Thay Đổi Góc Nhìn: Học Chính Khóa và Học thêm - Phần 3

Mấy hôm này, mình bận quá, nhưng cũng cố gắng viết chia sẻ thêm vài góc nhìn mà mình luôn ở phía đối lập với phần lớn PH.

1. Hiểu cho đúng về “học thêm”:

Học thêm ở đây, được hiểu nghĩa rộng, nó có nghĩa là:

- After school (học sau giờ ở trường): có nghĩa là sau giờ học chính, các con sẽ học thêm vài lớp, dù là học phụ đạo, hoặc các lớp nâng cao/ chuyên sâu ngoài giáo trình, đều được gọi là học thêm

- Học extra curriculum, học các giáo trình khác, ngoài chương trình chính khoá

- Học thêm với tutor

- Học thêm ở trung tâm

- Tự học

Có rất nhiều PH đến với mình trong sự phân vân “Em rất thích chương trình và các lớp bên chị, nhưng con em lại đang học ở trường khá căng, nên em sợ con không theo được lớp chị”.

Cũng có 1 vài PH, dù rất ít, nhưng cũng có, lại xin nghỉ lớp bên mình vì lý do “Con em sắp vào trường ABC/ XYZ, chương trình học rất nặng, em xin phép dừng học với bên chị, dù rất tiếc”.

Trong những trường hợp đó, mình vừa tiếc cho em bé, vừa cảm thấy nhẹ trong lòng, nghĩ “những PH có suy nghĩ này thì chia tay sớm là khoẻ, vì với suy nghĩ đó, trước sau gì họ cũng cho con nghỉ. Vậy thà nghỉ sớm cho đỡ mất thời gian đôi bên”.

2. Học ở trường nào rồi cũng phải học thêm thì mới giỏi:

Đây là điều hiển nhiên, không cần tranh cãi.

Như mình đã từng nói, mà nói không biết bao nhiêu lần “Dù các con học ở trường nào, thì để học giỏi, các con nhất định phải học thêm”. Học thêm ở đây, bao hàm nhiều nghĩa như ở trên đã viết. Tụi mình không nên dựa vào chương trình chính khoá ở trường mà tự tin rằng con mình đã đủ giỏi rồi.

Có 1 lần, mình nghiêm túc hỏi bé K “Con học ở trường là chính, hay học ở nhà là chính? Con nghĩ là học ở trường giúp con giỏi, hay con học ở nhà giúp con giỏi?”

K cười và trả lời “Mẹ nghĩ sao vậy? Con lên trường học chỉ để có bạn bè thôi. Con học ở trường chỉ để có điểm số thôi à. Còn học ở nhà con mới học thật sự, học với thầy Andy, thầy Sơn và mấy chương trình bố mẹ đăng ký mua cho đó”.

Một bạn nhỏ như K mà còn có đủ nhận định học ở đâu, học với ai, mới giúp con giỏi. Ngược lại, phần lớn những PH vẫn còn rất phân vân và suy nghĩ mâu thuẫn về điều này.

Thật vậy, nhình lại, mình thấy, không có trường nào giúp K cải thiện khả năng nói được như hiện nay. Dù so với 1 bạn có năng khiếu nói bẩm sinh, K vẫn không bằng về khả năng lưu loát (K nói vẫn vấp trong TA lẫn TV). Nhưng so sánh với chính K của ngày xưa, thì K đã tiến bộ 1 cách ngoạn mục.

Mình còn nhớ năm K học Grade 8 trường CIS, thầy Kaan phải gọi từng bạn trong lớp đứng lên nói, vì theo thầy “kỹ năng nói của lớp còn kém quá”. Và K luôn là bạn cuối cùng được gọi, hoặc bị thầy làm lơ, vì “Con nói giỏi rồi, nhường cho các bạn đi”.

Có thể thấy, học sinh trường quốc tế đơn ngữ có rất nhiều bạn khả năng nói kém. Các bạn ấy chỉ có thể nói giao tiếp tốt, nói chuyện bạn bè bông đùa với nhau thì ok, nhưng khi đứng lên trước lớp phát biểu về 1 chủ đề học thuật thì nhiều bạn còn kém lắm. Đó là lý do, lớp Debate bên mình có rất nhiều bạn nhỏ từ nhóm học trường quốc tế xin đăng ký học.

Về kỹ năng viết cũng vậy. Dù con bạn có học trường quốc tế hay là con thi đậu vào lớp chuyên Anh, thì con cũng phải học thêm môn viết. Bất kể là trong ngôn ngữ nào, tiếng Anh hay tiếng Việt, môn viết cũng là môn cần phải học và rèn luyện nhiều năm, mà phải học với thầy cô giỏi thì mới viết tốt được.

Giáo viên phụ trách môn English ở trường công/ tư/ quốc tế, thì chỉ dựa vào giáo trình theo tiêu chuẩn chung mà dạy. Vì vậy, việc học và rèn luyện kỹ năng viết là điều bắt buộc phải làm, phải tìm kiếm các lớp học thêm để bổ trợ cho con. Không thể không học thêm môn viết, nếu muốn con có kỹ năng viết tốt. It’s true forever.

Môn Math là môn nhất định cần phải học extra. Vì sách GK VN môn Toán quá chán, nên tụi mình có thể chọn các giáo trình Toán Mỹ cho con học. Tuỳ vào năng lực trẻ mà bạn cho con học thêm với GV, hoặc cho con tự học (như K nhà mình). Nếu muốn con tự học, thì nên tập cho con thói quen này từ nhỏ.

Môn Math càng lên cao càng khó. Lúc lên đến level khó rồi, thì chắc chắn con sẽ phải học thêm. K nhà mình thì tự học Math Aleks cho xong hết các học phần của highschool. Nhưng đến khi học AP, thì mình sẽ cho K học với tutor.

Các môn Science còn lại thì cũng tương tự. Lúc nhỏ môn Science tích hợp, chỉ là các khái niệm cơ bản, nhưng nếu được học từ nhỏ thì các kiến thức sẽ dễ hiểu, dễ lĩnh hội, dễ thẩm thấu. Từ từ, con sẽ có nền tảng kiến thức khoa học tổng quát. Cho đến khi con lên Grade 7+, con sẽ sẵn sàng học các môn Physics, Chemistry, Biology một cách nhẹ nhàng, học sâu hiểu sâu, chớ không phải học cày, học thuộc lòng chỉ để đi thi.

3. Phân tích học chính khoá và học thêm ở các loại trường:

a. Con bạn đang học trường công?

Chắc chắn phải học thêm rồi, trời ạ. Vì chương trình của BGK và nội dung sách giáo khoa vẫn còn nhiều vấn đề nan giải, nên việc học sinh trường công phải đi học thêm để bổ sung kiến thức là điều chắc chắn phải làm. Nhớ ngày xưa 2 anh con trai nhà mình, học thêm từ nhỏ đến lớn. Lúc nhỏ học thêm TA với gia sư tại nhà. Lớn lên học TA ở trung tâm KTDC của thầy Ken (thầy Ken vốn là cựu examiner IELTS, sau đó thầy mở trung tâm chuyên dạy IELTS, rất uy tín. Nếu bạn nào thích học offline, thì có thể đăng ký ở KTDC).

Mình còn nhớ, anh con trai đầu của mình, trước khi du học Úc, đăng ký lớp Intensive đặc biệt của 1 trung tâm, học tuần 5 ngày, mỗi ngày học 4 tiếng, học toàn bộ với GV bản xứ. Học phí mỗi tháng là 16 tr, mình đóng luôn cả khoá 4 tháng giảm còn 60 tr. Cách đây hơn 12 năm, đây là số tiền khá lớn. Mỗi tuần học của con là 4 tr, trong khi đó, lương của công nhân chắc cũng 4 - 5 tr/ tháng thôi. Mình còn nhớ, mình mua miếng đất 1.000 m2 ở Thanh Đa mà chỉ 300 tr thôi đó. Mỗi lúc đóng tiền học là choáng, nhưng cũng ráng.

Lúc đó, mình chỉ lo là con qua Úc sẽ bị hạn chế TA, nên bằng mọi cách có thể làm thì mình làm cho con, không dám tiếc tiền. Giờ nghĩ lại, bé K nhà mình học hành ít tốn kém hơn 2 anh, vì bé K chủ yếu là tự học và còn được học bổng 100% nhiều nơi, nên mình ít tốn kém hơn.

Ngoài học TA ra, 2 con trai mình phải đăng ký học thêm tất cả các môn chính: Toán Lý Hoá. Bạn thứ 2 nhà mình còn phải học thêm môn Văn nữa. Nói chung là môn nào cũng phải học thêm, quá khổ.

Lúc đó, 2 con trai học thêm để đối phó với các kỳ thi, chớ không phải học thật giỏi thật như bé K bây giờ. Càng không thể tự học như K.

Vì học thêm chỉ để vượt qua các kỳ thi, nên có giỏi thật đâu (lúc đó mình không hiểu gì nhiều về giáo dục, thấy con học tốt, điểm cao là an tâm rồi). Vì vậy, 2 con trai nhà mình đâu có đủ giỏi để học STEM. Con trai đầu thì học Finance, nhưng ra làm mảng Nhà hàng - Khách sạn. Con trai thứ 2 thì học và làm trong ngành quản trị Nhà hàng - KS luôn.

b. Con bạn đang học trường tư?

Trường tư ở trong SG thì nhẹ nhàng và dễ vô cùng. Nếu không học thêm bổ sung kiến thức, thì chỉ sau này, lên cấp 2 hoặc cấp 3, sẽ hối hận không kịp.

Nếu con đang học trường tư ở HN, thì đây là vấn đề khá phức tạp. Trường tư CLC ở HN dạy rất nặng, học rất nhiều, áp lực học tập rất căng. Nhưng, có 1 điều mà PH thường ít chịu hiểu, đó là “học cái gì không quan trọng bằng con lĩnh hội được cái gì”. Đưa ra 1 chương trình vừa nhiều/ nặng/ khó… thì có nghĩ đến việc, liệu em bé “tiêu hoá” được bao nhiêu từ cái khẩu phần nặng nề, khó tiêu đó. Liệu em bé thực sự lĩnh hội? Và nếu có, thì con lĩnh hội và tích luỹ được bao nhiêu?

Một góc nhìn khác ở đây nữa là, những bạn bước vào trường tư CLC đó, nếu chỉ học theo đúng chương trình ở trường dạy, thì liệu có đủ giỏi không? Mình hơi nghi ngờ điều này.

Mình có rất nhiều học trò là hs của trường tư CLC, khi test đầu vào bên mình, kết quả các con không cao, thường phải học lộn xuống thấp hơn 2 hoặc 3 lớp.

Điều này là do:

- PH đã bỏ nhiều thời gian để con gồng theo chương trình của trường, mà trường thì dạy nặng về luyện giải đề (Toán), hoặc TA thì chuyên luyện ngữ pháp. Luyện giải Toán thì còn có ít nhiều giá trị, chớ luyện Grammar thì vô nghĩa quá chừng.

- PH dành quá nhiều thời gian (từ 1 – 2 năm) để cho con học ôn luyện thi vào trường CLC. Việc học ôn luyện này chỉ tập trung vào học Toán, Văn và TA. Tất cả đều là luyện đề thi cho quen. Điểm thi cao hay không, thi đậu hay không là nhờ vào việc học ôn luyện này.

Nhiều PH ở HN cũng hiểu vấn đề, nhưng vì buộc cần phải thi vào trường tốt cho con, nên học phải hy sinh mà chọn cách học đó.

Các phương pháp học trên chỉ chú trọng vào việc luyện làm bài tập, chớ không phải học để hiểu khái niệm, học và suy luận, học và phân tích, học và tư duy, nên kết quả đầu ra cũng rất là khác biệt.

Cách học luyện đề nhiều, cho quen dạng đề thi, làm riết mà quen tay là 1 cách tốt nếu áp dụng vừa phải. Vì dù sao, muốn giỏi thì ai cũng cần practice. Nhưng, cta cần hiểu là, practice cho thuần thục chỉ nên được áp dụng cho các môn kỹ năng (skill), còn học kiến thức (knowledge) thì cần học sâu, học bằng tư duy động não.

Mình xin phép đưa ra 1 ví dụ, tuy hơi cực đoan, nhưng nó giúp cta dễ hiểu hơn. Nếu bạn muốn train 1 người thợ, thì bạn cứ cho họ practice nhiều thật nhiều, từ cấp độ thấp lên cao. Cứ thế, người thợ sẽ giỏi thao tác, họ có thể leo lên đến bậc cao nhất, là thợ bậc 7.

Nhưng, cách học của 1 kỹ sư giỏi thì lại khác. Anh kỹ sư có thể không thuần thục tay nghề bằng anh thợ bậc 7. Nhưng anh kỹ sư giỏi sẽ hiểu toàn bộ nguyên lý hoạt động của cỗ máy và cả nhiều thứ khác liên quan. Anh kỹ sư giỏi có thể đưa ra giải pháp toàn diện khi có vấn đề. Anh kỹ sư giỏi sẽ có giải pháp thay thế khi phát sinh những problem chưa từng phát sinh trước đó. Quan trọng hơn, anh kỹ sư giỏi có thể sáng tạo ra những thứ giúp cải tiến công việc 1 cách vượt trội.

- Người thợ chỉ biết làm những thứ thuộc về phần việc của mình. Nhưng người kỹ sư hiểu biết các kiến thức liên quan.

- Người thợ chỉ nắm vững được những vấn đề cục bộ. Nhưng người kỹ sư sẽ nắm vững bao quát toàn bộ vấn đề.

- Người thợ chỉ biết làm những thứ mà anh ta đã từng làm qua. Nhưng người kỹ sư sẽ tìm ra giải pháp cho những thứ mà anh ta chưa từng gặp qua.

- Người thợ chỉ biết làm tốt những gì được giao trong hiện tại. Nhưng người kỹ sư sẽ tìm cách để cải tiến làm tốt hơn nữa và nữa cho tương lai.

Quay lại việc học, các con nên học Lý Hoá Sinh để hiểu sâu sắc bản chất của khoa học, chớ không nên học thuộc lòng công thức, học cách giải bài tập, luyện giải đề thi. Học để giỏi rất khác học để có điểm cao. Lưu ý rằng, điểm cao chưa chắc đồng nghĩa với việc học giỏi.

c. Con bạn đang học trường quốc tế?

Trường được gọi là “quốc tế song ngữ” là một sự hiểu lầm (do nhà trường chủ động quảng bá để thu hút HS) mà PH cần thận trọng.

Theo cách hiểu tự nhiên, khi gọi “song ngữ”, cta thường hiểu là “học sinh được học song song 2 ngôn ngữ như nhau: Tiếng Việt và TA, bao gồm thời lượng và chất lượng. Và kết quả đầu ra là học sinh sẽ có khả năng sử dụng tốt song song cả 2 ngôn ngữ như nhau”.

Nếu mình chọn trường quốc tế song ngữ cho con nhà mình, mình sẽ nghĩ vầy nè: thời lượng học chương trình TA = chương trình Tiếng Việt. Kết quả đầu ra (chất lượng) con mình giỏi TA = tương đương Tiếng Việt. Vậy mới gọi là song ngữ chớ. Vậy mới xứng đáng xuống tiền chớ.

Nhưng thực tế không phải vậy. Các bạn nhỏ trường này được học TA nhiều hơn bình thường thôi. Và kết quả đầu ra không hề giỏi như mình mong đợi của 4 chữ “quốc tế song ngữ”. Các bé từ khối trường này qua làm bài test bên mình có kết quả khá thấp, không hơn các bạn học trường công bao nhiêu hết.

Trường quốc tế đơn ngữ vẫn có học sinh không hề giỏi TA. Các con chỉ nói free-talk tốt, nhưng nói chủ đề học thuật thì chưa chắc.

Môn viết thì càng tệ. K nhà mình thường hay kể cho mình nghe “Mặc dù các GV giao bài tập essay rất nhiều, nhưng các bạn làm đại khái cho xong, các bạn viết í ẹ lắm mẹ ơi”.

Học ở trường quốc tế, về mặt học thuật, các GV không bắt ép, không tạo áp lực học hành gì, dù chỉ 1 xíu. Tụi nhỏ muốn học thì học, không thì thôi, học tàng tàng cũng được lên lớp đều đều. Nếu chỉ dựa vào chương trình của trường quốc tế mà mong đợi con mình giỏi, thì e rằng rất chủ quan.

Mình biết có vài bạn học trường quốc tế cũng học rất giỏi. Nhưng mình chắc chắn rằng, những bạn học rất giỏi đó đều đi học thêm.

4. KẾT LUẬN

Viết bài dài vậy đó, mình chỉ chốt lại bằng mấy câu hỏi:

- Rõ ràng là, học ở trường nào, thì nếu con không học thêm, thì con không thể giỏi.

- Học ở trường thôi thì sẽ không đủ giỏi, nhưng PH lại xem việc học ở trường là chính??? Và bằng mọi giá phải chạy theo chương trình ở trường???

- Biết là học thêm mới giúp con mình thực sự giỏi, nhưng PH lại từ bỏ các lớp học thêm chất lượng, vì lo rằng, ở trường nặng quá, con không theo nổi?

Mình viết bài này, chỉ để phân tích góc nhìn, chớ chẳng phải có ý thuyết phục các bạn đăng ký cho con học các lớp bên mình (những bạn nào đã từng đăng ký và học qua thì biết là, để vào học, đôi khi phải nằm trong DS chờ rất lâu, vì các lớp của mình thường full, và mình cũng không mở lớp ồ ạt, đại trà).

Mình chỉ mong các bạn hãy thử thay đổi góc nhìn: đâu là chính, đâu là phụ.

Nghĩ 1 cách trực diện và đơn giản nhất, chỗ nào giúp mình giỏi, chỗ đó là chính. Chỗ nào không giúp mình giỏi, chỗ đó là phụ.

Với nhà mình, học trên trường là phụ. Đến trường chỉ để cho K có bạn bè, có học bạ, có bảng điểm. Dù học ở trường công lúc nhỏ, hay học ở trường CIS hiện nay, thì tụi mình chỉ duy trì cho có mà thôi.

Với nhà mình, học ở nhà mới là học chính. Nhờ học với thầy Mario mà K tiến bộ về Speaking. Nhờ học với thầy Andy, mà K viết tốt hẳn. Nhờ học với thầy Sơn mà K vững vàng về môn Chemistry. Nhờ tự học Aleks, mà K toàn được điểm trên 95 về môn Math. Nhờ học hsc mà K chưa từng gặp khó khăn về TA, dù là lúc mới bước vào môi trường TA 100%.

Nói chung, nhờ học ở nhà, hoặc còn gọi là học extra curriculum, mà K nhà mình đủ giỏi, để đến trường con chỉ học tàng tàng thoải mái ở trường.

Ngược lại, nếu các bạn xem việc học ở trường là chính. Bạn sẽ phải học ngày đêm, làm bài tập triền miên. Rồi có khi bạn tiếp tục học thêm, mà học thêm đây cũng chỉ để đáp ứng mục tiêu được điểm tốt ở trường. Cứ thế, bạn làm mọi thứ để chạy theo chương trình của trường, tiêu chí của trường.

Bạn có bao giờ dừng lại để hỏi, học chương trình nhiều và nặng nề như vậy, có làm cho con mình giỏi thật không?

Rồi sau đó, mỗi một cấp lớp, mỗi một kỳ thi, như IELTS, SAT, các kỳ thi AP…, bạn đều lại tiếp tục cho con học luyện thi, học để đi thi?

Và cứ thế, nhờ ôn luyện kỹ thuật/ kỹ năng làm bài thi, con có thể đạt điểm cao. Nhưng, kiến thức mà con thực sự lĩnh hội qua cách học đó là như thế nào?

Hoặc, bạn muốn con trở thành kỹ sư, hay muốn con trở thành 1 người thợ?

Muốn con trở thành kỹ sư tài năng mà chọn cách học luyện kỹ năng như người thợ, thì e rằng không đúng.

Để kết bài này, mình hầu kể thêm với bạn 1 câu chuyện.

Cách đây vài tuần, mình được 1 bạn quản lý của 1 tập đoàn giáo dục có thể nói là lớn nhất của VN, mời mình đi uống cafe trò chuyện, trao đổi vài thứ. Mình vẫn luôn duy trì mối quan hệ tốt với những bạn làm việc trong các tập đoàn giáo dục lớn, để mình kịp thời cập nhật những thứ hay ho, thú vị (các bạn ấy hay chia sẻ và cho nhà mình học free những chương trình mới, kỳ thi mới… để mình đánh giá, góp ý cho các bạn ấy).

Trong buổi trò chuyện, bạn có hỏi mình 1 câu (mình xin lỗi, có thể vấn đề này hơi nhạy cảm, nhưng vì nó là câu chuyện xảy ra khách quan, nên mình kể lại thôi): “Chị H có thấy là, các bạn học sinh ở SG thì học rất tốt, học chắc, học ổn, sức học ổn định hơn hs HN. Nhưng khi đi thi thì hs ở HN luôn có kết quả và thành tích tốt hơn?”

Tụi mình nhìn nhau cười. Vừa thấy lạ, vừa thấy cũng đúng. Và thấy cũng buồn cười

Sự thật là điểm số và thành tích của các bạn hs ở HN vô cùng cao khi so với hs SG, xét về mặt bằng tổng thể. Nhưng thực chất sức học của các con như thế nào thì mình không dám khẳng định, bởi cũng chưa có 1 nghiên cứu đo lường, thống kê đáng tin cậy nào.

Nhưng, với sự quan sát và trải nghiệm thực tế từ rất nhiều bạn đăng ký học và làm bài test với mình trong 4 năm qua, từ rất nhiều loại trường trên cả nước (công, chuyên, CLC, quốc tế...) mình có thể khẳng định rằng, hs học có điểm cao ở trường, hoặc thành tích cao ở 1 vài cuộc thi nào đó KHÔNG ĐỒNG NGHĨA là bạn nhỏ đó thực sự có năng lực GIỎI.

Nếu không ôn luyện mà điểm cao, thành tích tốt thì đúng là giỏi. Nếu ôn luyện, cày đề quá nhiều đạt điểm cao thì mình không chắc.

Chưa kể, điểm số và cách đánh giá của nhà trường/ của cuộc thi đó có thật sự là khách quan và chính xác? Có phải là khi thầy cô cho con mình 10 điểm, hoặc danh hiệu HS Giỏi thì đúng là con mình giỏi thật? Có phải là khi con thi kỳ thi nào đó và được giải, là con mình giỏi rồi?

Mình e rằng không. Vì thời buổi bây giờ, điểm lạm phát rất cao, ai ai cũng 9 - 10 điểm. Và danh hiệu, thành tích, huy chương, cúp vàng… của vô số các kỳ thi đã trở nên quá bình thường.

Cho đến 1 lúc nào đó, điểm số, thành tích, rồi cũng sẽ trở thành dĩ vãng mà chẳng ai nhớ đến đâu. Cuối cùng vẫn cứ là đứa nhỏ trưởng thành như thế nào, trở thành 1 người như thế nào, làm được gì cho cuộc sống của chính con, làm việc tạo ra giá trị gì cho công ty, tổ chức mà con đang thuộc về - dù làm thuê hay làm chủ, đóng góp gì cho gia đình, xã hội, cộng đồng.

Những điều này, cần có quá trình, cần có nền tảng. Đó không chỉ là điểm số trên bề mặt. Đó không đơn giản chỉ là tờ giấy bằng cấp.

Thực lực của mỗi một người, cần tích luỹ theo năm tháng. Và sẽ được chứng minh qua năm tháng.

 


Aug 08, 2024

4 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email