Du Học Mỹ Từ Bậc THPT: Nên Hay Không Nên?
Trong bài viết này, tôi chỉ nêu quan điểm cá nhân (người có 3 con du học, trong đó có 2 em du học Mỹ từ bậc PTTH đến ĐH). Chắc chắn không có "lời khuyên nào là hoàn hảo" cho tất cả, tuỳ hoàn cảnh mà cha mẹ đưa ra quyết định phù hợp nhất với gia đình
Tôi xin nêu cô đọng nhất về "lợi ích", cũng như ưu & nhược của lựa chọn này:
A- NHỮNG ƯU ĐIỂM CHÍNH:
- HS sẽ được "nhúng" hẳn vào môi trường ngôn ngữ(Anh văn) để nghe, nói, đọc, viết hàng ngày. Điều này giúp HS nhanh chóng nâng cao khả năng cảm thụ ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ học thuật và ngôn ngữ đời sống (tiếng lóng). Như bạn đã biết, Hoa Kỳ là hợp chủng quốc với thầy cô giáo sư gốc từ mọi nước, châu lục. Vì vậy, tiếng Anh của họ không hẳn là tiếng mẹ đẻ. Khi đó, nếu HS thích nghi tốt sẽ giúp cho việc học đại học sau này thuận lợi hơn
- Hoà nhập văn hoá bản xứ: Ngôn ngữ là yếu tố quan trọng để giúp HS nhanh chóng hoà nhập văn hoá. Khi đã hoà nhập văn hoá sẽ giải tỏa các trạng thái ức chế tâm lý. Và điều này sẽ giúp cho HS chống sốc văn hoá, làm nền tảng tăng cơ hội làm việc nhóm trong học ĐH và cả ra lúc trường làm việc.
- Xây dựng và thiết lập các MQH xã hội, cộng đồng, bạn bè: Phần lớn ở highschool, HS rất "bình đẳng". Tức là, nhà trường hạn chế HS mang các thiết bị, đồ dùng, trang sức đắt tiền, đồng phục như nhau, khẩu phần ăn na ná đồng giá. Vì vậy, HS rất dễ nhận ra tính "đồng đẳng/ cùng đẳng cấp" để hoà nhập, kết bạn (điều này không có bậc đại học). Khi đã kết bạn với HS bản địa Mỹ từ trung học, giúp lưu giữ suốt nhiều năm sau đó. Và cũng vì thế chúng lan tỏa sang các kênh khác, MQH khác, bao gồm cả công việc và kết nối đời sống phong phú.
- Hình thành sự tự tin, hoàn thiện tính cách, tự điều chỉnh hành vi và lối sống của HS: Nếu 3 yếu tố trên được hình thành, bản thân HS sẽ luôn "điều chỉnh và tái cấu trúc" nhận thức, thái độ và hành vi của mình. Ví dụ như: đúng giờ, tự chăm sóc bản thân, trung thực trong học tập, không nói dối... Thông thường, khi rời xa cha mẹ, trẻ sẽ có "môi trường tối ưu" hơn để chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Cha ông ta đã từng nói: "Đi tất đàng, học sàng khôn". Vì vậy, môi trường văn hoá Mỹ sẽ là cơ hội tốt để trẻ điều chỉnh, thích nghi và hình thành tính cách của một công dân toàn cầu nhanh chóng hơn so với ở trong nước/ ở cùng cha mẹ.
- Học được phương pháp học tập tiên tiến: Tôi nghĩ, nền giáo dục khai phóng và học thuật Mỹ có nhiều ưu điểm hơn. Khi HS học trung học tốt, chắc chắn sẽ thuận lợi khi vào ĐH để học tốt. Với phương pháp học "ghi chép bị động" từ thầy cô, văn mẫu, ít sáng tạo sẽ (có thể) gây chút trở ngại cho một số HS năm đầu tiên tại ĐH Mỹ
- Hiểu rõ hơn về định hướng nghề nghiệp, chọn trường, chọn nghề: Khi HS sống và học tại Mỹ, ngoài vai trò định hướng chọn nghề của nhà trường, HS còn "nhận ra" tính thực tế/ thực dụng của nghề nghiệp, chọn nghề. HS biết mình muốn gì, sở trường, sở đoản, thị trường lao động Mỹ/ toàn cầu và dự báo nghề nghiệp trong 5-10 năm tới. Từ đó HS sẽ tự biết cách chọn trường ĐH nào tối ưu với chuyên ngành mình muốn và dễ dàng theo đuổi ước mơ có tính thực tế cao hơn. Vì vậy, những HS tốt nghiệp highschool tại Mỹ ít khi thay đổi trường ĐH khi hết năm 1, 2 hơn so với DHS lần đầu đến Mỹ. HS này thường có "chính kiến" chọn trường của chính mình, chứ không phụ thuộc vào cha mẹ hay công ty tư vấn du học.
B- MỘT SỐ NHƯỢC ĐIỂM CHÍNH:
- Đương nhiên là gia đình sẽ tốn kém kinh phí hơn (riêng cá nhân tôi, tôi có một chiến lược khá cân bằng, nếu không nói là... có lợi hơn trong một số trường hợp)
- Hoà nhập trở lại văn hoá Việt Nam sẽ khó khăn hơn: Những HS du học sớm (từ lớp 9 chẳng hạn) sẽ hoà nhập tốt hơn về văn hoá Mỹ. Nhưng sau khi tốt nghiệp ĐH, quay về VN sẽ rất khó hoà nhập môi trường văn hóa, đặc biệt môi trường làm việc ở cty thuần Việt. Những công việc liên quan giao tiếp, xử lý có yếu tố con người, các em sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên những ngành về kỹ thuật, công nghệ, ữ liệu làm trong với cty đa quốc gia thì thuận lợi hơn.
- Xung đột văn hoá ứng xử với cha mẹ, người thân lớn tuổi: Bởi khi đó trẻ đã thay đổi nhưng bố mẹ thì... vẫn như cũ !. Khi con ở nước ngoài, cha mẹ không va chạm hàng ngày nên điều này bị... che khuất. Hơn nữa, vì yêu nhớ con nên cha mẹ hay dễ bỏ qua. Với HS thì đang cần cha mẹ chu cấp tài chính nên cũng dễ... dĩ hoà. Tuy nhiên, khi trẻ về lại VN để sống và làm việc, ở chung nhà thì xung đột bắt đầu bùng phát
- Không kiểm soát, dễ hư, sống tự do, buông thả: Nếu như hành trang "giáo dục" tính tự giác, ý thức trách nhiệm bản thân, tính kỷ luật của gia đình của HS trước khi đi du học không cao, cho HS đi sớm, sống trong dorm cũng rất dễ..."nảy nở" thói hư, tật xấu. Những trường hợp như vầy khôngnhiều, nhưng không phải là không có
Thông thường, khi trẻ bước vào tuổi 14,15 hay 16 tuổi, trẻ sẽ "từ bỏ" thuộc tính vị thành niên để bước vào tuổi thanh niên nhằm xác lập cái tôi độc lập. Yếu tố "môi trường sống" đóng vai trò tích cực, hỗ trợ giáo dục cho bạn trẻ. Vai trò của nhà trường Mỹ có những ưu điểm nhưng họ vẫn đóng vai trò chính trong giảng dạy văn hoá, học thuật.
Vậy, làm thế nào để lựa chọn "môi trường sống" nhằm hỗ trợ tối đa trong giáo dục các mặt tích ưu điểm nói trên cho trẻ ? (và đương nhiên hạn chế thấp nhất những mặt nhược điểm).
C. MÔI TRƯỜNG SỐNG
Sau đây có 3 lựa chọn "môi trường sống/ sinh hoạt" như sau để huy ưu điểm:
- Sống cùng Gia đình bản xứ (host family) Mỹ: Ban đầu có thể sẽ gặp khó khăn với HS (và một số em có điều kiện sống... khá đầy đủ ở quê nhà). Tuy nhiên, càng về sau nếu thích ứng tốt sẽ là môi trường lý tưởng để đạt được nhiều thông số ưu điểm. Các bố mẹ nên nhớ: sự khó khăn, trông có vẻ "hoàn cảnh" đó, chính là cách rèn giũa sự hoà nhập, sự điều chỉnh của trẻ. Thông qua một gia đình với nhiều thành viên đa dạng sẽ giúp trẻ quan sát, học hỏi tất cả mọi mặt đời sống, sinh hoạt, mọi lúc mà trường học không có. Từ một gia đình Mỹ (tế bào xã hội) này sẽ giúp trẻ thích ứng, nhân rộng ra toàn xã hội Mỹ nhanh chóng trong tương lai
- Ở dorm/ KTX:Trẻ sẽ thoải mái gia đoạn mới đến. Nhưng những "bài học đời sống Mỹ" không có nhiều ở đây do mặt hạn chế của dorm vẫn tập trung chủ yếu DHS (phần lớn Trung Quốc, Hàn Quốc, VN...). Với trẻ thì việc học hỏi thói quen thông qua bạn bè là nhanh nhất, bao gồm cả cái xấu. Môi trường KTX trong chừng mực nào đó, dễ thở, dễ quen, dễ sống nhưng hàm chứa các rủi ro khác. Tất nhiên, chúng còn phụ thuộc vào khả năng quản lý dorm của từng trường, chứ không thể chê bai tất cả
- Ở nhà họ hàng, người Việt: Các ưu điểm sẽ khó phát huy nhưng sẽ là "ưu" để khắc chế một số nhược điểm, như sốc văn hóa hay không quen đồ ăn Mỹ chẳng hạn. (Tôi không muốn đưa ra bất kỳ đánh giá nào về môi trường sống này, nhưng với tôi, nó không nên coi là lựa chọn đầu tiên, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng)
Các bố mẹ có thể đưa ra lựa chọn cho con mình. Tôi không áp đặt cho câu trả lời: NÊN hay KHÔNG NÊN. Với tôi, phần lớn các bạn HS nên du học sớm từ trung học. Câu kết bài viết của tôi là: "Khi bạn dám bước ra khỏi vùng AN TOÀN, bạn sẽ được an toàn ". Cần dạy bạn trẻ điều đó càng sớm càng tốt.
Sep 22, 2024