh giá cao những trường đại học elite chỉ biết từ chối học sinh mà không mở rộng đào tạo của họ. Một trong những nhiệm vụ lớn lao của đại học phải là phục vụ lợi ích cộng đồng (public good) nhưng càng tháp ngà càng danh giá thì họ càng lờ đi nhiệm vụ này. Cả Harvard và Stanford đều ngồi trên một núi tiền từ nguồn endowment khổng lồ (gấp 5 lần Cambridge, gấp 7 lần Oxford (UK), và gấp hàng chục lần UBC của Canada), nhưng số sinh viên họ đào tạo ra không bằng một mẩu móng tay của các trường đại học này.
Bài gốc của chị An: (lúc tôi viết bài này trên điện thoại khi share link thì không sao add được cái ảnh, nên đành để vào comment.)
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10160463267713965&set=a.10152348841993965
Nguồn tham khảo:
https://www.facebook.com/mai.duong.7967/posts/pfbid0GDpVc8R8dRoaXdMntNgKRRXWhWFpghYs2JaSjpbWMMNQNTzX1gF14ekWSsoqQgsil
Jul 20, 2023