Đầu sách được gợi ý đọc cho các bạn nhỏ, PH Homeschool tham khảo nhé

Ngôn ngữ là nền tảng của văn hóa. Mỗi cá nhân sinh ra, lớn lên trên đất Việt, đều sẽ có sẵn trong mình một "hạt mầm" văn hoá Việt. Hạt mầm này chứa đựng sự đặc sắc, có giá trị nhận diện khác biệt so với dân tộc khác.

Cây bản sắc khi trưởng thành, dù lớn hay nhỏ, đẹp đẽ hay bị sâu mọt, thực chất đều phụ thuộc vào cách mỗi người lựa chọn nuôi dưỡng hạt mầm đó.

Nhất là trong thời kỳ “nhiễu văn hóa” như nay.

Sách tiếng Việt không phải có quá nhiều nếu so với các sách Tiếng Anh. Nhưng sách HAY không phải không có.

Mình luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các tác phẩm tiếng Việt, dù con mình cũng đọc rất nhiều sách tiếng Anh.

Bởi vì đọc TIẾNG VIỆT, trò chuyện với người Việt có bản sắc …..thì những "hạt mầm" trong con mới nảy nở và phát triển khỏe mạnh.

Đây không phải chỉ là chuyện giữ gìn truyền thống, mà còn là cách để mỗi người tự tìm thấy căn cước văn hóa của riêng mình trong môi trường hội nhập thế giới.

Nhân dịp hai anh đang say mê bàn luận tác phẩm TUỔI THƠ DỮ DỘI, sẵn tớ cũng lên vài đầu tác phẩm giới thiệu cho các bạn đang cùng tâm ý. Các bạn nhớ mua sách giấy và sách thật để ủng hộ tác giả nhé.

1. Tuổi Thơ Dữ Dội– Phùng Quán:

Đọc để biết những em bé 12-13-14 tuổi vùng Bình Trị Thiên đã từng có những lý tưởng, suy nghĩ, tình cảm đặc biệt như thế nào trong thời kỳ chống Pháp. Khôi đọc xong vẫn còn cảm thán bàn luận với mama tổng quản mãi về tuổi đời và hành động của các bạn. Đáng đọc

2. Đất Rừng Phương Nam– Đoàn Giỏi:

Tác phẩm này nổi tiếng quá rồi ha, dựng thành phim rồi ha. Nhưng đọc sách đi để thấy phim vẫn chưa lấy nhiều nước mắt lắm, và chất thơ trong từng lời văn đã khắc họa vẻ đẹp bao la, hào sảng của đất rừng Phương Nam thửa ấy thế nào. Cậu bé An, lưu lạc trong vùng đất rừng Phương Nam giữa thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chuyến phiêu lưu của cậu bé.

3. Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng– Nguyễn Huy Tưởng:

Câu chuyện cảm động về Trần Quốc Toản, một thiếu niên yêu nước trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Tác phẩm đậm chất ngôn ngữ xa xưa, đầy hình ảnh lịch sử. Khắc họa rõ nét hình ảnh người Việt xưa trong thời kỳ vua chúa. Đọc đi để làm giàu hơn Tiếng Việt các bạn nhỏ nhé.

4. Tuổi Thơ Im Lặng– Duy Khán:

Hồi ký tập hợp gồm nhiều chương nhỏ trải dài từ lúc tác giả bắt đầu biết nhận thức cho đến khi gia nhập quân đội năm 15 tuổi. Mỗi chương là những ký ức sinh động về làng quê Bắc Ninh, từ thiên nhiên, phong tục, lễ hội đến mảnh đời những con người có số phận éo le, con vật nuôi, qua con mắt trẻ thơ, không định kiến của cậu bé Khán..

Đọc các tác phẩm và kết hợp tìm hiểu lịch sử Việt Nam giai đoạn được miêu tả trong đó thông qua các sách lịch sử luôn nhé:

Gợi ý để sắm luôn cho nó máu:))

5. Việt Nam Sử Lược- Trần Trọng Kim.

Là một trong những cuốn sách lịch sử dễ đọc và phổ biến nhất, cuốn sách này tóm tắt lịch sử Việt Nam từ thời kỳ Hồng Bàng đến đầu thế kỷ 20. Với cách trình bày rõ ràng, mạch lạc, tác phẩm đã trở thành nguồn tài liệu học tập và nghiên cứu quen thuộc với nhiều thế hệ.

6. Lịch Sử Quân Sự Việt Nam - Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam

Bộ sách đồ sộ này bao gồm nhiều tập, ghi lại các cuộc chiến tranh bảo vệ và mở rộng lãnh thổ của Việt Nam từ thời cổ đại đến thời hiện đại. Tác phẩm đặc biệt chi tiết về các chiến dịch quân sự và vai trò của các danh tướng Việt Nam trong lịch sử.

7. Học Gì Về Tiếng Việt

Hôm nay mạ con nhà chúng tôi đàm luận với nhau về biến thể ngữ âm trong tiếng Việt.

Tôi lấy ví dụ cho 2 anh nghe về 4 chữ CHAY -CHÁY  - CHẢY - CHẠY, một ví dụ hay ho tôi học được từ cuốn “Ý tưởng mới trong văn nghệ và triết học” của thi sĩ, triết gia, học giả Phạm Công Thiện - người được xem là thần đồng triết học của Việt Nam những năm 60. Ông viết cuốn trên năm 19 tuổi.

CHAY - sự thuần khiết của thời ấu thơ với suy nghĩ đầy sự ngây thơ trong sáng, rất “chay tịnh” không pha tạp quá nhiều toan tính.

CHÁY - tuổi thanh niên, khi năng lượng bùng phát, cháy mạnh mẽ với ước mơ, với lý tưởng

CHẢY: Khi ở tuổi thành niên, năng lượng sống không quá bốc đồng như thanh niên nhưng cũng mạnh mẽ bền Bỉ như dòng chảy hướng về biển khơi.

CHẠY: khi bước qua tuổi thành niên, bước vào trung niên, người ta chạy đua thời gian, để hiểu rằng sức người sao đấu lại thời gian.

4 chữ tiếng Việt tuy đơn giản và chỉ bằng sự biến đổi về dấu thôi cũng khái quát được vòng tròn sinh mệnh một cách hài hòa và sâu lắng.

Nhân tiện tôi nhắc các anh, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, mà còn là nơi chứa đựng văn hóa, triết lý và kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ. Thế nên học ngôn ngữ không chỉ là học nghe nói đọc viết mà còn là học quan sát ngôn ngữ bản địa một cách tinh tế thì chúng ta mới có thể nhận ra nhiều chân lý sâu sắc ẩn bên trong đó. Tiếng Việt tôi dạy các anh như vậy, các anh học Tiếng Anh, tiếng Pháp cũng nên như vậy.

Nhiều người sợ tiếng Việt mai một dần đi vì sự lai căng ngôn ngữ, nên phải giữ gìn. Tôi chỉ nghĩ,  dăm ba ngôn ngữ ngoại lai có thể làm u mê những kẻ mới vào đời, ít kinh nghiệm sống. Nhưng đến khi những con người ấy già đi, hiểu mình hơn, trân trọng bản thể của mình hơn tự khắc sẽ nhận ra vẻ đẹp của từ ngữ tiếng mẹ đẻ xung quanh cuộc sống của mình.

Tiếng Việt là thơ, tiếng Việt là nhạc, tiếng Việt là hồi ức, là giấc mơ trẻ thơ. Là tiếng mẹ tiếng cha, tiếng bạn bè, tiếng tình đầu, là dòng máu chảy trong ta.

Tiếng Việt luôn sống. Chỉ có những người chọn lãng quên.


Oct 24, 2024

0 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL Print Email