Đại Học Mỹ 2: Tuyển Sinh Xét Tuyển Toàn Diện - Holistic

Bạn gái học UNIS đỗ Harvard có mẹ là lao công. Hai chị em gái cùng đỗ Harvard cách nhau 6 năm có gia cảnh hoàn toàn khác, mẹ là bác sỹ. Jenny Huỳnh trượt USC nhưng đỗ Stanford. Huyền Chip trước khi đỗ Stanford thì bị NYU Abu Dhabi từ chối – điều này ít ai biết mà chỉ biết bạn ấy đỗ Stanford mà thôi. Một bạn trai người Nigeria đỗ MIT bất ngờ – không có SAT và điểm TOEFL chỉ có 75. Những hiện tượng này không hề hiếm trong các vòng tuyển sinh ở những trường cạnh tranh nhất nước Mỹ. Tất cả các bạn đều xứng đáng, nhưng không có bất kỳ mẫu số chung nào cho hồ sơ của các bạn cả.

Các bài viết về những bạn này thường mổ xẻ hồ sơ khủng của các bạn sau khi các bạn đã đỗ. Nhưng để nhìn vào hồ sơ của các bạn trước khi nộp, không ai có thể dám chắc các bạn sẽ đỗ vào chính những ngôi trường mơ ước này. Vì sao? Câu trả lời là ở chính sách tuyển sinh xét tuyển toàn diện (holistic admissions).
HOLISTIC ADMISSIONS LÀ GÌ VÀ BAO GỒM YẾU TỐ NÀO?

Theo định nghĩa của Hiệp hội các trường Đại học Công lập Hoa Kỳ, “Xét tuyển toàn diện là một chiến lược tuyển sinh đại học nhằm đánh giá trải nghiệm độc đáo của ứng viên bên cạnh các thước đo về thành tích học tập truyền thống như điểm số và điểm các bài thi tiêu chuẩn… được thiết kế để giúp các trường đại học xem xét một loạt các yếu tố phản ánh sự sẵn sàng học tập, đóng góp cho trường, và tiềm năng thành công trong học tập và sự nghiệp sau này với tư cách là một chuyên gia.” Vào năm 2003, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã chính thức định nghĩa chiến lược này là “việc xem xét toàn diện, mang tính cá nhân hóa cao đối với hồ sơ của từng ứng viên, cân nhắc nghiêm túc tất cả các cách mà ứng viên có thể đóng góp cho một môi trường giáo dục đa dạng.”

Trên lý thuyết thì phương pháp xét tuyển này để đảm bảo sự đa dạng về nhiều yếu tố trong cả một khóa tuyển sinh, chứ không phải chỉ tuyển chọn những cá nhân học sinh hoàn hảo hay toàn diện. Bạn có thể không có tất cả những yếu tố trong danh mục yêu cầu tuyển sinh, nhưng chắc chắn phải có một vài thứ có thể khoe được ở mức đáng tự hào, ngoài thành tích học giỏi.

Lý thuyết nghe mỹ miều thế, thực chất là các trường đại học top đầu ngày càng trở nên cạnh tranh, và cứ mỗi năm núi hồ sơ to lên, thì danh mục các yếu tố xét tuyển bị kéo dài ra. Còn nếu minh họa như Global Admissions, thì cái bánh càng ngày càng chia thành nhiều miếng nhỏ. Nếu cách đây vài thập kỷ, các trường đang dùng mấy con số thuần túy như GPA, SAT hay ACT, nay số má này không phân biệt được ứng viên nữa thì họ đành phải dựa vào những yếu tố “cá nhân hóa" dạng văn nghệ thể thao, dự án cộng đồng, con ai, sống ở đâu, có thời gian làm công tác xã hội hay không, có kinh nghiệm việc làm chưa, v.v.. Nói chung, cộng hết lại thì các bạn đỗ mấy trường này không phải người thường, toàn anh hùng siêu nhân hết cả.

YẾU TỐ NÀO QUYẾT ĐỊNH TRONG HOLISTIC ADMISSIONS

Nếu hỏi cán bộ tuyển sinh của mấy trường top 20 kiểu Ivies với Rice, Vanderbilt, Amherst, v.v., bạn sẽ nhận được câu trả lời nước đôi: tất cả và không yếu tố nào cả. Vì xét tuyển cá nhân hóa nên mỗi thí sinh có những điểm mạnh độc đáo duy nhất riêng (unique). Nghĩa là để chỉ chính xác điều gì khiến một thí sinh đỗ vào Ivies hoặc top 20 trường cạnh tranh nhất và sử dụng Holistic Admissions tối đa nhất thì hoàn toàn võ đoán. Đến bản thân thí sinh đỗ vào các trường này cũng không biết được mình được lựa chọn vì lý do gì, thư offer thì không bao giờ cho bạn biết rồi - chỉ chúc mừng tung hoa thôi. Vì sao? Hai lý do: một là nếu công bố lý do thí sinh đỗ có thể phải phổ biến thông tin cụ thể của học sinh, sẽ phạm luật FERPA (Family Educational Rights and Privacy Act) như chơi. Thứ hai là khi công bố lý do thì chỉ vòng tuyển sinh năm sau, tất cả các hồ sơ sẽ đồng loạt có hình dáng của những hồ sơ năm trước, và trường sẽ không thể đạt được mục tiêu Diversity trong khóa tuyển sinh tiếp theo. Và thế là việc giữ kín lý do vì sao mỗi thí sinh đỗ vào trường trở thành chuẩn mực nghề nghiệp trong giới tuyển sinh.

Thế nhưng không có nghĩa là cán bộ tuyển sinh các trường không kể với nhau sau hậu trường về những câu chuyện ly kỳ sao bạn này lại đỗ, bạn kia lại trượt, chủ yếu là với những ứng viên có hồ sơ đặc biệt. Rõ ràng tuyển sinh ở các trường top này khác gì so bó đũa chọn cột cờ - các trường top nhận hàng chục nghìn hồ sơ, điểm khủng như nhau, thành tích như nhau, các yếu tố rất chủ quan lại quyết định hơn rất nhiều, ví dụ như môn thể thao bạn chơi, nhạc cụ bạn biết dùng, v.v. Trên một mặt bằng toàn điểm học điểm thi tuyệt đối thì nhiều khi một chi tiết cá nhân rất nhỏ trong hồ sơ của bạn cũng làm nên chuyện (hoặc làm bạn bị đánh trượt), mà không ai có thể biết trước đó là chi tiết nào, vì còn phụ thuộc vào tổng quan tất cả hồ sơ của năm đó và ưu tiên của trường.

Năm 2015 trường tôi có 5 bạn nộp hồ sơ vào Princeton, một bạn đỗ. Khi nhận kết quả, cả ban cố vấn đại học ngã ngửa vì bạn đỗ lại có hồ sơ được đánh giá là yếu nhất trong 5 bạn. Sau này khi gặp đại diện Princeton ở hội thảo tại California, tôi có hỏi, thì được biết là do bạn ấy chơi clarinet và dàn hợp xướng của trường đang khuyết đúng 1 chân clarinet. Họ bảo tôi, năng lực học tập thì cả 5 đều giỏi như thế, nhặt đứa nào vào tao tin nó cũng sẽ thành công, nhưng nếu nhận 1 trong 4 đứa kia thì dàn hợp xướng nhà tao vẫn thiếu cây clarinet. Mà ở Trung Quốc thì piano với violin nhiều như lá mùa thu, còn clarinet lại không mấy ai chơi. Gọi là số hên cũng phải. Còn bạn trai người Nigeria đã bị cho vào danh sách chờ mà sau đỗ MIT vì một lá thư giới thiệu độc đáo từ chính một giáo sư MIT tình cờ gặp bạn ấy mùa hè năm trước ở một dự án chế tạo máy phát điện từ năng lượng mặt trời, đã thay đổi quyết định của ban tuyển sinh. Trường hợp này không phải là số hên, mà phải là sự kỳ diệu. Bao nhiêu bạn học sinh có được sự may mắn hiếm có như thế?

Huyền Chíp nộp hồ sơ sáng choang vào NYU Abu Dhabi và được mời đến tuần phỏng vấn tại Abu Dabi (trường duy nhất của Mỹ dùng candidate weekend trong tuyển sinh, mua vé máy bay và trả visa cho thí sinh qua vòng hồ sơ từ khắp nơi trên thế giới về Abu Dhabi). Huyền Chip là một trong những thí sinh bị loại sớm nhất, thậm chí còn không vào danh sách waitlist. Đơn giản là bạn ấy không fit với hồ sơ sinh viên của trường. Đồng nghiệp tôi khi “vote down" hồ sơ của Huyền có nói: “Đây là một bạn trẻ ưu tú đặc biệt, bạn ấy chắc chắn sẽ đỗ một trong những trường hàng đầu nếu nộp hồ sơ. Chỉ có điều, bạn ấy không phải sinh viên của chúng ta.” Có phải vì thế mà Huyền Chíp bớt xuất sắc hay bớt giỏi giang đi tẹo nào đâu? Và rất có thể Jenny Huỳnh không phải là sinh viên của USC, nhưng lại fit đúng vào một profile mà Stanford muốn có vào năm tuyển sinh đó – một youtuber triệu view đến từ Việt Nam chăng? Nhưng một bạn học sinh lứa sau noi gương hai bạn này và giả sử đạt được thành tích cá nhân y như Huyền hoặc Jenny, chưa chắc lại được nhận vào Stanford ở khóa tiếp theo.

Tôi có một thử thách nhỏ với các bạn: lần tới nếu một vài trường đại học Mỹ danh giá nhất tham dự triển lãm tại Việt Nam, các bạn hãy tiếp cận đại diện tuyển sinh, hỏi một câu đơn giản: “Điểm sàn tối thiểu để vào trường là bao nhiêu?” (What’s your university's cut-off GPA?) Tôi đoán chắc các bạn sẽ không có một câu trả lời cụ thể, thay vào đó họ sẽ chỉ vào con số thống kê của mùa tuyển sinh năm trước và kèm với đó là “chúng tôi sẽ xét tuyển toàn diện, cân nhắc tất cả các yếu tố, bất cứ thông tin gì trong hồ sơ của bạn cũng quan trọng với chúng tôi.” Cách trả lời nghe có vẻ nước đôi, ỡm ờ và đầy tính ngoại giao này là bài đào tạo đầu tiên của bất cứ đại diện tuyển sinh tò te mới vào nghề nào. Khi tôi mới vào NYU cũng được mớm từng chữ như vậy. Cũng không hẳn vì cán bộ tuyển sinh hay trường họ muốn thế, mà vì xét tuyển toàn diện và cân nhắc các yếu tố ưu tiên của tổ chức, chính họ cũng không thể biết cụ thể sẽ nhận hồ sơ học sinh nào cho đến khi đọc hồ sơ. Đến chính những người ra quyết định tuyển sinh còn không dám chắc, nên tôi khuyên phụ huynh cần phải biết nghi ngờ những lời hứa chắc nịch hoặc đảm bảo khả năng đỗ vào những trường top. Việc nhào nặn con em mình theo bất cứ một khuôn mẫu nào đã là không nên, huống hồ lại theo một công thức mơ hồ với rất nhiều thông tin nhiễu xung quanh.

KHÔNG PHẢI TRƯỜNG NÀO CŨNG DÙNG HOLISTIC ADMISSIONS

Cũng cần hiểu, chiến lược tuyển sinh này chỉ có ở Mỹ, và cũng chỉ được các trường tư thục hàng đầu như các trường Ivies sử dụng triệt để mà thôi. Thứ nhất, để làm tuyển sinh như thế này rất tốn kém, toàn các trường giàu với phòng tuyển sinh đông như quân Nguyên mới lọc và đọc mấy chục nghìn hồ sơ một mùa tuyển sinh. Thứ hai, Holistic Admissions có tính linh hoạt cao, tạo nhiều không gian cho việc tuyển chọn thí sinh với những tố chất vượt trội trong hàng ngàn hồ sơ. Harvard và các trường cạnh tranh tương đương từng thống kê, trong số những hồ sơ không đỗ, mỗi kỳ tuyển sinh, họ nhận không dưới 4000 hồ sơ có tất cả điểm số hoàn toàn tuyệt đối từ GPA đến các bài thi tiêu chuẩn (GPA 4.0, SAT 1600 và các môn AP toàn 5), nên việc phải sử dụng các yếu tố ngoài thành tích học tập là điều bắt buộc. Điều này cũng không có nghĩa là số học sinh họ nhận chỉ được lựa chọn trong nhóm điểm tuyệt đối này, vì các yếu tố ưu tiên như chủng tộc, quốc tịch, gia cảnh, năng khiếu thể thao, v.v. đôi khi còn quyết định hơn cả điểm số.

Nhưng ngoài nhóm trường dẫn đầu này, ngay cả các trường tư khác chỉ dùng Holistic Admissions ở mức độ tương đối, vì họ không quá cạnh tranh và không phải xử lý quá nhiều hồ sơ. Một số trường cực mạnh cũng không yêu cầu học sinh viết bài luận phụ như Clark University hay Case Western Reserve University. Còn các trường công, trường bang lớn tại Mỹ thì hoàn toàn chủ yếu tuyển sinh dựa vào thành tích học tập thông qua GPA, điểm SAT và có thể thêm thư giới thiệu của giáo viên. Rất nhiều trường trong nhóm này không hề yêu cầu một bài luận nào (kể cả bài chính và bài phụ) và cũng không cần một danh mục ngoại khóa dài như sớ, có thể kể đến những cái tên đình đám như Ohio State, Arizona State, Uni of Pittsburgh, CalState, CUNY. Ở các nước khác, điểm GPA và điểm thi của bạn bao giờ cũng quyết định. Kể cả những hệ thống yêu cầu viết luận và thư giới thiệu như Anh, Canada hay Hà Lan, Nhật, Sing, HongKong, chỉ có điểm của bạn mới giúp bạn đỗ hay làm bạn trượt. Các yếu tố khác như thể thao hát hay đàn giỏi con nhà nòi, chỉ là yếu tố ngoại vi, chỉ để tham khảo. Với những trường như thế này, bạn cứ học đủ tốt, đủ điểm trường yêu cầu là có thể yên tâm tương đối về khả năng đỗ của mình.

MẶT TRÁI CỦA HOLISTIC ADMISSIONS

Nếu như Holistic Admissions được dùng để lựa chọn những ứng viên xuất sắc nhất, thì nó cũng có thể được dùng để phân biệt đối xử giữa các thí sinh. Lịch sử của Holistic Admissions không hẳn xuất phát từ ý định “đánh giá thí sinh toàn diện và đầy đủ" đẹp đẽ như các trường vẫn giương khẩu hiệu.

Ngày xửa ngày xưa, phòng tuyển sinh ở Harvard dường như chỉ tuyển chọn một nhóm sinh viên nhất định - những người theo đạo Tin lành xuất thân từ những gia đình thượng lưu da trắng trâm anh thế phiệt. Nhưng một ngày đẹp trời năm 1905, bài thi tuyển sinh đại học xuất hiện làm đảo lộn sự ưu ái này. Nó biến giấc mơ đại học thành hiện thực đối với bất kỳ ai thi đủ điểm và nguồn tài chính cần thiết để theo học. Điều này thay đổi nhanh chóng Profile thí sinh thi vào Harvard.

Nhưng sự đa dạng sắc tộc và tầng lớp xã hội của thí sinh mới mẻ này chẳng mấy chốc tan biến. Sau một vài năm thực hiện bài thi tuyển sinh đầu vào, họ bỗng rất không hài lòng với sự gia tăng số lượng sinh viên Do Thái trong khuôn viên trường. Đến năm 1922, nhóm được gọi là "không mong muốn" này chiếm hơn 1/5 lớp sinh viên năm nhất của Harvard. Tỷ lệ sinh viên Do Thái tăng vọt vì điểm của họ trong kỳ thi tuyển sinh tốt hơn một cách đáng kinh ngạc so với tất cả các nhóm thí sinh khác.

Đáp lại, Harvard đã thay đổi tiêu chí tuyển sinh của họ một lần nữa.

Harvard đưa khái niệm “toàn diện” (holistic) vào tuyển sinh, yêu cầu thí sinh phải có các bài luận cá nhân, thư giới thiệu, đánh giá về "sự nam tính" (thời điểm này phụ nữ chưa được học đại học) và bằng chứng về các hoạt động ngoại khóa. Và như thế “tuyển sinh toàn diện” do Harvard khởi xướng chả phải để “xem xét các ứng viên qua một lăng kính rộng hơn, toàn diện hơn” gì đâu, mà để gạt bỏ giá trị thành tựu trí tuệ trong hồ sơ thí sinh Do Thái, để loại những thí sinh xuất sắc nhất. Còn hiện tại thì chính sách này đang tiếp tục bị chỉ trích là được dùng để tạo hạn ngạch mới, loại bỏ những thí sinh đạt điểm GPA và SAT cao ngất mà không nhóm thí sinh nào có thể qua mặt — nhưng lần này là nhóm thí sinh gốc Á.

Đấy là chưa kể đến các chỉ tiêu tuyển sinh mà tôi đề cập trong bài trước. Cái vòng tròn xinh đẹp kia chả đả động tí nào đến ưu tiên của trường. Nên các bạn học sinh cứ miệt mài khổ sở thu lượm từng mảnh ghép của nó nhiều khi bỏ lỡ cả tuổi thơ và cuộc đời (như hai con của mẹ Hổ Amy Chua ấy). Mà thiếu may mắn một chút thôi, thì có khi nhường chỗ cho ngay một đứa nhàng nhàng nhưng trước khi nó nộp hồ sơ vào một trường Ivy thì mẹ nó đã tặng trường nguyên cái phòng lab mới trị giá 10 triệu đô la cách đó 2 năm (chỉ tiêu donation), hoặc bố nó là cựu sinh khét tiếng của trường cách đây 30 năm (chỉ tiêu legacy).

Phụ huynh và học sinh huớng đến các trường hàng đầu của Mỹ cần hiểu rằng với một ma trận các tiêu chí như thế, một thí sinh có thể đỗ vì bất cứ lý do gì, và cũng có thể trượt vì hàng chục lý do khác. Tôi thường khuyên những học sinh của tôi từng đỗ Ivies nên khiêm tốn, không phải chỉ vì bạn đỗ Harvard mà đã trở thành chuyên gia về con đường vào chính Harvard, vì đôi khi bạn không thể hiểu hết quyết định tuyển sinh của trường. Nếu các bạn học sinh có học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, thì cũng chỉ nên dùng câu chuyện của họ làm cảm hứng, nhưng phải tự tìm con đường đi của mình. Kể cả khi bạn cũng đã đỗ vào cùng một trường Ivy như họ, bạn không phải là họ, và họ không phải là bạn.

Vì những lý do trên, nếu các bạn đã nộp hồ sơ vào những trường hàng đầu hãy xác định tinh thần bị từ chối, còn nếu đỗ thì kiểu gì cũng phải có chút yếu tố may mắn, chẳng phải vì bạn là Tề thiên Đại thánh trong mắt trường đâu. Ừ thì bạn đã phấn đấu 11-12 năm học để đạt được những con số kinh hoàng, bạn thi thố giải thưởng quốc tế giăng khắp nhà, bạn thực hiện cả chục dự án vì cộng đồng, bạn là niềm tự hào của cha mẹ, bạn xứng đáng với một nền giáo dục ưu việt. Nhưng nếu không đỗ Ivies, hay trường top nào đó, thì không một giá trị hay thành tích nào của bạn bị sứt mẻ cả. Và có đi học ở trường nào chăng nữa, với bề dày rèn luyện và tài năng như thế thì bạn cũng sẽ thành công.


Jul 21, 2023

7 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email