CÓ MỘT CON ĐƯỜNG KHÁC (phần 6)

 

8. BẮT ĐẦU SEMI-HOMESCHOOL TỪ ĐÂU?

Mỗi lần trồi lên chém gió, câu hỏi mình nhận được nhiều nhất là “Em phải bắt đầu như thế nào?” Vậy, dưới đây là các bước bạn cần làm:

Bước 1: xác định năng lực tiếng Anh của con

Sai lầm thường gặp 1: “không cần kiểm tra trình độ tiếng Anh, cứ cho con vào nghe/học với các bạn cùng độ tuổi, như đứa trẻ được nhúng vào môi trường ở nước ngoài vậy, một thời gian sau con sẽ theo được”. Nghe thật ngon lành nhỉ!

Nhưng mà đời đâu có dễ ăn như thế! Chỉ khi các con còn nhỏ, bạn mới có thể đưa con ra nước ngoài mà vẫn yên tâm con sẽ hòa nhập rất nhanh với trường lớp. Ở lứa tuổi lớp một trở xuống, giao tiếp của các con với nhau và với giáo viên rất đơn giản, bài học chỉ xoay quanh những sự vật sự việc cụ thể, sờ được, nhìn được. Nhưng từ lớp ba trở lên, bài vở đã mang tính học thuật. Từ lớp 5 trở lên thì kiến thức phần nhiều là trừu tượng, câu cú loằng ngoằng như trong hình (môn Science lớp 5). Các con chưa giỏi tiếng Anh thì dễ đi từ sốc đến chán, rồi đến sợ và cuối cùng bỏ cuộc.

Vì thế, dứt khoát phải xác định năng lực tiếng Anh của các con trước. Làm thế nào? Bạn hãy đọc kỹ bài viết sau về năng lực tiếng Anh cần thiết để bắt đầu homeschool:

https://www.facebook.com/groups/homeschoolingvanhungnguoiban/permalink/1294381170982890/

Và hãy nhờ dân chuyên ngành đánh giá định lượng khả năng tiếng Anh của con nhé!

Lưu ý: quan trọng là năng lực nghe và đọc hiểu, viết và nói đuối tí cũng được.

Bước 2: xác định grade (lớp) và chọn môn.

Việc chọn môn mình đã viết ở phần trước. Việc chọn grade nào phụ thuộc vào chương trình học, và độ tuổi và năng lực trẻ. Giáo dục như thị trường nhà hàng vậy, có cơm bình dân, có quán bia hơi, mà cũng có cả nhà hàng 5*. Chúng ta hãy xét từ 2 chương trình homeschool phổ biến nhất tại Việt Nam là Acellus và Abeka.

Lưu ý: Semi-homeschool theo chương trình phổ thông Mỹ, nên dành cho các bạn từ 5 tuổi trở lên. Dưới 5 tuổi chưa đủ tuổi học phổ thông, và mình không ủng hộ dạy chữ quá sớm cho trẻ mẫu giáo.

Sai lầm thường gặp 2: “nếu năng lực tiếng Anh của con chưa đủ thì hạ grade”. Không ít bé cấp hai được cha mẹ cho học từ grade 1 “cho chắc” và để đảm bảo con có thể nghe hiểu được. Thật tai hại! Ngoài năng lực tiếng Anh, còn phải xét tới năng lực nhận thức (cognition). Năng lực nhận thức của các con sẽ phát triển theo thời gian, và càng lớn, con càng ít hứng thú với những gì cần độ tư duy quá đơn giản. Một đứa trẻ lớp 6 sẽ rất ngán ngẩm nếu phải đọc bài “Mèo con đi học”, tập hát bài “Đoàn tàu của Teddy”. Mình chắc chắn tới 90 % các bạn sẽ phải trở thành “bố hổ, mẹ sư tử”. Khổ cả nhà, phải không?

Vì vậy kể cả khi năng lực tiếng anh của con chưa đạt, các bạn chỉ được phép hạ tối đa 3 grade so với tuổi con. Nếu tiếng Anh yếu, thì phải tăng cường đọc truyện, nghe sách nói phù hợp với độ tuổi và trình độ. Hoặc có 1 số cách khác đòi hỏi sự kiên nhẫn, mình sẽ hướng dẫn cụ thể sau.

Ngoài ra, bạn không cần chọn các môn cùng grade. Lúc cuối lớp 2 ở trường, con mình bắt đầu semi-homeschool ở nhà với môn Language Arts grade 1, science grade 1 (cả 2 thứ này đều rất mới mẻ với con), riêng toán là lớp 2. Tuy vậy, chỉ được 1 thời gian ngắn, mình phải bỏ toán 2, lên toán 3. Hiện nay con mình hết lớp 6 ở trường, nhóm môn Science đã học hết middle school (hết lớp 8 ) của Mỹ từ lâu, đã bước 1 đoạn lên chương trình cấp 3; nhóm môn KHXH cơ bản và môn toán cũng đã hết middle school, năng lực đọc bằng học sinh cấp 3 Mỹ, nhưng riêng môn Language Arts mới hết lớp 5 thôi, do mình mong muốn con viết tương đương các bạn bản xứ, nên cứ túc tắc học dần.

Kết luận: sau khi xác định năng lực tiếng Anh, thì các bố mẹ phải linh hoạt tối đa trong việc chọn lựa lớp học, chương trình học, môn học nhé!

(Phần 7: Bước 3: Tìm chương trình phù hợp)

 


Jul 04, 2024

2 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email