"Xé" Lẻ Trường Quốc Tế

 

Trường quốc tế đúng nghĩa là một gói dịch vụ (package) của giáo dục toàn diện (comprehensive education), được thiết kế sẵn và đầy đủ các thành phần để một học sinh được phát triển cân bằng. Sẽ rất tiện lợi nếu bạn chọn được một trường quốc tế uy tín để gửi con. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó mà bạn không thể hoặc không muốn gửi con vào trường quốc tế, thì bạn vẫn có thể bổ sung những phần thêm vào (top-up) cho chương trình giáo dục của con. Không có chương trình giáo dục nào là hoàn hảo cho mọi đứa trẻ, và vai trò của cha mẹ là “điền vào chỗ trống” những gì trường học không có, dựa vào sở trường về hiểu biết, nghề nghiệp, truyền thống gia đình, mạng lưới mối quan hệ cũng như khả năng liên tục học hỏi, cập nhật, điều chỉnh. Dưới đây là 12 “thành phần” của trường quốc tế mà trường Việt Nam thường không có hoặc không đủ, được “xé” ra thành từng gói nhỏ để phụ huynh có thể bổ sung trong quỹ thời gian ngoài giờ học chính khóa ở trường một cách linh hoạt.

1. Tiếng Anh (gần) như người bản xứ:

Khỏi cần nói, tiếng Anh là đặc sản của trường quốc tế, mà phần lớn vì mục tiêu “thành thạo tiếng Anh như người bản xứ” mà phụ huynh gửi con vô trường quốc tế. Cách học tiếng Anh hướng đến giao tiếp và sử dụng tiếng Anh làm công cụ làm việc đã chứng tỏ hiệu quả vượt trội so với cách học phân tích ngôn ngữ tại trường Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay thì lựa chọn học tiếng Anh rất phong phú, từ học trên mạng, học với gia sư bản ngữ tại nhà, học tại trung tâm cho đến home stay, trại hè tiếng Anh… nên phụ huynh hoàn toàn có thể giúp con đạt được mục tiêu “tiếng Anh như người bản xứ” ở ngoài trường quốc tế. Bạn chỉ cần lưu ý một số điều quan trọng:

- Bắt đầu càng sớm càng tốt, thậm chí từ mầm non

- Tiếng Việt có thể bổ trợ cho tiếng Anh và ngược lại, nên đừng coi trọng hay coi nhẹ ngôn ngữ nào. Giỏi tiếng Việt giúp giỏi thêm tiếng Anh, và giỏi tiếng Anh giúp giỏi thêm tiếng Việt.

- Hãy học hướng đến giao tiếp thành thạo trước đã, sau đó chuyển sang tiếng Anh học thuật

- Đọc càng nhiều sách báo tiếng Anh càng tốt, ưu tiên sách văn học cổ điển

- Lộ trình cần đặt ra là hết tiểu học đạt trình độ A2-B1, hết trung học cơ sở trình độ B2, tốt nghiệp phổ thông trung học trình độ C1-C2/IELTS 7.0 – 8.0 là có thể xem là “thành thạo gần như người bản xứ” (near native speakers). Trình độ tiếng Anh C1-C2 tương đương với các học sinh tốt nghiệp từ chương trình A level và IB Diploma ở trường quốc tế.

2. STEM (bổ sung):

STEM hay STEAM là nhóm các môn học khoa học, kỹ thuật, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế sau này, và cơ hội việc làm dù ở nước ngoài hay Việt Nam cũng rộng mở. Chương trình khoa học tự nhiên của Việt Nam nặng về lý thuyết, kém tính thực hành, do vậy bạn cần khuyến khích trẻ phát triển năng lực khoa học STEAM bằng cách tham gia vào các khóa học tìm hiểu khoa học, tập nghiên cứu khoa học, xem kênh truyền hình khoa học, ghi danh học các khóa học STEM qua mạng, đi thăm các bảo tàng khoa học… Có một người thầy mở cả một phòng thí nghiệm vật lý tư nhân ở Hà Nội, và có một số khóa học nghiên cứu khoa học ở trường Đại học khoa học tự nhiên (TP. HCM) dành cho học sinh phổ thông vể Robotics, lập trình, thiết kế… bạn có thể nghiên cứu, tìm hiểu thêm.

3. Khoa học xã hội (bổ sung):

Nội dung môn khoa học xã hội của Việt Nam không thú vị, thông tin sơ sài và khô khan, không gợi mở tư duy xã hội mạch lạc và sâu sắc. Do vậy, bạn có thể đăng ký các khóa học các môn Lịch sử, Địa lý nhân văn, Tâm lý học, Kinh tế học, Xã hội học, Nghiên cứu tôn giáo, Kinh tế, Triết học… của các chương trình homeschooling để giúp con mở mang thêm. Có trải nghiệm với các môn này sẽ khiến các em không hiểu sai rằng môn khoa học xã hội “cực chán” (là do nội dung và cách thức dạy học nhiều bất cập ở chương trình Việt Nam).

4. Ngoại ngữ thứ hai:

Không cần phải vào trường quốc tế mới có thể học ngoại ngữ 2 ngoài tiếng Anh. Có rất nhiều trung tâm dạy tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức… trong thành phố mà bạn có thể đăng ký cho con học với chi phí rẻ hơn học tiếng Anh rất nhiều.

5. Thi các chứng chỉ quốc tế:

Rất nhiều các kỳ thi quốc tế không đòi hỏi phải học trường quốc tế mới thi được. Ví dụ tiếng Anh thì có IELTS, TOEFL, Cambridge English. Các kỳ thi học thuật thì có SAT, ACT. Còn các chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông/nâng cao thì có IGCSE, A level, AP cho phép bạn đăng ký như thí sinh tự do.

6. Thể thao (tăng cường):

Bạn cần cứng rắn và không chấp nhận một đứa trẻ không biết chơi một môn thể thao nào thường xuyên (trừ lý do sức khỏe hay bệnh tật). Tùy sở thích, trẻ cần biết trung bình 10 môn thể thao trở lên, và biết chơi thành thạo trung bình 5 môn thể thao bao gồm cả môn thể thao cá nhân, thể thao đồng đội và thể thao đối kháng/thi đấu. Thực ra nếu bạn đặt mục tiêu, thì mỗi học kỳ (khoảng 3-4 tháng) là trẻ có thể học chơi được một môn thể thao rồi.

7. Nghệ thuật (tăng cường):

Cũng như thể thao, bạn cần đặt ra nguyên tắc là ít nhất phải biết một môn nghệ thuật. Đó có thể là một nhạc cụ phương Tây hoặc nhạc cụ dân tộc, học hát, vẽ, chụp hình, đóng kịch, khiêu vũ, nhảy, điêu khắc, thiết kế, vẽ tranh 3D… Tuy nhiên, không giống như thể thao, để học được một bộ môn nghệ thuật phải mất ít nhất vài năm, và có khi hàng chục năm miệt mài khổ luyện. Với nghệ thuật, nếu không “đặt một bước chân đầu tiên trên con đường ngàn dặm” thì sẽ chẳng bao giờ có ngày đến đích. Chỉ cần kiên trì là trẻ có thể chơi tốt một loại hình nghệ thuật, hoăc ít nhất có hiểu biết sâu sắc về một loại hình nghệ thuật, và quan trọng hơn hết, có khả năng cảm thụ (và nếu may mắn là sáng tác/sáng tạo) được nghệ thuật.

8. Field trip (Dã ngoại):

Bạn có thể gom một nhóm bạn 3-5 người là có thể đi dã ngoại cùng nhau được rồi. Các trường quốc tế thường đi Làng Tà Lài, Madagui, biển Mũi Né, rừng Cát Tiên, thậm chí đi Singapore, Malaysia, Philippines (các quốc gia ASEAN nói tiếng Anh), và bạn cũng có thể tổ chức ngoại khóa theo hướng này.

9. Trải nghiệm làm việc (định hướng nghề nghiệp):

Các trường quốc tế có chương trình Work Experience dành cho học sinh các lớp 10-11 để giúp các em định hướng chọn nghề. Bạn cũng có thể cho bé tập đi làm ở một nơi phù hợp trong 1-2 tuần để bé có trải nghiệm thực sự với nghề bé mơ ước. Nếu bé mong ước làm bác sỹ thì xin làm việc thử ở một bệnh viện, nếu bé thích nghiên cứu khoa học thì xin theo chân một nhà khoa học, nếu thích bán hàng thì xin vào phục vụ ở cửa hàng fast food, vv…

10. Tư duy toàn cầu:

Nếu không thể học trong môi trường mà trên 50% các bạn học là người nước ngoài để trải nghiệm và hình thành tư duy toàn cầu cũng như khả năng giao tiếp đa văn hóa, bạn có thể cho bé tham gia các khóa summer camp của các trường quốc tế tốt thường mở vào mùa hè, hoặc đưa bé đi du lịch nước ngoài cùng gia đình. Khi ở nước ngoài, hãy đến thăm và khám phá các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, bảo tàng, nhà hát, sân vận động, công viên, lễ hội…

11. Tham gia các cuộc thi quốc tế:

Có những cuộc thi phổ biến trong các trường quốc tế, ví dụ World Scholar’s Cup, Model United Nations, hùng biện, tranh luận, các cuộc thi viết, thi vẽ, thi sáng tác âm nhạc… Tuy nhiên, bạn cũng có thể đăng ký tham gia khi là học sinh trường Việt Nam, do vậy hãy mạnh dạn tham gia và cọ xát trong các cuộc như vậy.

12. Phục vụ cộng đồng:

Trường Việt Nam không nhấn mạnh các hoạt động này, nhưng chương trình IB Diploma có môn CAS (Học để phục vụ cộng đồng). Bạn có thể giúp con tham gia làm từ thiện cùng gia đình từ nhỏ, đồng thời tham gia vào các dự án của các tổ chức đa quốc gia, tổ chức tình nguyện, tổ chức nhân đạo… để đóng góp trong các hoạt động bảo vệ môi trường, dọn rác, bảo vệ động vật, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm năng lượng…

13. Kỷ niệm các ngày quốc tế:

Các trường quốc tế thường kỷ niệm những ngày lễ quốc tế, và bạn cũng nên ghi lại các ngày này trong năm để hòa cùng phong trào quốc tế, ví dụ Giờ trái đất, Ngày nói tiếng mẹ đẻ, vv…

Nếu bạn đặt mục tiêu, lên kế hoạch và lần lượt chinh phục được càng nhiều càng tốt trong số 12 “mảnh ghép” này, thực sự tôi cũng không biết trẻ học trường Việt Nam có gì thua kém các bạn học ở trường quốc tế hay du học.

Texvn Tham Khảo Từ Nguồn Harry Bùi Khánh Nguyên - Anh Cá Heo - Diễn giả độc lập về giáo dục


Aug 15, 2024

3 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL