Du học

Create an image of a bustling city street viewed from a one-point perspective, with buildings converging towards a single vanishing point. Include pedestrians and vehicles to add to the sense of movement and activity.

DU HỌC (P1)

Trong gia đình nhà Gấu, du học là mục tiêu quan trọng và là ưu tiên hàng đầu.

Từ những năm 70 ông nội đã bảo ba Gấu : “Con phải đi du học!”.(Lúc đó ba Gấu đang học cấp 3). Đến lượt mình, ba Gấu cũng bảo với Gấu mẹ và Gấu con: “Con phải đi du học!”.

Gấu mẹ nhiệt liệt hưởng ứng. Gấu con cũng vui vẻ tán thành.

Vậy là chủ trương du học nhanh chóng được thông qua, mọi người triển khai thực hiện theo cách như Gấu bố thường nói: “tập trung như tia lade vào mục tiêu”.

CHUẨN BỊ

  1. Thời điểm du học: Du học ở bậc học phổ thông theo quan điểm của bố mẹ Gấu là hơi sớm, con chưa đủ trưởng thành để sống xa nhà. Học sau ĐH thì hơi muộn. Bậc học ĐH là thích hợp nhất. Ở tuổi đó con vừa đủ trưởng thành, nhận thức và trí tuệ đang ở thời kỳ tốt nhất và đẹp nhất.
  1. Chọn nơi du học: Với các gia đình có điều kiện thì việc du học ở đâu là một quyết định đơn giản. Gia đình Gấu chọn nước Pháp vì lẽ:
  • Pháp có nền giáo dục chất lượng cao.
  • Bằng cấp của Pháp được công nhận trên toàn châu Âu.
  • Chính phủ Pháp hỗ trợ 90% học phí và nhà ở cho sinh viên các trường công. Vì vậy du học trường công ở Pháp không tốn nhiều tiền, điều kiện sinh hoạt rất tốt. Kể cả không có học bổng thì du học trường công ở một số nước như Pháp, Đức, Phần Lan tốn ít tiền hơn nhiều so với du học có học bổng (không toàn phần) ở Mỹ, Anh...
  1. Ngoại ngữ:
  • Mặc dù ở Pháp cũng có những trường đào tạo bằng tiếng Anh nhưng Gấu quyết định chọn trường nói tiếng Pháp. Lên lớp 10 con mới học tiếng Pháp (học sớm hơn, Le'space cũng không dạy).
  • Trong những năm phổ thông Gấu học khá tốt tiếng Anh nên khi học thêm tiếng Pháp cũng đỡ khó khăn.
  • Ba mẹ Gấu luôn động viên con: dù gì thì con vẫn phải học tốt tiếng Anh, sau có học thêm tiếng Pháp cũng thuận lợi hơn; Vả lại thanh niên ngày nay sử dụng tốt hai ba ngoại ngữ là chuyện bình thường.
  • Gấu anh rất chăm chỉ học tiếng Pháp. Tuần ba buổi tối học tiếng Pháp ở Le’space Gấu anh không nghỉ buổi nào. Trong suốt mấy năm phổ thông con vừa học tiếng Anh, vừa học để thi Đại học, vừa học tiếng Pháp.
  • Thực tế sau này cho thấy, khi đi phỏng vấn xin việc hay khi đi làm, khả năng sử dụng tốt cả tiếng Anh và tiếng Pháp là rất có lợi.
  • Hồi học phổ thông, Gấu anh được học tiếng Anh ở Apollo vài năm. Với vài người, Apollo học ít chơi nhiều. Với mẹ Gấu, học học tiếng Anh với người bản ngữ ở những trung tâm có uy tín, con không chỉ học ngôn ngữ mà còn học cách tư duy, phong cách của người nước ngoài.
  • Điều đó giúp con tiếp cận văn hóa, trưởng thành về nhận thức, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình…
  1. Tâm lý

Ngay từ khi còn nhỏ, Gấu bố Gấu mẹ đã “cài cắm” cho con tư tưởng du học. Không phải vì sính ngoại hay khoe mẽ mà vì ba, mẹ Gấu hiểu khá rõ giáo dục Đại học ở VN.

Ba Gấu thường hay khuyên các con: đi học ở nước ngoài là cơ hội để mở mang tầm mắt. Du học không chỉ học để lấy bằng cấp mà còn là cơ hội để tiếp cận tri thức, văn hóa đỉnh cao.

Hàng ngày, Gấu con chứng kiến vô số những điều hay ho của ba mà con hiểu rõ là do ba được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Vì vậy nói chung phản ứng của Gấu con với việc đi du học là tích cực.(Ba Gấu học Kiến trúc ở Cu Ba).

Tuy vậy, ba mẹ Gấu cũng thường bảo con: Đi ra nước ngoài là để học tập và rèn luyện. Đó là hành trình gian khổ và không dễ dàng. Với ba mẹ Gấu, không có gì dễ dàng cả. Chỉ có chăm chỉ nỗ lực mới có thể thành công. Việc cho con du học là tạo cho con một khởi đầu tốt. Phần còn lại phụ thuộc vào con.

Cũng vì quan niệm ra nước ngoài để học tập nên ba mẹ Gấu hoàn toàn không khuyến khích con phải đi làm thêm để kiếm tiền. Thời gian rảnh rỗi con có thể đi du lịch, khám phá những điều mới mẻ hoặc học thêm một khóa học vì càng về sau những cơ hội đó sẽ không có nhiều.

Nói đến du học thường hay nói đến hiện tượng sốc văn hóa.

Theo Gấu mẹ, vấn đề cũng không đến nỗi đáng sợ lắm. Đứa trẻ được yêu thương, được nuôi dạy bình thường trong một gia đình bình thường, được dạy dỗ về lòng tự trọng, trung thực, cần cù và trách nhiệm là đủ khả năng chống chọi với sự khác biệt văn hóa ở môi trường quốc tế.

Hồi học tiểu học, các cô giáo tiểu học đều nói rằng Gấu anh rất bình thường. Thì đúng thế. Cho nên Gấu mẹ cũng dạy con theo cách của người bình thường.

Bố mẹ Gấu thường nói với các con: ba mẹ là những người bình thường, không thông minh gì, cũng không có tài năng gì đặc biệt. Vì thế nên ba mẹ phải rất nỗ lực, rất chăm chỉ. Các con cũng vậy. Giá trị của các con là ở chỗ các con làm việc chăm chỉ, nỗ lực. Nếu thông minh hay có tài năng đặc biệt, đó là may mắn trời cho chứ không phải do các con tạo ra.

Vì vậy các con luôn phải khiêm tốn học hỏi, phải luôn luôn cố gắng. Đó mới là giá trị đích thực của các con.

Ba mẹ Gấu cũng luôn dạy các con phải tôn trọng các quy tắc sống trong cộng đồng.

Luôn đặt mình vào vị trí của người đối diện để hiểu và cảm thông với những điều họ làm.

Gấu con được thừa hưởng gen hòa đồng vui vẻ và hài hước của Gấu bố nên quan hệ bạn bè của con rất ổn.

Hàng ngày Gấu bố, Gấu mẹ thường xuyên trò chuyện với con và trò chuyện một cách rất bình đẳng. Ba mẹ Gấu luôn tôn trọng ý kiến và quan điểm của con. Đứng trước một vấn đề nào đó, ba mẹ Gấu thường bày tỏ quan điểm của mình một cách khách quan và giải thích kỹ càng với con. Điều này góp phần định hướng sự hiểu biết và nhân cách của con.

Gấu bố kể: Có lần ra nước ngoài có vài sinh viên than phiền về việc người châu Á bị coi thường ở châu Âu. Gấu bố trả lời: Ở phạm vi rộng thì khó nhưng ở phạm vi hẹp, các em hoàn toàn có thể cải thiện được thái độ của người xung quanh đối với mình.

Bằng cách làm thật tốt công việc của mình, nghiêm túc, tôn trọng các nguyên tắc sống trong cộng đồng, làm người có ích, đem lại các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, em sẽ được tôn trọng.

Ba mẹ Gấu cũng dạy con theo tinh thần đó.

  1. Hồ sơ

Giữa năm lớp 11 đã phải gửi hồ sơ sang Pháp. Mỗi học sinh được đăng ký 3 trường. Mọi việc được thực hiện online nên hoàn toàn minh bạch. Campus France là văn phòng chính thống hỗ trợ du học Pháp (ở 24 Tràng tiền) hoàn toàn miễn phí. Ở đó người ta khá dị ứng với các trường hợp đi theo con đường của các công ty tư vấn du học tư nhân nên tốt nhất là tự làm lấy.

Học ở Pháp sinh viên được hưởng rất nhiều ưu đãi từ chính phủ nên người Pháp cũng yêu cầu chất lượng đầu vào khắt khe hơn. Phỏng vấn trực tiếp, yêu cầu phải đỗ vào ĐH mới được chấp nhận… vv… Tất nhiên phải có học lực tốt và một số yêu cầu cụ thể khác nữa nhưng theo mẹ Gấu một thanh niên bình thường được nuôi dạy một cách bình thường theo đúng nghĩa, học thực theo đúng nghĩa là hoàn toàn có thể vượt qua.

Thấm thoắt đã gần 10 năm. Năm 2017, Gấu anh là 2/5 sinh viên VN tốt nghiệp INSA đúng hẹn. Con nói, sở dĩ con vượt qua được là do con biết sợ. Con sợ trượt nên con cố gắng.

Các bạn sang cùng đợt với con, học giỏi hơn con nhiều nhưng có đến 2 người bị buộc chuyển trường, 1 người còn nợ môn chưa được tốt nghiệp.

OK. Biết sợ mà cố gắng là tốt rồi.

Bây giờ con đã là công dân Pháp và vừa ... lấy được vợ.

Mọi cố gắng của con đã được đền đáp xứng đáng.

P/s: Đây là chuyện của 20 năm trước, là hành trình khai phá. 10 năm sau, đồng hành cùng Tôm du học Đức thì cũng khác.

Mình sẽ chia sẻ trong bài phần 2

DU HỌC (P2)

Mấy hôm trước mình cùng con trai tìm hiểu để đăng ký vào các trường Đại học ở Việt Nam. Thật là một mê hồn trận. Đủ các loại trường, tên kêu choang choang, na ná như nhau và ít nhiều liên quan vài trường ĐH có tiếng. Kiểu mập mờ đánh lận con đen, ai hiểu thế nào thì hiểu.

Tôm mới đăng ký dự thi Kiểm tra đánh giá năng lực tư duy ở ĐHBKHN, chưa thi, chưa có điểm mà đã có giấy báo trúng tuyển, thư mời nhập học của vài trường X, Y, Z.

Giữa Thủ đô thanh thiên bạch nhật đầy đủ thông tin mà còn hoa mắt chóng mặt, thử hỏi phụ huynh ở các nơi khác thì không biết ra sao.

Thế mới hiểu nỗi khổ của các bậc làm cha làm mẹ, còng lưng nuôi con ăn học. Hiểu tại sao hàng năm có hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp Đại học ra trường không xin được việc làm. Mới thấy sự lãng phí vô cùng tuổi trẻ, sức lực và tiền bạc.

Tiện thể dạo qua thị trường Du học.

Lại hoa mắt chóng mặt.

Thôi thì, xin chia sẻ vài kinh nghiệm có thật về chuyện cho con du học của nhà mình.

ĐÔI ĐIỀU VỀ DU HỌC ĐỨC, PHÁP

  1. Tại sao lại là Đức, Pháp?

Thì vì mình có hai con du học tại Pháp và Đức.

Nói một cách nghiêm túc, thì tùy theo mục đích của từng người. Du học để kiếm thật nhiều tiền, để có một cái bằng danh giá, để về nước được thăng quan tiến chức, để kiếm chồng (vợ) hay là để tiếp thu một nền giáo dục đỉnh cao, một nền văn hóa có bề dày lịch sử, để vươn ra thế giới … vân vân và vân vân … Tùy theo mục đích mà lựa chọn cho phù hợp.

Gia đình mình, vốn coi trọng sự học nên chọn việc cho con đi du học là để tiếp thu những tinh hoa của thế giới, học hỏi những điều tốt đẹp của nhân loại, để thực hiện ước mơ vươn ra thế giới, và mục đích cuối cùng, mục đích cao nhất là để các con có được cuộc sống tự do và hạnh phúc thực sự.

Và tất nhiên phải tùy vào điều kiện và hoàn cảnh. Có những gia đình, chẳng cần cho con đi du học, chẳng cần học hành vất vả, con cái đã được thừa hưởng những điều kiện tốt đẹp thì không cần nói.

Trong hiểu biết thiển cận của mình, du học Anh, Mỹ thì rất tốn kém, du học Úc, Singapo, Nhật, Hàn… đều rất tốt, tuy nhiên châu Á quá nhiều, Singapo thì chật chội …

Vậy nên mình chọn Pháp, Đức và vài nước châu Âu.

Giáo dục Pháp, Đức xưa nay là nền giáo dục xuất sắc. Bằng cấp của Pháp và Đức được công nhận trên toàn thế giới.

Pháp, Đức là cái nôi văn hóa, KHKT của châu Âu. Điều đó khỏi bàn.

Một phần không kém quan trọng: Chi phí cho con du học ở những nước này ít hơn rất nhiều so với du học các nước Anh, Mỹ… Sinh viên học trường công ở Đức, Pháp được nhà nước hỗ trợ phần lớn (hơn 90%) học phí và rất nhiều ưu đãi khác. Chi phí cho du học sinh tại Đức được các trường ĐH công bố công khai từ 10 đến 11k ơ/năm (240-264 triệu) ít hơn nhiều so với 20-25k đô (472 - 590 triệu, chưa kể học phí) du học ở các nước khác.

Vấn đề học bổng

Nhà mình xác định: con mình không giỏi nên hoàn toàn không kỳ vọng vào học bổng. Mà nói thật, kể cả không có học bổng thì du học ở Đ, P vẫn đỡ hơn rất nhiều so với có học bổng ở nơi khác. Học bổng bậc Đại học ở các trường công của Đức, Pháp có nhưng rất ít. Học bổng sau ĐH thì nhiều hơn.

Cũng nói thêm rằng, không có nhiều nhà hảo tâm cho con mình học bổng vô điều kiện. Không có gì từ trên trời rơi xuống cả.

  1. Vấn đề ngôn ngữ

Tiếng Anh là bắt buộc + tiếng Đức tối thiểu là bằng B1 (nếu học ở Đức). Một số trường yêu cầu bằng tiếng Đức B2 hoặc cao hơn.

Rõ ràng vấn đề ngoại ngữ là quan trọng.

Hồi trước, gấu Anh học tiếng Pháp ở Le’space (24 Tràng Tiền)

Bạn có thể học tiếng Đức ở ZfA, Viện Goethe, ở DAAD …

Trường hợp của Tôm thì khác chút. Từ năm lớp 6, con học lớp tiếng Đức ở PTCS Đống Đa. Sau đó con học ở trường PTTH chuyên Ngoại ngữ ĐH QG. (bạn có thể đọc bài Trường chuyên P1, P2 mình đã viết).

Vì vậy, con nằm trong hệ thống DSD được văn phòng Trung ương về trường học ở nước ngoài ZFA hỗ trợ. Điều này rất có lợi cho các con về mặt hồ sơ thủ tục khi đi du học. Và tất nhiên, đó là các cơ quan truyền bá văn hóa và ngôn ngữ Pháp (Đức) nên học ở đó, các con được học cả về văn hóa của các nước đó.

  1. Học ngành gì ở Đức và ở Pháp

Đây là điều cực kỳ quan trọng. Chính vì nó mình mới viết bài này.

Dạo qua các trang thông tin trên mạng, mình thấy người ta đặc biệt quảng cáo, trao học bổng cho các khóa học XYZ …

Nghĩ sâu một chút, không ai trao học bổng, mời gọi cho những ngành nghề hot cả. Không ai tự dưng cho không ai cái gì.

Chị gái của chồng mình, có con trai là tiến sĩ, giáo sư, giảng viên của một trường ĐH ở Úc nhắn nhủ: Hãy cho con học những ngành kỹ thuật cao.

Con trai chị học ngành Cơ điện tử, sau 15 năm làm việc cho một công ty của Nhật, được một trường ĐH ở Úc trải thảm đỏ mời về dạy.

Con trai cả của mình, chỉ 10 ngày sau khi TNĐH đã tìm được việc làm có thu nhập tốt. Vì là nhân công trong ngành kỹ thuật cao nên con là thành phần được ưu tiên khi xét nhập quốc tịch.

Đấy là một thực tế.

Các khối khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, công nghệ và ứng dụng, lập trình đồ họa… luôn được đánh giá cao ở các nước.

Vì vậy, nếu quan tâm đến vấn đề du học, việc làm, bạn cần đọc nhiều để có thông tin đúng.

Châu Âu cần nhiều nhân lực kỹ thuật cao.

Châu Âu là nơi khá ổn định, người ta không có xây dựng nhiều như ở VN nên học ngành XD, Kiến trúc … thì khó xin việc.

Hay như các ngành Văn hóa xã hội, Nghiên cứu văn học cũng rất khó…

Nếu có, con bạn phải thật xuất sắc.

Vì vậy bạn cần tìm hiểu kỹ. Luôn có một con đường, nhưng không phải lúc nào cũng thênh thang trước mặt.

Các thông tin về du học Đức, Pháp, bạn nên tìm trên các trang của Đại sứ quán Đức, Pháp, Le’space, Campus France, DAAD, Viện Goethe. Đấy là các thông tin chính thống, công khai và chính xác. Hãy tham dự các hội thảo do các đơn vị này tổ chức. Chịu khó đọc nghe và tìm hiểu, sẽ tiết kiệm được nhiều tiền và công sức.

Tháng 7/2022

Tác giả : Minh Lý


Jul 08, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email