Mẹ... và chuyện quản thúc...
Mẹ... và chuyện quản thúc...
Lâu lắm rồi mình không đăng bài và cũng lâu lắm rồi mình mới cảm thấy có hứng thú đủ với một chủ đề đến vậy. Bài viết của bạn gái sáng nay khiến mình vừa cảm thông vừa có gì đó muốn "quay đầu" với một thời tuổi trẻ.
Mẹ của mình là mẹ Hổ... và đừng nói 21 tuổi, mình đầu 3 đít chơi vơi, lấy chồng rồi mà nhiều khi mẹ vẫn quản...
Mình khó chịu chứ nhưng khi đọc những bình luận của các bạn hai mươi mấy tuổi đầu nói về "nhân danh tình thương để kiểm soát," thì mình lại thấy chưa hẳn là vậy.
CHUYỆN THỨ NHẤT
Mình sinh ra vào cái thời chưa di động. Sau khi biết đi xe đạp, mẹ cho mình khoảng nửa tiếng để đạp về lúc tan học. Trường cách nhà không xa, mình đi bình thường sẽ mất khoảng hai mươi phút. Thế nhưng, có những lúc sau giờ học mình muốn buôn với bạn một đôi câu hoặc mua chè và đi xem truyện. Cơ mà đừng mơ nhé, 45 phút mà mẹ gọi không được là kiểu gì hôm đó về cũng lo nghe "chửi."
Chuyện thứ hai
Thật ra chửi vì ham vui thì hoàn toàn chẳng sao nhưng có một lần mình thực sự về muộn hẳn 2 tiếng. Về đến nơi, mình chưa kịp hỏi mẹ đã mắng mình thật lực. Cơ mà hôm đó mình đang đi thì xe hỏng, phải dừng lại để mà thay xăm xe. Mẹ mắng xong, mình đưa mẹ cái xăm cũ đã vá chằng vá đục tầm 20 miếng dán. Mẹ không không mắng nữa mà mắt rơm rớm luôn:
Sao con để xăm đến thế, giờ mới lo đi sửa?
Mình suýt khóc, lí nhí trả lời mẹ:
Xăm phải thay lâu rồi, nhưng tháo bánh ra phải mất một giờ, mà con về muộn, mẹ nhất định sẽ mắng.
Khoảng lặng sau đó có lẽ đã rất dài. Có điều, lúc ấy mình mới có cấp hai nên được một thời gian thì quản thúc vẫn luôn là quản thúc.
Chuyện thứ ba
Vấn đề quản thúc này đương nhiên không chỉ giới hạn lúc ở trong nước mà ngay khi mình học ở Mỹ, nó vẫn luôn tiếp tục. Thế nhưng, cái cảm giác xa nhà năm mười sáu tuổi khá lạ lẫm. Bên đây nhiều đứa Mỹ học với nhau từ mẫu giáo nên mình hòa nhập không quá tốt. Cái bác điều phối ở trường còn hay bảo:
Nếu em cứ lúc nào cũng gọi về nhà thì làm sao mà hòa cùng văn hóa ở đây được?
Cơ mà, mình nhớ nhà lắm. Thời đó, facebook chưa có, mình phải phải mua thẻ điện thoại $25 để gọi ở máy bàn. Lần đầu gọi cho mẹ là một tháng sau khi mình sang. Vừa nghe thấy tiếng mẹ, mình đã khóc như mưa. Có điều, chưa được 20 phút, cước của mình đã hết đi đâu mất. Mình lại khóc. Khóc đến mức khiến thằng người Đức cùng nhà lộ vẻ mặt khó hiểu: "Có ai chết đâu mà mày cứ khóc?"
Chuyện thứ tư
Thằng người Đức ở Mỹ, bố nó cứ ba tháng lại sang thăm nên không thông cảm chuyện mình nhớ gia đình. Còn mình thì nói ở nhà không đủ cũng không có tiền. Thế nên, những lúc ở trường, mình mượn máy tính, vào Yahoo chat cùng mẹ.
Đứa bạn cùng phóng phát hiện cứ ăn trưa thì mình biến đi dâu mất. Vậy nên, nó chạy theo mình vào phòng vệ sinh rồi cố tình đứng đó nói chuyện với người khác để xem bao lâu thì "chuột" sẽ lòi đuôi. Chẹp... mỗi tội con chuột 50 cân này găng lắm. Có phải co chân ngồi trên bệ xí cả buổi trưa cũng nhất quyết phải chat thêm vài câu cùng với mẹ.
Với điều kiện công nghệ thông tin bây giờ, có lẽ các bạn trẻ khó có thể hiểu cảm giác không biết lần tới được nói chuyện với người thân mình là khi nào. Tuy mình không thích quay về thời kì đồ đá đó nhưng chính nó dạy cho mình biết thế nào là "người con xa xứ."
Chuyện thứ NĂM
Nói như thế không có nghĩa là mình không áp lực từ thói quen quản thúc của mẹ mình. Mình đi làm. Đến 2012, lương không tính thưởng của mình rơi vào khoảng 34 đến 40 triệu. Mẹ mình vẫn tua bài, 30 phút mà không về nhà làm tình làm tội.
Mình hay tăng ca vì bận cũng vì đỡ phải về nhà nghe ca thán. Mà đôi khi vì mẹ quản chặt quá, không tăng ca mình cũng báo đang tăng... còn người thì... đi nhậu luôn với bạn.
Chuyện thứ NĂM
Mẹ luôn hỏi mình: "Con là thủ tướng à?" rồi trì triết mình đủ đường, dù 80% thời gian là mình tăng ca thật. Trẻ mà, phải chăm chỉ để có chỗ đứng. Vững chân rồi thì nằm im hưởng nhàn cũng chẳng sao.
Thế rồi có một hôm mẹ mắng mình quá đà, nói mình ích kỉ, chỉ biết bản thân, không quan tâm bố mẹ ở nhà đợi và lo lắng thế nào. Mình không hề tức, đơn giản nói:
Con còn về là vì con còn tôn trọng mẹ và muốn về, chứ con thuê nhà gần cơ quan cho tiện đi làm rồi. Mẹ đừng để con ra luôn đấy ở.
Mẹ mình cạn lời, không mắng, không trì triết cũng không làm tình tội nữa. Giống như bạn nào đó nói "độc lập tài chính" rồi thì bố mẹ phải "thu tay."
Chuyện thứ sáu
Ngay sau khi mẹ im lặng, mình lại nhận ra tình yêu thương rất khác. Sáng hôm sau, bố hỏi địa chỉ nhà mình thuê rồi lên đó kiểm tra. Khi ăn tối, mẹ tuy buồn nhưng nói với mình là:
Bố bảo chỗ con thuê cũng là chỗ tử tế. Con tự làm được vậy, mẹ cũng thấy an tâm.
Sau lần đó, mình không ở nhà thuê nhiều. Chỉ khi nào phải làm đêm thì mới vào ngủ tạm. Còn lại, mình cũng tích cực về nhà hơn và không còn nói dối "tiếp khách" để ra ngoài chơi nữa.
Chuyện thứ bảy
Nếu bạn nghĩ tới đây mà mẹ mình ngừng quản thúc thì là nhầm rất lớn. Thời gian đi lại chỉ một trong số những thứ mẹ kiểm soát trong cuộc sống thời đầu 20 tuổi của mình.
Mình được lên lương, mẹ phải nhìn sao kê ngân hàng thì mới tin.
- Mình đi trượt patin ở cách nhà 15 phút đi bộ, cũng cứ 10 giờ là phải gọi ời ời, trong khi thực sự mình chỉ đang trà đá.
- Mình đi công tác nước ngoài, mua cho mẹ cái túi xinh thì mẹ so tiền với cái mẹ nhờ mua rồidỗi luôn vì giá quà nhỏ nhỏ hơn chút đỉnh.
- Đấy là chưa kể mình nghỉ việc mà bị mẹ dắt đi hết các cô cậu nhờ xin việc. Các cô cậu nhìn hồ sơ kêu rõ đẹp, cũng không hiểu mẹ mình lo gì nữa. Một tuần sau mình có việc lương gấp đôi.
Cơ mà mình rút kinh nghiệm, trước khi đi thạc sĩ mình nghỉ liền ba tháng để xin visa, nghỉ ngơi, và chào bạn bè. Sợ mẹ "lên đồng" nên ngày nào mình cũng ôm máy ra Highland gần nhà để ngồi cho có việc.
Chuyện thứ TÁM
Có một hôm mình đi thẳng từ Highland ra X98 (khu Xã Đàn cũ) để nhậu chia tay vài thằng bạn. 1 thằng vác Whiskey, 1 thằng vác rượu ngô, cộng với bia ở quán nên lần đầu tiên mình vào phòng vệ sinh mà liệt luôn ở đó.
Có bạn sẽ nói: "Phải lượng sức mình chứ." Nhưng với một đứa chuyên làm sales doanh nghiệp, chuyên chén chú chén anh với khách hàng mà không hỏng hợp đồng suốt 5 6 năm, mình làm sao biết tửu lượng của mình khi rượu ngô hòa cùng whiskey và bia kém vô ngần đến thế.
Não mình hoàn toàn tỉnh táo, thế nhưng cơ thể hoàn toàn không cử động được. Nếu không phải hôm đó mình đi với một đám bạn thân "tử tế" thì chúng nó đàn ông như thế, biết chúng nó làm gì mình?
Tới tận lúc đó mình mới mang máng hiểu "Nỗi lo của mẹ nhiều khi là chính đáng."
Sáng hôm sau, mình làm hai việc ngay khi tỉnh:
- Một, nhắn tin xin lỗi mẹ hứa lần sau không tái phạm
- Hai, gọi điện chửi thằng bạn thân tội đưa số lúc mẹ mình hỏi số. Về mặt não, hai thằng đưa mình về còn say hơn cả mình nhưng cái cảm giác bị nhốt ở trong cơ thể không cử động được, nó thật là thốn lắm.
Tối hôm đó về, mẹ mình không nhắc câu nào về chuyện mình có người vác về hôm trước. Có lẽ mẹ cũng tin rằng khi tình huống đủ nguy hiểm, mình sẽ không cố tình tái phạm.
Chuyện thứ CHÍN
Mình quay lại Mỹ lúc đã khá trưởng thành cả về sự nghiệp lẫn đầu óc. Mẹ vẫn quản thúc mình hàng ngày nhưng mình học từ sáng đến đêm, còn phải lo xin việc, 1 giờ sáng còn đi giặt quần áo:
- Mẹ vẫn bài cũ con không quan tâm mẹ.
- Đã vậy, năm đó cũng vừa đúng năm em gái mình phải xin học bổng đi Mỹ. Thấy mình không quá nhiệt tình xem hồ sơ cho nó cho đến tận sát hạn nộp, mẹ lại nói mình chỉ biết có bản thân, ích kỉ với người nhà.
- Em gái nộp đơn thành công xong thì quyết định không đi. Thế nên mẹ bàn kế hoạch sang chơi trên đất Mỹ. Mình chọn mãi mới được kì cuối tháng mười, lúc mình không quá bận để dẫn mẹ đi chơi.
- Cơ mà cái kiểu kêu "bận lắm" lúc xuân hè của mình khiến bà nghĩ mình chẳng muốn bà sang nên một hai trận lại dỗi lên dỗi xuống.
- Lúc sang đến nơi, mình là sinh viên nên chi tiêu tiết kiệm, không đi mua sắm quá nhiều. Cơ mà vì mình tiết kiệm khuyên mẹ không đi Mall mà bà dỗi tự đi bộ ra đó luôn.
- .. nói cũng buồn cười. Mình ngồi nhà lo sốt vó vì sau 4h mình gọi thì máy bà không tín hiệu. Cũng may bà đầu gấu, thấy một ông đang cắt cỏ bên đường thì hỏi sạc nhờ điện thoại. Nói chuyện thế nào, ổng đưa bà về nhà luôn.
Mẹ con mình cũng "khặc" nhau nhiều thứ khác lúc bà sang đây lắm:
- Trước khi sang, bà gọi facebook cho mình không được thì lại mắng. Mình có nói một số chỗ đi nghỉ ở Mỹ không có sóng thì bà bĩu môi: "Việt Nam còn có sóng, Mỹ làm gì không có?" Đến lúc đi chơi với ông anh mình ở Grand Canyon, bà mới biết "sóng điện thoại đúng là hi hữu thật."
- Chuyện bận cũng thế. Mình nói hay mình làm mẹ đều không tin. Mãi đến lúc gần thi, mấy em cùng nhà lên trường học 12h, quay về đi tắm rồi quay lên thư viện, mẹ mới hiểu "bên này vô cùng bận."
- Chuyện cuối cùng mình nhắc mẹ lúc đi máy bay hãng American thì phải đóng đúng chằn chặn 23 cân, mẹ cũng chẳng tin. Anh họ mình khi ấy bay Japan Air, nên tuy quy định là 23, ảnh đóng lên 25 thì vẫn được. Thấy mình không chịu đóng giúp, mẹ lại kêu mình không thương. Ngày hôm sau ra sân bay, đội American Air bắt tháo ra đóng lại hoặc trả $150 vì quá 1 cân, mẹ mới ớ người ra. Mình lôi luôn băng dính đóng đồ trong túi, đóng lại luôn cho mẹ.
- Trước hôm đó mình đã cảnh báo bà là đi Terminal của American là cửa an ninh đông lắm nhưng bà cũng không nghe. Mình phải mua một vé du lịch để ra cùng bà. Hai mẹ con chạy nên mới kịp mẹ lên đúng chuyến vào phút cuối.
Bực thì có bực nhưng sau đó mình đọc được tin nhắn của bà: "Mẹ rất mừng vì đã sang vì có trải nghiệm lần này, mẹ con mình mới hiểu nhau thêm được."
Chuyện thứ MƯỜI
Mình học xong thì về nước và sống thành phố khác:
- Đăng ảnh đi ăn thì mẹ cằn nhằn "sao không tiết kiệm tiền mà mua xe?"
- Đăng ảnh đi chơi mặc đồ thoải mái thì mẹ kêu than "con cũng phải xem mua đồ mới đi chứ, mặc thế kia đi làm, đồng nghiệp đi làm người ta cười."
- Đăng status khoe một góc thành quả công việc thì mẹ nhắn luôn: "ngạo mạn như thế dễ hỏng việc"
- Đăng cái gì đó hơi "diễn sâu" một tí, mẹ tức mình bảo: "con không cần phải đem chuyện xích mích giữa hai mẹ con ra trước bàn dân thiên hạ." Haha... không có mà, mình chỉ đăng một cái về triết lý nhân sinh mình thấy hợp "gu" mình thôi mà. Thật sự là không có ý "đá xéo" sang mẹ hay ai đâu.
Có lúc mình tức phát điên nhưng cũng có lúc mình lớn rồi, mẹ kêu một câu là mở máy gửi mẹ thêm vài triệu. Mẹ hết kêu ngay. Có một điều mình nhận ra khi đi xa khỏi mẹ. Mẹ không thích tiền của mình đâu, nhưng nếu mình sống mà còn dư dả để gửi bà thì đó chính là dấu hiệu cho việc "con tự lo tốt lắm." Chỉ cần có bằng chứng là con tự lo được thì mẹ nào cũng có thể buông hơn.
Chuyện thứ mười một
Cơ mà buông hết hoàn toàn thì chắc là không được. Mình làm đến C-level, dưới trướng tầm 900 lính mà mẹ vẫn khuyên:
Con đối với cấp dưới như thế, biết có ngày nó trèo lên đầu đấy.
Chi tiết mình không muốn kể thêm nhưng mình là đứa hay chia sẻ chuyện của mình với mẹ. Lúc mẹ nói thế, mình cười cười:
Mẹ, mẹ... Cả đời mẹ đã bao giờ quản hơn hai mươi người chưa?
Haha, có lần đi xem bói, thầy nói với mình là: "Mẹ con nhà này rõ yêu nhau, mà không hiểu sao cãi nhau nhiều như thế?" Mình phì cười hỏi thầy liệu bao giờ thì mẹ và mình thôi xung đột. Câu trả lời đúng như mình đã nghĩ:
Còn cãi thì còn khỏe. Lúc nào mẹ không cãi nữa thì lo là vừa đó.
Chuyện thứ mười một
Mẹ đỡ lo mình rồi thì chuyển sang em gái:
- Nó học mỹ thuật. Nhiều khi nửa đêm mới có cảm hứng vẽ nên thức đêm ngủ ngày. Mẹ mắng nó sống ở nhà mà không theo quy luật của người thường
- Nó giữ lá trà trong hộp gỗ cho thơm. Mẹ chụp lại gửi cho mình: "Có khi em nó dùng cần con ạ?" Mình cười nổ cả bụng, mẹ còn định đem cả hộp "cần" trà nộp ra phường cơ.
Mẹ mình khi đó tức máu lên đuổi em mình ra sống riêng. Bà đã viết một là thư rất dài về chuyện bà thất vọng nhưng cuối thư lại nói:
Mẹ sẽ không hỗ trợ tiền nhà nhưng sẽ mang gạo và thực phẩm cho con mỗi hai tuần.
Em gái và mình gọi điện buôn rất lâu. Mẹ quản thúc là vì thương, dù có học cách buông đi một phần thì vẫn luôn còn yêu con lắm. Em gái mình ra ngoài rồi thì đương nhiên sẽ bám lấy "tự do." Có điều, nó vất lắm, liều mạng vay tiền để đầu tư thiết kế và bán mặt hàng riêng. Giờ cũng gọi là tự chủ được một phần, nhưng mẹ ấy à... vẫn còn lo nhiều lắm.
CÓ BAO GIỜ HẾT QUẢN KHÔNG? MÌNH NGHĨ RẰNG KHÔNG THỂ...
Mình quản gần nghìn người... mẹ quản mình cách hành xử với nhân viên.
Mình học xong Tiến sĩ, làm giáo sư... mẹ quản mình trường "mẹ thích" và nơi mẹ muốn mình xây dựng cho cuộc sống sau này.
Mình lấy chồng rồi... mẹ quản vì mình chiều chồng quá, rồi cũng lo con gái mình bị thiệt.
Cơ mà nhiều cái vì lo nên mẹ không sáng suốt. Nhiều khi mình khúc mắc với chồng, nói với mẹ xong còn thấy xì trét hơn. Mẹ thương con nhảy dựng lên cả mà. Thế nên, con người lớn rồi sẽ tự có những việc phải tự tách khỏi người thân. Chỉ khi mình đủ sức tự lực về tài chính cũng như tinh thần thì mới có thể dần lấy đi quyền quản mình của bố mẹ.
Thật ra thì, là một người con, bạn không thể "lấy đi" quyền "quản" đâu. Bố mẹ quản cứ quản... Mình đủ mạnh và trưởng thành thì dần dần muốn bố mẹ muốn "quản được" cũng phải theo ý mình.
CƠ MÀ, ĐIỀU MÌNH KHÔNG THÍCH NHẤT SỚM MUỘN GÌ CŨNG ĐẾN: "SẼ CÓ LÚC BỐ MẸ MUỐN MÀ KHÔNG CÒN SỨC QUẢN."
Mẹ mình sang Mỹ lần nữa khi mình tốt nghiệp Tiến sĩ:
- Hai hôm bà bay về, mình gọi facebook để xem bà đến đâu rồi, có đi lạc bến không. Bà không bắt máy mà cũng chẳng online. Mình khóc lóc khiến chồng không ngủ được.
- Mình gọi điện đến sân bay Houston và sân bay Japan để tìm bà thế như với nguyên tắc bảo mật, họ không thể trả lời trực tiếp. Bạn chăm sóc khách hàng ở Nhật thấy mình cuống quá liền nói: "Chuyến bay về Hà Nội không hề có ghế thừa."
Mình thở nhẹ ra một hơi rồi dập máy. Có lẽ mẹ đã rất lo mỗi lần mình về muộn mà không liên lạc được. Giờ đến lượt mình rồi. Không sớm thì muộn, sẽ có ngày "những cảm xúc lo lắng của bố mẹ mà bạn từng cho là phiền" trực tiếp biến thành "quả báo khi họ già đi và bạn lo cho họ."
HƠI DÀI RỒI NHƯNG MÌNH VẪN MUỐN BÌNH LUẬN TRÊN RẤT NHIỀU BÌNH LUẬN...
Có bạn nói lúc nào mệt thì đừng nghe điện thoại... cơ mà mình có hai chuyện thế này:
- Anh bạn mình có hôm gọi cho mình vì hôm đó sân vận động ở Boston bị đánh bom mà con anh lại hay đi tới đó. Thằng bé cả chiều không nghe điện khiến ảnh phát thót tim... Mà cuối cùng, nó chỉ là đang ngủ.
- Mình biết một người khác đã đi làm ở Tập đoàn lớn bên này và nhập quốc tịch rồi. Mẹ người đấy phiền nên người đấy không thường xuyên nghe điện. Cơ mà hôm đó vợ người ta cảm thấy có gì không ổn nên bắt chồng phải nghe. Thì ra bố mẹ ở Việt Nam bị lừa tiền, còn bị chủ nợ xiết, không có đường nào tránh.
Có bạn nói đây là bạo lực yêu thương... quậy tung nóc cho bố mẹ biết chừa...
- Mình cũng từng quậy tung nóc. Kết quả là uống rượu và nằm liệt đó thôi...
- Quậy đúng là một cách tỏ ý không đồng tình nhưng nó rất trẻ con, giống như là một đứa bé ba tuổi không được mua đồ chơi thì lăn ra khóc ngay trong siêu thị.
- Người trưởng thành sẽ ý thức được rằng mình quản lý thời gian và công việc không hiệu quả nên mới không thể "báo bình an" để bố mẹ đỡ lo.
- Thế nên, nếu các bạn muốn bố mẹ bớt quản thì đặt lịch cho bố mẹ. "Mỗi hai ngày vào một thời điểm nhất định thì con sẽ nhắn tin để bố mẹ an tâm." Các bạn cũng có thể nói luôn là: "Nếu không có gì gấp thì bố mẹ nhắn, con sẽ nghe điện thoại. Cuối tuần con sẽ gọi, còn bình thường con không bắt máy đâu."
- Còn chuyện "bạo lực yêu thương" là thật nha. Bố mẹ lo cho mình và em là chuyện thật nhưng mà cả mình và em mình đều đi điều trị tâm lý dù không quá nặng. Thế nên về phía phụ huynh, nếu có thể thu tay lại một chút, tin tưởng con cái mình một chút thì là chuyện đặc biệt nên làm.
Cuối cùng thì có bạn nói... nên để người lớn khác khuyên bố mẹ thử xem...
- Thật ra nếu có người lớn tin tưởng bạn và có ảnh hưởng với bố mẹ (với mình thì là ông ngoại và cậu) thì cách này có thể ảnh hưởng trong ngắn hạn.
- Cơ mà dài hạn thì cởi chuông cần người treo chuông.
- Khi bạn có thể thể hiệnsự trưởng thành thì tự bố mẹ sẽ cởi dần nút thắt.
- Sự trưởng thành không nhất định là tài chính(mặc dù tài chính là hiệu quả nhất).
Sự trưởng thành có thể chính là cách cư xử. Bạn bận mình biết... Thế nhưng đã bao giờ bạn nghĩ việc "báo bình an" và "hỏi thăm" bố mẹ cũng là một trách nhiệm giống như học hành và làm việc chưa?
Các bạn xem phim tàu nhiều chắc sẽ để ý thấy việc "thỉnh an tổ mẫu hàng ngày" trong những gia đình lớn. Có thể đối với các bạn đó chỉ là chỉ là một chi tiết nhưng với mình, nó thể hiện một văn hóa rất hay. Thật ra người lớn không cần thỉnh an đâu. Cái người lớn cần là biết rằng con cái mình vẫn ổn (và không phải chạy theo dí chúng nó là "ê hôm nay ổn không?")
Sợ bố mẹ gọi vậy bạn chủ động gọi. Như thế bạn vừa chủ động lịch làm việc của bản thân, vừa được tiếng hiếu thảo. Hơn nữa, thử chủ động gọi được 4 tuần liên tiếp xem. Đảm bảo đến tuần thứ 5 tự bố mẹ bảo: "Thôi nhé, mẹ đang bận tí việc."
Hì hì, một lần nữa, bố mẹ mắng mình "ích kỉ" thì mình nhận luôn khỏi chối. Bận quá chỉ biết việc của mình mà không chủ động phần quan tâm tới bố mẹ được thì "ích kỉ" đúng rồi. Thừa nhận mình "ích kỉ" là bước một để trưởng thành. Mà thấy con trường thảnh thì bố mẹ sẽ buông hơn.
Như mình nói đó... giờ mình hay gọi bố mẹ hơn nên những câu mình nhận được thường là:
- Bố đi đánh Pickle ball đây
- Mẹ đang đi xe đạp.
- Thôi nhé, đến công ty mẹ gọi.
- Thôi lo mà làm việc đi suốt ngày buôn.
- Đi chơi cho đỡ căng thẳng đi con ạ.
Vậy nên... quan tâm đi khi hãy còn có thể.
P.S.: Đính kèm cái ảnh bựa trèo cây mà mẹ mình bắt xóa khỏi facebook. Mỗi lần mẹ bắt xóa, mình hỏi mẹ: "Con không nói chuyện đó... Mẹ muốn cãi nhau hay mẹ muốn cập nhật?" Nếu mẹ muốn cãi nhau... mình xác định là mẹ còn khỏe và bảo: "OK, thế lúc nào mẹ hết cơn muốn cãi nhau thì nhắn con còn nói chuyện nhé."
Jenny Hoàng - Oct 27, 2024