Ikigai - Làm điều mình thích, mình giỏi, ra tiền, và thế giới cần đến nó

Gần đây có rất nhiều bạn tâm sự về việc muốn đổi ngành nghề hoặc đã theo một nghề nhưng không nhìn thấy tương lai đầu ra của nó nên khủng hoảng và chán nản vô cùng.

Vậy nên mình cũng muốn viết về chủ đề này để giúp sinh viên cũng như phụ huynh định hướng được tốt hơn cho tương lai của bản thân cũng như con em mình:

NHIỀU NGƯỜI NÓI IKIGAI LÀ KHÁI NIỆM CÂN BẰNG CÔNG VIỆC VÀ CUỘC SỐNG

Tuy nhiên mình thấy nó giống hơn với câu nói:

"Làm việc mình thích mỗi ngày và bạn sẽ cảm giác như mình không phải làm việc một ngày nào trong đời."

"Do what you love and never work a day in your life"

Đúng là khi bạn làm việc mình muốn, mỗi ngày trôi qua dễ dàng và ít phải cố gắng. Vậy nên, dù làm rất chăm chỉ mà đầu óc và cơ thể vui vẻ thoáng đãng, dẫn đến cảm giác làm mà cứ như chơi vậy.

Tất nhiên, Ikigai phức tạp hơn thế nhiều:

  • Nhiều bạn dùng từ "đam mê" để mô tả điều mình thích làm nhưng nếu nhìn vào mô hình Ikigai, đam mê phải là cái bạn vừa thích vừa giỏi.
  • Cái giỏi này có thể do tài năng thiên bẩm hoặc do mình thích một thứ gì đó quá, bỏ công, bỏ sức, đánh đổi thể lực, thậm chí là sự ủng hộ của gia đình luyện tập mà thành.
  • Dù giỏi do cách nào thì nếu chỉ đơn thuần thích một thứ, chưa đánh đổi gì, thì không thể nhẹ nhàng cho nó là đam mê được.

Tại sao mình nói vấn đề này?

  • Nguyên nhân các bạn thường xuyên thấy thích thích một ngành sau đó một hai năm lại thấy chán chính là vì bạn không đủ khả năng (giỏi) để biến đổi nó thành đam mê trong thời gian ngắn.
  • Ví dụ, có bạn nói với mình thích theo ngành du lịch nhưng khi học mới phát hiện ra mình quá là hướng nội để phát triển khách hàng hoặc tour mới nên cảm thấy không có đầu ra. Bạn này sẽ dần dần chán ngành và muốn chuyển đổi nó.
  • Có bạn thì đăng bài hôm trước nói về bạn ấy đủ đam mê để du học ngành khoa học chính trị nhưng thấy bản thân cố không đủ và dần mệt mỏi và suy sụp với chính sở thích ban đầu của mình,dù vẫn thực sự là thích nó.

Ngược lại, nếu bạn chỉ làm cái mình giỏi mà không có sở thích thì bạn sẽ cũng chỉ tiến bộ đến một mức nhất định:

  • Đến mức khó khăn cao hơn (cần lên làm sếp chẳng hạn), bạn sẽ tự nhãng ra và nghĩ, mình có thích cái này đâu nhỉ, sao phải cố nhiều đến thế. Lúc đó bạn sẽ bị mất động lực và phương hướng cuộc sống
  • Cái này thường được biết tới trong khủng hoảng 1/4 cuộc đời hay khủng hoảng tuôi trung niên. Rõ ràng có sự nghiệp và gia đình cũng ổn ổn, nhưng tự nhiên cảm thấy nản tất cả.

Xét cho cùng, đẹp nhất vẫn là biến sở thích trở thành đam mê được. Khi mình càng ngày càng giỏi trong việc mình thích, mình sẽ không thể ngừng thích nó. Khi mình càng thích nó hơn thì mình càng đầu tư giỏi nó hơn. Quá trình này giống như một cái hình xoắn ốc, khiến đam mê tự củng cố chính nó và ngày càng mạnh mẽ hơn.

Với những vòng tròn cái bạn THÍCH, cái bạn GIỎI, cái ra TIỀN, cái THẾ GIỚI CẦN:

  • Nếu bạn chỉ tập trung vào từng vòng tròn một thì làm gì cũng sẽ không dài hạn.
  • Nhưng nếu bạn tìm và phát triển sự giao nhau giữa các vòng tròn đó thì nó sẽ tạo ra nguồn lực phát triển cho chính nó.

Tương tự với việc thích và giỏi tạo ra đam mê tự phát triển thì giỏi và ra tiền cũng tạo ra sự nghiệp:

  • Sự nghiệp cũng tự củng cố chính mình như là đam mê vậy.
  • Bạn giỏi một thứ mà làm ra tiền để chi tiêu những thứ cần thiết, giúp bạn có động lực tiếp tục việc làm ra tiền đó.
  • Bạn làm ra tiền từ thứ bạn giỏi, giúp bạn có động lực để tiếp tục phát triển thêm chính cái mà bạn giỏi đó.

Kế sinh nhai và sứ mệnh cũng có cơ chế tương tự:

  • Việc bạn đang làm như kế sinh nhaicó thể bạn không thích cũng chẳng giỏi. Nhưng nếu có người thường xuyên cần bạn làm nó và đánh giá cao công sức của bạn thì bạn vẫn có thể có ngoại động lực để tiếp tục bước đi.
  • Sứ mệnhlàm xanh sạch môi trường biển có thể bạn không giỏi cũng không kiếm ra tiền nhưng thế giới cần và bản thân bạn cũng thích nên bạn vẫn tiếp tục làm như một thu vui.

Vậy nên cái không lành mạnh nhất chính là bám vào chỉ một vòng tròn để làm việc gì đó hoặc bắt con em mình làm nó. Vì bất kể thế nào nó cũng không lâu bền.

NHƯNG KỂ CẢ KHI HAI VÒNG TRÒN GIAO NHAU THÌ PHỤ HUYNH VÀ CON CÁI VẪN THƯỜNG XUYÊN MÂU THUẪN

Phụ huynh khi đã có nhiều trải nghiệm về cuộc sống và thế giới thế giới, thường bám vào hai vòng tròn:

  • Cái RA TIỀN, và cái THẾ GIỚI CẦN.
  • Như vậy tất cả tranh luận dồn về việc con cái phải kiếm cho mình một kế sinh nhai.

Con cái thường tranh cãi ở một vòng tròn:

  • Cái CON THÍCH.
  • Còn cái CON GIỎI thì nhiều khi các bạn còn không để ý đến hoặc chưa phát triển/ đánh đổi đủđể phụ huynh bạn tin đó thực sự là đam mê bền vững.
  • Vậy nên khi tranh luận về vấn đề này, con cái lúc nào cũng ở thế đuối hơn.

Phụ huynh nhiều khi để ý được đến cái con thích và cái con giỏi, nhưng thường bỏ qua luôn cái con thích mà chỉ cố lồng kế sinh nhai vào cái con giỏi nên tranh luận càng ức chế hơn. Để khỏi cãi nhau:

  • Nhiều khi con cái chọn làm theo ba mẹ cho đỡ nhức đầu. Nhưng sau một hồi thì con cái cảm thấy lựa chọn quá trái ngược với tâm tính mình, gây ra phá ngang, trầm cảm, hoặc bất mãn với cuộc sống.
  • Ở hướng ngược lại thì ba mẹ sau khi thấy con phá như vậy, có thể chiều hoặc lựa theo ý. Nhưng vì cũng không ủng hộ con hoàn toàn, nên thi thoảng nếu thấy con làm sai sẽ nhảy lên: "Ba/ mẹ đã bảo rồi mà không nghe.Điều này khiến con cái nhảy lên càng muốn làm ngược theo ý mình cho đến khi thành công thì thôi.
  • Đáng tiếc là 90% càng găng thì càng không thành công khiến cho quan hệ con cái ba mẹ căng thẳng mãi không ngừng.

Nếu muốn thoát khỏi sự tranh đấu luẩn quẩn này, bạn thực sự cần nỗ lực từ cả hai phía.

  • Phụ huynh cần hiểu rằng các bạn trẻ còn đang trong quá trình khám phá thế giới nên định nghĩa bản thân với cái CON THÍCH nhiều hơn là cái CON GIỎI.
  • Phụ huynh cũng cần biết rằng khi các bạn trẻ chưa phải kiếm tiền thì vòng tròn khó hiểu nhất với các bạn chính là cái RA TIỀN.
  • Vậy nên để gần với con cái hơn, ngay từ khi con còn nhỏ nên xem xem cứ những sứ mệnh gì mà thế giới đang cần (như môi trường bớt ô nhiễm, thực phẩm xanh sạch, giảm đói nghèo, tình thương, lòng nhân ái, sự cảm thông, nghệ thuật, sự đẹp đẽ, sự công bằng, v.v.)
  • Sau đó, kết nối nó với cái CON THÍCH để tạo ra sứ mệnh bền vững mà cả đời con hướng tới.
  • Sau khi con bắt đầu tự xác định được sứ mệnh của mình (Ví dụ: điều trị tâm lý cho những bạn khủng hoảng vì bạo lực gia đình hoặc trầm cảm do áp lực gia đình), phụ huynh có thể bắt đầu quan sát các hành động của con xem liệu con có năng khiếu(cái CON GIỎIđể thực hiện sứ mệnh đó hay không.
  • Tiếp đó, phụ huynh có thể khuyên con cố gắng để giỏi hơn về một số mặt vì quyết tâm tới sứ mệnh hoặc để con tự điều chỉnh dần sự mệnh khi con tự nhận ra mình không đủ giỏi.
  • Cuối cùng phụ huynh có thể dựa trên sứ mệnh đã điều chỉnh để nêu ra những nghề nghiệp kiếm ra tiền theo sứ mệnh đó. Rồi nói với con rằng: "Ba mẹ sẽ an tâm hơn nếu con vẫn có thể kiếm tiền tự nuôi thân với sứ mệnh đã tự đặt ra của mình."
  • Thật sự các bạn trẻ luôn có khả năng tự cân nhắc (vì các bạn ấy luôn yêu thương gia đình) xem có thể điều chỉnh sứ mệnh và sở thích đến đâu để có thể khiến ba mẹ yên lòng.

Về phía con cái:

  • Các bạn nên tập các quan sát để hiểu ngoài sở thích của bản thân còn rất nhiều thứ khác.
  • Các bạn cần quan sát để xem thế giới cần gì, nó hợp gì với cái mình thích, rồi dần tạo ra sứ mệnh của bản thân.
  • Sau khi có sứ mệnh ban đầu, bạn có thể xem xem cái nào mình giỏi, và phục vụ sứ mệnh đó. Nếu chưa có thì phát triển, phát triển không được thì điều chỉnh sứ mệnh dần dần.
  • Qua thời gian, sứ mệnh của bạn sẽ rõ ràng cụ thể hơn và khả năng của bạn cũng vậy.
  • Tiếp đó bạn phải cân nhắc một cách thực tế là ba mẹ không nuôi bạn cả đời, và ít nhất bạn phải đủ nguồn lực để nuôi sứ mệnh của mình dài lâu.
  • Vì sứ mệnh của mình bạn vẫn phải chọn một nghề RA TIỀN mà mình có vẻ làm được nhưng chưa thích lắm cũng được. Thế nhưng vì bạn chủ động, bạn sẽ không từ bỏ sứ mệnh của mình mà có thể chỉ làm nó để nuôi cái dài lâu của bạn thôi.

Nếu giữ sứ mệnh và đam mê lâu dài thì dù xuất phát điểm bạn làm nghề gì, đến cuối ngày bạn cũng sẽ hướng gần hơn được tới IKIGAI.

KHÔNG PHẢI AI CŨNG ĐẠT ĐƯỢC IKIGAI NHƯNG CHÚNG TA LUÔN NÊN TÍCH CỰC HƯỚNG VỀ NÓ

Thẳng thắn mà nói 10 người, chắc chỉ 1 người thực sự có thể vừa làm việc mình thích, mình giỏi, ra tiền, và thế giới cần đến nó. Và ngay cả người đạt được IKIGAI thì cũng phải qua quá trình nhiều năm tôi luyện mới đến được đó.

Bản thân mình tự nhận thấy mình đến IKIGAI, nhưng con đường không thẳng:

  • Mình là đứa thực sự lúc trẻ không biết mình thích gì nên mình bắt đầu bằng cái mình giỏi. Mình giỏi ăn nói mà việc ăn nói để bán hàng lại RẤT RA TIỀN nên mình chọn marketing rồi ra làm sự kiện thương mại ngoại giao.
  • Và quả như vậy mình có một sự nghiệp gặt hái tiền và quan hệ chính từ việc nói chuyện điện thoại siêu khéo.
  • Vì mình có sự nghiệp, mình tiếp tục đầu tư để tăng những cái mình giỏi. Và mình phát hiện ra mình không chỉ giỏi nói chuyện, mình giỏi tư duy tổng hợp, mình giỏi tổ chức sắp xếp những thứ không có quy tắc, mình giỏi thêm cả toán nếu nó phục vụ cho những thứ cần quy tắc hóa.
  • Trong quá trình tiếp tục phát triển sự nghiệp, mình gặp người nói với mình mình sẽ hợp với chuỗi cung ứng. Và khi mình hiểu thêm về nó thật thì nó giao với vòng tròn THÍCHcủa mình, khiến mình thực sự vừa đam mê, vừa sự nghiệp.
  • Sau đó khi mình rất thành công và lên những vị trí quản lý hơn, mình cảm thấy mình cũng rất thích huấn luyện nhân viên cũng như đối tác để thành công. Mà mình còn cảm thấy ý nghĩa cuộc sống nhiều hơn rất nhiều vì nó có ý nghĩa với thế giới, với người khác hơn là chỉ cuộc sống của mình.
  • Lúc đó mình đứng trước quyết định rất quan trọng là bỏ sự nghiệp đang lên để theo đuổi một sự nghiệp khác vừa kết hợp chuỗi cung ứng, vừa kết hợp giáo dục.Và mình đã phải cân nhắc rất kĩ (kể cả lôi bảng lương của các thầy ra ngắm) để đảm bảo là mình sẽ phải đánh đổi để cho một sứ mệnh nhưng không đánh đổi hết
  • Và kết quả là mình làm giáo sư tuy thu nhập thấp hơn hồi doanh nghiệp nhưng vẫn cao chót vót. Bên cạnh đó thì việc mình đang làm mỗi ngày đều giống như đi chơi. Mình đủ giỏi với nó để không bị đá bay mất về thành tích, và nó có ý nghĩa với đời ở mặt mình liên tục sản xuất nghiên cứu áp được trong doanh nghiệp và huấn luyện thế hệ tiếp theo. Hoàn toàn IKIGAI.

Thế nhưng cũng có những người không hoàn toàn Ikigai mà vẫn hạnh phúc:

  • Thầy mình khởi điểm còn không thích học đại học chỉ thích làm nông dân. Nhưng nhà 17 người con, đất mà chia ra từng đó thì có làm chăm chỉ cũng không ngóc đầu lên được.
  • Thầy thấy mình đấu vật rất giỏi nên tham gia quân đội để kiếm tiền đi học đại học. Lúc học, thầy đã có thể chọn nông nghiệp nhưng thầy thấy nông nghiệp mà không có đất thì cũng không khá lên được nên thầy học Chuỗi cung ứng trước.
  • Và khi học Chuỗi cung ứng thầy không chỉ tìm hiểu thêm về cách làm ra tiền mà còn hiểu thêm được về chính sách chuỗi cho nông nghiệprồi phát hiện ra bản thân rất giỏi quan hệ với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho nông nghiệp.
  • Đến tận bây giờ khi thầy lên làm Trưởng khoa của một trường lớn trong chuỗi cung ứng. Thầy mua một cái trang trại lớn (40ha+) để nuôi bò và trồng cây ăn trái nhưng không phải để kiếm tiền mà chỉ để ăn sạch và có thú vui mà thôi.
  • Thu nhập chính của thầy vẫn từ công việc trưởng khoa.Nhưng cái hay không phải là ở chỗ thầy đủ tiền nuôi trang trại (trang trại tự hòa vốn), mà qua mấy chục năm thầy làm chuỗi cung ứng, thầy tìm hiểu được những dự án mà chính phủ hoàn tiền 100% để làm trang trại tốt hơn, hợp với môi trường hơn, không hề tốn tiền túi.
  • Thế nên đến cuối ngày tuy thầy không hoàn toàn Ikigainhưng lấy tiền và kiến thức từ tay phải (kế sinh nhai và sự nghiệp) để nuôi tay trái (đam mê nông dân của chính mình).

Những trường hợp như thầy mình nhiều vô kể:

  • Sếp cũ của mình đam mê (vừa thích vừa giỏi) là dead metal rock. Thế nhưng nghề này không kiếm ra tiền.
  • Sếp lại tự thấy sếp giỏi cả tài chính mà kiếm ra tiền hơn nên phát triển sự nghiệp từ đó.
  • Sự nghiệp tốt, sếp xin cái học bổng chính phủ đi du học Anh rồi cầm tiền túi đi học thêm một bằng kĩ sư âm thanh tại Anh. Đam mê vẫn hoàn đam mê.
  • Sau đó sếp trở về vẫn làm tài chính. Sự nghiệp tài chính càng lên thì sếp lại càng lắm tiền mở ban nhạc. Cuối cùng có một ban nhạc ra đĩa cho chính mình luôn. Cuối cùng không hoàn toàn Ikigai nhưng vẫn luôn hạnh phúc
  • Em gái mình cũng thế. Nó cãi nhau với cả gia đình để phát triển đam mê hội họa (Mà nó giỏi thật, đỗ Mỹ thuật Việt Nam). Nhưng cũng chính nó là người nói để theo phong cách nó muốn thì chưa kiếm tiền được ngay nên nó dùng cái giỏi tiếng Anh của nó để đi dạy và nuôi đam mê lâu dài này. Em gái mình không giàu cũng còn dài dài mới đến Ikigai nhưng mà nó thực sự rất hạnh phúc.

Đến cuối ngày, Ikigai chỉ là một lý tưởng mà làm được thì tốt còn không thì cũng có thể hướng tới dần dần. Thế nhưng nếu chỉ bám vào sở thích hoặc cái kiếm ra tiền thì sợ rằng vĩnh viễn sẽ thấy cuộc đời bế tắc.

VẬY CÁI MÌNH THỰC SỰ MUỐN KHUYÊN MỌI NGƯỜI LÀ GÌ?

Thứ nhất, vì Ikigai là một lý tưởng kể cả đạt được thì cũng rất dài hạn và có đánh đổi. Vậy nên dù là con cái hay phụ huynh cũng không nên hướng đến việc đạt được nó ngay từ đầu. Cái các bạn trẻ có thể làm được với sự hỗ trợ từ bản thân, bạn bè và gia đình ngay lập tức là tìm hiểu thế giới và hiểu bản thân rồi điều chỉnh dần dần từng đường giao hình tròn mà mình có (sự nghiệp, đam mê, kế sinh nhai, và sứ mệnh)

Thứ hai, ai cũng phải bắt đầu từ thứ ít hơn Ikigai:

  • Có người bắt đầu từ đam mê vì sở thích và khả năng giao nhau từ nhỏ (thầy mình, sếp mình, em mình)
  • Có người bắt đầu từ được định hướng bới ba mẹ để thấy cái thế giới cần và sở thích giao nhau tạo thành sứ mệnh
  • Có người bắt đầu từ thực tế cuộc sống giao nhau giữa cái bản thân giỏi và cái tạo ra nguồn lực để phát triển thêm.

Nhưng dù bắt đầu thế nào, mọi người cũng có ít nhất hai vòng tròn giao nhau chứ không phải từ một cái mình thích. Vậy nên, đừng cố chấp với quan điểm của mình hiện tại, nên lắng nghe và thay đổi nó dần dần. Nếu bạn không cởi mở trong suy nghĩ thì không thể tự định hướng cho bản thân hay cho con em mình đâu.

Bonus thêm cái PHẢN IKIGAI cho các bạn:

Nếu ba mẹ hoặc tự bản thân các bạn hướng bản thân đến Quyền lực và khi làm việc phải chịu đựng chứ không thực sự thích thì thay vì những thứ tích cực như Đam mê, Sự nghiệp, Kế sinh nhai, và Sứ mệnh, các bạn sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của Tham vọng tiêu cực, Tham nhũng (ở đây có thể hiểu là gian dối trong thi cử, công việc hoặc đâm sau lưng người khác) hoặc sự tuyệt vọng bế tắc trong chính bản thân mình.

Đừng để mình hay con em mình rơi vào trường hợp đó nhé.

PS: Đã có bạn từng bảo mình rằng bài viết này không hẳn đúng kiến thức Ikigai. Hihi. Nếu bạn muốn đi luận sâu thì vào phản biện báo khoa học nha. Mình ở đây chỉ tổng quát hóa cho người bình thường dễ đọc.

Texvn tham khảo từ nguồn Jenny Hoàng


Sep 02, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL