CHIẾN LƯỢC NỘP ĐƠN ĐẠI HỌC MỸ

CHIẾN LƯỢC NỘP ĐƠN ĐẠI HỌC MỸ

[Với kinh nghiệm làm việc cho tổ chức giáo dục quốc tế phi lợi nhuận, cũng như quá trình nghiên cứu tài liệu, học hỏi và tiếp xúc với hàng trăm PH/HS nỗi năm, tôi đã rút tỉa ra 5 bước/ giai đoạn, chiến lược nộp đơn ĐH Mỹ như sau. Hy vọng với chút hiểu biết ít ỏi này, có thể giúp ích cho các bậc cha mẹ. Xin lưu ý, động từ “nộp đơn” ở trên được vay mượn để chỉ cả một quá trình lâu dài mang tính chiến lược]

Bước 1: Chiến lược xây dựng hồ sơ năng lực học sinh (HS):

Đây là bước quan trọng nhất, tốn nhiều thời gian nhất. Có rất nhiều hạng mục tư vấn đòi hỏi nhà tư vấn (NTV) cần có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế (tại Mỹ) và thấu hiểu nhu cầu của cả phụ huynh (PH) lẫn học sinh (HS). Để có một bộ hồ sơ xuất sắc cạnh tranh vào trường ĐH TOP 30- 50 chẳng hạn, PH/HS rất cần có sự hỗ trợ từ “một nhà tư vấn cụ thể xuyên suốt và lâu dài”. Tôi xin nêu ra một số điều cơ bản của bước này:

  1. Những hạng mục cơ bản sau đây, mọi HS đều có trong bộ hồ sơ năng lực.Để có “đủ” các hạng mục này này không quá khó, nhưng làm cho chúng trở nên khác biệt vượt trội là một việc hoàn toàn không dễ. Chúng ta cần xem xét kỹ càng, đánh giá đúng khả năng HS, đề ra lộ trình thực hiện khoa học, cũng như giám sát chặt chẽ chúng.

- Điểm GPA

- Điểm SAT/ACT/ IELTS

- Hoạt động ngoại khóa: các thành tích cá nhân, giải thưởng; nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội, cộng đồng, CLB; trải nghiệm và học thuật nghề tiền đại học…

- Bài luận chung và các bài luận riêng từng trường

- Thư giới thiệu của thầy cô hoặc người có ảnh hưởng

Với 2 hạng mục GPA và SAT, tôi nhận thấy có nhiều PH/HS am hiểu và tự mình làm tốt. Khó nhất là chọn học môn AP nào, vào lúc nào để có hiệu quả và hiệu quả gì hay chỉ nâng cao GPA tổng.Tuy nhiên, hạng mục “hoạt động ngoại khóa và thành tích cá nhân” luôn là hạng mục khó nhất. Vì thế, chính nó sẽ tạo nên sự khác biệt xuất sắc cho mỗi bộ hồ sơ năng lực. PH/HS cần thiết tìm kiếm chuyên gia , NTV giỏi để tư vấn, lập kế hoạch và giám sát quá trình thực hiện. Tuyệt đối không sử dụng một cách cào bằng, được tạo ra cho số đông hàng trăm HS tham gia hay thuê mướn các đơn vị, tổ chức làm thay. Bất kỳ hành vi không trung thực nào đều có thể bị trường ĐH đó liệt vào nhóm “cờ đỏ’ (red flag) và bị loại ngay tức khắc

  1. Ước chừng có 4 triệu HS nhập học vào ĐH Mỹ mỗi năm, trong đó có hơn 1 triệu DHS quốc tế với khoảng 200 nước gửi đến. Tôi đã thử đếm số trường TOP 100 NU, nhận thấy khoảng 50% trường ĐH công với quy mô tuyển sinh trung bình 4.000 HS/ năm và số còn lại của ĐH tư, quy mô trung bình 700- 1.000 HS/năm. Như vậy, số lượng HS đỗ vào TOP 100 NU này chỉ khoảng 250.000 HS (tức chiếm khoảng 6%/ trên tổng HS). Tuy nhiên, tỷ lệ DHS ở các trường công chỉ chiếm 20-30%. Từ các con số này, ta thấy rằng: HS Việt Nam muốn vào TOP này, có lẽ chỉ khoảng 4-5%.
  2. Vai trò của người cố vấn, tư vấn chiến lược trong việc xây dựng hồ sơnăng lực cho HS là cực kỳ quan trọng. Làm sao để ta đánh giá đúng đắn nhất HS này có tố chất, năng khiếu để ta bồi dưỡng, phát triển khả năng ?.Tôi nhận thấy, phần lớn các bố mẹ đánh giá SAI về con mình, thường là đánh giá cao hơn thực tế. Điều này khá dễ hiểu, do yếu tố cảm tính (cảm xúc), ta thường “ngộ nhận” cao hơn về khả năng của con mình. Và trong thực tế, các agent cũng khai thác triệt để yếu tố “tâm lý” này để tâng bốc HS, hòng “bán” niềm hy vọng tương lai lớn và dễ dàng thu thu phí dịch vụ hơn. [Tôi ước ao có được bộ công cụ nào đó mang tính khoa học để đo đạt khả năng tiềm ẩn của từng HS]
  3. Trong 5 hạng mục nói trên, cần xác lập vai trò chính yếucủa chủ thể HS hay của nhà tư vấn. Thành thật mà nói, không có NTV nào làm thay, nếu HS đó không có tố chất, năng lực. Mọi việc làm thay đều là gian dối, phạm phải tính liêm chính trong học thuật. (Một đức tính xấu mà các ĐH Mỹ không thể chấp nhận).Tuy nhiên, NTV có thể làm các việc như sau:

- Đánh giá thực trạng khả năng hiện tại của HS và đưa ra lộ trình cải thiện hồ sơ

- Tạo động lực, kích thích, động viên để HS có hứng thú, các niềm say mê thực hiện

- Thảo luận và gợi ý các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi, các chương trình phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp, định hướng tương lai

- Chỉ dẫn các kỹ năng cần thiết, phân bổ thời gian, lựa chọn hạng mục ưu tiên

  1. Xây dựng một bộ hồ sơ năng lực HS bắt đầu khi nào?.Có nhiều mốc thời gian tùy vào mục tiêu mà PH/HS lựa chọn. Hãy lưu ý rằng, PH/HS càng để chậm trễ càng ít có thời gian “xây” chúng hơn. Tôi xin gợi ý vài mốc thời gian chính như sau:
  2. Mốc thời gian mơ ước (bắt đầu từ lớp 6):Hãy giúp con trải nghiệm nhiều hơn ở môi trường tiếng Anh, môi trường học thuật, khoa học, khám phá tri thức hay đơn giản là viếng thăm các trường ĐH danh giá. Điều này gián tiếp tác động vào não bộ, trực quan của trẻ về sự ham muốn, khao khát. Trẻ tiếp xúc sớm với môi trường có nhiều người thành đạt trong khoa học, học thuật sẽ vô tình tác động dần ý thức của trẻ sau này. Đặc biệt, cha mẹ hãy giáo dục “tính cách” của trẻ từ sớm, hình thành tính tự giác, đúng giờ, tự lập kế hoạch với vài việc nhỏ nhặt hay chỉ đơn giản là cam kết chịu trách nhiệm, tôn trọng lời hứa…
  3. Mốc thời gian lý tưởng (bắt đầu từ lớp 8):Tiếp nối với quá trình học tiếng Anh từ cấp 1 và 2. Bắt đầu từ lớp 8, HS phải tăng tốc học thêm Anh văn (IELTS chẳng hạn). HS cần tham gia các hoạt động trải nghiệm (trại hè), các chương trình ngoại khóa, tìm hiểu thêm các lĩnh vực chuyên ngành mà HS đam mê. Đặc biệt, kiến thức văn hóa ở trường trung học cần học hành nghiêm túc, kết quả tốt.
  4. Mốc thời gian phù hợp (bắt đầu trong lớp 9):Nếu HS có ý định du học từ bậc trung học Mỹ thì năm cuối lớp 9 phải đạt mốc IELTS 6.5 là tốt nhất. Bảng điểm GPA lớp 9 được sử dụng tại Mỹ. Nếu GPA thấp có thể ảnh hưởng GPA tổng 4 năm THPT. Đặc biệt các môn học tự nhiên như toán, lý, hóa cần nắm vững kiến thức nền tảng, nâng cao. Một số hoạt động ngoại khóa, các chương trình nghiên cứu khoa học, các dự án tình nguyện quốc tế, quốc gia có thể bắt đầu từ đây. Mùa hè cuối lớp 9 có thể tham quan các trường ĐH mơ ước, học thử các khóa tiền đại học bởi các giáo sư ĐH để xác định lại nhu cầu, sở thích của bản thân mình
  5. Mốc thời gian muộn (bắt đầu cuối lớp 10 và đầu lớp 11):Có nhiều thành tố mang tính hệ thống, nếu HS bắt đầu trễ sẽ không đuổi kịp. Ví dự tiếng Anh chỉ đạt IELTS 5.0 – 6.0, ảnh hưởng rất lớn đến các chương trình khác, như học thêm các môn AP, luyện thi SAT, tham gia các khóa học thuật/ định hướng hè với các giáo sư ĐH Mỹ, tham gia các hội thảo quốc tế, chủ động tham quan các trường ĐH. Những hồ sơ khởi đầu muộn như vầy, rất cần chuyên gia giỏi để đánh giá kỹ HS và lập kế hoạch một cách sâu sát, khoa học. Tình huống này khá phổ biến và nảy sinh các “lỗi” nghiêm trọng như sau:

- PH/HS muốn kỳ vọng con mình đỗ vào trường TOP cao do điều kiện tài chính cho phép;

- Agent muốn thu phí cao nên lập nên vài chục hạng mục cần kíp trong bộ hồ sơ hoàn thành. Tuy nhiên, quỹ thời gian không cho phép nên khối lượng dồn nén rất lớn đối với HS và gây nên áp lực, quá tải. Từ đó, để có đủ các thành tố cho đẹp hồ sơ, các agent làm thay hoặc sử dụng dịch vụ bên thứ 3. Chắc chắn nhiều trường ĐH Mỹ nhận ra điều này trong bộ hồ sơ. Hoặc giả sử, hồ sơ ấy đỗ vào trường TOP mà không dựa vào năng lực thật sự của HS, chúng sẽ gây hại rất lâu dài. Bởi đích đến là kết quả của 4 năm học ĐH chứ không phải ở ngay…cổng trường khi mới bước vào.

Bước 2: Chiến lược lựa chọn trường đại học để nộp hồ sơ

Thông thường, sau khi NTV đánh giá “thực trạng” hồ sơ năng lực, cũng như “lắng nghe” nguyện vọng của PH/HS và căn cứ vào mức đầu tư tài chính, có thể chọn 1 trong 2 cách mang tính chiến lược sau:

  1. Chọn trường/ nhóm trường/ phân khúc trường trước tiên: Mỗi trường ĐH Mỹ có những yêu cầu riêng biệt, tiêu chuẩn đầu vào khác nhau cho từng chuyên ngành khác nhau. NTV và PH/HS cần biết tiêu chuẩn này để xây dựng hồ sơ năng lực đáp ứng tiêu chuẩn đó. Cách này tôi thấy không phổ biến lắm vì nó khá khó, mất nhiều thời gian đầu tư
  2. Xây dựng hồ sơ năng lực tốt nhất có thể (như bước 1) và sau khi xem xét kết quả có được, NVT và PH/HS sẽ lện danh sách các trường ĐH phù hợp. Cách này đang phổ biến với agent và PH/HS.

Ngoài ra, xin lưu ý thêm một số vấn đề sau:

- Trong quá trình tư vấn, hướng dẫn, theo dõi hồ sơ đến cuối năm lớp 10, ta có thể đánh giá một phần khả năng, chất lượng bộ hồ sơ và từ cơ sở này cần thiết lập nên danh sách 15-20 trường ĐH.

- HS cần chủ động tìm hiểu thông tin về trường thông qua website, tìm hiểu ranking (general và ngành) và tìm hiểu cả vị trí đặt trường (location), điểm mạnh, yếu.

- Tìm hiểu về học phí, ăn ở, các loại quỹ học bổng nếu có

- HS sắp xếp thời gian học thêm các khóa tiền đại học do các giáo sư của trường đó giảng dạy (nhằm tìm hiểu sở thích về nghề nghiệp, cũng như độ yêu thích, sự phù hợp cá nhân)

- Cho đến cuối năm lớp 11, chuyên gia và PH/HS cần chọn ra danh sách khoảng 10-12 trường ĐH phù hợp nhất, căn cứ trên: 1. Năng lực hồ sơ có được của HS đó; 2. Khả năng tài chính, học bổng; 3. Sự yêu thích, nguyện vọng riêng của HS. Nguyên tắc là không để tất cả các trứng chung một giỏ, nên cần lập ra thành 3 nhóm:

+ Nhóm trường mơ ước: 3

+ Nhóm trường mục tiêu: 5

+ Nhóm trường an toàn: 3-4

Bước 3: Quy trình nộp đơn và hồ sơ chứng từ, chứng nhận bổ sung

Quy trình này không quá khó, nhưng cũng không hề dễ đối với phần lớn PH/HS có con đầu. Phần lớn các agent tư vấn du học khá tốt khâu này. Tuy nhiên, PH/HS cũng cần giám sát chặt chẽ quá trình này

- Nghiên cứu và cân nhắc thật kỹ 3 hình thức nộp đơn phổ biến sau: ED, EA và RD.

- Quá trình này cần thảo luật nghiêm túc với chuyên gia ngay trong mùa hè cuối lớp 11. Đây là thời điểm HS có thời gian thư giãn, các em dễ dàng xem xét và nói rõ ý muốn của mình. Một HS có “tiếng nói” và hứng thú với trường mình lựa chọn, các em sẽ viết tốt bài luận phụ hơn, cũng như việc đến học ổn định hơn trong suốt 4 năm

- Lỗi mắc phổ biến nhất là bài luận phụ. Vì tên gọi là “phụ” nên rất nhiều HS tỏ ra lơ là, không tập trung. Mỗi trường thường có 2 câu hỏi phụ, mỗi năm khác nhau và chúng khá “riêng biệt”. Vì vậy đòi hỏi HS phải dành thời gian tìm hiểu thông tin về trường, cũng như liên kế bài luận chính, suy nghĩ cá nhân của mình để viết. Do thời điểm đầu năm lớp 12, khối lượng học hành tại trường cấp 3 khá nặng, PH/HS khoán trắng cho agent. Trước tình trạng một nhân viên (agent) theo dõi nhiều hồ sơ và công việc đó diễn ra thường xuyên nên rất dễ gây nhàn chán cảm xúc. Vì vậy, bài luận phụ nếu cứ giao khoán hết cho agent là một điều “sai lầm” không đáng có.

- Chú ý về thời hạn của từng trường, cũng như các yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng nhận đi kèm. Nộp bổ sung các tài liệu đi kèm sẽ mất rất nhiều thời gian nếu các hồ sơ không chuẩn bị kỹ hay PH/HS không hợp tác, cứ coi như đây là nhiệm vụ của agent

Bước 4: Chiến lược chốt chọn trường đại học cuối cùng để nhập học

Bước này diễn ra khá ngắn nhưng lại gay go nhất. Nếu ở bước 2 không coi trọng hay chuẩn bị sẵn các phương án 1, 2, 3 để rồi đến bước 4 này mới suy nghĩ, chắc chắn không đủ thời gian cân nhắc chốt chọn. Ưu tiên về ranking trường, ranking ngành, về tài chính hay về sở thích cảm xúc của con…luôn đặt lên bàn cân để “cân não” bố mẹ. Xin lưu ý vài điều sau:

- Trong quá trình thảo luận bước 2 (chọn danh sách trường để nộp đơn), NTV và PH/HS cũng nên lên ít nhất 3 phương án. Ở khâu này kỹ, việc chốt chọn trường sẽ dễ dàng hơn

- Phần lớn tôi nhận thấy, các PH/HS ít phóng “tầm nhìn” về tương lai xa: đó là việc lên kế hoạch học bậc cao hơn ở thạc sĩ/ MBA hay tiến sĩ

- Việc chọn nghề và thấu hiểu thị trường lao động với ngành nghề cũng cần đặt đúng trọng tâm khi chốt chọn trường theo học

- PH/HS quá chú trọng ranking trường (general) hoặc vì những lý do khác để sĩ diện mà dồn sức vào trường TOP cao, không chú trọng cân đối bài toàn đầu tư lâu dài về tài chính.

- Rất khó để đưa ra lời khuyên chung cho mọi PH/HS. Thông thường tôi sẽ mất 3-5 giờ để gặp gỡ trực tiếp PH, kể cả gặp HS (nếu cả 2 không đồng tình) để lắng nghe, đưa ra lời khuyên “lý tính, cảm tính” phù hợp nhất từng gia đình, từng tình huống.

- Vì vậy, tốt nhất là PH/HS nên thuê đơn vị/ cá nhân (chuyên gia) thứ 3 để giám sát, lắng nghe, lựa chọn và giúp PH/HS ra quyết định đúng đắn và quan trọng nhất bước này.

Bước 5: Thủ tục nhập học & Định hướng trước khi khởi hành (PDO)

- Bước này khá dễ. Bao gồm: trả phí đặt cọc, cấp I-20, hướng dẫn hồ sơ phỏng vấn visa. Quan trọng nhất là quá trình “Định hướng trước khi khởi hành (Pre- Departure Orientation)” nhằm giúp HS chuẩn bị tâm lý và hành trang để nhập học.

- Tuy nhiên, làm sao giúp HS có được tính tự lập cao trong học tập, cân bằng việc học, ăn ở, vui chơi ở ĐH mới là việc khó. Nếu HS không biết cách chủ động tiếp cận với các anh chị khóa trước hay vô tình kết bạn với một số sinh viên “hư, xấu” cũng khá nguy hiểm. Vì HS lần đầu đến Mỹ, tự lập, rất dễ phụ thuộc người đi trước, gặp phải bạn xấu là dễ…xấu theo (!). Nếu PH/HS tìm thấy NTV có tâm, có khả năng sư phạm và có kinh nghiệm sống tại Mỹ, họ có thể hỗ trợ thêm giai đoạn “hậu” này.

Kết luận:

- Vai trò quan trọng bậc nhất của chuyên gia, NTV hay agent là đánh giá toàn diện năng lực học thuật, tố chất, khả năng của từng HS một. Từ đó vạch ra kế hoạch hạng mục, lộ trình thực hiện và giám sát xuyên suốt, nhất quán.

- Một vai trò cực kỳ quan trọng nữa của NTV, đó là: “đánh thức” ham muốn, khao khát bên trong, tạo động lực cho HS để bạn ấy nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo. Viết một bài luận hay cho riêng mình không hề dễ dàng nếu thiếu mơ ước và khao khát. Mỗi HS là một “cá thể” sáng tạo thú vị và riêng biệt, nếu NTV không thấu hiểu, không lắng nghe, không chia sẻ sẽ khó mà thành công đối với từng HS ở bước 1

- Đối với HS: sự nỗ lực hoàn thành kế hoạch là rất quan trọng, kết quả ra sao sẽ căn cứ vào đó để chọn trường phù hợp. Trường ĐH phù hợp là trường tốt nhất, cũng như “chiếc áo vừa vặn là chiếc áo mặc đẹp”. Mọi HS đều khác nhau về khả năng vì vậy, việc rập khuôn mục tiêu, kế hoạch, chương trình là hoàn toàn sai lầm về chiến lược.

- Giáo dục tính liên chính trong học thuật, trong khoa học cho HS là một việc quan trọng của NTV và cha mẹ. Sự trung thực là tính cách quan trọng nhất để đi xa và thành công ở Mỹ

- Đối với cha mẹ: Thường có ước vọng lớn con mình sẽ vào trường TOP, đặc biệt là các gia đình có điều kiện tài chính, cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với tư cách là một nhà sư phạm, NTV, tối muốn nói rằng: lợi ích sẽ rất lớn lao khi chọn trường vừa sức cho HS để họ luôn cảm thấy hạnh phúc trong học tập suốt 4 năm, tránh áp lực lớn gây ra nhiều hậu họa về đời sống tinh thần và tâm lý cho bạn trẻ xa nhà, đơn độc tại nước Mỹ rộng lớn, cạnh tranh khốc liệt.

Chúc mọi PH/HS luôn đạt được thành công !

TEXVN thu thập từ nguồn Đỗ Kim Dũng

 


Đỗ Kim Dũng - Jul 17, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email