Dạy Học Hay Dạy Cách Học?

 

Không phải ở riêng Việt Nam, giáo dục ở rất nhiều nơi trên thế giới bị “chê” vì đi sau cuộc sống, đặc biệt khi thế giới biến đổi quá nhanh, nhưng giáo dục chậm thay đổi và thích ứng, do vậy không giúp chuẩn bị cho người học sẵn sàng với việc làm một công dân hiệu quả hay một người lao động hiệu quả ở xã hội đương thời của mình.

Từ giáo dục tại gia (thầy đồ ở phương Đông và gia sư riêng ở phương Tây) đến giáo dục tập trung ở trường học là cả một cuộc cách mạng. Ta thử hình dung, khi cả xã hội đã chuyển sang việc gửi con em tới trường học tập trung mà một gia đình hay một cộng đồng vẫn còn tiếp tục mô hình thầy đồ thì sẽ khó theo kịp với sự phát triển của xã hội.

Suốt 1-2 thế kỷ của mô hình trường học tập trung (thế kỷ 19 & 20), trường học thành công trong việc phổ biến kiến thức cho đại đa số người dân trong đó người thầy là trung tâm của việc truyền bá kiến thức thông qua các môn học cụ thể trong trường phổ thông.

Nhưng công nghệ phát triển làm thay đổi căn bản vai trò của người thầy, mà chính xác hơn là làm dư thừa vai trò truyền thống của người thầy. Học sinh không cần một người thầy uyên bác ghi nhớ mọi thông tin, vì người thầy Wikipedia và Google ghi nhớ và truy xuất thông tin “siêu” hơn rất nhiều. Học sinh cũng không cần một người thầy để giải trí (entertain), vì môi trường mạng có vô vàn điều thú vị, mới mẻ, hấp dẫn hơn bất cứ cá nhân người thầy nào. Google Translate hiện nay dịch xuôi ngược các ngôn ngữ đã khá tốt, các loại hình trí tuệ nhân tạo từ Siri trên điện thoại tới những dạng machine learning (máy học) khác khiến chúng ta kinh ngạc về trí tuệ nhân tạo.

Vậy giáo viên ngày nay có mặt ở trường để làm gì?

Mọi thứ đã thay đổi, và vai trò của giáo viên đã hoàn toàn thay đổi. Sau đây là một số vai trò mới của giáo viên.

Trước hết, giáo viên trở thành NGƯỜI DẠY CÁCH HỌC chứ không phải dạy học. Nếu những thế kỷ và thập kỷ vừa qua, học sinh được xem như chiếc bình rỗng và nhiệm vụ của giáo viên là nhiệt tình đổ đầy nước vào bình bằng đủ các loại thông tin và kiến thức, thì hiện nay, điều đó vô nghĩa. Học sinh ngày nay thừa thông tin hơn là thiếu. Kiến thức cũng cũ rất nhanh và liên tục bị lỗi thời, do vậy, việc học (learn), phải đi kèm với việc giải học (unlearn), và cập nhật (update). Giáo viên cần phải trở thành chuyên gia dạy cách học (how to learn) hơn là dạy học. Dạy cách học là dạy cách học như thế nào cho hiệu quả, cho đạt được mục tiêu của cả nền giáo dục, và của từng cá nhân học sinh. Dạy cách học không chỉ dạy kiến thức, mà là dạy kỹ năng học tập, như đặt mục tiêu học tập như thế nào, thiết kế thực đơn học tập (learning menu) ra sao, sử dụng công nghệ gì để hỗ trợ quá trình học tập, tìm hiểu các lý thuyết và phương pháp học tập, các phong cách học tập...

Chức năng tiếp theo của người giáo viên là NGƯỜI HUẤN LUYỆN (coach), giống như huấn luyện viên bóng đá. Quá trình từ biết (kiến thức) đến làm (kỹ năng) là một chặng đường rất xa nhau, do vậy để tránh đào tạo ra những sản phẩm học sinh chỉ biết mà không làm, chỉ tư duy mà không thể hành động, cần có những “huấn luyện viên giáo dục”, chính là các thầy cô giáo. Coaching không chỉ bao gồm giảng giải, mà còn là thị phạm (làm gương), tổ chức các hoạt động, huấn luyện theo các bài tập, động viên tinh thần (motivation) để đạt kết quả mong muốn (performance). Một trong những phẩm chất quan trọng của người coach chính là kỹ năng lãnh đạo (leadership skill). Một giáo viên hiệu quả ngày nay không thể là một nhà sư phạm lý thuyết, mà phải là những huấn luyện viên giỏi về leadership trong môi trường học đường.

Giáo viên của thời đại mới cũng là NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG. Làm thế nào để học sinh muốn học, yêu thích việc học, yêu việc học cả đời và mãi mãi (lifelong learning) là công việc tiếp theo của thầy cô. Hãy nhớ lại quãng đời đi học của bạn, ai làm cho bạn chán nản việc học và chán ghét việc học, đó là giáo viên tồi. Giáo viên ngày nay có mặt ở trường không phải để gác ngôi đền tri thức, và đứng chặn giữa người học và ngôi đền tri thức, mà là để giúp đỡ và hỗ trợ người học. Dù đó là một người học bình thường, một học sinh tài năng, hay một học sinh chậm phát triển, thì người thầy chính là một chuyên gia được đào tạo để tìm giải pháp hỗ trợ cho mỗi học sinh theo các cách khác nhau. Một trong những điều tôi gặp nhiều, và không thích trong nền giáo dục Việt Nam là không ít thầy cô nói những lời tiêu cực hay cay đắng với người học (vừa dạy vừa mắng chửi), có thể vì họ giữ vị thế của người ban phát tri thức, hoặc có thể là cảm thán của một người tự coi là nạn nhân của những mớ rắc rối trong môi trường giáo dục. Giáo viên yêu nghề mới có thể là người truyền cảm hứng học tập cho học sinh thông qua việc lan tỏa năng lượng tích cực.

Sau cùng thì giáo giáo viên phải là tấm gương sống động về việc tự học – NGƯỜI TỰ HỌC. Không trường học nào có thể dạy hết mọi thứ cho trẻ em, cũng như không không trường sư phạm nào có thể dạy mọi thứ cho giáo viên. Do vậy, giáo viên cần sẵn sàng tâm thế để trở thành “trường sư phạm của chính mình”, tức là có khả năng tự học, tự đào tạo mình. Giáo viên không có khả năng tự học thì không thể trở thành “chuyên gia dạy cách học” cho học sinh trong trường học được. Và học online chính là một phần quan trọng trong việc tự học của giáo viên.

Tóm lại thì hệ thống giáo dục của chúng ta tập trung nhiều vào việc học, mà chưa chú trọng tới “cách học”. Về việc này, chúng ta nên học tập nhiều nền giáo dục tập trung vào phương pháp hơn là nội dung. Khi học sinh làm chủ (master) được cách học, phương pháp học, các em sẽ có thể điều chỉnh được khối lượng học tập, và tự giảm tải cho mình thay vì mỗi đầu năm học toàn xã hội, từ nhà trường tới phụ huynh, đều kêu than với việc quá tải việc học.

Nếu con bạn bị quá tải việc học, bị mất động lực học, học không hiệu quả, thay vì “dạy học”, bạn hãy “dạy cách học” và "dạy cách tự học" cho chúng để sống tốt trong một thời đại đã đổi khác.

Vì không biết cách học, và không có khả năng tự học ngày nay được xem là một dạng mù chữ (illiteracy).

Texvn Tham Khao Thừ Nguồn Harry Bùi Khánh Nguyên - Anh Cá Heo - Diễn giả độc lập về giáo dục


Aug 15, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL