Đi Tìm Nhà Giáo

Link: https://tuoitre.vn/vi-sao-giao-vien-tieu-hoc-phan-lan-deu...

Việt Nam có hơn 1 triệu giáo viên, nhưng không phải tất cả đều là nhà giáo. Tiếng Anh cũng phân biệt rõ giữa teacher (người dạy, giáo viên) và educator (nhà giáo, nhà giáo dục).

Giáo viên từng là một nghề rất được coi trọng ở Việt Nam (một cách thực chất), đơn giản nhà giáo trước hết là những người vô hại, hơn thế nữa họ là những người giúp đỡ người khác, khai sáng cho trẻ em, và được mặc định là những thành viên hướng thiện, gương mẫu của cộng đồng.

Ngày nay thì mọi thứ đã thay đổi, vai trò của nhà giáo cũng không giống với ngày xưa, làm giáo viên cũng không phải là nghề hot nữa. Có nhiều bất cập với đội ngũ giáo viên ngày nay: trường sư phạm không thu hút được những học sinh ưu tú nhất trở thành giáo viên, nhiều người vào học trường sư phạm không có tư chất đặc thù của nhà giáo, giáo viên là nghề có thu nhập trung bình thấp, công việc giáo viên chịu áp lực nặng nề từ những khuyết tật của nền giáo dục, một số giáo viên chỉ vô tình trở thành giáo viên và cũng chẳng đánh giá cao gì chính công việc của mình làm…

Đi tìm nhà giáo ngày nay không dễ. Từ xưa tới nay, khi chọn trường cho con học, tôi thường đi theo tiếng gọi rất bản năng: đi tìm trường tức là “đi tìm nhà giáo”. Giống như bác sỹ là linh hồn của bệnh viện, thì giáo viên cũng là linh hồn của giáo dục. Tìm được một giáo viên đẳng cấp và tâm huyết để con cái theo học, những thứ còn lại trở thành thứ yếu.

Tôi ít khi bị quyến rũ bởi những thứ bề ngoài của trường học như dàn xe bus xanh đỏ chạy khắp thành phố, khuôn viên của trường với những tòa nhà đồ sộ, những chương trình nhập khẩu từ nước này nước kia…

Chia sẻ rất thật, phụ huynh Việt Nam bị ám ảnh nặng nề bởi chương trình học. Có lẽ là do chương trình học của chúng ta nặng nề quá, nhồi nhét quá khiến chúng ta bị ám ảnh tới mức coi chương trình học là bộ phận trọng tâm nhất của giáo dục. Nhưng nếu chúng ta tìm hiểu thêm một chút, sẽ thấy chương trình học phổ thông của các nước, thậm chí của các tổ chức quốc tế, là khá tương đồng. Cái làm cho trường khác với trường không phải là chương trình học, mà là những yếu tố con người như văn hóa của cộng đồng trường, trình độ và tâm huyết của giáo viên trong trường, năng lực quản lý của bộ máy vận hành trường, phương pháp hay nghệ thuật giáo dục được giáo viên sử dụng. Xin nhắc lại, một trường dở dạy chương trình IB cũng thành dở, nhưng một trường tốt chỉ dạy chương trình Việt Nam hiện hành cũng vẫn là trường tốt. Chương trình chỉ là nguyên liệu thô, còn chuyện hay dở của “cái bếp giáo dục” là do bàn tay “anh đầu bếp giáo viên” để nấu ra bữa ăn ngon. Đi mua chương trình là dễ nhất, quy tụ được đội ngũ giáo viên giỏi và tâm huyết là khó nhất.

Lần tìm một ngôi trường tốt, sau khi đã đi qua những lớp áo màu mè như cơ sở vật chất, chương trình học, bạn đừng quên đi tìm những nhà giáo ở đằng sau các ngôi trường: đó là đội ngũ nhà giáo quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng các khối) cho đến những giáo viên trực tiếp đứng lớp, giáo viên thư viện, giáo viên tư vấn... Nếu họ là những người giàu kinh nghiệm, đam mê công việc giáo dục, có năng lực cao, bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Ngược lại nếu bạn thấy đó là những con người trình độ kém, không mấy yêu nghề, mất hết động lực, hoặc mệt mỏi, hoặc tiêu cực, thì ngôi trường dù có khang trang cỡ mấy, chương trình học dù nhập khẩu ở đâu về, cũng coi như bỏ đi.

Những nhà giáo tốt, dù có là người Việt hay người nước ngoài, hay người cụ thể đến từ quốc gia nào, thì họ đều có những đặc điểm rất giống nhau. Đó là vì họ là những người thực hiện cùng một loại công việc, cùng ý thức về một sứ mệnh của nghề nghiệp của mình khi đứng trước những con người khác, những trẻ em, được tin tưởng giao phó cho họ dạy dỗ. Nhà giáo tốt có thể mang bất cứ quốc tịch nào, ở bất cứ độ tuổi nào, đang làm việc ở bất cứ loại trường nào (công lập, dân lập, quốc tế), cũng như ở bất cứ hoàn cảnh nào (trường giàu, trường nghèo). Khi tìm trường cho con, do vậy, đừng quên đi tìm nhà giáo!

 


Aug 20, 2024

4 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL