Du Học ĐH Mỹ Con Nhà ... Ít Giàu!

[Ban đầu tiêu đề này định viết "Du học ĐH Mỹ với con nhà...nghèo !", nhưng nghĩ lại: nghèo mà đi du học thì vô lý quá nên tôi dùng từ "ít giàu" có vẻ hợp hơn]

THẾ NÀO LÀ... NHÀ ÍT GIÀU ?:

Đó là các gia đình mà tổng ngân sách đầu tư cho con du học Mỹ chỉ khoảng 100-120,000 USD. Với tổng ngân sách như trên thì... chiến lược đầu tư tài chính như thế nào gọi là "khôn ngoan" ?

Để chọn trường ĐH có ranking trường/ ngành TOP cao thì chúng ta cần có 2 thông số "kỹ thuật" sau đây:

- Chất lượng bộ hồ sơ năng lực của học sinh với đầy đủ 4-5 tiêu chí cơ bản (như: GPA; SAT, IELTS; hoạt động xã hội; bài luận; thư giới thiệu)

- Tổng ngân sách đầu tư tài chính

Chính vì vậy, trong bài viết này tôi xin giả định: Bộ hồ sơ năng lực của HS chỉ đạt các yêu cầu sau:

- GPA trung học từ 3,0-3,5

- IELTS đạt: 6,5-7,0

- SAT: có hoặc không hay chỉ ở mức dưới 1,100

- 3 chỉ số định tính: hoạt động xã hội, bài luận, thư giới thiệu đều có nhưng ở mức bình thường

- Ngân sách 100-120,000 đô như trên.

Vậy thì, PH/HS sẽ chọn nhóm trường TOP nào ?

1. TOP trường từ 150-300 NU hoặc 45-74 LAC:

Rất khó để nói rằng, HS này có thể xin được học bổng cao. Phần lớn các trường ĐH công có mức học phí từ 20-40,000 USD/ năm. Đó là chưa kể các khoản ăn ở, bảo hiểm, linh tinh khác. Vì vậy để kéo tổng mức phí/ năm về mức 25-30,000 USD với bộ hồ sơ năng lực như trên là ...bất khả thi.

Tuy nhiên, có một trường ĐH công rất hay "khuyến mãi" 2 in 1. Đó là khuyến nghị HS chọn ăn ở trong KTX suốt 4 năm sẽ xét duyệt học phí DHS từ out of state thành in state. Phân khúc các trường TOP sau 200/ 250/300 thường có mức HP 10,000 USD (in state) và boarding trong khoảng 10-12,000 USD. Trên thực tế, boarding sẽ khó lấp đầy nếu không khuyến khích DHS vô ở, bởi phần đông HS Mỹ chọn ở bên ngoài. Vì vậy, trường ĐH rất muốn lấp đầy boarding để giảm chi phí quản lý và hiệu quả trả lương cho bộ phận bếp núc, an ninh...

2. Chọn học bậc Community College:

Ở ta hay thường dùng chữ "cao đẳng cộng đồng". Cách gọi này là hệ quả suy diễn từ hệ thống giáo dục của nước ta. Ở Mỹ luôn coi đó như là "bậc đầu tiên" của giáo dục ĐH. Bởi bậc này không cấp bằng cấp ra trường hành nghề chuyên môn mà nó chỉ giảng dạy kiến thức cơ bản của 2 năm đầu bậc ĐH sau khi tốt nghiệp trung học.

Chi phí ở bậc CC này thường ở mức 20-25,000 USD/ năm. Trong đó: 300-400 USD/ tín chỉ; bảo hiểm, đưa đón sân bay, phí ăn ninh, phí quản lý, phí công nghệ ...khoảng 2,500-4,000 USD; ăn ở khoảng 9,000-12,000 USD. Đây là mức trung bình, nếu HS chọn các trường CC ở các trung tâm đô thị lớn thì mức phí ăn ở có thể lên trên 15-25,000 đô. Tuy nhiên, đã là con nhà...ít giàu thì không nên chọn các trường ở khu vực như vậy

Tôi không khuyến khích các HS có IELTS từ 5.0-5,5 tham gia chương trình CC này hay chương trình song bằng mà HS chỉ mới xong lớp 10 ở Việt Nam (thực tế có nhiều trường chấp nhận mức Anh văn đó). Nếu ở mức đó chắc chắn xảy ra 2 điều trên:

  • Sẽ phải học ESL ngay học kỳ đầu tiên và rất khó có điểm GPA cao cho năm thứ 1. Khả năng không thể học đủ 60-65 tín chỉ trong 2 năm CC và khi đó có thể học thêm kỳ thứ 5 để đạt chuẩn transfer lên university. Hoặc nếu chuyển thì HS phải "nợ" ít nhất 70 tín chỉ ở ĐH và khi đó cũng khó tốt nghiệp cho 4 học kỳ (tức vẫn phải học 5 học kỳ bậc university, có khi tốn kém nhiều hơn).
  • Điểm GPA ở bậc CC không cao và điều này rất khó để HS chuyển lên university tốt hay xin hỗ trợ tài chính. Nếu muốn lấy bằng ĐH TOP cao (120-150 chẳng hạn) thì HS phải trả đủ toàn bộ phí (cỡ 40-50,000 đô) và khi ấy bài toán tài chính lại thành...bất khả thi tiếp.

Tôi khuyến khích HS đạt IELTS từ 6.0 trở lên (tốt nhất là 6,5-7,0): Khi đó HS đủ khả năng học thẳng chương trình ĐH ở bậc CC. Học sinh hoàn toàn có thể học 32-33 tín chỉ/ năm. Nếu HS đạt GPA trung bình từ 3,8-4.0 thì thật tuyệt vời. Khi đó các em rất dễ dàng xin học bổng/ hỗ trợ tài chính TOP trường 150-170 NU từ 35-50%. Mức học phí còn lại tầm 15-20,000 đô, cộng với ăn ở sẽ giữ tổng phí/ năm khoảng 25-35,000 đô. Vị chi cho 2 năm học cuối trong khoảng 50-70,000 đô

Kết chuỗi lại toàn bộ phân tích của tôi nêu trên sẽ cho phép các PH/HS tính toán ngân sách trong tầm 100-120,000 đô/ 4 năm để lấy bằng ĐH Mỹ. Các khía cạnh khác sẽ không được thảo luận ở đây, tránh lan sang chủ đề phụ, phân tán tâm trí bố mẹ

Bác thuộc loại "nhà...ít giàu" nhưng đã gồng gánh cho 3 con du học. Những gì viết ra được rút kinh nghiệm từ người trong cuộc với mục đích chia sẻ cùng các bố mẹ có cùng cảnh ngộ nhưng ao ước cho con bước ra "vũ đài thế giới" tìm kiếm cơ hội thành đạt. Chúc cả nhà vui khoẻ cuối tuần....

P/S: Nếu chủ đề này đủ độ nóng, số đông bố mẹ quan tâm, có khi bác làm buổi zoom để trò chuyện, tương tác trực tiếp nhỉ. Các bố mẹ cho biết ý kiến giúp)


Sep 24, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email