Tản Mạn Về Chương Trình Tích Hợp Và Chương Trình Song Bằng
Hiện nay trong hệ thống trường công lập, có một hệ chương trình quốc tế được đặt trong trường công. Đó là chương trình tiếng Anh tích hợp ở TP. HCM và chương trình song bằng ở Hà Nội.
Chương trình tiếng Anh tích hợp bắt đầu sớm hơn. Tên gọi chính thức của nó là “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” được UBND TP. HCM phê duyệt ngày 20/11/2014. Tiền thân của chương trình này là chương trình tiếng Anh Cambridge do tổ chức EMG Education mua bản quyền của Cambridge International Examinations (CIE) và triển khai tại các trường công lập tại một số tỉnh thành từ năm 2010, học phí 150 USD/tháng. Trước 2014, chương trình tiếng Anh Cambridge đã triển khai ở vài chục trường, tại những trường này học sinh được học 6 tiết tiếng Anh/tuần (2 tiếng Anh, 2 Toán, 2 Khoa học). Năm 2014, EMG đột ngột dừng chương trình này, và CIE ra thông báo ngưng hợp tác với EMG. Sau đó EMG chuyển qua thực hiện một phiên bản mới là chương trình tích hợp. Bản chất chương trình Cambridge là một chương trình phải mua phí bản quyền sử dụng chương trình, sử dụng các bài thi tiến bộ (progression tests) và các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế Cambridge (check points, IGCSE…) trong khi chương trình quốc gia Anh là một chương trình miễn phí, khung chương trình có sẵn trên mạng, nếu sử dụng chương trình Anh thì chỉ cần trả phí mua bài kiểm tra. CIE có dịch vụ đào tạo và cấp chứng chỉ bồi dưỡng cho giáo viên, còn Bộ giáo dục Anh không phải đơn vị thương mại nên họ không đi theo hướng Cambridge. Khi chương trình Cambridge ngưng đột ngột và chuyển qua chương trình tích hợp, có thông tin rằng chương trình tích hợp được truyền thông là “hợp tác với Bộ giáo dục Anh”. Tuy nhiên, Tổng lãnh sự Anh tại TP. HCM đã ra công hàm phản đối và phủ nhận thông tin về việc hợp tác này. Báo Thanh Niên cũng thực hiện một phóng sự dài 6 kỳ “Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi?”. Nhưng sau đó chương trình tích hợp vẫn tiếp tục triển khai. Ở bậc tiểu học, học sinh hiện nay học 8 tiết 1 tuần với giáo viên nước ngoài (4 tiếng Anh, 2 Toán, 2 Khoa học). Lên trung học, học sinh học 15 tiết bằng tiếng Anh mỗi tuần, và dự thi IGCSE cuối lớp 11. Chương trình không học tiếp lên A level. Đến nay thì chương trình tích hợp đã phát triển trong một mạng lưới các trường ở TP. HCM, bao gồm cả những trường nổi tiếng như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa…
Ở Hà Nội, có một chương trình quốc tế khác được triển khai trong trường công. Đó là chương trình song bằng, dạy các môn của chương trình Cambridge cho học sinh công lập. Năm 2017 chương trình được thí điểm dạy ở 2 trường chuyên là Amsterdam và Chu Văn An cho bậc phổ thông trung học với hình thức song bằng tú tài (thí điểm đào tạo chương trình song bằng). Học sinh học 5 môn A level. Sau đó, năm 2018 chương trình được mở rộng sang cấp trung học cơ sở ở 7 trường khác nhau: Chu Văn An, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên, Thanh Xuân và hệ trung học cơ sở của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Đề án "Thí điểm chương trình đào tạo song bằng, Trung học cơ sở Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội"). Chương trình song bằng học 15 tiết tiếng Anh/tuần, ở THCS học 4 môn: Toán, Vật lý, Tiếng Anh (như ngôn ngữ thứ hai) và Công nghệ thông tin (ICT), cuối lớp 9 thi chứng chỉ IGCSE (sớm hơn 1 năm so với chuẩn Cambridge). Bậc THPT học sinh học 5 môn hoàn toàn bằng tiếng Anh gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Kinh tế và tiếng Anh học thuật, cuối lớp 12 thi chứng chỉ tú tài A level. Học phí cấp trung học cơ sở khoảng 50 triệu/năm học 9 tháng (5,6 triệu/tháng), và trung học phổ thông khoảng 70 triệu/năm học 9 tháng (7,5 triệu/tháng). Tuy nhiên, năm 2021 chương trình được công bố sẽ ngừng “thí điểm” sau 3 năm thực hiện ở cấp THCS vì lý do đơn vị đối tác tổ chức chương trình gặp khó khăn khi sắp xếp giáo viên trong thời gian dịch bệnh.
Khi học sinh trường công học thêm 1 trong 2 chương trình nói trên, về bản chất không khác gì nhiều so với các trường song ngữ. Cambridge là một chương trình rất thích hợp cho thiết kế chương trình song ngữ, vì nó không bó buộc số môn học và số chứng chỉ thi. Tùy quỹ thời gian của mỗi trường mà có thể dạy 1, 2, 3, 4, 5 môn Cambridge. Các trường quốc tế hoàn toàn thường dạy từ 7 đến 11 môn IGCSE và 3-5 môn A level cho học sinh. Mỗi môn Cambridge chuẩn thường cần học trong khoảng 5-7 giờ mỗi tuần cho môn nặng, và 3-5 giờ cho môn có nội dung nhẹ hơn. Các trường tư thục song ngữ Cambridge có khá nhiều, thường dạy 20 – 22 tiết chương trình Việt Nam mỗi tuần và 15 – 20 tiết chương trình Cambridge. Ở Hà Nội có các trường Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Newton, Wellspring, Vinschool, Horizon, JIS, VAS, …, còn ở HCM có các trường VAS, Vinschool, Horizon, Emasi, Royal School…
Dù có nhiều bất cập khi thực hiện chương trình tích hợp và chương trình song bằng (thậm chí cả tai tiếng với chương trình tích hợp), nhưng hai chương trình này đã mang tới cơ hội học chương trình quốc tế cho học sinh trường công lập với chi phí không thể thấp hơn, có thể nói “rẻ nhất Việt Nam”. Chương trình tích hợp cũng làm được một điều là “cắt” được sự phụ thuộc vào đối tác chương trình Cambridge để sử dụng chương trình miễn phí của Anh quốc. Bất chấp chương trình thực hiện ra sao, phụ huynh cũng cần biết rằng hình thức học tiếng Anh thông qua các môn khoa học bản chất là hình thức song ngữ CLIL (Content and Language Integrated Learning), được xem là hiệu quả hơn so với hình thức học tiếng Anh như một ngoại ngữ kiểu truyền thống. Phương pháp CLIL không chỉ giúp sự thành thạo về tiếng Anh tốt hơn, mà còn giúp học sinh đạt trình độ tiếng Anh học thuật cao hơn so với thông thường. Lứa học sinh học tiếng Anh thông qua Toán, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội sẽ có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt hơn so với thế hệ cha mẹ chỉ học tiếng Anh qua môn tiếng Anh. Lợi ích của học các môn khoa học bằng tiếng Anh không chỉ nằm ở điểm đầu ra IELTS/TOEFL cao hay thấp, mà là lợi ích lâu dài giống như dân Singapore, Hong Kong, Ấn Độ, Sri Lanka Malaysia, Philippines… được học khoa học bằng tiếng Anh.
Khi nghe tin chương trình song bằng ngưng tuyển sinh ở cấp trung học cơ sở ở Hà Nội vào năm nay, rất nhiều phụ huynh hụt hẫng, tiếc nuối, hoặc bức xúc. Nhưng thực sự vấn đề không nghiêm trọng như vậy. Nếu bạn muốn thiết kế phương pháp học song ngữ CLIL như nói trên, bạn chỉ cần mua thêm một chương trình phổ thông online của nước ngoài cho 1 hay 1 vài trong số các môn như Ngôn ngữ Anh, Toán, Khoa học, Khoa học Xã hội… để tự học thêm thì về bản chất cũng đã như song ngữ CLIL của chương trình tích hợp hay song bằng rồi.
Aug 16, 2024