HỌC ĐẠI HỌC

Kỳ 1: Học Đại Học

Quan tâm chính của tôi là giáo dục phổ thông, tuy nhiên tôi cũng thấy là mình nên viết về giáo dục đại học, vì giáo dục phổ thông cũng sẽ kết nối đến các trường đại học. Tôi sẽ viết một series bài về việc học đại học, sẽ chầm chậm thôi, từng bài từng bài một, vì giáo dục là chuyện quan trọng, chuyện lớn, cần phải có kế hoạch xa, đâu cần vội vàng. Các bài viết này tôi viết cho các bậc cha mẹ, không phải bài nghiên cứu, nên tôi không muốn trích dẫn số liệu quá phức tạp. Chỉ là những chia sẻ của tôi thôi nhé.

Đại học ngày nay dành cho mọi người

Trước đây khi nguồn lực xã hội còn hạn chế, giáo dục đại học phát triển theo hướng ưu tiên đào tạo tầng lớp tinh hoa thông qua tuyển chọn gắt gao. Nó thực sự là một cuộc đấu về cơ hội. Được học đại học là chuyển sang một địa vị xã hội khác, kéo theo những cơ hội và đặc quyền về kinh tế. Không học đại học đồng nghĩa với cơ hội hẹp lại, địa vị xã hội thấp hơn. Chuyện này có ở nhiều nước chứ không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển theo hướng nhân văn hơn, học đại học đã trở thành một lựa chọn phổ biến và dễ tiếp cận với tất cả mọi người.

Chúng ta hay nhìn vào các con số thống kê 200.000 cử nhân đại học thất nghiệp mỗi năm và cho rằng việc đào tạo đại học ở Việt Nam đã dư thừa, lạm phát. Nhận thức đó không đúng, Việt Nam có tỷ lệ người dân có bằng đại học vẫn ở mức rất, rất thấp, và tỷ lệ người trong độ tuổi học đại học hiện đi học đại học nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Nếu lấy tiêu chí là tốt nghiệp đại học để đánh giá trình độ dân trí, thì chưa hề cao.

Chuyện thí sinh đậu – rớt đại học ngày càng ít nghiêm trọng. Thí sinh giỏi đậu trường top trong nước, ví dụ mới mức điểm 3 môn từ 27 trở lên. Thí sinh kém hơn sẽ có các trường tương ứng. Thí sinh nào dưới điểm sàn thì mới trượt. Học sinh có định hướng du học, xin học bổng nước ngoài thậm chí còn chẳng tham gia kỳ thi đại học của Việt Nam nữa nên đậu – rớt các em cũng không quan tâm. Các trường đại học cũng đa dạng hóa cách tuyển sinh, một số trường lớn như hai đại học quốc gia có tới 6 phương thức tuyển sinh, từ tuyển thẳng, chứng chỉ quốc tế, bài thi năng lực, xét tuyển học bạ… nên học sinh có nhiều cửa để vào trường đại học. Với các em có điểm thi dưới điểm sàn, thì vẫn có thể học trung cấp, cao đẳng và liên thông lên. Thậm chí đi du học luôn vì giáo dục thế giới là một cái nồi “thượng vàng, hạ cám” lớn hơn chúng ta nhiều lần, do vậy ai cũng có lựa chọn của mình. Cho nên, chúng ta cần hiểu là thời nay, ai mà chẳng thể học đại học. Vấn đề là làm gì với bằng đại học cho cuộc sống cá nhân, nhận thức, và sự nghiệp của mình mà thôi.

Người trẻ tài năng vẫn cạnh tranh nhau để khởi nghiệp, phát minh, và làm đẹp thế giới

Thời phong kiến, thí sinh cạnh tranh nhau trong các kỳ thi để đỗ đạt, ra làm quan, lấy bổng lộc, danh tiếng với đời. Thời bao cấp, các sinh viên học đại học để cạnh tranh nhau suất biên chế việc làm do nhà nước sắp xếp. Thời mở cửa, các sinh viên cạnh tranh nhau chỗ làm ở những nơi trả lương cao, môi trường làm việc văn minh như các công ty đa quốc gia, các tổ chức nước ngoài, toàn cầu. Còn hiện nay, sinh viên học đại học như một nhu cầu phát triển bản thân và nhận thức. Các em có thể học vài đại học chứ không chỉ một đại học trong cuộc đời. Lớp sinh viên hiện đại hiện nay cạnh tranh nhau theo ba hướng:

Một, là cạnh tranh nhau để khởi nghiệp. Trở thành một người làm thuê giỏi đã từng là mục tiêu của thế hệ cha mẹ các em học sinh ngày nay. Còn với các em, những học sinh giỏi nhất, sẽ cạnh tranh nhau ở tinh thần và khả năng khởi nghiệp hiện đại, cái đòi hỏi ở các em rất nhiều thứ như kiến thức, kinh nghiệm, vốn văn hóa, mạng lưới hỗ trợ, vốn, ý tưởng, sự sáng tạo, bản lĩnh… Khởi nghiệp đáng được tôn vinh, vì nó là động lực cho xã hội phát triển tiếp, tạo ra của cải, sự phồn thịnh và giá trị mới cho xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người.

Hai, là cạnh tranh nhau để có các phát minh về khoa học kỹ thuật. Lĩnh vực khoa học kỹ thuật là nơi luôn thu hút nhân tài.

Ba, là cạnh tranh nhau để tạo ra những thay đổi tích cực về mặt xã hội. Xã hội hiện đại có hàng ngàn, hàng vạn vấn đề cần giải quyết, từ dân số, môi trường, sức khỏe, quan hệ xã hội, gia đình, chủng tộc, tôn giáo, chiến tranh, xung đột… Thế giới cần những người có thế giúp dọn dẹp, sắp xếp cho đẹp đẽ, ngăn nắp hơn thay vì những cá nhân, tổ chức “ăn xong bày một mớ” ra cho người khác dọn, thế hệ khác dọn dẹp… Rất nhiều bạn trẻ chọn đi vào con đường dấn thân này thay cho khởi nghiệp kinh doanh hay phát minh, chế tạo.

Các đại học hàng đầu vẫn giữ giá

Dù xã hội thay đổi thế nào, hình thức học biến đổi thế nào, các đại học hàng đầu vẫn có giá trị riêng của nó. Hơn cả một nơi đào tạo và cấp bằng, đại học tinh hoa vẫn là cộng đồng gặp gỡ của những cá nhân tinh hoa, có khả năng giải quyết những vấn đề lớn, và có đam mê phụng sự xã hội và người khác. Việc tất cả mọi người cùng đi học đại học không có nghĩa là các đại học hàng đầu sẽ mất dần giá trị.

Chọn trường đại học là chọn sự phù hợp nhất

Học đại học là đầu tư tuổi trẻ (bao gồm thời gian, công sức, tiền bạc, kỳ vọng…) để tạo ra những thay đổi đột phá trong cuộc đời, do vậy phải chọn trường học có chất lượng. Tuy nhiên, việc đó không đồng nghĩa với việc ai cũng phải lao vào các trường đại học hàng đầu để lấy danh tiếng hay tìm cơ hội. Đại học hàng đầu không phải dành cho tất cả mọi người, và cũng không phải chỉ học ở đại học hàng đầu mới có thể thành công tột đỉnh. Có một chút cạm bẫy với đại học hàng đầu ở đây. Nếu một cá nhân không tương thích, phù hợp với đại học hàng đầu, thì cái giá phải trả cũng vô cùng nghiệt ngã. Những áp lực của việc học hành có thể làm lãng phí tuổi trẻ vốn có thể tốt hơn ở một nơi khác phù hợp hơn. Và việc cầm một tấm bằng của một trường đại học hàng đầu nhưng không thành công, không xuất sắc có thể là một gánh nặng phải đeo mang cả cuộc đời. Do vậy, lời khuyên của tôi là hãy chọn trường theo mục tiêu của mình. Nếu là một cá nhân xuất sắc, cần một môi trường để thúc đẩy tài năng, việc theo đuổi đại học hàng đầu có thể là lựa chọn chính xác; nhưng nếu chỉ lựa chọn đại học hàng đầu vì branding, những lợi thế ban đầu sẽ không bù lại được cho những mất mát vì sai lệch mục tiêu. Chọn đại học, do vậy, vẫn là chọn môi trường phù hợp với mục tiêu.

 

Kỳ 2: Không Học Đại Học?

Trong bài viết trước, tôi nói về việc “học đại học”. Trong bài viết lần này, tôi nói về chuyện ngược lại, là “không học đại học”.

Đây đó chúng ta vẫn nghe những phản biện ngược lại, rằng có biết bao nhiêu người không học đại học mà vẫn thành công vang dội, giàu có tột đỉnh. Cũng sẽ có lúc cha mẹ chúng ta phải “tranh cãi” với con cái về những lý lẽ như vậy nếu chúng không muốn học đại học. Sau đây, tôi muốn chỉ ra một vài điểm liên quan đến chuyện không học đại học.

Dừng đại học, nhưng không ngừng học:

Những trường hợp thành công chúng ta nghe thấy thường là rất cá biệt. Họ không học đại học, thậm chí bỏ dở đại học cỡ như Harvard. Một lý giải sai lầm của chúng ta là họ “không thèm” học đại học nghĩa là những gì đại học dạy là vô bổ. Cách hiểu này sai. Hầu hết những tỷ phú thành công bỏ học đại học vì họ đã có ý tưởng và dự định khởi nghiệp từ trước, và bỏ đại học là vì họ buộc phải lựa chọn toàn tâm toàn ý cho khởi nghiệp, nếu không cơ hội sẽ đi qua. Hoặc cũng có thể họ nhận ra việc học ở các trường đại học nghiên cứu lớn không cuốn hút họ. Và sự thật là họ chỉ gác lại việc học đại học, chứ họ không ngừng học. Nếu không muốn nói họ là người học gấp 5 gấp 10 lần người bình thường để có thể thành công, nhưng học bằng cách khác. Do vậy, khi một bạn trẻ mà còn lông bông không biết mình muốn làm gì trong đời, việc bỏ học đại học để cho giống với những người nổi tiếng là một điều dại dột.

Học đại học đảm bảo cuộc sống trung lưu

Học đại học ngày nay là con đường dẫn tới cuộc sống trung lưu. Tức là nó đảm bảo một vị thế nhất định trên thị trường lao động và trong xã hội. Khi mà một bạn trẻ chưa có gì để khẳng định mình, thì học đại học là một con đường phổ biến để bạn được đào tạo và chuẩn bị cho một nghề nghiệp tương lai. Tự nuôi sống được chính mình là biểu hiện đầu tiên của một thanh niên trưởng thành. Ngay cả khi còn chưa có một nghề nghiệp để kiếm sống, mà thanh niên bàn nhau không học đại học, thì đó chỉ là sự biện minh.

Mở quán phở, quán cà phê thông thường thì không phải là khởi nghiệp

Tôi phải nói rõ đây là ý kiến của ông Trương Gia Bình, chứ không phải của tôi, nhưng tôi đồng ý với ý kiến này. Khởi nghiệp (start-up) là phải tạo ra cái mới. Nếu bán phở theo mô hình chuỗi như Phở 24, hay bán bánh pizza giao bằng máy bay mô hình thì đó có thể là khởi nghiệp. Còn lại bán phở, cà phê thông thường, ông Bình gọi là “lập nghiệp”. Nhiều bạn trẻ lấy lý do không đi học đại học để đi bán café, cạnh tranh không lại với những tiểu thương dày dạn kinh nghiệm đường phố, rồi thất bại, đó là vì mô hình kinh doanh không có gì mới. Nếu con cái chúng ta có tư duy khởi nghiệp như vậy để thoái thác việc học đại học, chúng ta cần trao đổi lại.

Những trường hợp không nên cố học đại học

Tôi hay gặp những trường hợp học sinh tỉnh xa nhà nghèo đỗ đại học, cha mẹ gắng sức lo cho các em học xong đại học tới mức suy sụp cả kinh tế gia đình. Thậm chí là bán đất cho con du học, nhưng sau đó trong vòng 5 năm không kiếm được việc làm, cả cha mẹ và con cái đều bị áp lực. Với những sinh viên thiếu hụt tài chính, nếu tìm được nguồn học bổng hỗ trợ cho các em để các em học đại học thì rất hay. Nhưng nếu không thể, thì đừng bán nhà bán cửa chỉ để học đại học. Có những lựa chọn khác thực tế hơn nhiều. Những em như vậy nên học nghề để nhanh ra kiếm việc, kiếm tiền, sau khi đã có thu nhập có thể tiếp tục học đại học hoặc học liên thông lên đại học. Ở nước khác cũng như vậy, sinh viên nghèo nếu không có được học bổng để học đại học hoặc không vay được tiền chính phủ để trả học phí, sẽ ưu tiên học cao đẳng nghề để nhanh đi làm thay vì chọn học đại học và đẩy tài chính gia đình vào vực thẳm. Tôi đã chứng kiến nhiều sinh viên sau khi được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để có tài chính nhập học ban đầu ở thành phố, nhưng sau đó không đi làm thêm được để trang trải cuộc sống những ngày tiếp theo đó, đã vô cùng vất vả. Các mạnh thường quân không hề biết trong trường hợp đó, việc cố kéo các em nhập học đại học đã không giúp được các em. Các em có thể đỡ vất vả hơn nếu học một trường cao đẳng nghề ở gần nhà, tốn ít chi phí, nhanh ra trường, có nghề sớm, có thể kiếm tiềm sớm để tiếp tục học liên thông lên đại học sau này.

Cha mẹ tài trợ cho học đại học, nhưng không nên tài trợ học thạc sỹ.

Ở Việt Nam, ngân hàng chính sách xã hội có cho sinh viên vay tiền đóng học phí. Tuy nhiên, hầu hết cha mẹ Việt Nam đều lãnh trách nhiệm bảo trợ học phí học đại học cho con. Điều này là rất tốt. Cha mẹ có tiền tích lũy, bảo trợ học phí cho con bậc đại học là vô cùng đáng quý, vì sinh viên sau khi ra trường thì không phải nợ chính phủ như sinh viên Mỹ hay các nước châu Âu (trừ những nước chính phủ tài trợ phần lớn học phí đại học). Tuy nhiên, cha mẹ không nên tài trợ tới học thạc sỹ, tiến sỹ như tôi từng thấy. Tới cấp sau đại học, thanh niên phải trả bằng tiền của mình kiếm được dù thông qua học bổng hay tiền lương, tiền tích lũy. Con học xong đại học, thậm chí du học đại học, xong không có việc làm, cha mẹ tài trợ cho học lên cao thực ra không giúp các em trưởng thành. Ngay cả sinh viên đi du học bằng tiền cha mẹ, cha mẹ nếu có tài trợ, cũng chỉ nên tài trợ một nửa, một nửa cho vay trả lại trong thời hạn 5-10 năm.

Những người không học đại học

Có những bạn trẻ không học đại học nhưng vẫn thành công, thành danh. Bùi Tiến Dũng vẫn thành thủ môn quốc dân, Đen Vâu vẫn thành nhạc sỹ triệu view, Nguyễn Ngọc Tư vẫn thành nhà văn nổi tiếng… dù họ chỉ học hết lớp 12.

Có một số tài năng trong thể thao, nghệ thuật có thể thành công không phụ thuộc nhiều vào việc học đại học, họ vẫn thành công, vẫn kiếm sống tốt, vẫn nổi tiếng, vẫn có địa vị xã hội. Nhưng số lượng những ngành nghề như vậy không nhiều. Xã hội hiện đại ngày càng hướng tới sự chuyên nghiệp, ai cũng phải được đào tạo chuyên sâu. Việc có năng khiếu để bước vào nghề chỉ là thuận lợi ban đầu, còn sau đó khi hoạt động nghề nghiệp lại càng đỏi hỏi học cao hơn. Nếu bạn phỏng vấn những người bỏ qua việc học đại học, rất có thể họ cũng rất muốn đi học đại học. Với các nghề nghiệp như nghiên cứu, giảng dạy, khoa học kỹ thuật, bác sỹ, luật sư… có mức độ chuyên môn cao thì học đại học là tiêu chuẩn tối thiểu. Nhiều bạn trẻ là cử nhân kinh tế, thấy mình kiếm tiềm không bằng mấy người bán hàng online hay môi giới nhà đất, đã vội vàng phủ nhận giá trị của việc học đại học là cách suy nghĩ chưa chín chắn.

Đại học để làm gì?

Đại học là nơi dạy cách tư duy, biến một cậu thiếu niên thành một người thực sự trưởng thành, có tư duy độc lập. Nếu một đứa trẻ học xong lớp 12, tư duy của nó vẫn còn phụ thuộc vào những gì học được trong sách giáo khoa, từ sự rèn cặp của cha mẹ, và ảnh hưởng của người khác như thầy cô, thì đại học là nơi dạy cho các thanh niên tư duy bằng chính cái đầu của mình chứ không phải của ai khác. Đi học đại học, là để trở thành người có tư duy độc lập. Không nhất thiết tất cả mọi người đều phải vào đại học, nhưng đại học làm tăng năng lực nhận thức của mỗi người, cái chúng ta gọi là “dân trí” (nhận thức, văn hóa) trong chính chúng ta.

 

Kỳ 3: Học Đại Học Trong Nước

Học đại học trong nước là một lựa chọn hiển nhiên với phần lới học sinh Việt Nam. Vào được các đại học hàng đầu, và giành được các vị trí việc làm tốt nhất ở thị trường trong nước cũng chính là một lựa chọn có ROI (return on investment) cao nhất với các học sinh, kể cả so với các du học sinh về nước.

Đại học công lập Việt Nam vẫn được chính phủ bảo trợ học phí, nên nhìn chung có mức học phí chỉ vài triệu đến mười mấy triệu một năm học. Các trường đại học công lập tự chủ tài chính thì có mức thu cao hơn, khoảng vài chục triệu một năm.

Năm 2017, lần đầu tiên có một nhóm nghiên cứu tiến hành xếp hạng các đại học Việt Nam. Xin tham khảo danh sách ở đây:

https://dantri.com.vn/.../lan-dau-tien-cong-bo-xep-hang...

Xếp hạng đại học rất phổ biến ở phương Tây, với các bảng xếp hạng nổi tiếng của Times Higher Education, QS Ranking và Đại học giao thông Thượng Hải. Bảng xếp hạng đại học của Việt Nam bị nghi ngờ là có độ tin cậy không cao, tuy nhiên nó cũng là bảng xếp hạng lần đầu có ở Việt Nam.

Tuy các đại học Việt Nam bị coi là khá lạc hậu với thế giới, và với ngay khu vực ASEAN, tuy nhiên cũng đã có một số tín hiệu lạc quan như sau:

  • Một số chương trình học ở Việt Nam đã đạt được kiểm định về khoa học – kỹ thuật ABET, đây là một kiểm định rất uy tín của Mỹ cho các chương trình công nghệ - kỹ thuật. Các trường có chương trình đạt kiểm định ABET bao gồm Trường ĐH bách khoa TP. HCM, Trường ĐH quốc tế (ĐH Quốc gia TP. HCM), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng.
  • Một số chương trình đạt kiểm định về kinh doanh ACBSP, bao gồm Đại học FPT, Đại học Hoa Sen, Đại học Kinh tế quốc dân. ACBSP là hệ thống kiểm định chương trình kinh doanh uy tín chỉ sau AACSB.

Chương trình học trong nước gặp hạn chế lớn, đó là sự thiếu cập nhật so với thế giới. Hầu hết giáo trình, chương trình của đại học trong nước đều thiếu cập nhật, trừ những chương trình mũi nhọn hoặc có liên kết với trường nước ngoài. Đội ngũ giảng dạy yếu về khả năng nghiên cứu, thời gian dành cho giảng dạy nhiều hơn nghiên cứu. Sinh viên vẫn còn xa lạ với cách học tập chủ động, mà thường lặp lại cách học nghe-chép của thời phổ thông, nên vẫn thường có ý kiến là đại học ở Việt Nam là “cấp 4”. Khả năng nghiên cứu của sinh viên tương đối yếu, thể hiện qua chất lượng luận văn tốt nghiệp. Sinh viên học trong nước cũng thường bị nhà tuyển dụng ca thán về tiếng Anh không lưu loát và yếu các kỹ năng mềm phục vụ cho công việc trong công ty, tổ chức.

Tuy nhiên, học đại học trong nước cũng có một lợi thế to lớn là sự kết nối với thị trường việc làm ngay trên sân nhà. Các công ty lớn hoạt động ở Việt Nam, bao gồm cả công ty nước ngoài và công ty trong nước, thường vào các trường đại học lớn để tuyển sinh viên giỏi năm cuối. Các ngành kỹ thuật thường có đại học Bách khoa, Đại học FPT…, các ngành kinh tế có Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại Thương, Đại học Kinh tế TP. HCM, vv…

Việc thi đại học Việt Nam đã khác xưa. Ngoài lối đi truyền thống là sử dụng điểm thi tốt nghiệp phổ thông để xét tuyển đại học, thì các trường còn áp dụng nhiều cách tuyển khác nữa như sử dụng chứng chỉ quốc tế A level, SAT, xét tuyển học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực tổng quát… Điểm thi đại học hiện nay rất cao, học sinh nhóm đầu có thể đạt 28-30 điểm/3 môn. Lý do là kỳ thi hiện nay là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, khác với kỳ thi tuyển sinh đại học trước đây được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp trung học, khi đó đạt 20 điểm cho 3 môn thì đã là rất cao.

Học đại học trong nước không phải là lựa chọn quá tệ, nếu sinh viên biết điểm yếu, điểm mạnh của đại học Việt Nam để bổ sung thêm tiếng Anh, kỹ năng mềm. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học trong nước với nền tảng kiến thức, kỹ năng chắc chắn, cộng với thái độ khiêm tốn và sự ham học hỏi, đã giành được các vị trí quản trị tập sự trong các tập đoàn lớn, trở thành quản lý từ khi còn rất trẻ, thậm chí có cơ hội luân chuyển sang các thị trường khác trong cùng tập đoàn. Với những bạn như vậy thì có thể coi là ROI rất cao cho việc học đại học, vì chi phí bỏ ra ít, mà vẫn có công việc tốt, và từ thị trường Việt Nam đàng hoàng bước ra thế giới.

Kỳ 4: Đại Học Quốc Tế Ở Việt Nam

Việt Nam từng có dự án xây dựng các đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam, với các dự án đại học Việt - Đức, Việt - Pháp, Việt - Nhật, Việt - Mỹ, Việt - Anh, Việt - Nga... thông qua hình thức hợp tác chính phủ với chính phủ (G2G), các dự án đó đều có kinh phí đầu tư trên 100 triệu USD (chủ yếu vốn vay nước ngoài), tuy nhiên hiện nay chưa có kết quả rõ ràng là đã có dự án nào về đích thành công.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi tạm gọi các đại học quốc tế là các đại học ở Việt Nam, nhưng giảng dạy bằng tiếng Anh cho toàn bộ (hoặc hầu hết) các chương trình của trường. Dưới đây là một số trường đại học quốc tế của Việt Nam chia thành các nhóm.

Chi nhánh đại học nước ngoài:

Cái tên nổi bật nhất chính là đại học RMIT, một phân hiệu của đại học RMIT (Úc). RMIT giảng dạy và cấp bằng tương tự ở Úc, tuy không có đủ hết các chuyên ngành như ở Úc, nhưng hiện cũng mở rộng ra các nhóm ngành kinh doanh, kỹ thuật, truyền thông, vv... đào tạo từ bậc cử nhân lên tận tiến sỹ. Chương trình của trường học trong 3 năm, sinh viên chịu khó học học kỳ hè thì có thể tốt nghiệp sớm, tổng thời gian học đại học chỉ khoảng 2,0 - 2,5 năm. Tuy ở Úc RMIT là một đại học thường thường bậc trung, nhưng tiêu chuẩn học thuật của của RMIT Việt Nam vẫn cao hơn các đại học hàng đầu của Việt Nam vì chương trình hiện đại, cập nhật, giảng viên quốc tế, và bằng cấp được công nhận ở nước ngoài do uy tín của Đại học RMIT Úc. Trường tuyển sinh rất thành công tại Việt Nam, vì với chi phí khoảng 800 triệu - 1 tỷ đồng cho 3 năm học, thì học phí này chỉ bằng 1/2 học phí trường phổ thông quốc tế nếu so sánh theo năm. Sinh viên RMIT được xem là hiện đại, năng động, đầu vào hiện đã nâng từ mức trung bình lên khá giỏi, và nhiều bạn có công việc làm tốt sau khi ra trường. Trường là lựa chọn khá valued for money so với mức đầu tư.

Đại học vốn đầu tư nước ngoài (FDI):

Có thể kể đến Đại học Anh Quốc (BUV). Trường giảng dạy bằng tiếng Anh, cấp bằng riêng của BUV hoặc dạy chương trình của các đại học Anh như Đại học London (chương trình từ xa), Đại học Staffordshire, cấp bằng của các đại học đối tác. Mô hình của trường tương tự RMIT, chỉ có điểm khác là BUV thành lập tại Việt Nam, và không có trường mẹ tại Anh. Chương trình Anh học đại học trong 3 năm, do vậy sinh viên cũng tiết kiệm được chi phí và có thể sớm ra trường đi làm. Trường có mức học phí thấp hơn một chút so với RMIT.

Đại học quốc tế công lập:

Bao gồm Đại học Việt - Đức (liên kết với Đức) ở TP. HCM - Bình Dương, Đại học Việt - Nhật (liên kết với Nhật), Đại học khoa học & công nghệ Hà Nội (liên kết với Pháp) ở Hà Nội, Viện đào tạo Việt - Anh (liên kết với Anh) nằm trong Đại học Đà Nẵng, và Đại học Quốc tế thuộc Đại học quốc gia TP. HCM. Đây đều là các dự án xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế của chính phủ với mức độ thành công khác nhau. Điểm chung là học phí rẻ hơn đại học tư thục nước ngoài kể trên (học phí khoảng 200 - 250 triệu cho 4 năm học), cấp bằng của trường hoặc bằng đôi với đại học đối tác nước ngoài.

Đại học tư thục phi lợi nhuận:

Là đại học Fulbright, được thành lập với sự hỗ trợ của cả chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, nhưng không phải là đại học công lập, và mô hình cũng khác các đại học tư thục khác ở chỗ nó hoạt động phi lợi nhuận. Đại học Fulbright tự cấp bằng, đào tạo theo mô hình đại học khai phóng của Mỹ, học phí khá cao (20.000 USD/năm), trong 4 năm cho chương trình cử nhân, tuy nhiên có chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính. Được kỳ vọng là đại học nghiên cứu, tập trung đào tạo tinh hoa cho Việt Nam, tuy nhiên dự án tiến triển rất chậm, hiện khuôn viên trường chưa xây xong, và các ngành nghề đào tạo còn rất hạn chế. Kinh phí hoạt động của trường chủ yếu trông đợi vào tiền hiến tặng từ cá nhân và tổ chức.

Đại học doanh nghiệp:

Đây là các đại học do doanh nghiệp thành lập, như Đại học Tân Tạo (tập đoàn Tân Tạo), Đại học VinUni (tập đoàn Vingroup), Đại học Phenikaa, Đại học FPT, dự án Đại học FLC... Trong số này, hiện mới chỉ có Đại học FPT khẳng định được uy tín và chất lượng đào tạo trên thị trường lao động. Dù nhiều đại học trong số này tuyên bố phi lợi nhuận, nhưng mức học phí thu cao ngất ngưởng, và trường cũng chưa đạt kiểm định chất lượng gì của nước ngoài, như VinUni hay Tân Tạo, cho nên việc tự tuyên bố phi lợi nhuận không có nhiều ý nghĩa.

Các đại học tư thục chất lượng cao:

Đại học tư thục ở Việt Nam có rất nhiều, là mô hình doanh nghiệp kinh doanh giáo dục với nguồn thu chủ yếu là học phí của người học. Tuy nhiên, số lượng trường khẳng định được chất lượng cao không nhiều, chỉ bao gồm một số cái tên ít ỏi như FPT (toàn quốc), Thăng Long (ở Hà Nội), Duy Tân (ở Đà Nẵng), Tôn Đức Thắng (TP. HCM)... Riêng Tôn Đức Thắng là đại học công lập trên danh nghĩa, tự chủ tài chính.

Xin lưu ý là mặc dù các đại học trên dạy chủ yếu bằng tiếng Anh, nhưng sinh viên vẫn phải học các môn học bắt buộc bao gồm 5 môn lý luận chính trị tư tưởng (Triết học Marx-Lênin, Kinh tế chính trị Marx-Lênin, Lịch sử Đảng cộng sản VN, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh) cùng với môn Thể dục và Quân sự, trừ các chương trình liên kết với nước ngoài do đại học nước ngoài cấp bằng thì không học 7 môn này.

 

Kỳ 5: Chương Trình Liên Kết Quốc Tế

Nếu bạn gõ cụm từ “Chương trình liên kết quốc tế” vào Google, bạn sẽ tìm ra thông tin về các chương trình liên kết quốc tế của các trường đại học lớn. Hoặc bạn vào website của các trường đại học, tìm mục “Liên kết đào tạo”, “Liên kết quốc tế”, hay “Hợp tác quốc tế” thì cũng sẽ thấy các chương trình liên kết quốc tế được thông tin ở đây.

Liên kết quốc tế là hình thức liên kết đào tạo giữa một đại học trong nước với một đại học nước ngoài, phổ biến nhất là cấp bằng của đại học nước ngoài, đôi khi cấp song bằng, cũng có khi chỉ cấp bằng của trường trong nước. Liên kết đào tạo quốc tế đã có lịch sử 2-3 chục năm nay ở Việt Nam, tuy nhiên nó khởi đầu với một sự tai tiếng. Những năm từ 1990 đến khoảng 2010, có rất nhiều chương trình liên kết kém chất lượng hoạt động ở Việt Nam, chủ yếu do các đại học trong nước không có kinh nghiệm quản lý chất lượng, không rành tiếng Anh, không biết nhiều về giáo dục thế giới đã dẫn tới việc liên kết cả với những trường đại học trôi nổi, không được kiểm định chất lượng từ nước ngoài tràn vào Việt Nam bán bằng cấp. Điển hình là vụ Đại học quốc gia Hà Nội liên kết với một đại học “dỏm” là Irvine University. Tiến sỹ Mark A.Ashwill - khi đó là giám đốc Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phải đưa ra một danh sách gồm 21 đại học “dỏm” vốn là các “diploma mill” (xưởng in bằng) hoạt động tại Việt Nam để cảnh báo người học, như dưới đây:

1 - ĐH quốc tế Adam (Adam International University) thuộc bang Georgia.

2 - ĐH Akamai (Akamai University) thuộc bang Hawaii.

3 - ĐH American City (American City University), bang California.

4 - ĐH Di sản Mỹ (American Heritage University), phía nam California.

5 - ĐH American Pacific (American Pacific University).

6 - ĐH quốc tế American Pacific (American Pacific University - International) thuộc bang New Mexico/California.

7- ĐH Apollo (Apollo University) bang California.

8 - ĐH quốc tế Đại Tây Dương (Atlantic International University) thuộc bang Hawaii.

9 - ĐH Capstone (Capstone University), bang California.

10 - ĐH Cosmopolitan (Cosmopolitan University).

11 - ĐH Frederick Taylor (Frederick Taylor University) thuộc bang California.

12 - ĐH Honolulu (Honolulu University) thuộc bang Hawaii,

13 - ĐH Irvine (Irvine University) thuộc bang California.

14 - ĐH Quốc tế Mỹ (International American University), bang California.

15 - ĐH Kỹ thuật Paramount (Paramount University of Technology) thuộc bang California.

16 - ĐH Pebble Hills (Pebble Hills University) thuộc bang Pennsylvania.

17 - ĐH Preston (Preston University) thuộc bang California.

18 - ĐH Tây Nam Mỹ (Southwest American University) thuộc bang California.

19 - ĐH Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) thuộc bang Delaware.

20 - ĐH quốc tế Washington (Washington International University) thuộc bang Pennsylvania.

21 - ĐH quốc tế Berkeley (Berkeley International University), bang Delaware.

Sau đó thì Nghị định 73/2012/NĐ-CP về hợp tác giáo dục ra đời năm 2012, tiếp đến là Nghị định 86/2018/NĐ-CP ra đời năm 2018 thay thế cho Nghị định 73 đã làm thay đổi thị trường giáo dục liên kết theo hướng siết lại chất lượng.

Hiện nay chất lượng của đào tạo liên kết đã được nâng lên rất nhiều, và những định kiến với giáo dục liên kết hoàn toàn không phù hợp nữa. Một điều mà tôi rất “ưng” của quy định hiện nay là đại học trong nước muốn liên kết với trường nước ngoài thì phải có ngành đào tạo trong nước tương ứng. Quy định này thúc đẩy lợi ích của chương trình liên kết theo hướng đại học trong nước khi liên kết thì học hỏi được trường nước ngoài để nâng cao chương trình trong nước đúng chuyên ngành đào tạo, đồng thời cũng có kiến thức chuyên ngành đủ để kiểm soát chất lượng và hợp tác với trường nước ngoài, thay vì không nắm rõ trường nước ngoài dạy cái gì.

Học chương trình liên kết có rất nhiều điểm mạnh.

- Trước tiên, điểm mạnh nổi bật so với chương trình trong nước là giáo trình, nội dung học tập cập nhật hơn rất nhiều, chương trình hiện đại, theo chuẩn quốc tế. Phần lớn các chương trình liên kết đạt kiểm định chất lượng cấp trường hay cấp chương trình ở nước ngoài, nhóm kinh doanh rất nhiều trường đạt 1 trong 3 dấu kiểm định “vàng” là AACSB, EQUIS, AMBA hoặc nhóm công nghệ đạt kiểm định uy tín ABET.

- Thứ hai, yêu cầu sinh viên đầu vào phải có năng lực tiếng Anh tối thiểu B2 hay IELTS 6.0 theo quy định hiện nay cũng khiến chất lượng đào tạo liên kết tốt hơn so với trước đây, do vậy sinh viên tốt nghiệp chương trình liên kết cũng không kém tiếng Anh hơn so với sinh viên du học về.

- Thứ ba, sinh viên được học thẳng vào chương trình chính mà không phải học các môn đại cương, không học 5 môn chính trị và 2 môn thể dục, quân sự như chương trình đại học trong nước (nếu là chương trình do đại học nước ngoài cấp bằng).

- Thứ tư, bằng cấp học liên kết cũng giống như đi du học, được công nhận bởi cả Bộ giáo dục - đào tạo Việt Nam ở trong nước, cũng như được công nhận rộng rãi ở nước ngoài.

- Thứ năm, học phí của chương trình liên kết khá thấp, dao động trong khoảng 200 - 400 triệu cho toàn bộ chương trình cử nhân 3-4 năm. Do chương trình liên kết phù hợp với thu nhập của khá nhiều gia đình trung lưu, nên số lượng học viên tăng lên nhanh chóng, hiện nay có khoảng hơn 10.000 sinh viên đang theo học tại gần 400 chương trình liên kết ở hơn 80 trường đại học trong nước.

- Thứ sáu, là chương trình nước ngoài có thể học trong 3 năm và sinh viên tốt nghiệp sớm hơn 1 năm để ra trường đi làm.

- Cuối cùng, là sinh viên học liên kết quốc tế có thể nắm bắt ngay những cơ hội việc làm tốt ở trong nước giống như sinh viên đại học quốc tế của Việt Nam, do lợi thế thông thạo tiếng Anh, bằng cấp quốc tế, am hiểu văn hóa và phong cách làm việc nước ngoài.

Tuy vậy, chương trình liên kết cũng có nhược điểm là thu hẹp trải nghiệm của sinh viên ở tại Việt Nam. Để khắc phục điều này, nhiều chương trình cho phép sinh viên ra nước ngoài 1 tuần, 1 học kỳ, 1 năm học, 2 năm học, vv… để tăng tính trải nghiệm quốc tế.

Chương trình liên kết quốc tế hiện cũng chia ra thành du học tại chỗ (học hoàn toàn trong nước) hoặc du học chuyển tiếp (học một phần trong nước, một phần ở nước ngoài theo những mô hình như 2 năm + 2 năm, 1 + 3, 1 + 2, 2 + 1…). Mô hình 4 + 0 hay 3 + 0 (du học tại chỗ) thường là mô hình mà trường nước ngoài chuyển giao giáo trình, tài liệu, chương trình cho đại học trong nước, thuê luôn giảng viên trong nước làm trợ giảng hoặc giảng dạy một số môn. Trong khi đó, mô hình du học chuyển tiếp thường công nhận tín chỉ của đại học trong nước để tạo nguồn sinh viên cho đại học nước ngoài những năm về sau.

Nhiều người vẫn còn cho rằng chỉ những trường đại học kém chất lượng ở nước ngoài mới sang Việt Nam liên kết đào tạo. Cách hiểu này không còn đúng nữa. Hiện nay thị trường liên kết đào tạo đã sang trang mới, khác xưa rất nhiều. Nên nhớ một đại học “thường thường bậc trung” ở các nước như Mỹ, Anh, Úc, châu Âu… cũng đã lớn bằng hoặc lớn hơn 2 đại học quốc gia của Việt Nam rất nhiều, khuôn viên rộng hàng trăm ha, đã hoạt động vài thế kỷ nay, từ khi Việt Nam còn chưa có trường đại học (không tính việc coi Quốc Tử Giám là đại học đầu tiên của Việt Nam). Các trường đại học bình thường ở nước ngoài cũng có thể nằm trong nhóm xếp hạng 400 thế giới, cái bình thường với thế giới nhưng vẫn còn bỏ khá xa đại học trong nước khi các trường đại học top trong nước như Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Duy Tân… phải vất vả lắm mới lọt được vào top 1000 của thế giới. Đấy là chưa kể các đại học của phương Tây thường đào tạo đa ngành giống như đại học quốc gia của chúng ta, bên dưới có các trường con (school hoặc college), mỗi trường như vậy đã lớn bằng một trường đại học chuyên ngành của Việt Nam như Ngoại Thương, Luật, Thương mại, Tài chính, Ngân hàng, vv…

Nhiều người cũng sẽ bất ngờ khi có rất nhiều đại học nhóm top 100 thế giới đã có chương trình liên kết ở Việt Nam, điển hình là nhóm "Group 8" gồm 8 đại học tốt nhất nước Úc, như Đại học quốc gia Úc (liên kết với Đại học Kinh tế quốc dân), Đại học Queensland, Đại học New South Wales, Đại học Adelaide (liên kết Đại học Bách khoa TP. HCM, Đại học quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM), Đại học Monash (liên kết với Đại học kinh tế TP. HCM), Đại học Carnegie Mellon (liên kết Đại học Duy Tân, Đại học Văn Lang)… Đấy là với các đại học từ các nước nói tiếng Anh. Còn các đại học hàng đầu thế giới từ Pháp, Đức, Nhật… thì đã có truyền thống hợp tác với Việt Nam từ rất lâu theo các chương trình chính phủ nước ngoài hỗ trợ chính phủ Việt Nam.

Dù có nhiều người không thích chương trình liên kết, nhưng nếu xét về hiệu quả đầu tư, thì tôi cho rằng phương thức này là một ứng cử viên nặng ký khi so với cả nhóm trường top trong nước lẫn nhóm du học nước ngoài về nếu lấy thị trường lao động Việt Nam làm sân đua tài. Lý do là sinh viên của mô hình này vừa nắm được cơ hội việc làm ở các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam, vừa tiết kiệm được khoản chi phí lớn của học phí để bước vào đời không bị áp lực tài chính.

Kỳ 6: Kiểm Định Chất Lượng

Khi nói về các trường đại học quốc tế Việt Nam, và các chương trình liên kết quốc tế ở Việt Nam, thì một điều quan trọng cần lưu tâm là việc các trường có được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định quốc tế (accrediting agency) hay không.

Kiểm định thường có hai phần: kiểm định cấp trường (toàn trường đại học) và kiểm định cấp chương trình (từng chương trình riêng lẻ). Mỗi quốc gia có hệ thống kiểm định chất lượng riêng.

Ở các nước như Anh, Úc, Canada, và nhiều nước châu Âu, việc kiểm định chất lượng trường do cơ quan của chính phủ phụ trách trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức được chính phủ ủy thác, ví dụ các trường ở Anh sẽ do QAA (Quality Assurance Agency) đảm bảo chất lượng. Do chính phủ giám sát trực tiếp nên ở các quốc gia này, rất hiếm gặp trường đại học “lừa đảo” ở cả trong và ngoài nước.

Riêng ở Mỹ, Bộ giáo dục hay chính phủ nước này không kiểm định chất lượng trường học, mà công nhận kết quả kiểm định của các tổ chức tư nhân (phi lợi nhuận), phổ biến nhất là của 6 tổ chức kiểm định vùng như dưới đây:

- Accrediting Commission for Community and Junior Colleges (ACCJC) Western Association of Schools and Colleges

- Higher Learning Commission (HLC)

- Middle States Commission on Higher Education (MSCHE)

- New England Commission of Higher Education (NECHE)

- Northwest Commission on Colleges and Universities (NWCCU)

- Southern Association of Colleges and Schools Commission on Colleges (SACSCOC)

- WASC Senior College and University Commission (WSCUC)

Ở Mỹ, một trường nếu không được kiểm định chất lượng thì văn bằng do trường cấp có rất ít giá trị, vì dấu của nó đóng lên văn bằng không khác gì con dấu của một công ty nào đó. Theo “luật” thì mọi trường được thành lập hợp pháp thì đều có thể tự in và cấp bằng cho người học, nhưng theo “lệ” thì bằng cấp phải được kiểm định chất lượng của ít nhất một trong 6 tổ chức vùng nêu trên thì mới được công nhận bởi các đại học khác hay có giá trị với các nhà tuyển dụng. Để cho dễ nhớ, phụ huynh/học sinh Việt Nam chỉ cần kiểm tra là trường Mỹ được kiểm định bởi một trong các tổ chức có tên viết tắt như sau là có thể yên tâm: NEASC (vùng Đông Bắc), SACS (miền Nam), WASC (miền Tây), MSCHE (miền Trung), NWCCU (Tây Bắc), NCA (vùng Trung Bắc).

Với kiểm định cấp chương trình, thì đáng giá nhất trong nhóm ngành kinh doanh có kiểm định AACSB (Association to Advance Collegiate Schools of Business), trong nhóm ngành kỹ thuật có kiểm định ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology). Ngoài kiểm định cấp trường nói chung, thì kiểm định ngành học hay chương trình học đảm bảo sự so sánh chất lượng với các trường khác trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, một số trường đại học hàng đầu mới chỉ đạt kiểm định cấp trường của AUN (Mạng lưới đại học Đông Nam Á). Một số trường đặt mục tiêu đạt kiểm định chất lượng của Mỹ như Đại học Tân Tạo, Fulbright, VinUni, SIU, AUV... đều chưa đạt được.

Kiểm định AACSB cho chương trình kinh doanh:

Ở Việt Nam chưa có trường trong nước nào nào đạt kiểm định AACSB cho ngành kinh doanh, kể cả RMIT. Tuy vậy, các trường nước ngoài đến liên kết tại Việt Nam thì đã có rất nhiều trường đạt kiểm định AACSB. Dưới đây là danh sách các trường đạt AACSB của nước ngoài đã có chương trình liên kết tại Việt Nam:

- Từ Úc có các trường: Curtin, Daekin, Griffith, La Trobe, MacQuarie, Monash, Queensland University of Technology, Swinburne, Adelaide, New Castle, Queensland, South Australia, Univesity of Technology Sydney, Wollongong, Western Sydney...

- Từ Anh có các trường: Nottingham Trent, Bradford...

- Từ Mỹ có các Trường: Troy, Angelo State, Appalachian State, Arizona State, Carnegie Mellon, Clark, Delaware State, Florida International, Northeastern, Rice, Suffork, Truman State, Arkansas, Hawaii at Manoa, Houston - Clearlake, Missouri at Kansas, Missouri St. Louis...

Kiểm định ABET cho chương trình kỹ thuật:

Với các trường trong nước thì đã có các trường sau đạt ABET: Đại học Bách khoa TP. HCM, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. HCM), Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (TP. HCM).

Với các trường nước ngoài đang liên kết ở Việt Nam, thì có các trường sau đã đạt kiểm định ABET:

- Từ Mỹ: Andrews, Angelo State, Appalachian State, Arizona State, Arkansas, California State - San Bernadino, Carnegie Mellon, Clarkson, Florida International, Houston Community College, Oklohoma State, Rutgers (New Jersey), Seattle City, Troy...

Ngoài ra còn có rất nhiều trường đã đạt kiểm định AACSB và ABET đến từ Đài Loan, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia... đã có mặt ở Việt Nam. Tất cả các chương trình đạt dấu kiểm định AACSB và ABET đều là các chương trình kinh doanh và kỹ thuật đạt tiêu chuẩn toàn cầu, đáng tin cậy về chất lượng. Bạn có thể tìm các trường đó tại đây:

AACSB: https://www.aacsb.edu/accredited?page=54

ABET: https://amspub.abet.org/aps/category-search

Xin lưu ý, với các chương trình kinh doanh thì ngoài AACSB còn có các chương trình kiểm định AMBA, EQUIS, ACBSP... cũng đáng tin cậy dù ít nổi tiếng hơn so với AACSB. Bên ngoài nhóm ngành kinh doanh, kỹ thuật thì có thể có những chương trình kiểm định khác cho ngành y khoa, giáo dục, thể thao, luật, quản trị công...

 

Kỳ 7: Làm Sao Để Tốt Nghiệp Đại Học Năm  20 Tuổi?

Ở đây tôi không nói tới các thần đồng học trước tuổi hay nói chuyện học sinh nhảy lớp, mà nói về việc đi theo lộ trình thông thường, tận dụng những hiểu biết về các hệ thống giáo dục khác nhau để lấy bằng đại học vào năm 20 tuổi.

Cách thứ nhất:

Lấy bằng IGCSE năm 16 tuổi, sau đó không học A level theo lộ trình thông thường, mà học 1 năm Foundation Year, rồi học tiếp 3 năm đại học ở Anh, hoặc Úc. Thông thường muốn vào đại học ở Anh, sau khi có bằng trung học phổ thông (GCSE hoặc IGCSE) thì sẽ học lên 2 năm dự bị đại học (A level). Tuy nhiên, nếu không học A level thì sinh viên quốc tế có thể học dự bị đại học 1 năm với chương trình Foundation Year, thông thường là của chính đại học mình muốn ứng tuyển, rồi ở tuổi 17, học tiếp 3 năm đại học là lấy bằng đại học ở tuổi 20, sớm hơn 2 năm so với sinh viên trung bình ở Việt Nam. Các đại học ở Anh, hay hầu hết các nước châu Âu theo công ước Bologna, chương trình đại học kéo dài 3 năm, thạc sỹ 1 năm, tiến sỹ 3 năm. Rất nhiều trường Úc, đặc biệt là các đại học định hướng ứng dụng/nghề chứ không phải đại học nghiên cứu thì chương trình đại học cũng chỉ 3 năm, trong đó có RMIT Việt Nam.

Cách thứ 2:

Lấy bằng IGCSE hoặc GED vào tuổi 16, sau đó học đại học cộng đồng của Mỹ (community college) trong 2 năm để lấy được bằng cao đẳng (Associate Degree), sau đó chuyển tiếp học tiếp 2 năm để lấy bằng đại học ở đại học (universities) hoặc đại học cộng đồng (community college). Như vậy cũng 20 tuổi đã có bằng đại học. Cách thứ hai này còn ưu việt hơn cách thứ nhất ở chỗ, 18 tuổi sinh viên đã có trong tay bằng cao đẳng, và đã có thể vừa học đại học vừa xin việc làm ở mức hạn chế. Tại Việt Nam, có Đại học Broward College của Mỹ mở phân hiệu tại TP. HCM và Hà Nội, nơi sinh viên có thể lấy bằng cao đẳng Mỹ sau 2 năm và chuyển tiếp sang Mỹ học 2 năm cuối, với học phí tại VN chỉ bằng 1/3 tại Mỹ.

Ngoài hai cách ở trên thì việc tích lũy tín chỉ AP, A level hay IB Diploma sẽ giúp sinh viên xin miễn tín chỉ tối đa cho 1 năm học đầu tại đại học Mỹ, tiết kiệm được 1 năm học và cũng có thể tốt nghiệp đại học ở tuổi 21 như khi học ở Anh.

Rất nhiều học sinh nhọc nhằn đi săn học bổng, nhưng không nhận ra rằng, tiết kiệm được một hay hai năm học đại học nước ngoài đã chính là một khoản học bổng 25% hoặc 50% rồi đó.

Kỳ 8: Du Học

Cuối cùng thì tôi cũng tới phần quan trọng của học đại học, là du học, sau khi bị gián đoạn bởi những bài viết khác.

Không chỉ có sinh viên của các nước đang phát triển như Việt Nam đi du học ở các nước phát triển, mà sinh viên ở các nước công nghiệp phát triển nơi có nền giáo dục đã phát triển như Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc, Nhật Bản, Singapore… cũng đi du học. Như vậy, du học không chỉ đơn thuần là việc đi tìm một nền học vấn tốt hơn, mà còn là vì những trải nghiệm học thuật và văn hóa mà một trường đại học trong nước không thể cung cấp được.

Mỗi năm, có vài trăm ngàn du học sinh Việt Nam đi học ở nước ngoài, tập trung nhiều nhất vào các nước có nền giáo dục nổi tiếng, nhất là các quốc gia nói tiếng Anh. Du học mang tới vô số những lợi ích cho sinh viên, bao gồm:

- Thời gian du học (tuổi 18 - 20) thường trùng với quãng thời gian tuổi trẻ, lúc thanh niên khao khát mãnh liệt nhất được vươn ra biển lớn, để đánh dấu tuổi thanh xuân của mình với chặng đường thử thách xứng tầm. Du học là một thử thách tích cực để các bạn chứng tỏ bản lĩnh lần đầu rời cha mẹ, sống độc lập như một cá nhân trưởng thành, thử thách mình với áp lực của học đại học nước ngoài, bằng một ngôn ngữ nước ngoài, bên cạnh những người xa lạ. Không xét về chuyện thành bại trong công việc sau này, du học luôn là một trải nghiệm đáng giá cho tuổi trẻ của các bạn thanh niên, miễn là các bạn sẵn sàng.

- Gặp gỡ những người ưu tú ở mọi quốc gia: Nếu chỉ ở trong quốc gia của mình, cơ hội gặp được những người ưu tú có lẽ chỉ bó gọn trong những người của cộng đồng mình. Ra khỏi Việt Nam, điều tuyệt vời nhất chính là gặp được rất nhiều người giỏi giang, xuất sắc, tâm huyết, đẹp đẽ… mà có khi không gặp trên “sân nhà”, vì không gian quốc tế rộng lớn hơn Việt Nam rất nhiều. Cái “giỏi”, cái “hay”, cái “đẹp” mang ra từ Việt Nam sẽ được cọ xát với vô vàn nền văn hóa khác để bạn trẻ nhận ra đâu là giá trị thực sự của mình, đâu là ảo tưởng.

- Được sống trong không gian đa văn hóa: Tôi nhớ cách đây vài năm, có bạn trẻ thú nhận không biết nấu món canh cua rau đay cũng bị bao nhiêu người xúm vào mắng nhiếc. Ra khỏi Việt Nam, bạn trẻ sẽ thấy người ta chẳng cần ăn “canh cua” của chúng ta nhưng họ vẫn xuất sắc, vẫn đầy giá trị, cho nên sẽ giúp các bạn dễ mở lòng với cái khác, cái mới, món ăn mới, phong cách mới, cách suy nghĩ mới… Và nhiều bạn trẻ sau một thời gian sống theo phong trào chỉ biết kêu ca - phàn nàn - chỉ trích, đã cho biết rằng sau khi ra nước ngoài, bạn biết trân trọng tất cả những gì nhỏ bé tại Việt Nam, và thấy mình trở nên bao dung hơn rất nhiều.

- Được học và sử dụng tiếng Anh trong môi trường immersion. Nếu như học ở Việt Nam, tiếng Anh chỉ sử dụng ở mức hạn chế, thì khi đi du học, tiếng Anh sẽ phải sử dụng 24/7, và điều này tốt cho việc học tiếng. Tất nhiên cũng có những bạn đi du học nhiều năm về mà tiếng Anh cũng không lưu loát được, nhưng nhìn chung việc phải sử dụng tiếng Anh để sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài thực sự giúp các bạn tiến bộ hơn so với phiên bản cũ của chính mình.

- Được trải nghiệm nền giáo dục tôn trọng người học: Hầu hết các trường đại học lớn ở phương Tây có quá trình phát triển nhiều thế kỷ, thập kỷ, là nơi truyền bá tri thức lành mạnh và cấp tiến, với tư tưởng khai phóng, hỗ trợ người học. Hầu như sinh viên đều có thể tìm được những ngành học phù hợp dù là ngành mới hay ngành cũ, và quy trình học tập ở đại học phương Tây đã có những thông lệ khá tương đồng và văn hóa trong môi trường học thuật rất lành mạnh. Đây là cơ hội để thanh niên fix lại những định kiến hay nhận thức không đúng đắn, trao đổi các vấn đề quan tâm với giáo sư hay bạn cùng học, và tự mình khai mở, đón nhận những tư duy mới mẻ. Đặc biệt, đại học phương Tây thúc đẩy nghiên cứu khoa học dựa trên những phương pháp khoa học được công nhận. Đây là điểm khác biệt quan trọng của đại học phương Tây và các nước phát triển nói chung.

Dù là có nhiều cách để sử dụng tuổi trẻ như trong 7 phần trước tôi đã trình bày, du học vẫn là một cách rất tốt để trưởng thành. Giá trị của nó vượt ra ngoài đồng lương khi đi làm việc, hay cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, mà nằm ở cách nghĩ, cách làm, cách sống sẽ theo người học suốt đời.

 


Aug 16, 2024

3 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email