Cách chọn và liên lạc với supervisor (phần 1)

Hình ảnh được vẽ theo prompt 3

𝗟𝗮̀𝗺 𝘁𝗵𝗲̂́ 𝗻𝗮̀𝗼 đ𝗲̂̉ 𝗹𝘂̛̣𝗮 𝗰𝗵𝗼̣𝗻 đ𝘂̛𝗼̛̣𝗰 𝗺𝗼̣̂𝘁 𝘁𝗵𝗮̂̀𝘆/𝗰𝗼̂ 𝗵𝘂̛𝗼̛́𝗻𝗴 𝗱𝗮̂̃𝗻 𝗽𝗵𝘂̀ 𝗵𝗼̛̣𝗽? (𝗣𝗵𝗮̂̀𝗻 𝟭)

Có sẵn chút suy nghĩ chuẩn bị cho một sự kiện của Hội đồng Anh, mình viết riêng một bài blog để chia sẻ với nhiều bạn hơn. Mặc dù dựa trên kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực khoa học kĩ thuật (STEM), nhưng biết đâu cũng có ích cho các bạn học các ngành khác tham khảo

Tìm được một thầy/ cô hướng dẫn tốt là một việc quan trọng với tất cả các bạn muốn làm nghiên cứu, đúng từ bậc học Thạc sĩ, Tiến sĩ, thậm chí là sau Tiến sĩ. Theo mình, một giáo sư hướng dẫn lý tưởng sẽ vừa là một nhà khoa học giỏi vừa là một người thầy tốt.

(Mình học Đại học ở Việt Nam, sau đó sang Cambridge học Thạc sĩ và Tiến sĩ. Ở bậc Thạc sĩ, mình chỉ gửi email cho ba thấy và được nhận phản hồi từ cả ba; và một trong số đó trở thành supervisor của mình. Ở bậc Tiến sĩ cũng tương tự)

Cùng bắt đầu thôi: (mình sẽ dùng từ supervisor thay cho thầy/cô hướng dẫn cho bài viết ngắn gọn hơn)

𝟭. 𝗩𝗲̂̀ 𝗸𝗵𝗶́𝗮 𝗰𝗮̣𝗻𝗵 𝗰𝗵𝘂𝘆𝗲̂𝗻 𝗺𝗼̂𝗻:

Khi bạn đã có tên của một (vài) supervisor(s) tiềm năng, việc đầu tiên và đơn giản nhất là tìm kiếm các thông tin về họ trên google. Bao gồm google scholar, trang web của lab, twitter, linkedIn …để có nhận định khách quan và cảm giác chủ quan của bản thân.
- Đọc một vài bài báo tiêu biểu hoặc gần đây của họ để xem hướng hoặc chủ đề nghiên cứu có phù hợp với bạn.
- Tham khảo ý kiến từ anh chị, thầy cô giáo mà bạn tin tưởng vì họ đã có nhiều kinh nghiệm trong nghề.

𝟮. 𝗩𝗲̂̀ 𝘃𝗮𝗶 𝘁𝗿𝗼̀ 𝗰𝗼̂́ 𝘃𝗮̂́𝗻, đ𝗶̣𝗻𝗵 𝗵𝘂̛𝗼̛́𝗻𝗴:

Tìm cơ hội trao đổi với các bạn sinh viên đã hoặc đang nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo sư đó. Thông tin liên lạc có thể được tìm thấy ở trang web của lab, của trường, hay trên internet. Chủ động gửi email đề cập trung thực vấn đề và đặt các câu hỏi liên quan tới phong cách hướng dẫn, quản lí của supervisors. Anh chị, bạn bè xung quanh hay bản thân mình kha thoải mái khi tư vấn việc này cho các bạn khoá sau.

- Đọc các bài báo cũng như tìm hiểu hoạt động nghiên cứu khoa học của các bạn sinh viên đó. Bởi vì một người supervisor tốt sẽ tạo điều kiện để học trò của mình được phát triển và có thành tựu riêng.

- Quan tâm tới cả môi trường nghiên cứu, xem nhóm do supervisor dẫn dắt có đa dạng, thân thiện, chuyên nghiệp không.

𝟯. 𝗖𝗮̂̀𝗻 𝗹𝘂̛𝘂 𝘆́:

- Không nên chọn supervisors chỉ vì duy nhất một lí do là họ đang làm nghiên cứu trong lĩnh vực hẹp mà bạn đang quan tâm ở thời điểm đó. Ngành học rất quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Nếu như bạn chỉ có thời gian từ 6 tháng làm Thực tập hoặc 1-2 năm học Thạc sĩ, hãy mở rộng sự lựa chọn ra các ngành liên quan. Đôi khi, cái cần thiết hơn là những kĩ năng, nguồn lực (tài chính và cơ sở vật chất), mối quan hệ mà bạn có thể nhận được.

- Cân nhắc chọn supervisor chính là người có chức vụ cao hoặc nhóm quá đông người do họ có thể không có đủ thời gian cho bạn. Bản thân mình đã tự rút ra kinh nghiệm từ việc chọn làm một dự án ngắn hạn trong năm nhất Tiến sĩ với một thầy là trưởng đề tài siêu to khổng lồ cấp quốc gia. Trong toàn bộ 3 tháng, mình chỉ trao đổi được với thấy đúng 1 lần lúc bắt đầu, còn lại là tự bơi. Hiện tại, cô hướng dẫn chính của mình là một PI trẻ và năng động. Cô luôn dành thời gian cho mình mỗi khi mình cần. Ngoài ra, mình cũng có bác Viện trưởng làm thầy hướng dẫn thứ hai (secondary supervisor). Mình chỉ trao đổi với bác hai tháng 1 lần, song những kiến thức và kinh nghiệm của bác thật sự giúp mình mở mang rất nhiều.

- Tránh những lựa chọn cảm tính như chọn supervisor cùng là nam giới/ nữ giới, cùng là người châu Á, cùng là người Việt Nam …

Ngoài ra, chúng ta cũng cần suy nghĩ xem mình mong chờ điều gì từ các thầy cô hướng để có những kì vọng và câu hỏi hợp lí khi trao đổi. Một vài điều ở một supevisor tốt mà mình có thể kể ra ở đây là:

- Là một người yêu khoa học, khuyến khích những ý tưởng mới, công tư phân minh
- Động viên sinh viên chủ động dẫn dắt đề tài nghiên cứu của mình
- Tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động khác ngoài nghiên cứu như giảng dạy, tham gia hội nghị hội thảo, trường hè…cũng như tận hưởng cuộc sống.
- Hướng dẫn sinh viên viết báo, xin quỹ, thuyết trình ở hội thảo lớn…
- Giúp đỡ, hỗ trợ sinh viên kể cả sau khi tốt nghiệp/ rời lab


Nói đi nói lại thì quan trọng nhất là bản thân bạn cảm thấy phù hợp với cách hướng dẫn của supervisor(s). Bản thân mình thích sự chủ động và linh hoạt, nên không phù hợp với thầy cô kiểm soát quá. Bọn mình hay nói đùa với nhau là làm Tiến sĩ từ ba đến 7 năm, có khi còn lâu hơn cả một cuộc hôn nhân, nên cần chọn lựa cản thận.

Sau khi tìm hiểu thông tin và phần nào biết được mong muốn của bản thân, chúng ta có thể liên lạc với các supervisors tiềm năng:

- Cách dễ và phổ biến nhất là qua email với nội dung ngắn gọn, súc tích. Tầm 2-3 đoạn, không quá 300 từ là khá ổn.

- Cách nữa là tự tạo kết nối với các supervisors đó trên các phương tiện xã hội Twitter, LinkedIn, Github… Các giáo bây giờ cũng online ầm ầm hihi. Họ cũng hay đang bài tuyển sinh trên đó nữa. Có lần mình gửi tin nhắn cho một bác PI trên Twitter mà được hồi âm nhanh hơn qua email.

- Nếu có cơ hội thì chủ động làm quen với họ khi tham dự hội nghị, hội thảo, khoá học

Ở phần 2, mình sẽ chia sẻ kĩ hơn nội dung viết email nghen.

Nguồn tham khảo: My ở Cam


Jul 07, 2024

5 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email