Một số hình thức khác để định cư Mỹ hợp pháp.

Một số hình thức khác để định cư Mỹ hợp pháp và những đánh đổi của con đường EB3 Unskilled (Lao động phổ thông)

Thật ra lúc đầu đọc bài của bạn Quốc Võ mình không thấy vấn đề gì lắm vì bài thực ra cũng có ích trong việc liệt kê một số con đường ở lại Mỹ hợp pháp. Tuy nhiên khi thấy bạn ấy tích cực bác bỏ ý kiến trái chiều một cách quá mạnh mẽ thì mình thấy hơi kì.
 
Thế nên mình viết thêm ở đây một chút, ngoài năm con đường (thực ra là 4) mà bạn Quốc đã nói (1 - OPT lên H1B, 2 - Kết hôn, 3 - Nộp hồ sơ định cư , có từ 1 triệu USD đổ lên, tính cả phí luật sư, 4 - EB3 Skilled/ Unskilled) thì vẫn còn một số con đường khác.

MỘT VÀI LOẠI VISA CHƯA ĐƯỢC NHẮC ĐẾN TRONG BÀI ĐỊNH CƯ MỸ HỢP PHÁP

  1. G-visa: Hồ sơ cho nhân viên làm việc ở những tổ chức toàn cầu như World Bank, United Nations, vân vân mây mây.

    Đây là visa việc làm mà bạn mang được cả vợ/ chồng và con cái theo. Con cái dưới 18 tuổi của bạn học ở Mỹ 3 hay 4 năm gì đó thì được làm hồ sơ định cư.

    Bạn và vợ/ chồng được làm hồ sơ định cư sau 7 năm. Ưu điểm là bạn có thể nộp đơn cho công việc này ngay từ ngoài Mỹ.
  2. Làm cho các cơ quan trực thuộc chính phủ Mỹ tại Việt Nam 15 năm: Ví dụ như đại sứ quán, lãnh sự quán, USAid. Kể cả bạn làm bảo vệ ở đây thì khi đủ thâm niên, Mỹ sẽ tài trợ cả gia đình. Ban đầu sang chưa có citizenship ngay đâu nhưng mà là sang hợp pháp.

    Ưu điểm là con đường rất chắc chắn để định cư.

    Nhược điểm là không phải ai sang Mỹ cũng tìm được việc mới để thích ứng cuộc sống ngay.
  3. EB1b và EB2-NIW: Visa này cho giới học thuật và nhà nghiên cứu (thường là PhD). EB1b giành cho thiên tài.

    EB2-NIW có cái đuôi NIW được dịch tạm thành Miễn trừ Lợi ích Quốc gia. Điều này có nghĩa là nếu dự án của bạn liên quan đến lợi ích quốc gia Mỹ thì bạn có thể được xét. Nghe thì có vẻ sờ sợ nhưng nếu bạn làm dự án nghiên cứu về giáo dục trẻ vị thành niên thì cũng là lợi ích quốc gia mà.

    Ưu điểm của loại visa này là tự mình đương sự nộp được, không phụ thuộc vào các công ty, tổ chức (cơ mà các trường, viện nghiên cứu cũng có thể giúp nộp cho bạn). Trong hai dạng visa này, kể cả nghiên cứu ngoài Mỹ (nhiều bạn học Nga hay Hàn) cũng được chấp nhận. Vì thế, không nhất thiết bạn cứ phải học Tiến sĩ ở Mỹ mới được.

    Nhược điểm là phải học cao, làm nghiên cứu thời gian dài, có một số người không phù hợp với phong cách sống này.

    Cơ mà mình không đồng ý khi bạn Quốc nói Việt Nam mấy người giỏi như vậy. Thật ra thì nhiều lắm bạn à. Bạn chưa gặp nhiều nhưng mình gặp cả lố.
  4. L visa cho người chuyển tiếp công việc từ nước khác đến Mỹ: Rất nhiều công ty tầm trung hoặc lớn ở Mỹ nếu không tài trợ được H1B cho người làm thì sẽ chuyển công tác những người này đi nước khác tối thiểu 1 đến 2 năm. Sau đó, khi có vị trí phù hợp tại Mỹ, họ sẽ làm hồ sơ L1 để chuyển người này về lại Mỹ. Rất nhiều công ty nước ngoài tại Mỹ (Ví dụ như FPT Shop) cũng dùng visa L để chuyển quản lý từ Việt Nam sang.

    Ưu điểm của visa L thì có rất nhiều. Mình sẽ bắt đầu từ vấn đề visa đầu tư. EB5 nhiều khi cái khó nhất không phải là có tiền đầu tư mà là chứng minh nguồn tiền đầu tư. Cả đầu Việt Nam chuyển đi, và đầu nhận của ngân hàng Mỹ sẽ rất phức tạp và có khi làm mất nhiều năm. Thế nhưng, mình đã chứng kiến một bác đại gia TQ vì muốn con được làm đúng ngành nghề nên đã đầu tư khoảng 200K để mở một công ty phân phối tại Mỹ và thuê con gái mình luôn. Bạn này trước làm ở công ty bác ấy tại Trung Quốc nên có hồ sơ chứng minh thuế sẵn tại Trung Quốc vài năm, chuyển rụp một phát sang.

    Bác làm thủ tục chuyển lãi của công ty Trung Quốc sang lãi của công ty Mỹ (vì đúng là bác bán hàng cho Mỹ thật). Thế là không cần tốn thêm tiền, con gái mấy năm sau nghiễm nhiên ở lại Mỹ và bảo lãnh được cả gia đình, không cần làm visa đầu tư chuyển tiền phức tạp.

    Ưu điểm thứ 2 của L visa là nó ít bị ảnh hưởng bởi các đại dịch hay lệnh bế quan tỏa cảng với các loại visa. Các công ty ở trong các hiệp hội về công nghệ hay sản xuất lớn của Mỹ, giữa COVID còn xét duyệt hồ sơ đi nhanh hơn bình thường vì cần người.

    Ưu điểm thứ 3 là tài trợ thẻ xanh của L visa thời gian chờ đợi không lâu như từ H1B lên (nhưng đây là nếu công ty không chây ì vụ làm thẻ xanh nhé)

    Nhược điểm là L visa công ty nào thì chỉ được làm công ty đó, khó chuyển việc. Phải đợi thẻ xanh xong thì mới chuyển việc được, trong khi H1 chuyển thoải mái. Đây cũng là lý do nhiều khi các bạn sang đây với visa L1 rồi công ty lại hay bôi ra việc làm thẻ xanh lâu. Công ty là không muốn bạn có cơ hội nhảy việc đó.
  5. Ngoài ra, những bạn có khả năng đặc biệt như diễn viên, người mẫu, hội họa, thể thao thì có thể ngắm nghía đến O1 hoặc P1 visa. Tuy các loại visa này là không định cư nhưng nếu muốn chuyển sang diện định cư cũng không quá khó khăn đâu.
Thật ra thì ngoài những con đường khá phổ biến trên thì còn khá nhiều con đường độc, lạ. Mỗi người một cuộc sống nên ai thấy đường nào phù hợp thì cứ thế mà triển khai. Thế nhưng dù triển khai cách nào mình cũng hi vọng các bạn tìm chính xác Luật sư ở Mỹ mà làm việc, chứ nghe phong thanh, hỏi qua mạng, hoặc nghe dụ dỗ ở những công ty mang tính chất quảng cáo, mời chào, sẽ lợi bất cập hại.

CÒN VỀ VỤ EB3, NẾU LÀ HỌC SINH, SINH VIÊN THÌ MÌNH VẪN KHUYẾN KHÍCH ĐI HỆ SKILLED (CÓ TAY NGHỀ) HƠN LÀ UNSKILLED

Mỹ nếu học xong đại học, bạn quyết định đi EB3 Unskilled ngay thì đúng là có ưu điểm về mặt định cư nhưng có rất nhiều nhược điểm
  1. Thời gian bạn làm EB3 Unskilled thì bạn sẽ không thể về Việt Nam hoặc đi nước khác tích thêm kinh nghiệm làm việc rồi xin quay lại Mỹ ở những bậc học Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các trường lớn hơn. Tỉ lệ bắt thăm trúng H1 ở Thạc sĩ cao hơn gấp 3 lần đại học, còn với Tiến sĩ thì không trượt được.
  2. Các loại visa mà mình kể ở trên, nếu vừa học đại học xong đã đi làm chân tay, thì các bạn sẽ bỏ qua những cơ hội đi con đường dài hơn bằng những visa đó.
  3. Có người nói đợi xong EB3 Unskilled rồi thì có thể quay lại xin học bậc học sau hoặc đi làm việc đúng chuyên môn. Cơ mà mình nói luôn rất khó. Bất cứ nhà tuyển dụng hay trường nào cũng sẽ hỏi tại sao có bằng mà bỏ bẵng đi, đi làm chân tay? Cái này giải thích không hợp lý sẽ không ai chấp nhận cả. Vậy nên đối với học sinh, sinh viên trẻ mà nói, EB3 Unskilled có khả năng làm xấu đi hồ sơ đáng kể.
Vậy nên, nếu có thể các bạn vẫn nên chọn EB3 Skilled hơn nhé:
  1. Nhiều bạn hiểu EB3 Skilled (có tay nghề) phải là tốt nghiệp đại học một ngành có chuyên môn. Như Ánh Lê là EB3 Skilled về ngành kiến trúc này. Hoặc gần đây có một số ngành dạo này mới nổi ở Mỹ như quản lý sân Golf cũng đang nhập EB3 Skilled, có bằng đại học rất nhiều và không nhất thiết là bằng đại học Mỹ.
  2. Cơ mà EB3 Skilled cũng có thể là những kĩ năng như lái máy cày, máy xúc, thợ hàn bậc 7, lái xe tải đường trường. Ngành khác mình không biết nhưng mình làm ngành chuỗi cung ứng, dạo này các công ty Mỹ toàn "nhập khẩu" lái xe thôi. Những công việc này không được coi là lao động chân tay nhé, đây là lao động lành nghề, lương cao nhiều khi hơn dân văn phòng nhé, chỉ vất vả thôi.
Còn về EB3 Unskilled, mình không khuyến khích học sinh sinh viên cũng không có nghĩa là nó không có chỗ dùng:
  1. Ba mẹ có con trong độ tuổi tiểu học đến trung học muốn tạo môi trường học tập tốt cho con cái cân nhắc con đường này rất nhiều.
  2. Ba mẹ đang đi làm nên thời gian đợi EB3 Unskilled vẫn có thể tiếp tục làm việc ở Việt Nam chứ không bị ngắt quãng và chờ đợi.
  3. Thật ra hầu hết các ba mẹ là có một chút kinh nghiệm ở Việt Nam rồi, nếu đi làm một vài năm lao động chân tay rồi quay lại trường học hay công việc khác thì khi được hỏi hoàn toàn có thể nói: "Tôi muốn điều kiện tốt hơn cho con tôi." Như thế cơ hội công việc và học hành sau quãng ngắt của EB3 Unskilled là đỡ bị ảnh hưởng hơn các bạn nhỏ chưa kinh nghiệm.
Dù sao thì đây là ý kiến cá nhân của mình, mình thực sự là người không ủng hộ con đường dễ bao giờ. Mình thích ủng hộ những con đường có tương lại rộng mở hơn.
Chúc cả nhà du học và nếu muốn định cư thì luôn thành công rực rỡ nhé.
P.S.1: Đăng ảnh chồng mình chụp hôm đưa mình và bố mẹ đi thăm một em "bé" mà mình chơi thân từ siêu bé.
P.S.2.: Chưa bao giờ mình thấy mình mắc kẹt ở Việt Nam để mà phải nhanh nhanh chóng chóng chạy khỏi cả. Nhiều khi mình thấy kinh nghiệm ở Việt Nam còn nhiều và đa dạng, giúp mình thành công ở lại Mỹ hơn khi quay lại vào những bậc học sau này nữa.
Ông mình dạy "Giục tốc bất đạt." Mình hay nói nôm là "Muốn nhanh thì phải từ từ." Mỹ là trường kì, không phải ngày một ngày hai. Đa phần chúng ta đều còn rất trẻ, nhìn thế giới và cơ hội rộng ra một chút sẽ thấy rất lạc quan.
 
Nguồn tham khảo: Jenny Hoàng


Aug 16, 2023

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL