CÓ MỘT CON ĐƯỜNG KHÁC (phần 4)

4. Bắt đầu Semi-homeschool từ mấy tuổi?

Chắc hẳn rất nhiều người "ân hận vì không cho con học sớm". Thực ra chả bao giờ muộn để bắt đầu cả. Tuổi nào cũng có khó khăn và thuận lợi riêng:

Bé dưới 8 tuổi dễ học dễ ngấm nhưng thường phải dùng nhiều “chiêu trò”, vì chả đứa trẻ nào khoái ngồi vào bàn.

Bé 9-13 tuổi thì ở lớp đã nhiều bài tập, lại còn ham chơi; nhưng khối lượng kiến thức và từ vựng ở giai đoạn này còn mỏng nên chỉ cần chút quyết tâm là sẽ theo được.

Đối với bạn nhỏ cuối cấp hai trở lên, lượng kiến thức của chương trình Mỹ lớn, từ vựng chuyên môn nhiều và khó, nên khi mới bập vào, thường cả nhà cùng choáng (trừ môn Toán). Trở ngại lớn nhất là hầu hết các con đã hình thành thói quen cô ép thì mới học, kiểm tra vở thì mới chép, và chỉ học vì muốn điểm cao, nên xây dựng năng lực tự học cực khó. Tuy vậy, các con đã có chính kiến riêng, và nhiều bạn có ý chí cao, nên nếu cha mẹ có thể thuyết phục con hiểu được độ quan trọng và tính cần thiết thì các con vẫn có thể bắt nhịp tốt.

Tóm lại, bắt đầu từ tuổi nào cũng được, bé nhỏ thì cần sự quyết tâm của bố mẹ, bé lớn thì cần sự quyết tâm từ cả 2 phía. Nói chung, bố mẹ cần 1-3 năm kiên trì để tạo thói quen học tập cho con, sau đó sẽ nhàn dần đều, rồi đến ngày gần như chả phải làm gì, dành thời gian lên mạng chém gió như mình (lol)

5. Semi-homeschool tốn bao nhiêu tiền?

Từ 0 đồng đến vô cùng.

Nếu kinh tế eo hẹp, bạn chỉ cần một cái máy tính có internet là xong. Có rất nhiều tài nguyên 0 đồng ngon bổ như Khan Academy, ck12, Cognito (cái này học kiểu UK), thậm chí YouTube đầy rẫy các chương trình hay. (Con mình hồi tự ôn IMSO, đoạn nào lơ mơ thì lên YouTube, tìm ra nhiều bài giảng của các thầy giáo Ấn Độ hay đáo để)

Nếu dư giả hơn, bạn có thể trả tiền cho các chương trình học đa dạng từ vài trăm nghìn như Acellus, IXL… cho vài triệu như Abeka, Ivy Global School, Minh Việt Academy, v.v., cho tới mười mấy triệu như Nisai, và còn hơn thế nữa.

Semi-homeschool không phải vì "ngon bổ rẻ", mà vì "chất lượng cho tương lai", nên ta cứ liệu cơm gắp mắm thôi.

6. Semi-homeschool dành cho ai?

Dành cho mọi nhà, bất kể giàu hay nghèo, cha mẹ mù tịt hay giỏi tiếng Anh, công nhân hay giáo sư, nhưng chống chỉ định một số trường hợp cha mẹ như sau:

- “thích đủ thứ”, muốn con nhiều huy chương toán quốc tế, thi trường chuyên lớp chọn, debate chém gió phần phật, giỏi toàn diện, ở trường không môn nào dưới 9.

- dễ ngả nghiêng, dao động: nay quyết tâm chú trọng rèn kỹ năng, mai đọc báo thấy “tiếng Anh là kỹ năng sinh tồn” nên quyết tâm đầu tư tiếng Anh, ngày kia trường có kỳ thi “toán quốc tế” nên cho con ôn thi lấy giải, tuần tới ngộ ra là sắp tới kỷ nguyên AI nên cho con học vài khoá lập trình lận lưng.

- muốn ai đó trải sẵn cho mình con đường đi cho nhanh tới đích, nên muốn làm theo y chẳng các “hot mom” đi trước, con mình học giống con người ta, nhất định sẽ giỏi y chang.

Thực tế semi-homeschool ở ta 6-7 năm nay là: các gia đình ồ ạt “tắm tiếng Anh” cho con từ bé (có khi từ lọt lòng), tham gia phong trào học kiểu Mỹ từ cấp 1. Phong trào xịt dần khi các con tới những năm cuối tiểu học, và xịt hẳn khi lên cấp 2. Lý do chủ yếu:

- bài tập ở cấp 2 ở lớp chính khoá và học thêm quá nhiều (nguyên nhân chính là kỳ vọng quá lớn của cha mẹ)

- Các con học chưa “tới” ở các giai đoạn thấp, lượng kiến thức mỏng, hiểu biết hổng, nên lên tới giai đoạn trên là “mếu”

- Cha mẹ áp dụng những “lộ trình” có sẵn, chưa tìm hiểu thực sự cái gì thích hợp với con mình.

- Do các yếu tố trên, con chưa có năng lực tự học, và cũng chưa tìm được niềm vui trong việc khám phá kiến thức mới.

Tóm lại cha mẹ cần tìm hiểu kỹ, làm bạn để hiểu con mình, buông bỏ bớt những gì ít cần thiết thì sẽ tìm được cái áo vừa với con.

(Phần 5: Nên chọn chương trình nào? Học những môn gì?)

 

 
TexVN tham khảo từ nguồn: Cô Phạm Nha Trang


Jul 02, 2024

1 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email