Làm Gì Với Mùa Hè?
LÀM GÌ VỚI MÙA HÈ?
Link: https://zingnews.vn/hoc-sinh-nen-lam-gi-khi-nghi-tron-3...
Mùa hè là lúc học sinh không học tập chính khóa, được nghỉ. Trên lý thuyết trẻ có 2-3 tháng nghỉ ở nhà. Cha mẹ vừa không muốn mùa hè chỉ có học hay ôn thi, nhưng cũng không muốn chúng để thời gian trôi qua lãng phí. Nói chung là trẻ chỉ có 12 mùa hè khi đi học phổ thông, sử dụng quỹ thời gian đó như thế nào cho trải nghiệm lớn lên được trọn vẹn, hạnh phúc, nhiều kỷ niệm là một việc đáng để suy nghĩ và lựa chọn.
- Học bù để đuổi kịp: Lựa chọn này chỉ dành cho các học sinh đặc biệt, ví dụ các em không theo kịp chương trình chính trong năm, hoặc đã bỏ lỡ chương trình trong năm vì đau ốm, di chuyển, đổi trường… Trong các trường hợp như vậy thì việc học thêm mùa hè là tích cực chứ không phải tiêu cực, tại vì các em được thoát ra khỏi áp lực của lớp học bình thường để bổ sung, củng cố lại những gì chưa đạt được. Tất nhiên việc học cần phải được tổ chức khoa học, cân bằng giữa các hoạt động thay vì nhồi nhét. Có rất nhiều học sinh tự tin hơn khi trở lại trường sau một mùa hè học bổ sung các môn như tiếng Anh, tiếng Việt, toán, khoa học.
- Học các môn thể thao: Những trẻ đam mê thể thao thường có thể lực, sức bền, ý chí mạnh mẽ hơn những đứa trẻ lười thể thao. Ở trường truyền thống của Việt Nam, môn giáo dục thể chất được coi là “môn phụ”, nhưng với trường học hiện đại, giáo dục thể chất và câu lạc bộ thể thao là rất quan trọng, thậm chí là tâm điểm của hoạt động nhà trường. Nếu trường của con bạn quá nghiêng về học thuật, thì mùa hè là cơ hội để bạn cân bằng lại bằng cách tăng cường thể chất cho con thông qua thể thao.
- Học các môn nghệ thuật/mỹ thuật/âm nhạc: Nghệ thuật là “thể thao của tâm hồn”. Đam mê nghệ thuật cũng là tiêu chuẩn của giới tinh hoa, nên cha mẹ nào dự định cho con bước chân vào thế giới tinh hoa, không thể bỏ qua các môn nghệ thuật. Thường các môn học và câu lạc bộ trong trường học chỉ dạy ở mức căn bản, nếu bé muốn học chuyên sâu hoặc có đam mê đặc biệt, bạn nên dẫn bé tới những trung tâm nghệ thuật chính thống, hoặc tìm học những người thầy đào tạo nghệ thuật đã có danh tiếng. Không nên học các môn nghệ thuật với giáo viên amateur và không có niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật, vì họ có thể khiến bé đánh mất hứng thú, thậm chí hiểu sai, có ấn tượng sai về một bộ môn nghệ thuật nào đó và sớm bỏ cuộc vĩnh viễn.
- Học kỷ luật: Mùa hè quân đội là một ý tưởng tốt, đặc biệt với học sinh trung học cần sự rèn luyện về tác phong, tinh thần kỷ luật, ý chí vượt khó. Thực ra phụ huynh trả tiền khủng cho các trường nội trú ở nước ngoài cũng là để học được những cái này. Kỹ năng sinh tồn, sự nhạy bén, lối sống ưa vận động, tuân thủ giờ giấc, tinh thần đồng đội là những điều vô giá mà trường học chính khóa ít có điều kiện dạy trong không gian thực hành. Vì đây là khóa học trẻ phải xa nhà, tham gia vào các hoạt động thực tế ngoài khuôn viên trường học, nên bạn bắt buộc phải lựa chọn các đơn vị có uy tín, có chuyên gia huấn luyện và đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không theo học các trung tâm mà các chuyên gia không được huấn luyện và cấp bằng về đảm bảo an toàn, vì có thể rủi ro tới tính mạng.
- Học văn hóa toàn cầu: Không có gì tốt hơn để học về văn hóa khi bước chân ra nước ngoài. Ra khỏi lãnh thổ đất nước, trẻ có tầm nhìn của một người từ xa nhìn về “lũy tre làng” của mình để gột bỏ những thành kiến, những ngộ nhận và cởi mở hơn với nhiều giá trị văn hóa khác nhau. Ra nước ngoài, trẻ học được cách thích thú với sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, đa chiều, so sánh được các giá trị văn hóa của Việt Nam với nước khác, thậm chí biết trân trọng những giá trị văn hóa Việt Nam hơn.
- Học online những gì chưa bao giờ được học: Chương trình Việt Nam học nhiều lắm, 13 môn, nhưng nội dung lại thiếu tính cập nhật, thiếu nhiều thứ hấp dẫn. Những gì trẻ muốn học về robotics, thiên văn, trí tuệ nhân tạo, tôn giáo, chủng tộc, tâm lý thực hành…. đều có thể tìm trên các diễn đàn học tập trên mạng, ví dụ Futurelearn.com.
- Học nghề: Một đứa trẻ biết sửa chữa đồ đạc, thiết kế vật dụng, nấu món ăn… hữu dụng và thú vị hơn rất nhiều một đứa trẻ không có khả năng tạo ra một cái gì đó. Rất nhiều các trường dạy nghề có các khóa học ngắn hạn vài tháng về pha chế cocktail, nấu ăn Âu – Á, may quần áo, làm mộc đóng đồ gỗ, sửa chữa đồ điện gia dụng, sửa chữa đồ điện tử, sửa xe đạp, xe máy… Kỹ năng sử dụng đồ dùng phổ thông, đồ gia dụng, thiết bị điện và điện tử vô cùng quan trọng với cuộc sống của trẻ sau này, dù có ở Việt Nam hay góc nhà nào của thế giới cũng vậy. Mà học những khóa này ở Việt Nam rất sẵn, rất rẻ.
- Học về phép lịch sự: Có những khóa học chuyên biệt dạy học sinh về manners và etiquettes. Phép lịch sự học cả đời không đủ, trẻ nên được học những khóa thực hành cơ bản để hiểu những nguyên tắc tối thiểu. Cách học môn Giáo dục công dân của Việt Nam ít tính thực tiễn, thực hành nên học thêm là cần thiết.
- Khám phá khoa học: Các trường quảng cáo STEM thì nhiều, nhưng tìm được những chỗ học có chiều sâu về khám phá khoa học, tư duy khoa học, thực hành khoa học không hề dễ. Bạn phải sàng lọc để chọn được những nơi trẻ được tiếp xúc với các nhà khoa học say mê khoa học thực sự, sẽ không làm mất thời gian của trẻ với những thứ “giả khoa học” có nhiều trên thị trường. Có nhiều sự kiện STEM thực ra chỉ là “dog and pony show”, không có nhà khoa học tham gia.
- Mùa hè lười biếng: Mùa hè không làm gì cũng là một lựa chọn. Lựa chọn này dành cho những bé đã học quá nhiều, quá bận rộn trong năm tới mức “hụt hơi”. Nếu trẻ bị kiệt quệ trong năm học vì quá nhiều bài vở, áp lực thi cử… thì một mùa hè “bất động” không phải là quãng thời gian vô nghĩa. Đó là quãng thời gian “phục hồi”, để trẻ được lắng nghe tiếng nói trong lòng mình là thích gì, không thích gì. Đừng ép trẻ phải đọc sách văn học, nghe nhạc, làm các điều có ích. Điều tốt nhất bạn nên làm là “bỏ mặc” trẻ trong sự nhàn rỗi tuyệt đối để trẻ lấy lại nguồn năng lượng đã mất.
Có vô vàn cách khách nhau để sử dụng mùa hè. Trên đây chỉ là một vài ý tưởng như những điểm khởi đầu, bạn hoàn toàn có thể cùng con tìm ra những điều thú vị để học, để làm ngay xung quanh mình.
Texvn Tham Khảo Từ Nguồn Harry Bùi Khánh Nguyên - Anh Cá Heo - Diễn giả độc lập về giáo dục
Aug 17, 2024