Học Không Cấp Bằng

Tôi rất thích vẻ đẹp của các chương trình học không cấp bằng. Nó tựa như một người chăm chỉ chạy bộ mỗi ngày chứ không chạy thi marathon. Nó là vẻ đẹp tĩnh tại, tự tin, không bon chen dù có một mục đích rõ ràng ở phía trước. Học không cấp bằng là khi người học có động lực học thực sự, bỏ qua mọi phù phiếm của bằng cấp để tự khai sáng chính mình dưới ánh sáng của tri thức.

Có thật là người Việt ham học không, hay tính cần cù, hiếu học của người Việt “chỉ là một huyền thoại” như công trình nghiên cứu của GS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm? Trong một quốc gia phương Đông đặc thù mà sự háo danh bắt nguồn từ những lợi ích do thi cử và bằng cấp mang lại có từ thời phong kiến, nếu đặt ra câu hỏi là không có bằng cấp, người Việt có còn chăm học hay không, có thể sẽ có kết quả thú vị.

Rất nhiều cha mẹ chúng ta rời bỏ trường học Việt Nam truyền thống để tự cởi trói cho mình và con cái khỏi những tư duy cũ kỹ về bằng cấp, không muốn bon chen chạy trường, chạy lớp, ganh đua điểm thi, thành tích, học bổng… Nhưng khi sang trường quốc tế rồi, thì thật ngạc nhiên, tâm lý này không hề nhẹ đi, trái lại, nó chỉ chuyển từ những bằng cấp tiếng Việt sang tiếng Anh.

Giáo dục Anh-Mỹ bị chỉ trích vì sinh ra quá nhiều các bài test, từ lúc đứa trẻ còn rất nhỏ, cho đến lúc lớn hơn. Mặc dù mục đích của nhiều bài test trong giáo dục chỉ là nhằm đánh giá người học đang ở đâu để giáo viên, trường học và cha mẹ có những phương án hỗ trợ phù hợp, nhưng nhiều bài test qua đến Việt Nam thì trở thành một dạng thành tích, thành tựu học tập để ganh đua. Ví dụ, trong chương trình Cambridge, điểm thi Checkpoints Primary/Secondary ban đầu có ý nghĩa là giúp đánh giá trẻ em có điểm mạnh, điểm yếu ở môn nào, hay ở các lĩnh vực nào trong từng môn học, nhưng hiện nay được dùng như một “chứng nhận thành tựu học tập”. Tương tự, các cuộc săn lùng và theo đuổi các bằng cấp ngày càng náo nhiệt: bằng Tú tài quốc tế, A level, Tú tài Úc, Tú tài Canada vv…

Có một cái bẫy khi đuổi theo bằng cấp, đó là bỏ quên trải nghiệm học tập của người học, và người học có thể quên mất mục tiêu đơn giản của mình lúc ban đầu khi đến với việc học: đó là niềm vui khi khám phá tri thức mới, ứng dụng tri thức vào cuộc sống, hoặc để lý giải các vấn đề cuộc sống.

Hệ lụy từ việc chỉ lo đuổi theo bằng cấp đó là người học nhanh chóng mất động lực học thực sự sau khi đạt được bằng cấp. Ở Việt Nam, chúng ta từng nghe nói đến việc sau khi học tới tiến sỹ xong thì coi như đã đạt “đỉnh cao thành tựu của nhân loại”, và có thể cho phép mình an nhàn nghỉ ngơi. Tâm lý này khác hẳn với xu hướng học tập suốt đời mà nhân loại đang hướng tới. Khi xác định học tập là nghĩa vụ và niềm vui trọn đời của mỗi cá nhân, thì người học hoàn toàn tự do và ung dung trong việc học. Khi lấy cả cuộc đời làm chặng đường học tập, thì mọi nỗ lực học để lấy bằng, học chạy đua trong một số năm ở phổ thông hay đại học không mấy có ý nghĩa.

Trở lại với việc học không cấp bằng, học không vì bằng cấp, xu hướng này đang được cổ vũ. Có nhiều cách học tập rất mở, ví dụ các khóa học trong chương trình học liệu mở (MOOC) như Coursera, Future Learn, Edx, Udacity, Khan Academy… mà người học có thể tiếp cận tri thức với học phí bằng không. Học vì thích, học vì quan tâm, học vì thắc mắc, học không cần bằng, học cho những nhu cầu thôi thúc từ nội tại chứ không phải vì ai thúc ép, vì một tấm bằng đón đợi ở phía trước có lẽ là một cách học mà chúng ta nên hướng con cái chúng ta đến nhiều hơn.

Tôi công nhận người Việt học nhiều, và hiếu học là một truyền thống, thể hiện mạnh mẽ trong khẩu hiệu “nghèo cũng phải cho Tèo đi học”. Tôi rất thích tinh thần này. Nhưng tôi không thích phong trào học chỉ nhắm tới các kỳ thi và bằng cấp như Flyers 15 khiên, IELTS 8 chấm, SAT gần tuyệt đối, A level toàn điểm A, Tú tài IB trên 40 điểm. Điểm số chỉ có ý nghĩa khi cần cho lối mòn đại học, nhưng còn rất nhiều lợi ích khác của việc học mà điểm số không thể hiện. Mà những phần không thể hiện được qua điểm số lại chính là phần giúp khai sáng, biến đổi và hoàn thiện con người.

Câu hỏi là nếu học không cấp bằng, liệu số người Việt đi học có giảm đi một nửa? Có thể tưởng tượng được một phần câu trả lời qua việc đọc sách. Đọc sách cũng là học, nhưng không được cấp bằng. Bao giờ người Việt đọc sách một cách đầy quyết tâm và bon chen như khi học vì đi thi và học vì bằng cấp, thì khi đó có thể tin rằng việc học là thực sự.

Nhân đây, tôi cũng xin giới thiệu một khóa học mở, miễn phí cho các em học sinh trường công về Global Citizenship – công dân toàn cầu:

Các em có thể học để bù đắp lại việc trường công còn thiếu tính quốc tế (international-mindedness) mà các trường quốc tế vốn mạnh hơn.

Texvn Tham Khảo từ Nguồn Harry Bùi Khánh Nguyên - Anh Cá Heo - Diễn giả độc lập về giáo dục


Aug 15, 2024

3 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL